Nơi lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn bận rộn nhất thế giới

Chủ Nhật, 18/02/2018, 08:09
London là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của Vương quốc Anh và là một trong những đầu mối giao thương lớn nhất không chỉ châu Âu mà của cả thế giới. Do vậy, công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn được đặc biệt coi trọng.


Đây là nơi nhiều cơ quan chính trị, kinh tế, văn hóa… của châu Âu và thế giới đặt trụ sở và cũng là nơi có rất nhiều cơ sở quan trọng về an ninh quốc gia và quốc phòng cùng hệ thống tàu điện ngầm cực lớn.

LFB duy trì và thực hiện nghiêm ngặt chế độ trực ban chỉ huy và tiếp nhận tin báo qua nhiều nguồn, trong đó quan trọng nhất là số điện thoại đường dây nóng 999. 

Mỗi năm, LFB nhận được khoảng 172.000 tin báo về cháy nổ và cứu hộ, cứu nạn qua điện thoại, trong đó có khoảng 21.000 tin báo cháy (khoảng 11.000 tin là báo cháy nghiêm trọng). 

Với khối lượng công việc khổng lồ và địa bàn rất rộng, quan trọng như vậy nên LFB là một trong những lực lượng PCCC và cứu hộ, cứu nạn bận rộn nhất trên thế giới.

Để đảm bảo hoạt động thông suốt, LFB thiết lập cơ chế hoạt động, sự phân công, phân cấp rõ ràng, tránh chồng chéo từ khâu tiếp nhận tin báo, chỉ huy, điều phối và thực hiện nhiệm vụ. 

Tại trụ sở, LFB có 4 đơn vị thường trực là Đội phòng cháy và an toàn cộng đồng, Đội chính sách và đào tạo, Đội nhân lực, Đội điều phối. LFB có 5 trung tâm (mỗi trung tâm phụ trách một số khu vực trên địa bàn Thủ đô), bao gồm có 103 đồn PCCC, trong đó có 1 đồn PCCC trên sông. 

Ngoài ra, LFB còn có Văn phòng điều tra chịu trách nhiệm độc lập điều tra hoặc phối hợp cảnh sát London điều tra nguyên nhân các vụ cháy nổ, sự cố cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn và 1 đơn vị chó nghiệp vụ. 

Các đơn vị trực tiếp chiến đấu duy trì chế độ làm việc theo kíp (2 ca làm việc 10,5 giờ ban ngày + 2 ca làm việc 13,5 giờ ban đêm và tiếp theo là 4 ngày nghỉ), đảm bảo ứng trực 24/24h. 

Các nhân viên LFB được tuyển chọn kỹ càng từ khâu sàng lọc hồ sơ, kiểm tra về sức khỏe, kiến thức, kỹ năng và khả năng phản xạ tình huống. Sau khi trúng tuyển, các ứng viên phải trải qua nhiều khóa đào tạo cơ bản và nâng cao, nếu đạt yêu cầu mới được đưa về thực tập ứng trực tại các đơn vị trực tiếp chiến đấu (thời gian 12 tháng) trước khi được xét trở thành nhân viên chính thức. 

Mọi thành viên LFB đều phải thuần thục các kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu, kỹ năng sinh tồn cơ bản, biết sử dụng các phương tiện, công cụ PCCC và cứu nạn, cứu hộ thông thường và đủ khả năng hướng dẫn người khác khi có tình huống sự cố. 

Trung tâm huấn luyện được đặt ngay sát trụ sở chính của LFB, là nơi các nhân viên LFB ở tất cả các cấp bậc thường xuyên được gửi đến để học tập, huấn luyện các kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ mới cũng như cập nhật pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, kỹ năng chỉ huy, lãnh đạo...

Lính cứu hỏa London.

 LFB chia các khu vực theo độ cấp bách, mức độ quan trọng và độ khó tiếp cận, cấp độ A, B, C, D để đưa ra tiêu chuẩn điều động lực lượng, phương tiện và thời gian phản ứng. 

Theo đó, địa bàn loại A thời gian đội PCCC tiếp cận hiện trường tối đa là 5 phút kể từ khi nhận tin báo, địa bàn loại B là 8 phút, địa bàn loại C là 10 phút và địa bàn loại D là 20 phút. 

Trong những năm gần đây, thời gian tiếp cận hiện trường của các đội PCCC và cứu nạn, cứu hộ của LFB luôn ít hơn thời gian tối đa cho phép, thể hiện sự chuyên nghiệp và nhanh chóng trong xử lý sự cố. 

