Nỗi niềm của một phạm nhân từng mang án tử hình

Thứ Tư, 11/05/2016, 10:45
"Thực ra sau khi bị tuyên án tử hình tôi không hề có ý định kháng cáo, tôi biết tội ác của mình gây ra đáng bị trừng phạt như vậy, không có gì oan uổng cả. Tuy nhiên, sau đó nhờ luật sư tư vấn, nhờ cha mẹ động viên nhiều lần, tôi mới có đủ can đảm viết đơn kháng cáo để mong có con đường sống." - Bùi Văn Đề (SN 1982, quê Thái Bình) từng bị tuyên án tử hình về tội "giết người và hủy hoại tài sản" tâm sự


Là một trong những phạm nhân đặc biệt nhất đang thụ án ở Trại giam Xuyên Mộc (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an, đóng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Bùi Văn Đề (SN 1982, quê Thái Bình) từng bị tuyên án tử hình về tội "giết người và hủy hoại tài sản". Nạn nhân là cô gái mà Đề có tình cảm nhưng không được đáp lại. Điều đáng nói là ở phiên tòa xử phúc thẩm, Đề lại được chính cha mẹ của nạn nhân xin hội đồng xét xử giảm xuống chung thân. Những năm thụ án vừa qua, Đề luôn sống trong sự dằn vặt, ám ảnh lương tâm vì tội ác mình gây nên…

Tội ác xuất phát từ tình yêu đơn phương

Khi tiếp xúc và ngồi nói chuyện với Đề tại Trại giam Xuyên Mộc về vụ án do Đề gây ra cách đây hơn 10 năm, bất giác chúng tôi có cảm nhận rằng đúng là khi tình yêu trở nên mù quáng, ích kỷ, một người bình thường có thể gây ra những tội ác kinh hoàng, bất chấp hậu quả. 

Và bản thân phạm nhân này đã để cho sự mù quáng, ích kỷ lấn át thái quá dẫn đến hành động độc ác gây nên cái chết thương tâm cho nạn nhân - người mà phạm nhân này khẳng định là do mình quá yêu thương (!?) - có thể nói đây là một hành động đầy nhẫn tâm và không thể lấy tình yêu để biện minh cho tội ác của mình được! 

Lao động giúp các phạm nhân tĩnh trí, gột rửa lỗi lầm.

Kể lại câu chuyện của mình, Đề có vẻ ái ngại nhưng sau khi trấn tĩnh Đề như có dịp để trải lòng về vụ án mà theo đánh giá của dư luận là hết sức khủng khiếp. Theo đó cách đây 12 năm sau khi hoàn tất việc học tập, Đề quyết định "ly hương" vùng quê Thái Bình vào TP Hồ Chí Minh tìm kiếm việc làm, lập nghiệp. 

Nhờ có khuôn mặt sáng sủa, thông minh, nhanh nhẹn, Đề được nhận vào làm nhân viên bán hàng (máy khoan cắt) cho một công ty sản xuất cơ khí tại phường 15, quận 5. Sau đó, công ty này đã tuyển dụng thêm chị Quách Thị Thanh Nga (SN 1981, quê ở Châu Thành, Tiền Giang) vào làm thư ký.

Do cùng công ty, có thời gian làm việc cùng nhau một thời gian, thấy Nga xinh xắn, ăn nói nhỏ nhẹ, dễ thương nên Đề đã tìm mọi cách chinh phục trái tim cô gái trẻ. Gã chủ động đưa rước Nga đi làm, chủ động dọn đến gần phòng trọ của Nga để mong có cơ hội được thường xuyên gặp gỡ. 

Nhận ra anh bạn đồng nghiệp có tình cảm trên mức bạn bè, Nga vì muốn giữ khoảng cách nên đã phải chuyển đến nơi khác sinh sống. Tuy nhiên, Đề vẫn không hiểu ra mà tiếp tục mù quáng lao vào tình yêu đơn phương.

Trước sự lì lợm của kẻ theo đuổi, Nga đã tế nhị cho Đề biết mình đã có người yêu tên Nguyễn Thanh Phong nên không muốn người yêu hiểu nhầm, mong Đề tìm được cô gái khác xứng đáng hơn. Tuy nhiên, sự chân thành đó hoàn toàn phản tác dụng vì đã khiến Đề không những không từ bỏ mà còn trở nên ghen tuông vô lối. 

Đề bất chấp việc bị cự tuyệt tình cảm vẫn không chịu buông tha cho cô gái trẻ khi tìm cách theo dõi mọi hành động của cô đồng nghiệp. Sau đó Đề còn biết Nga và người yêu đã ấn định thời gian tổ chức hôn lễ nên càng trở nên điên loạn.

