Nỗi lo đảm bảo an ninh mùa lễ hội

Thứ Năm, 01/03/2018, 08:43
Những ngày đầu xuân năm nay, các lễ hội không còn nhiều tình trạng xô đẩy, giành giật, tranh hoa cướp lộc khi có đến hàng chục ngàn người tham gia các lễ hội xuân như Lễ hội Gióng tại Khu Di tích lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, Lễ khai hội Chùa Hương. Tuy nhiên, mùa lễ hội mới chỉ bắt đầu...


Một mùa lễ hội lại về, các nhà quản lý lại đau đầu với nỗi lo đảm bảo an ninh tại các địa điểm diễn ra lễ hội.

Theo ghi nhận của cánh báo chí, những ngày đầu xuân năm nay, các lễ hội không còn nhiều tình trạng xô đẩy, giành giật, tranh hoa cướp lộc khi có đến hàng chục ngàn người tham gia các lễ hội xuân như Lễ hội Gióng tại Khu Di tích lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, Lễ khai hội Chùa Hương. Tuy nhiên, mùa lễ hội mới chỉ bắt đầu...

An toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc

Ngày 21/2, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã có công văn gửi các Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT), Sở VHTT&DL về việc Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018. 

Công văn của Bộ VHTT&DL đánh giá, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong những ngày đầu Xuân Mậu Tuất 2018 đã được diễn ra an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương. 

Mặc dù vậy, ở một số lễ hội, di tích vẫn còn xảy ra hiện tượng đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ mất an toàn trong di tích và lễ hội.

Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VHTT&DL, Sở VH-TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung như, xây dựng phương án đảm bảo an ninh, trật tự, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng đến phương án đảm bảo an toàn tính mạng cho người tham gia hoạt động lễ hội, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại di tích và lễ hội. 

Cần có biện pháp kịp thời thu gom tiền lẻ, tiền đặt lễ, hướng dẫn thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh, giữ gìn vệ sinh môi trường, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm soát chặt chẽ hiện tượng người ăn xin, ăn mày đeo bám gây bức xúc cho du khách. 

Bên cạnh đó phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích, những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội, người tham gia lễ hội phải ứng xử có văn hoá, trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của di tích và lễ hội. 

Ngoài ra phải tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong quản lý và tổ chức lễ hội; không để xảy ra các hành vi phản cảm, kích động bạo lực, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. 

Với các nội dung này, Cục Văn hóa cơ sở đề nghị Sở VHTT&DL, Sở VH-TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích nghiêm túc thực hiện và gửi báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 16 tháng 3 năm 2018 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL.

Du khách trẩy hội Chùa Hương.

Thay đổi tích cực để thu hút du khách

Cùng với chỉ đạo kịp thời về đảm bảo an ninh, an toàn cho lễ hội của Bộ VHTT&DL, rút kinh nghiệm từ những bất cập còn tồn đọng của mùa lễ hội năm trước, Ban tổ chức của từng lễ hội cũng đã chủ động đưa ra các phương án tổ chức để lễ hội thực sự có được hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân. 

Cụ thể, để giữ gìn môi trường cảnh quan, Ban Quản lý lễ hội Chùa Hương kiên quyết không để đò gắn động cơ vận chuyển khách. Ban Tổ chức lễ hội Chùa Hương ước tính, năm 2018 có thể lượng khách tham quan sẽ tăng hơn năm trước, sẽ có khoảng 4.500 đò tham gia phục vụ du khách. 

Tất cả số đò này sẽ được sơn đồng bộ màu xanh, có gắn biển số để tiện cho du khách phản ánh thông tin khi cần thiết. Tất cả đò sẽ được trang bị áo phao đảm bảo an toàn cho du khách. 

Nét mới là trên đò có giỏ đựng rác, không để một du khách nào vứt rác bừa bãi xuống suối Yến. Không cho phép bất kỳ đò nào gắn động cơ vận chuyển khách để giữ nét đẹp tự nhiên cho môi trường. 

Rút kinh nghiệm năm trước, năm nay Chùa Hương sẽ không có hoạt động phát lộc để hạn chế hiện tượng du khách chen lấn, xô đẩy. Hiện tượng cò mồi chèo kéo khách sẽ không để tồn tại. Các tổ kiểm tra liên ngành sẽ liên tục kiểm tra để xử lý những trường hợp vi phạm.

Tại các địa điểm lễ hội khác cũng sẽ có nhiều thay đổi tích cực, chủ yếu là để hạn chế việc xô đẩy, chen lấn, tranh cướp lộc gây mất mỹ quan. Đền Sóc năm ngoái khiến du khách mất cảm tình về chuyện cướp giò lộc hoa tre thì năm nay, Ban tổ chức yêu thay đổi mà chỉ thay đổi cách thức tán lộc để không còn chuyện xô đẩy như mọi năm nữa. 

