Nơi người dân nấu canh không cần... cho muối

Thứ Sáu, 28/03/2014, 11:00

Làng nghề chế tác lược sừng Thụy Ứng, xã Hòa Bình (Thường Tín, Hà Nội) từ lâu được biết đến như một điển hình trong công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường ở Thụy Ứng đang thực sự trong ngưỡng đáng báo động. Hàng chục cơ sở ngâm, sơ chế và thuộc da trâu, bò đang từng ngày bức tử môi trường sống của người dân làng nghề. Làng nghề ô nhiễm đến độ mạch nước ngầm mặn chát, cây lúa không cho ra hạt và người dân nấu canh… không cần cho muối.

Từ chuyện cả làng được hưởng "lộc" nghề

Theo nhiều nguồn tư liệu lịch sử ghi lại, nghề chế tác lược sừng có ở Thụy Ứng có từ thời vua Lê Trung Tông, hiệu Thuận Bình, làm vua từ năm 1549 đến 1556 (thời kỳ Nam Bắc Triều). Làng nghề ước chừng cũng có khoảng trên 400 năm tuổi. Năm 2008  Thụy Ứng được Nhà nước công nhận  là làng nghề truyền thống".

Chuyện cả làng Thụy Ứng được hưởng "lộc" nghề chẳng cần phải là một chuyên gia kinh tế cũng phần nào nhận thấy được. Đến Thụy Ứng nhà cao tầng mọc lên san sát, ngợp cả vùng quê. Theo nhẩm tính của ông trưởng thôn, Thụy Ứng có 3.600 nhân khẩu, tương đương với trên 800 hộ, trong số đó 60% người trong làng còn giữ và ăn nên làm ra nhờ nghề lược sừng. Số lượng người làng không theo nghề chỉ thuộc dạng hiếm hoi, khoảng 10%.

Một cơ sở sản xuất sơ chế da trâu bò gây ô nhiễm.

"Làm cái nghề lược sừng này dân làng bắt nhịp thị trường nhanh lắm, mẫu mã và các sản phẩm từ xương, sừng cũng đa dạng, phong phú thế nên các sản phẩm từ nghề mới có mặt khắp trong nam, ngoài bắc, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Nói đâu xa, chỉ riêng thu nhập từ nghề cũng tương đối cao, nhân công ngoài địa phương là tầm 3 triệu/tháng" - ông Nguyễn Tuấn Anh hớn hở khoe.

Sự phát triển của nghề truyền thống ở Thụy Ứng có thể dễ dàng thấy, tuy nhiên song hành cùng với nó là những bức xúc khó giải tỏa trong vấn đề môi trường. "Thụy Ứng hiện tại chìm trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng" - ông trưởng thôn thẳng thắn bày tỏ. Nỗi niềm trăn trở của vị trưởng thôn không hẳn vô căn cứ. Bất cứ ai khi đặt chân đến làng đều dễ dàng cảm nhận được cái vị nồng ngái, khét lẹt của những vụn sừng, móng bị đốt cháy. Chưa hết cái vị khó chịu ấy còn được quyện thêm vị thum thủm, hôi hám phả ra từ những cơ sở sơ chế da trâu, bò.

Nấu canh không cần cho muối

Khoảng 5 năm gần đây, người dân làng Thụy Ứng có thêm cái nghề buôn da trâu bò. Bỗng chốc, nơi đây trở thành một trong những thủ phủ tiêu thụ da trâu bò lớn nhất miền bắc. "Ở đây mình chỉ mua lại da trâu bò rồi sơ chế. Nếu da tươi thì ngâm lại bằng nước muối, cắt các cái mỡ còn vương, dính vào da rồi tiếp tục ngâm muối, sau đó bán cho các nhà máy da" - một chủ cơ sở sơ chế da cho biết.

Thụy Ứng có khoảng 10 hộ buôn bán da. Dĩ nhiên chuyện sẽ không ồn ã nếu như nó không là nguyên nhân chính khiến không ít đất "bờ xôi ruộng mật" trong làng phải trong cảnh bỏ hoang. "Anh đi dọc mấy cái đám ruộng quanh làng ấy, toàn để cỏ mọc rườm rà rồi có ai cấy hái gì đâu, đấy là do bị nước muối nó ngấm đấy" - một người dân than thở.

Đem chuyện "nhiễm mặn" này kể cho ông Nguyễn Tuấn Anh, vị trưởng thôn cũng thẳng thắn nhìn nhận: "Xin lỗi tôi nói thẳng nhé, cái thứ nước muối ấy xả ra, thải ra thì nó phải chảy ra ao, ra hồ. Khi mà mình tưới tiêu cho đồng ruộng thì mình lại phải lấy nước ở ao hồ ấy để tưới tiêu cho đồng ruộng thì đâm ra chết lúa. Nhưng mà thế này, nó sẽ không làm chết lúa luôn mà là nó sẽ ngấm, cây lúa xanh tươi, tốt ngùn ngụt nhưng lại không cho hạt. Cây lúa cứ đứng trơ mà không có hạt. Chỗ nào mà nước muối nó ngấm trực tiếp thì mới chết luôn còn không thì nó chết từ từ".

