Nỗi lo ngôi chùa độc đáo có thể phải 'khai tử'

Thứ Ba, 14/07/2015, 16:00
Với kiến trúc độc đáo từ thời nhà Mạc, được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 2004, nhưng ngôi chùa Nả (chùa Phúc Lâm) xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội đang rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Hàng chục chiếc cột chống tạm bợ, mái ngói xô lệch, tường nứt toác... đe dọa nghiêm trọng đến đời sống tâm linh của nhân dân tại đây. Nếu không được cơ quan chức năng quan tâm, chắc chắn một thời gian ngắn nữa ngôi chùa này sẽ trở thành quá khứ.
Di tích từ thời Mạc

Chùa Nả được coi là một trong những ngôi chùa cổ và có kiến trúc độc đáo bậc nhất tại Ba Vì. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý, công nhận di tích cấp quốc gia năm 2004. Chính điện được kết cấu xây dựng theo lối thờ cổ truyền gồm một gian hai dĩ, bố mái đao cong, bờ nóc được đắp theo kiểu bờ đỉnh thấp hai đầu bờ nóc là hai con rồng há miệng ngậm vào bờ nóc, đuôi cong cách điệu vẫy lên không trung uốn cong gân guốc thể hiện phong cách thế kỷ XVII.

Mặt tiền tòa chính điện được mở 3 cửa, cửa chính giữa rộng hơn hai cửa bên cửa dĩ, khoảng cách giữa cửa chính đến hai cửa dĩ là hai bức tường, bề mặt được đắp nổi phù điêu hai pho Hộ Pháp giữ cửa điện. Phần mái được làm khá cầu kỳ, kiểu chồng rường. Cột trốn hạ cốn rường cụt kẻ, bẩy được làm theo kiểu khớp mộng chồng đè đơn giản với bốn hàng cột to khỏe. Cột chính là những cây gỗ trôi, được kê lên những phiến đá hình vuông, tròn, phần trên tiếp xúc với mặt cắt của cột.

Nhìn cột, ta có cảm giác là những cây gỗ phần trên thì được bào tròn, còn phần dưới tiếp xúc với đá kê có những vết lồi lõm tựa như phần ăn lên thân cột trông khá đặc biệt. Với 4 hàng cột to khỏe, giản dị, ở đầu cột được đỡ qua hệ thống đấu kê, các đấu kê dài khoảng 30cm được làm theo hình vuông đoạn đấu kê sát cột nhỏ, kết hợp giữa cột nhỏ, kết hợp giữa cốt cái và cột quân là hệ thống kẻ, xà, các đầu dư của bấy, các xà được chạm khắc đầu rồng ngậm ngọc…

Ông Chiến chỉ cho phóng viên phần mái chùa bị xuống cấp.

Nơi đây còn lưu giữ được 17 đạo sắc phong, 5 tấm bia đã được tạo tạc 2 mặt đặt ngay trước cửa chùa được các triều đại trước dựng. Trong đó chiếc chuông hiện đang treo tại chính điện có niên đại năm Định Tỵ (1797), khám thờ sơn son thếp vàng từ thiền sư Nguyễn Đạo Hạnh thời Hậu lê, một bộ võng từ thế kỷ XVI. Ngoài ra còn hàng loạt  pho tượng cổ, cổ vật có giá trị khác.

 Thông qua các văn bia tại đây, vào thời nhà Mạc (năm 1578), chùa Nả được trùng tu lần thứ nhất. Đến thời Tây Sơn niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 2 (Giáp Dần, 1794) được tu sửa lần thứ hai và cho đến nay, chùa Nả được coi là có kiến trúc độc đáo với 3 tòa, 7 lối, 9 dãy hành lang. Tuy nhiên, do thời gian, thiên tai chùa Nả giờ chỉ còn phần hậu cung

"Có sập chúng tôi cũng chịu…"

Chẳng có lời nào để diễn tả được nỗi xót xa của người dân khi chứng kiến ngôi chùa gắn bó với họ hơn 400 năm đang chờ ngày "khai tử". Mưa giông những ngày qua khiến ngôi chùa càng trở nên tiều tụy. Biết chúng tôi tìm hiểu về chùa Nả, ai nấy cũng khấp khởi vui mừng, hy vọng ngôi chùa được cứu.

Cụ Phùng Thị Nhiên nói: "Thỉnh thoảng cũng có đoàn nọ đoàn kia về chùa của chúng tôi. Họ chụp ảnh, đo đạc, ghi ghi chép chép rồi lại đi chẳng thấy gì cả. Chúng tôi có ý kiến để dân làng góp tiền xây dựng nhưng chính quyền không cho, họ bảo đây là di tích quốc gia. Cứ nắng mưa thế này không biết chùa chịu được bao lâu nữa cô chú ơi". Ông Phùng Văn Chiến ba đời trông nom ngôi chùa Nả buồn rười rượi nói với chúng tôi: "Cả chục năm nay chùa xuống cấp rồi. Tất cả đồ thờ, đồ lễ đều phải chuyển từ hậu cung lên chỗ mới. Bà con quanh vùng, khách thập phương cũng không được vào đây để đảm bảo an toàn".

Cột chùa chống tạm được chính quyền và người dân làm khi chùa xuống cấp.

Qua một vòng quan sát ngôi chùa Nả, chúng tôi phải dùng từ "tồi tàn" để miêu tả về sự xuống cấp của nó. Với cột chống được chắp nối vào nhau khắp từ trong ra ngoài khiến ngôi chùa này trở nên yếu ớt. Mái chùa với ngói ri cổ nay vì mưa gió trở nên xô lệch, đảo lộn. Chỗ thì trũng xuống, rồi lại gồ lên; nơi thì thủng toang, cảm giác mái ngói sẽ sập xuống bất cứ lúc nào. Tường của hai đầu đốc nứt toác khiến gạch, vôi rơi vãi khắp nơi.

