Nỗi lo dịch bệnh mùa nắng nóng

Thứ Hai, 18/05/2015, 11:00
Dù mới bước vào hè, chưa có nhiều đợt nắng nóng cao điểm, nhưng sự thay đổi thời tiết, lúc nắng nóng dữ dội, lúc mưa lạnh khiến số lượng bệnh nhân, chủ yếu là trẻ em và người già tăng cao. Số bệnh nhân nhập viện phần lớn là do các bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, tim mạch do sự thay đổi thời tiết.
Dù đã gần trưa, ngoài trời nhiệt độ lên đến 38-39 độ C, nhưng tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số lượng bệnh nhân đến khám và chờ lấy kết quả vẫn còn rất đông.

Thở khó nhọc, cụ Lương, (Thường Tín, Hà Nội) cho biết: "Tôi vốn dĩ bị bệnh huyết áp cao. Lúc nào cũng có thuốc ở trong người. Nhưng sáng nay ngủ dậy thấy người mệt, chóng mặt, buồn nôn, đo huyết áp thấy lên cao quá. Uống thuốc vẫn không hạ. Con gái tôi chở vào đây luôn. Chắc tại do thời tiết thất thường, lúc mưa lúc nắng nóng, người lúc nào cũng thấy khó chịu".

Anh Vương ở Thái Hà kể, bố anh nhập viện đã hơn tuần nay vì bị dị ứng toàn thân. Hằng ngày cứ chiều đến là ông cụ ra công viên đi bộ, tập thể dục. Hôm trước trời nắng nóng, sau khi tập thể dục về, ông cụ đi tắm luôn. Thấy ngứa, ông cụ tưởng do nắng nóng, lắm mồ hôi nên ra sức gãi. Đến tối, cả người mẩn đỏ, chườm nóng, bôi thuốc vẫn không hết ngứa. Vợ chồng anh vội đưa cụ vào viện và bác sĩ bắt phải nhập viện điều trị luôn.

Nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tai biến và các bệnh lý tim mạch, bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, hay dị ứng thời tiết. Theo các bác sĩ, nếu như trời lạnh, mạch máu co lại dễ dẫn đến tai biến mạch máu não thì trời nắng nóng, nhiệt độ cao lại gây nguy hiểm bởi nắng nóng, thời tiết oi bức khiến người cao tuổi dễ bị say nắng, say nóng, mất nước, khó ngủ, làm tăng huyết áp… từ đó dễ dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.

Bệnh viện Nhi Trung ương cuối giờ chiều vẫn đông bệnh nhân.

Thêm vào đó, nắng nóng cũng khiến người già "bực bội" dễ tăng huyết áp, cao huyết áp. Người có tiền sử bệnh tim mạch càng dễ bị say nắng bởi thuốc của người bị bệnh tim mạch thường lợi tiểu, do đó muốn phòng bệnh trong thời tiết nắng nóng người già cần chú ý uống nhiều nước hơn.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho người già trong thời tiết nóng nực như hiện nay, theo khuyến cáo của các bác sỹ chuyên khoa, người già nên uống đủ nước (1,5-2 lít), không đợi khát mới uống và không nên uống nước có gas, có cồn.

Ngoài ra, người già chú ý chế độ ăn uống đầy đủ với nhiều rau xanh và hoa quả tươi, bữa ăn bảo đảm đủ chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng để phòng bệnh. Đặc biệt, khi gặp sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ, độ ẩm, bệnh tai biến mạch máu não thường xảy ra, vì thế, người già khi ra đường cần phải đội mũ, nón rộng vành, đeo khẩu trang, vệ sinh cá nhân.

Các hoạt động thể dục ngoài trời cần được điều chỉnh thời gian cho hợp lý, sáng về sớm, chiều đi muộn để tránh những cú "sốc" về nhiệt độ. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Nếu sử dụng điều hoà, nhiệt độ nên để từ 26 độ trở lên, tránh để quá chênh nhiệt độ trong phòng với ngoài trời, không nên đột ngột từ phòng điều hoà ra ngoài nắng ngay mà phải có thời gian vài phút để thích ứng dần với nhiệt độ ngoài trời.

Nhiều bệnh nhân vẫn kiên trì chờ khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

Có mặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương cuối giờ chiều, các dãy ghế ngồi ở hành lang và trước cửa các phòng khám vẫn khá đông, thậm chí ngay cả ngoài vườn hoa, hành lang cũng la liệt bệnh nhân chờ khám bệnh. Thời tiết nóng bức cùng với số bệnh nhân tới khám rất đông, khiến cho không khí dù trời đã dịu nắng vẫn rất ngột ngạt. Các bậc phụ huynh khuôn mặt mệt mỏi, ngao ngán, các cháu nhỏ hoặc ngủ trên tay cha mẹ, hoặc quấy khóc vì khó chịu.

Bảng điện tử trước mỗi phòng khám hầu như đều nhấp nháy ở con số trên dưới một trăm bệnh nhân. Các bác sĩ tại đây cho biết, mặc dù mới có một hai đợt nắng nóng nhưng số trẻ bị mắc các bệnh do thời tiết nóng bức gây ra tới bệnh viện khám đã tăng rất cao. Trung bình những ngày gần đây, mỗi ngày có trên 1.500 trẻ bị ốm được gia đình đưa tới viện khám, tăng khoảng 20% so với thời điểm bình thường.

