Nỗi niềm của cư dân sống trong những khu tập thể cũ tại Hà Nội

Thứ Ba, 23/07/2019, 09:26
Câu chuyện người dân bám trụ tại các chung cư, tập thể cũ tại Hà Nội dường như trở thành “vấn đề” không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các thành phố lớn.

Ẩm thấp, u ám, chuồng cọp tạm bợ, mất an toàn, mất vệ sinh nhưng cư dân vẫn bình thản sống. Trải qua bao thế hệ, bám trụ rồi trưởng thành ở chính môi trường ấy. Thế rồi, cơn bão đô thị, áp lực về dân số luồn lách khắp các con phố ở Hà Nội thì dường như họ không còn kìm nén được nữa.

Nghìn lẻ một nỗi khổ không nói thành lời

Chúng tôi đến khu tập thể đường sắt A7 (Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) vào đúng buổi chiều tan tầm, khi mà người dân đã bắt đầu trở về với căn hộ cũ kỹ của mình. Tiếng trẻ con, tiếng người già gọi nhau, cộng vào đó là đủ thứ mùi của khói than, mùi thức ăn, thậm chí cả mùi xú uế của rác thải. Tất cả đã tạo nên một thứ gọi là “đặc sản” của khu tập thể cũ này. Đây là khu tập thể được xây dựng khoảng 40 năm về trước. Khu này ban đầu được phân cho cán bộ, công nhân viên ngành đường sắt. Sau mấy chục năm, nơi đây đã nhuộm lên mình một màu “già nua”, cũ kỹ.

Qua tìm hiểu, khu tập thể A7 này được Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá mức độ nguy hiểm. Khắp khu nhà này đang bị hư hỏng, các bức tường bị nứt, hoen ố, bong tróc, hành lang tối tăm, ẩm thấp sâu hun hút. 

Là một trong những người đầu tiên đến đây sinh sống, bà Nguyễn Thị Hiền (78 tuổi) đang cặm cụi nhóm bếp than để chuẩn bị cho bữa cơm tối. Bà bảo, nhà bà ở tầng 1 thấp hơn mặt đường nên rất ẩm thấp, cứ mùa mưa nước ngập, rác thải ở cống rãnh cũng theo đó trôi vào nhà. 

“Đấy, nhà thì chật hẹp, bí bức, điều kiện không có nên cứ phải mang bếp than ra chân cầu thang này để nấu cơm. Mà chúng tôi lo nhất là dãy nhà này bị sụt lún và nghiêng từ nhiều năm nay rồi. Chưa kể ruồi muỗi, bọ, chuột chạy suốt đêm” – Bà Hiền rầu rầu kể.

UBND TP Hà Nội cần có những chính sách phù hợp để việc cải tạo các chung cư cũ sớm trở thành hiện thực.

Cùng chung cảnh ngộ, tại khu tập thể C5 Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chẳng khá hơn là bao. Thấy chúng tôi đến, bà Nguyễn Thị Mai lắc đầu ngán ngẩm: “Lại nhà báo đến để xem chúng tôi sống khổ thế nào chứ gì?”. 

Căn hộ của bà Mai là do hai vợ chồng tích cóp, vay mượn thêm mới đủ tiền mua. Dù đã cố hết sức nhưng căn hộ chỉ khoảng 20m². Sau 10 năm hai vợ chồng ở, dãy nhà này đã sụt lún khá nghiêm trọng. Những mảng tường nứt lở, trần nhà bong tróc rơi lả tả khắp nơi. Chưa kể đến mùa mưa, nước ngấm qua trần, tường khiến cả phòng ẩm ướt, thậm chí nước lõng bõng. 

