Nỗi lo cháy trong phố cổ

Thứ Hai, 13/11/2017, 10:18
Bước chân vào những ngõ nhỏ nằm sâu trong khu vực phố cổ Hà Nội, cảm giác của bạn thế nào? Với tôi, đó là sự ngột ngạt bởi không gian chật hẹp, thiếu ánh sáng, ẩm thấp và lo lắng bởi những ngôi nhà tàn tạ, san sát đó như sắp đổ ụp xuống.


Nhiều hộ gia đình có 3, 4 đời sinh sống ở đây. Phần vì điều kiện kinh tế không có, phần vì muốn bám khu vực phố cổ để mưu sinh, thế là các hộ thỏa thuận nhau chia hết các diện tích sử dụng chung, thậm chí chia cả khoảng không gian hiếm hoi và thay vào đó là những “chuồng cọp” chật chội. Nơi đó, những đứa trẻ vẫn sinh ra và lớn lên, thiếu ánh sáng và khí trời.

Nhưng người ta bám phố cổ tất nhiên có lý do của nó. Câu ví “giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố” có lẽ đúng nhất với việc kinh doanh, buôn bán, mở văn phòng ở phố cổ, thậm chí không cần buôn to bán lớn mà chỉ là gánh quà vặt từ sáng sớm đến đêm khuya, tạo cho nơi đây một không khí đặc biệt khi có sự tham gia của rất nhiều du khách nước ngoài.

Minh họa: Lê Tâm

Kể sơ qua như vậy để thấy rằng, “khổ như dân phố cổ” là câu nói hoàn toàn có cơ sở. Tất nhiên, thành phố đã có nhiều chủ trương để giãn dân khu vực phố cổ và đầu tư cơ sở hạ tầng, những điểm văn hóa giải trí nhằm phục vụ người dân và du khách những ngày cuối tuần. Song, nỗi lo về những nguy cơ tiềm ẩn tại đây chưa phải là hết. Một trong những nỗi lo đó là cháy.

Như chúng ta đều biết, những ngôi nhà trong phố cổ đều rất chật hẹp nhưng cùng một lúc phải thực hiện nhiều “chức năng” như: nhà ở, cửa hàng, kho chứa hàng, tiếp khách, nấu nướng…, chính vì thế mà bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra các sự cố về cháy nổ.

Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) rất kém. Vì tận dụng tối đa các khoảng lưu không, diện tích sử dụng chung để xây “chuồng cọp” hoặc kinh doanh nên hầu như họ ít quan tâm đến công tác PCCC. Điều này dẫn đến một thực tế là khi sự cố xảy ra thì chỉ biết đứng nhìn mà không thể thực hiện những biện pháp chữa cháy hiệu quả.

Vụ hỏa hoạn mới đây xảy ra tại một ngõ nhỏ trên phố Hàng Giấy khiến 2 thanh niên tử vong là một ví dụ điển hình và nó lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn PCCC trong phố cổ Hà Nội. Qua tìm hiểu được biết, nhiều vụ cháy xảy ra ban ngày, nạn nhân đều còn trẻ nhưng hầu hết không thể thoát được đám cháy để rồi nhận lấy hậu quả đau lòng.

Một cán bộ PCCC của TP Hà Nội khi trao đổi về công tác PCCC tại đây chỉ biết lắc đầu: Quá nhiều nhà xuống cấp, cũ nát. Người dân mải làm ăn nên cũng không quan tâm sửa chữa nhà cửa khiến tình trạng đó càng thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, hầu hết những nhà trong ngõ đều không có lối thoát nạn, không có hệ thống báo cháy, chữa cháy, hệ thống điện nước chằng chịt nên khi xảy ra cháy mọi người mới biết.

Đó là chưa nói tới việc nhà nào cũng “hương khói” cả ngày, bàn thờ đặt trong nhà chưa đủ, họ còn đặt dưới cầu thang, ngoài sân, lối đi… để cầu cho buôn mau bán đắt khiến nguy cơ cháy luôn rình rập. Qua điều tra cho thấy, tại quận Hoàn Kiếm có 1.700 ngõ nhỏ và 30 tuyến phố xe chữa cháy chuyên dụng không thể tiếp cận hiện trường.

Từ thực trạng và những nguyên nhân gây cháy trên, rất nhiều giải pháp của các cơ quan chức năng đã đưa ra để hạn chế thấp nhất các vụ cháy trong khu vực phố cổ. Thành phố cũng đã có những quy định riêng rất rõ ràng đảm bảo an toàn cho phố cổ.

Thậm chí, qua những đợt kiểm tra, nhiều hộ dân không chấp hành những quy định trên đều bị xử phạt nghiêm khắc. Thế nhưng, những vụ cháy vẫn xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Nó cho thấy ý thức người dân về công tác PCCC còn nhiều hạn chế.

Những vụ cháy xảy ra sẽ là bài học cần thiết để mọi người nâng cao ý thức với bản thân và cộng đồng, từ đó mà có những biện pháp hữu hiệu nhất để việc PCCC có hiệu quả, mang lại sự an toàn cho gia đình và xã hội.

Tuấn Nguyễn
.
.
.