Thở dài mệt mỏi, anh Tân (Thái Nguyên) cho biết: "Cháu nhà tôi mới 5 tháng tuổi, ho, sốt cao mấy ngày liền. Cứ nghĩ là viêm họng thường thôi, dùng phương pháp dân gian mãi không đỡ. Khám ở bệnh viện đa khoa trên ấy, người ta bảo viêm phổi cấp, uống thuốc 5 ngày liền không đỡ, vợ chồng tôi vội cho xuống Viện Nhi từ hôm qua. Sáng đưa cháu vào viện xếp hàng chờ khám đông quá, đến giờ vẫn phải đợi lấy các kết quả xét nghiệm để đưa lại cho bác sĩ kết luận và kê thuốc".

Vừa chuẩn bị hành lý cho con ra viện, vừa tiếp chuyện chúng tôi, chị Vân ở phố Nguyên Hồng (Hà Nội) tâm sự, cháu nhà chị mới hơn 1 tuổi. Ho nhiều, sốt cao, sợ vào viện đông nên chị cho đi khám người quen ở ngoài, bác sĩ kết luận viêm phế quản, uống thuốc điều trị gần tuần, thay thuốc hai lần không đỡ.

Sốt ruột chị cho vào Viện Nhi khám, bác sĩ kết luận cháu bị viêm phế quản phổi, yêu cầu nhập viện. Ở phòng thường thì viện phí rẻ hơn, nhưng phải nằm ghép mấy cháu một giường nên anh chị cho cháu ở khu tự nguyện. Nằm viện hơn chục ngày, ra viện hết gần hai chục triệu. Bác sĩ vẫn kê thuốc về nhà uống, hẹn  chục ngày sau vào tái khám.

Không giống chị Vân, chị Ly nhà ở gần Bệnh viện Bạch Mai, bé nhà chị cũng ho, sốt cao và được chẩn đoán là viêm phổi, sốt virut. Bác sĩ bắt nhập viện điều trị nhưng vì Khoa Nhi Bạch Mai có khoảng 60 giường đều chật cứng, nằm ghép 2 - 3 cháu, có giường 5 - 6 cháu, nên chị trốn bác sĩ, cứ ngày hai buổi đưa con vào tiêm và lấy thuốc về nhà uống. "Cũng may nhà tôi gần, chứ nhiều nhà ở các tỉnh lẻ đến, bám trụ ở bệnh viện ngột ngạt đông đúc này cả tháng trời, khổ lắm", chị Ly chia sẻ.

Bệnh viện Lão khoa Trung ương gần trưa vẫn đông bệnh nhân chờ khám.

Bắt đầu bước vào mùa nắng nóng, nguy cơ trẻ mắc các chứng bệnh chân tay miệng, viêm phổi, sốt các loại, viêm màng não, tiêu chảy gia tăng và là nỗi lo thường trực của các phụ huynh. Tại Bệnh viện Bạch Mai, trẻ bị viêm phổi đang điều trị khá nhiều, các ca nặng chủ yếu rơi vào các bé dưới 1 tuổi do sức đề kháng kém, diễn biến nhanh, triệu chứng khó phát hiện. Năm nay, điều khiến bác sĩ cũng như phụ huynh đặc biệt quan tâm là lác đác đã có trẻ bị viêm màng não vào nhập viện dù tháng 6 mới là tháng phát triển của bệnh.

Để phòng tránh, phụ huynh nên đưa con đi tiêm phòng viêm não. Biểu hiện của viêm màng não là sốt cao, nôn, co giật, nặng thì li bì, lờ đờ, bệnh lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp nên phụ huynh đặc biệt phải để ý để đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời. Sau đợt nghỉ lễ 30 - 4, 1 - 5 vừa qua, trẻ nhập viện vì bệnh tiêu chảy cũng bắt đầu tăng. Một số dịch bệnh mùa hè cũng đã xuất hiện.

Tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ chiều 12/5, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở đã ghi nhận 57 trường hợp bị sốt xuất huyết Dengue, rất may không có trường hợp tử vong. Các ca bệnh phân bố rải rác tại 45 xã, phường, thị trấn của 15/30 quận, huyện, thị xã.

Hiện tại có 44 trường hợp đã khỏi hoàn toàn, 13 trường hợp đang điều trị. Bệnh tay-chân-miệng cũng được ghi nhận tăng cao hơn so với năm 2014. Cụ thể, Sở đã ghi nhận 527 trường hợp mắc bệnh, tuy nhiên đều ở thể nhẹ, không có tử vong và phân bố rải rác tại 204 xã, phường, thị trấn của 28/30 quận, huyện, thị xã. Đến nay, còn 8 trường hợp đang điều trị.

Bên cạnh đó, các bệnh sởi, ho gà, thủy đậu tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2014 nhưng vẫn phát hiện nhiều trường hợp lây nhiễm mới.

Đặc biệt, từ đầu hè đến nay, bệnh đau mắt đỏ đang có nguy cơ bùng phát. Về vấn đề này, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết, trong 4 tháng đầu năm, Hà Nội đã phát hiện 127 trường hợp mắc bệnh. Tuy nhiên, các thể bệnh nhân này chủ yếu ở thể nhẹ, không để lại di chứng. Để phòng bệnh, Sở Y tế khuyến cáo người dân cần vệ sinh mắt thường xuyên, nếu phát hiện bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và uống thuốc theo đơn, không chữa bằng thuốc nam.

Nỗi lo dịch bệnh mùa hè không phải của riêng ai. Quan trọng nhất vẫn là tiêm phòng, giữ gìn vệ sinh thật tốt. Các bậc phụ huynh phải luôn là những người chủ động phòng tránh bệnh tật cho con và khi có biểu hiện bất thường, nên tìm đến cơ sở uy tín để khám chữa bệnh.

Ngọc Trâm - Lê Phong
.
.
.