“Đúng là mang tiếng ở trung tâm Thủ đô nhưng nỗi khổ của chúng tôi thì kể không thể hết được. Nền nhà sụt lún thấp hơn so với mặt đường cả mét, cứ mưa là nước cống, rác thải lại trôi lênh láng khắp. Do diện tích quá nhỏ nên nhiều nhà đã mang đồ đạc, bếp ga, bếp lò ra hành lang nấu nướng khiến cảnh quan vốn sấp sệ lại càng thêm nhếch nhác. Nhà tôi còn ít người, nhiều nhà có đến 8 -9 người trong một căn 20- 30m²” – Bà Mai kểí.

Khu tập thể Thành Công (Ba Đình) được nhiều người biết đến là một trong những dãy nhà đặt trong tình trạng báo động, đặc biệt nguy hiểm. Thế nhưng người dân ở đây vẫn cố gắng bám trụ, sống trong hoang mang lo lắng từng ngày. Có đến đây, tận mắt chứng kiến mới thấy được sự nguy hiểm đang ngày đêm rình rập các cư dân. Từng mảng tường bong tróc, trơ gạch, thậm chí những vết nứt toác ngày càng to. Đặc biệt khu cầu thang lên xuống đã nứt gãy và được vá chằng chịt, dây điện, dây mạng buộc nối khắp hành lang. 

Ông Lê Văn Thành (75 tuổi) cư dân lâu năm nhất tại đây chia sẻ: “Chị thấy đấy, lên cầu thang chúng tôi cũng không dám bước mạnh đâu. Xe máy lên xuống không được nổ máy sợ ảnh hưởng đến nhà ấy… đây, đây… trần nhà lở trơ cả sắt thép kia kìa. Trẻ con chơi là phải có người lớn trông, không cẩn thận mảng tường rơi xuống là chết”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, đặc điểm chung là việc cải tạo, cơi nới đã làm thay đổi kết cấu ngôi nhà, hệ thống chống thấm không được đảm bảo. Điều này đã xảy ra hiện tượng rò rỉ nước sinh hoạt, kéo theo là những vấn đề tiêu cực như tường ẩm mốc, tróc lở, mối mọt… Dù sống tại đây ẩn chứa muôn vàn những hiểm họa, cùng với nỗi khổ vì nhà xuống cấp thế nhưng khi cơ quan chức năng khuyến khích di dời đi nơi khác nhưng đa số chẳng ai mặn mà.

Cầu thang của khu tập thể A7 (Ngọc Khánh) tối tăm, ẩm ướt.

Không di dời vì nhà ở  "đất vàng"?

Theo số liệu thống kê của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, tại Hà Nội có hơn 1.500 chung cư cũ tại 76 khu và 306 nhà chung cư độc lập có quy mô từ 2-5 tầng. Các chung cư này thường được xây dựng từ năm 1960 đến năm 1990, đến nay chúng đều rơi vào tình trạng xuống cấp, nhiều toà chung cư, căn hộ bị đục, cơi nới xây dựng. Đáng nghi ngại, hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội xung quanh đang bị quá tải. 

Chính quyền Hà Nội đã sớm nhận ra thực trạng này và đã có chủ trương cải tạo, nâng cấp, phá vỡ, xây dựng mới các chung cư cũ với sự tham gia của các doanh nghiệp bất động sản. Thế nhưng, chủ trương là như vậy nhưng quá trình thực hiện vẫn diễn ra khá ì ạch. Nguyên nhân chính vẫn là do các cư dân tại các khu tập thể chẳng ai mặn mà với việc phải thay đổi chỗ ở.

Lý do mà người dân không muốn di dời là vì họ đã quá quen, quá gắn bó với ngôi nhà của mình, đặc biệt với những người già. Bà Hiền (Khu tập thể đường sắt A7, Ngọc Khánh) nói với chúng tôi, dù biết hư hỏng nặng, biết nguy hiểm rình rập nhưng đó vẫn là nhà – là nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm vui buồn. 