Phạm nhân Bùi Văn Đề - người từng mang án tử hình.

Kể đến đây, Đề trầm ngâm một lúc rồi bộc bạch: "Khi nghe Nga nói với tôi rằng cô ấy và người yêu chuẩn bị làm đám cưới, tôi thực sự không tin đó là sự thật. Đúng ra là tôi cố ý không tin vì tôi nghĩ cuộc đời mình sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi không có cô ấy bên cạnh. Chính sự mù quáng trong tình yêu đã khiến tôi bất chấp tất cả để tìm cách giữ cô ấy cho riêng mình".

Quá buồn bã và có phần ghen tức vì không được Nga đáp lại tình cảm, Đề đã có những suy nghĩ vô cùng tiêu cực và tàn nhẫn với người con gái mà bản thân một hai bảo rằng rất yêu thương?! Vào tối 26-8-2004, Đề đón xe ôm đến chỗ trọ của Nga với ý định chiếm đoạt Nga để Phong ruồng bỏ cô khi biết người yêu không còn trong trắng. 

Tuy nhiên, khi đến nơi, Đề đã bị Nga kiên quyết cự tuyệt, không cho vào phòng trò chuyện như các lần trước… Việc này càng khiến cho Đề trở nên "điên loạn"… Mấy ngày sau Đề tiếp tục tìm đến phòng trọ của Nga, nhưng không may tại đây, Đề lại phải chứng kiến cảnh "người yêu đơn phương" của mình đang thân mật bên người yêu. 

Dù cơn ghen nổi lên nhưng Đề đành phải đi ra chờ đợi với suy nghĩ chờ cho Phong ra về mới vào nói chuyện thẳng thắn với Nga. Nhưng không ngờ không những Phong không về mà còn dắt xe vào phòng trọ của Nga và có những lời nói, cử chỉ âu yếm với Nga… Như một kẻ bị cơn cuồng ghen lấn át hoàn toàn khi những hình ảnh Nga và Phong tươi cười, hạnh phúc bên nhau luôn chập chờn trong suy nghĩ, Đề gần như trở thành một kẻ rồ dại và hắn nảy ra ý định sẽ giết chết cả hai để "không ăn được thì đạp đổ"…

Khoảng 20h30 ngày 11-9-2004, Đề tiếp tục thuê xe đến phòng trọ của Nga nhưng thấy trong nhà tắt đèn, dù gọi cửa nhưng không ai mở. Với ý nghĩ đen tối rằng Nga đang cùng người yêu thân mật trong phòng, Đề liền chạy ra cây xăng mua gần 20 lít xăng rồi quay lại gọi cửa nhưng vẫn không có ai trả lời… 

Cơn ghen bùng phát khủng khiếp, Đề vừa gọi cửa vừa mở can xăng đổ ra trước cửa và hăm dọa sẽ châm lửa nhưng Nga vẫn cương quyết không mở cửa. Và rồi không kìm nén được hành động điên rồ của mình, Đề đã bật lửa phát hỏa trước phòng trọ của Nga rồi bỏ đi lang thang thâu đêm. 

Trong khi đó, ngọn lửa nhanh chóng bén vào và bao trùm căn phòng trọ khoảng 14m2 ( căn nhà không số ở đường Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8). Đám cháy dữ dội đã thiêu rụi 1 xe gắn máy, 1 xe đạp, 1 dàn máy vi tính và khiến chị Nga bị ngạt khói gây tử vong. Hai ngày sau vụ cháy, biết không thể trốn tránh pháp luật nên tối 13-9-2004, Đề đã đến Công an phường 15, quận 5 đầu thú.

" Cha mẹ cô ấy đã tái sinh tôi"!

Thực sự dù nói gì đi nữa thì hành động của Đề là không thể tha thứ được, vì không thể nhân danh tình yêu để làm cớ cho những việc làm nhằm tước đoạt đi mạng sống của người khác mà người đó lại chính là người mà anh ta luôn khẳng định mình yêu thương hết mực.

Một tiết mục văn nghệ trong buổi giao lưu do các nghệ sỹ, nhà báo và phạm nhân Trại giam Xuyên Mộc biểu diễn.