Ông Chiến vừa đưa chúng tôi đi, vừa kể: "Chúng tôi phải gắn biển cảnh báo nguy hiểm tứ phía chùa. Với tình hình này, chùa sẽ sập mà không báo trước. Bà con đến đây chỉ dám đứng từ xa để nhìn, tuyệt đối không ai được vào phía bên trong".

Như chuẩn bị chui vào hầm khai thác than của thổ phỉ, chúng tôi được cảnh báo trước sự nguy hiểm khi bước vào bên trong của chùa. Một cảm giác buồn, xót xa tràn ngập khi chứng kiến sự tồi tàn của một di tích cấp quốc gia.

Tất cả hiện lên như một công trường, ngổn ngang cột chống, gạch vỡ và lổng chổng gỗ mục rơi từ mái. Theo các cụ cao niên trong làng, gỗ để xây dựng chùa là những loại gỗ tốt như ruối, lim. Tuy vậy, trải qua hàng trăm năm, phần mái nước dột ngấm khiến cho gỗ coi như bị hư hỏng hoàn toàn, mối mọt ăn khắp nơi.

Ông Chiến tâm sự: "Thực lòng chứng kiến cảnh như vậy dân làng tôi vô cùng xót xa. Đây là ngôi chùa lớn nên không chỉ có nhân dân trong vùng đến thắp hương, mà khách thập phương đến tham quan cũng rất nhiều. Tình trạng xuống cấp như vậy là rất nguy hiểm. Chúng tôi chỉ lo mái sập xuống đe dọa đến tính mạng của nhân dân".

Mái tôn được dựng lên để tránh mưa nắng cho ngôi chùa.

Nhận thấy sự nguy hiểm, thầy trụ trì cùng nhân dân bàn bạc di chuyển toàn bộ đồ thờ, tượng lên khu nội cung mới được xây dựng. Một năm về trước, sự kiện di chuyển đồ thờ, tượng lên nơi thờ tự mới là một sự kiện mà tất cả mọi người không thể quên được.

Ông Chiến buồn bã kể lại: "Hôm đó chúng tôi làm lễ di chuyển lên mà lòng nặng trĩu, toàn bộ nhân dân không giấu được nỗi buồn. Hội Trung sơn thọ (những người trên 50 tuổi trong làng) làm lễ di chuyển mà không ai cầm được nước mắt".

Toàn bộ người dân nơi đây đều khẳng định rằng, họ sẵn sàng đóng góp để trùng tu lại ngôi chùa, cứu một di tích đặc biệt. Thế nhưng đâu phải cứ muốn là được, Luật Di sản đâu cho phép tự ý trùng tu, bao nhiêu "vết xe đổ" về trùng tu di tích còn nhãn tiền. Trước tình trạng bất lực đó, người dân và chính quyền địa phương chỉ còn biết đối phó tạm thời. Năm 2014, Phòng Văn hóa huyện phối hợp với UBND xã Chu Minh và nhân dân đã làm toàn bộ mái tôn che chắn ngôi chùa này.

Ông Phùng Văn Viên, cán bộ phụ trách văn hóa xã Chu Minh cho biết:

Tình trạng xuống cấp của ngôi chùa Nả diễn ra nhiều năm nay nhưng chưa được trùng tu. Vì đây là di tích quốc gia nên chúng tôi không dám xã hội hóa để trùng tu. Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng này, Ban Quản lý danh thắng, UBND huyện Ba vì, Phòng Văn hóa huyện Ba Vì đã làm mái che, chờ đợi kinh phí của nhà nước.

Chúng tôi thường xuyên có những báo cáo với Phòng Văn hóa huyện về thực trạng của chùa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải tuyên truyền cho nhân dân phải chờ đợi quyết định cũng như kinh phí của nhà nước. Không thể tự ý động chạm, tu sửa chùa được.

Phần gỗ gần như đã mục ruỗng hoàn toàn, mái thì sập xệ, phần tường rạn nứt rất nghiêm trọng. Chúng tôi đã có tờ trình, báo cáo tình trạng khẩn cấp với cấp trên. Là cán bộ địa phương, chúng tôi cũng tha thiết được nhà nước quan tâm trùng tu sớm di tích chùa Nả để ổn định đời sống tâm linh cho bà con.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì cho biết: Thủ tục trùng tu tôn tạo thì chúng tôi đã làm hết rồi nhưng hiện đang đợi nguồn từ thành phố. Để chống cho nó không sụp đổ thì Phòng Văn hóa của huyện đã bỏ tiền ra làm mái tôn che ở phía trên, nếu không thì nó đã đổ lâu rồi. Thấy nó nguy hiểm quá nên phải làm thôi. Chùa Nả là nơi có rất nhiều điểm đặc biệt, vì nó có từ thời nhà Mạc, nó cũng là nơi tiền phật hậu thánh nên rất quý.

Nếu việc trùng tu mà hết ít tiền, khoảng một vài trăm triệu, năm trăm triệu, thậm chí là một tỉ thì có thể xã hội hóa làm được. Nhưng ở đây cần số tiền nhiều hơn thế, do vậy bắt buộc phải chờ ngân sách của thành phố. Tôi nghĩ chắc cũng chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, chùa sẽ được trùng tu.

Quang Ngọc
.
.
.