Chuyện ngả nón xin tiền ở Hội Lim cũng được Ban tổ chức kiên quyết đẩy lùi bằng cách yêu cầu các đội hát, các Câu lạc bộ tham gia lễ hội phải ký một cam kết là các liền anh liền chị hát xong không được phép “ngả nón” xin tiền du khách gây hình ảnh phản cảm. Một lễ hội quan trọng khác là lễ hội Yên Tử. 

Tỉnh Quảng Ninh đầu tư thêm nhiều hạng mục công trình mới phục vụ du khách mùa lễ hội năm nay mà điểm nhấn là khánh thành, đưa vào hoạt động Trung tâm Dịch vụ lễ hội tại khu vực bến Giải Oan thuộc Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử và được thiết kế theo kiến trúc đời nhà Trần thế kỷ XIII.

Ở Ninh Bình, nơi có danh thắng Bái Đính-Tràng An nổi tiếng, năm nay sẽ bổ sung thêm nhiều hoạt động sôi động để thu hút khách tham quan. Ban quản lý Chùa cũng đã nỗ lực bổ sung thêm 150 biển chỉ dẫn tại các khu vực cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc và thuận tiện cho người dân đi lại. 

Đặc biệt quán triệt việc không cho bán hàng rong trong chùa, không tổ chức đổi tiền lẻ, bố trí bàn ghi công đức, hòm công đức thuận tiện cho du khách và thông báo công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân và du khách có thể phản ánh trực tiếp hay báo lạc, báo mất, tạo hình ảnh thân thiện, văn minh tại khu du lịch khi du khách thập phương tới tham gia lễ hội.

Các nơi khác như Lễ hội Đền Trần Nam Định, Lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh) cũng được Ban tổ chức cho biết đã có những phương án tốt nhất để đảm bảo an ninh cho du khách. 

Cụ thể, Đền Trần sẽ đủ ấn cho người tới dự, không để tình trạng chen lấn giành ấn như mọi năm. Lễ hội Núi Bà Đen ngoài việc bắn pháo hoa tầm thấp phục vụ du khách chiêm ngưỡng, còn đưa vào khai thác hệ thống máng trượt mới theo công nghệ châu Âu, với các ưu điểm vượt trội so với hệ thống máng trượt trước đây. 

Máng trượt mới có hệ thống giám sát hành trình, tránh tình trạng xe đụng nhau, khi xe đạt tốc độ trên 40km/h sẽ tự động kích phanh giảm tốc độ… tạo an toàn tuyệt đối cho du khách.

Ban tổ chức tập dượt chuẩn bị cho Lễ hội Yên Tử.

Bỏ bớt lễ hội hay bỏ bớt thói quen thiếu văn minh?

Theo thống kê của Cục Thống kê, cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội lớn nhỏ trong đó có 7.039 lễ hội dân gian. Lễ hội diễn ra ở khắp nơi, tập trung phần nhiều vào những ngày đầu năm. Bên cạnh khó khăn trong việc đảm bảo an ninh lễ hội còn là chuyện lãng phí tiền của, tài nguyên. 

Trên báo chí truyền thông và trên nhiều diễn đàn, nhiều người nêu ý kiến nên bỏ bớt các lễ hội, chỉ giữ lại các lễ hội chính. Tuy nhiên, các lễ hội đã trở thành một phần của đời sống nhân dân, nhất là các lễ hội dân gian. 

Việc bỏ các lễ hội nếu không phù hợp cũng là cần thiết, nhưng có lẽ cần thiết hơn là thay đổi thói quen thiếu văn hóa, thiếu văn minh của người tham gia lễ hội. Vấn đề của các nhà tổ chức là làm sao tổ chức lễ hội cho quy củ, đảm bảo các khâu an ninh, an toàn không xâm phạm môi trường tự nhiên. 

Người dân cần phải thay đổi thái độ, hành xử trong lễ hội, không tranh cướp, dẫm đạp, không mặc cả với thần linh, không xin xỏ thánh thần, không mê tín dị đoan. 

Cùng với khâu tổ chức lễ hội bài bản, nhất thiết phải tuyên truyền đến nhân dân thái độ đúng mực, văn hóa khi đến với lễ hội. Để mỗi mùa lễ hội qua đi sẽ để lại ấn tượng thực sự đẹp và đáng nhớ trong lòng du khách thay vì nỗi sợ hãi như những năm về trước. 

Chu Khôi Minh
.
.
.