Vợ chồng bà Hiền lấy nhau rồi sinh được 4 người con, chính ngôi nhà này ông bà đã chứng kiến cả 4 đứa con khôn lớn. Dù hiện nay căn nhà chỉ có hai ông bà ở nhưng chưa khi nào bà muốn di dời đi nơi khác. Sáng ra đi chợ, cơm nước cho hai người. Sau đó tạt vào hàng xóm chơi với những người bạn già, không thì cũng ra quán nước trước cửa buôn chuyện. 

Cuộc sống tưởng chừng như nhàm chán nhưng cứ nghĩ đến việc phải xa khu tập thể này là hai vợ chồng bà Hiền nặng trĩu. Mấy chục năm sinh sống ở đây rồi, nó gắn bó lắm, thân thương lắm. Hàng xóm, láng giềng cũng thân thiết, sớm tối có nhau. Ở đây cũng khá thuận tiện về trường lớp, về bệnh viện - bà Hiền tâm sự.

Không chỉ xuống cấp mà rác thải được vứt khắp nơi tại các khu tập thể cũ.

Nhắc đến chuyện phải di dời đi nơi khác, ông Lê Văn Long (72 tuổi), sống trong đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh, được đánh giá là khu nhà nguy hiểm nhất, gay gắt nói với chúng tôi: “Ai đi cứ đi, ai chê cứ chê, ai sợ thì cứ việc đi. Tôi có chết vẫn cứ ở đây, là nơi tôi gắn bó, nơi đầy những kỷ niệm của vợ chồng, con cái tôi. 

Chúng tôi sống với nhau ở đây mấy chục năm, hàng xóm xem nhau như người nhà. Ngày xưa chúng tôi đi làm, hễ đi qua nhà nhau là kiểu gì cũng phải ngó qua nhà nhau chào một câu. Là láng giềng thôi nhưng luôn để tâm đến nhà bên cạnh, ai ốm đau chúng tôi đều biết, đến giờ chúng tôi vẫn giữ nếp sống đó. Hơn nữa, vị trí tòa nhà thuộc “đất vàng” của thành phố, gần chợ, gần trường, gần hồ Giảng Võ thoáng mát nên chẳng ai muốn đi cả”.

Tâm lý sống ở khu “đất vàng” của Thủ đô có lẽ không chỉ riêng ông Long, mà hầu hết cư dân tại đây đều nghĩ vậy. Họ cho rằng, dù nơi ở có nguy hiểm, có mất vệ sinh nhưng điều kiện xã hội rất tốt. 

Bà Lê Thị Liễu (64 tuổi) cư dân tại đây cho hay, từ rất nhiều năm, khu A tập thể Ngọc Khánh được đưa vào quyết định di dời của UBND TP. Hà Nội. Thế nhưng, sau nhiều năm thuyết phục, hầu hết các hộ vẫn kiên quyết bám trụ. 

“Khu nhà nằm ngay sát mặt đường lớn, phía sau nhìn ra 2 mặt hồ Giảng Võ và hồ Thành Công, hơn nữa lại gần chợ, gần trường học. Địa thế đẹp như vậy, nếu đập đi xây mới, chủ đầu tư sẽ kiếm được tiền tỷ. Đây cũng là một phần lý do khiến hầu hết các hộ dân đều ở đây không muốn dời đi” - bà Liễu nói. Người phụ nữ này còn cho biết thêm, hiện giá mặt bằng tại khu vực này giao động khoảng 50-70 triệu/m², thậm chí, có vị trí còn được rao với giá gần 90 triệu/m².

Địa thế đẹp, lưu giữ những ký ức một thời… nhiều hộ dân đã không chịu di dời bất chấp cả nguy hiểm, bất chấp cả điều kiện sinh hoạt khó khăn. Thế nhưng đây mới chỉ là một trong những lý do khiến người dân bám trụ lại. Vậy còn điều gì khiến các cư dân không muốn dời bỏ ngôi nhà cũ nát của mình? (còn nữa)

Phong Anh
.
.
.