 Như để logic hơn trong điều mình nói, ông Tuấn Anh phân tích: "Hay ví dụ thế này nhé, các nơi người ta gặt được 2 tạ rưỡi/sào. Thế nhưng, ở đây người ta gặt chỉ được 1 tạ bảy/sào thôi. Người ta vẫn nói lúa tốt thế nhưng nó đâu có tốt, nếu như người ta lấy nước sạch khác tưới tiêu thì chắc chắn cũng phải được thêm 50, 70kg thóc/sào. Nếu đem cái số này nhân với 70, 80 mẫu ruộng thì đã là bao nhiêu của. Đấy, người ta đâu có hình dung ra các cái mất mà mình không biết, cái thiệt hại không biết được".

Cũng theo phản ánh của người dân, hiện tại hầu hết các hộ gia đình ở Thụy Ứng vẫn sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt. Tuy nhiên, nước giếng dù có lọc nhiều lần nhưng vẫn ướm màu vàng hoe, có vị mặn chát đến nỗi người dân thường hóm hỉnh đùa nhau rằng "ở đây nấu canh không cần cho thêm muối".

Mục sở thị cơ sở ướp muối da trâu

Cách tấm biển trước cổng làng chưa đầy 500 mét, chếch về phía mạn tay trái là một nhà kho ướp da trâu bò lớn nhất nhì Thụy Ứng. Phả ra từ ngôi nhà cấp bốn này là mùi hôi tanh nồng nặc khiến bất cứ ai qua lại cũng phải bịt mũi ngán ngẩm. Khi chúng tôi ghé xưởng này bắt gặp cảnh 2, 3 nữ công nhân tay lăm lăm con dao đang miệt mài bóc, tách những gợn mỡ thừa, dính vào bề mặt tấm da. Sau khi da được sơ chế, những tấm da được công nhân trong xưởng quẳng ra một góc rồi chúng tiếp tục được rửa lại bằng nước muối. Đáng nói, thứ nước kền kệt, vị mặn chát ấy được xả thẳng ra cống đến các mương tưới tiêu mà không hề qua khâu xử lý nào.

Trưởng thôn Nguyễn Tuấn Anh chia sẽ những bức xúc của người dân.

Như để giải đáp các băn khoăn của tôi khi thấy có không ít diện tích đất ruộng xung quanh các cơ sở sơ chế da trâu bị bỏ hoang cho cỏ mọc, ông Nguyễn Tuấn Anh giải thích: "Da trâu, da bò sau khi ngâm thì nước muối nó sẽ chảy ra. Mười cân da trâu, da bò sau khi chảy bớt lượng nước muối phải hao đi 20 - 30%. Nó không có cái biện pháp gì xử lý, dĩ nhiên nó sẽ chảy ra môi trường, nó chảy xuống ruộng lúa".

Ô nhiễm môi trường đang từng ngày ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt, sức khỏe của người dân làng nghề Thụy Ứng là điều hiển hiện dễ thấy. Tuy nhiên vấn đề bóc, tách giữa lợi nhuận và thiệt hại từ nghề Thụy Ứng trên phương diện quản lý vẫn đang trong quá trình… bế tắc nếu không muốn nói là "rối như bòng bong".

Cũng dễ hiểu vì sao dự án được UBND TP Hà Nội đã chấp thuận quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 7ha ở Thụy Ứng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có gì tiến triển. Hay nói theo cách dễ hiểu hơn, người dân Thụy Ứng đang từng ngày sống vì nghề và chết cũng vì nghề.

Đồng quan điểm này, trưởng thôn Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: "Dĩ nhiên nó ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đến việc trồng trọt của nhân dân. Thế nhưng nó lại mang lợi nhuận cao cho các hộ gia đình ấy bởi họ lại tạo điều kiện việc làm cho người dân trong làng. Đấy, nó lại có cái ngược như thế, nó lợi cái này nhưng lại ảnh hưởng đến cái kia".

Chậm trễ trong công tác tháo gỡ tình trạng ô nhiễm môi trường ở Thụy Ứng, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Trong khi chờ đợi những hồi âm tích cực từ phía cơ quan chức năng, hơn 3.600 nhân khẩu ở Thụy Ứng hàng ngày vẫn phải âm thầm chịu đựng bầu không khí ngột ngạt

Theo thống kê của hiệp hội làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có trên 1.300 làng nghề được công nhận và 3.200 làng có nghề. Tuy nhiên, nhiều làng nghề hiện đang bị ô nhiễm nặng. Theo kết quả quan trắc môi trường của Cục kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục môi trường) với 46 làng nghề thuộc các lĩnh vực dệt nhuộm, sản xuất mỹ nghệ, chế biến lương thực - thực phẩm, sản xuất mỹ nghệ… cho thấy 45/46 làng nghề (chiếm 97,8%) có chỉ tiêu quan trắc chất lượng không khí vượt quy chuẩn cho phép từ 1,1 đến 4,3 lần. Khảo sát tại 52 làng nghề trong cả nước, có đến 46% làng nghề bị ô nhiễm nặng và 27% bị ô nhiễm vừa.

Luyện Đinh
.
.
.