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 24-3-2005, sau khi nghị án, hội đồng xét xử cho rằng trong vụ án này mặc dù bị cáo ý thức được hành vi mình gây ra và đã tới cơ quan Công an đầu thú sau đó hai ngày, nhưng tất cả không thể bù đắp tổn thất mà bị cáo để lại nên quyết định tuyên phạt Đề mức án tử hình về tội giết người, 4 năm tù về tội hủy hoại tài sản; buộc bị cáo chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tử hình, đồng thời bồi thường cho gia đình bị hại hơn 40 triệu đồng…

"Sau khi nhận mức án tử hình, tôi hoàn toàn suy sụp, chỉ muốn sớm được thi hành án để đền tội. Nhìn cha mẹ già đau đớn, gào khóc thảm thiết giữa sân tòa, tôi rất đau khổ, chỉ biết cầu xin cha mẹ xem như không có đứa con bất hiếu này. Nhưng cha mẹ tôi cũng vừa khóc vừa bảo rằng dù tôi có làm gì thì vẫn là con trai của cha mẹ và họ sẽ tìm mọi cách để cứu tôi thoát khỏi án tử hình, trong đó có việc cha mẹ tôi sẽ tìm đến nhà Nga tạ tội, mong người lớn bên đó thấu hiểu, tha thứ cho tôi. 

Thực ra sau khi bị tuyên án tử hình tôi không hề có ý định kháng cáo, tôi biết tội ác của mình gây ra đáng bị trừng phạt như vậy, không có gì oan uổng cả. Tuy nhiên, sau đó nhờ luật sư tư vấn, nhờ cha mẹ động viên nhiều lần, tôi mới có đủ can đảm viết đơn kháng cáo để mong có con đường sống. 

Và điều tôi không dám tin là nhờ cha mẹ Nga cảm thông cho hoàn cảnh gia đình tôi, biết tôi "trẻ người non dạ" yêu đương mù quáng nên đã rộng lòng tha thứ. Họ đã làm đơn xin tòa giảm án cho tôi được giữ lại mạng sống. Và chính ở phiên tòa phúc thẩm, cha mẹ của Nga tiếp tục lên tiếng với tòa cho tôi được giảm án. Hôm đó, khi nghe mẹ của Nga nói lên những suy nghĩ của mình, hầu hết mọi người dự phiên tòa đều xúc động nghẹn ngào.

Sau khi xem xét mọi khía cạnh, hội đồng xét xử đã chấp thuận giảm án xuống chung thân cho tôi. Khi nghe tòa tuyên án, tôi biết đa số người thân của tôi và cả bên gia đình Nga đều tỏ ra vui mừng…", Đề rưng rưng kể lại.

Từ đó cho đến nay đã hơn 10 năm, Đề thụ án tại Trại giam Xuyên Mộc và cũng chính ngần ấy thời gian, Đề luôn sống trong sự dằn vặt, ám ảnh lương tâm vì tội ác gây nên. Nhớ lại buổi xét xử phúc thẩm, cho đến giờ Đề vẫn không thể quên được không khí cảm động, đầy tình người ở đó: "Nói gì thì nói nhưng tôi không dám tin bố mẹ của Nga lại có thể rộng lượng cầu xin giảm tội cho kẻ đã lấy đi mạng sống của chính con gái họ... Thực sự tôi không biết lấy gì để báo đáp công ơn tái sinh này".

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình, Đề cho biết mình sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có đến 4 anh em nhưng cha mẹ luôn tạo điều kiện để các con ăn học. Thời gian qua, cha mẹ, anh em Đề thỉnh thoảng vẫn dành thời gian để từ quê vào thăm nuôi. Mỗi lần được gặp họ, được nghe họ động viên, khuyên nhủ, mong Đề cải tạo tốt là những ngày Đề cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc nhất. 

Tuy vậy, điều khiến Đề trăn trở là cha mẹ mình đang ngày một già yếu, bệnh tật. Nhưng may mắn trong bốn người con thì ngoài Đề vướng vòng lao lý, ba anh em của Đề đều học hành tới nơi tới chốn, có công việc ổn định. Theo lời Đề cho biết thì trước đó Đề đã nhờ người viết thư thăm hỏi, gửi lời cảm tạ đến cha mẹ cô gái tội nghiệp; đồng thời cũng viết thư hỏi thăm cha mẹ và anh chị của mình ở quê. Đề hứa tiếp tục phấn đấu cải tạo thật tốt không phụ lòng tin của mọi người.

"Bây giờ tôi chỉ biết tập trung cải tạo, suy nghĩ tích cực để sau này nếu được về với đời thường tôi sẽ sống thật có ý nghĩa để không phụ lòng thương cảm của mọi người. Tôi hiểu cơ hội được hưởng đặc xá của mình rất thấp, nhưng với tôi việc có thể tiếp tục được sống đến ngày hôm nay đã là điều may mắn lắm rồi", nói đến đây trong mắt Đề ánh lên niềm hy vọng.

Ánh Xuân - Ngọc Chi
.
.
.