Trong khi thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp, LFB được quyền trưng dụng đồ vật, phương tiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân để phục vụ công việc nếu cần thiết và yêu cầu các đơn vị khác như quân đội, cảnh sát, hải quan hỗ trợ. 

Với tình huống đặc biệt phức tạp, LFB được quyền yêu cầu Trung tâm chỉ huy PCCC quốc gia điều động các đơn vị PCCC và cứu nạn, cứu hộ từ các lực lượng khác hoặc địa phương khác tới hỗ trợ. 

Để đáp ứng yêu cầu công việc LFB được trang bị vật chất rất hiện đại. Trung tâm điều hành có hệ thống thông tin kết nối trực tuyến với các đơn vị, đồn PCCC và các xe chỉ huy di động thông qua hệ thống mạng bảo mật và thông tin vệ tinh. 

Các cuộc gọi đến LFB đều được ghi âm và định vị để xác định địa điểm và làm căn cứ xử lý. Các đơn vị và nhân viên LFB khi làm nhiệm vụ liên lạc thông qua hệ thống bộ đàm sóng ngắn. 

Nhân viên LFB được trang bị đầy đủ các công cụ và dụng cụ bảo hộ hiện đại nhất để hạn chế thấp nhất rủi ro và tác nghiệp nhanh chóng nhất. Hệ thống phương tiện gồm 157 xe cứu hỏa, 11 xe vận tải, 11 xe thang, 15 xe cứu nạn, 14 xe đặc chủng tìm kiếm cứu nạn và 1 thuyền PCCC đều là những phương tiện mới, hiện đại và đáp ứng tiêu chuẩn khí thải EURO VI.

Ngoài việc thực hiện công tác xử lý các sự cố xảy ra, LFB coi trọng hoạt động phòng ngừa. Công tác truyền thông, giáo dục, đào tạo các quy định của pháp luật về PCCC, kỹ năng cứu nạn, cứu hộ… được tiến hành rộng khắp để mọi người dân đều nắm được, hình thành ý thức tự giác thực hiện. 

Các nhân viên LFB được cử đến các trường học các cấp, các cơ quan, đơn vị, khu dân cư… để tổ chức truyền đạt kiến thức, hướng dẫn PCCC, cứu nạn cứu hộ, tổ chức diễn tập các tình huống. 

Mọi công trình xây dựng và các cơ quan đều phải có phương án PCCC, thoát nạn, thoát hiểm và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cho công tác này. Các thanh tra của LFB sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất, nếu không đạt yêu cầu sẽ bị đình chỉ thi công, tước quyền sử dụng hoặc thậm chí người quản lý sẽ bị xử lý hình sự.

Trong lịch sử hoạt động của mình, LFB đã chiến đấu và xử lý rất nhiều vụ cháy nổ lớn tại London và các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn kinh điển. Các chiến sỹ của LFB đều thể hiện sự quả cảm, tinh thần chiến đấu cao, không quản ngại hy sinh và huy động linh hoạt được các sức mạnh hiệp đồng lực lượng và trang thiết bị, chiến thuật để đạt hiệu quả cao. 

Việc thực hiện nhiệm vụ nguy hiểm không tránh khỏi thiệt hại. 73 sỹ quan LFB đã anh dũng hy sinh và hàng trăm người khác bị thương khi làm nhiệm vụ. Họ đã được vinh danh và tuyên thưởng xứng đáng. 

LFB cũng chi viện tích cực cho các sở Cảnh sát PCCC khác, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế và đều được đánh giá cao về hiệu quả. Nước Anh đã rút ra khỏi EU theo định hướng phát triển độc lập mạnh mẽ và sẽ có nhiều đổi thay nhưng Anh vẫn sẽ là một trong những trung tâm của thế giới cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. 

Do vậy, công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ phục vụ phát triển cũng luôn là vấn đề quan trọng, đặc biệt là tại khu vực Thủ đô. LFB đã lên kế hoạch thực hiện nhiều biện pháp đổi mới và hiện đại hóa hơn nữa trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Sở cảnh sát phòng cháy, chữa cháy London (LFB, Vương quốc Anh) được thành lập từ năm 1865 theo Đạo luật về PCCC ở đô thị. Hiện LFB có quân số hơn 6.000 người với ngân sách hoạt động hằng năm khoảng 530 triệu bảng. Đây là Sở cảnh sát PCCC lớn thứ 4 trên thế giới (sau các Sở cảnh sát PCCC Tokyo, New York và Scotland). LFB được đánh giá là một trong 10 Sở Cảnh sát PCCC hiện đại, chính quy và hiệu quả nhất hiện nay.
Phạm Vũ
.
.
.