Nỗi niềm những người quản lý phạm nhân tâm thần

Thứ Hai, 09/10/2017, 14:51
Trong số hàng nghìn đối tượng bị tạm giam, tạm giữ hằng năm, bên cạnh những đối tượng ngổ ngáo, có tư tưởng chống đối, trốn trại, khó khăn và phức tạp nhất vẫn là quản lý những can phạm nhân bị bệnh tâm thần. Không chỉ đập phá, chống đối, quá trình bị quản thúc, những đối tượng này còn gây ra không ít tình huống bi hài, dở khóc dở cười cho cán bộ quản lý giam giữ.


Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An được đánh giá là một trong những đơn vị có số lượng can phạm nhân bị tạm giam, tạm giữ vào diện lớn nhất so với cả nước. Bình quân mỗi năm, nơi đây tiếp nhận, bố trí giam giữ cho hàng nghìn lượt đối tượng.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị đã bố trí giam giữ cho 3.125 lượt đối tượng, trong số này có một số đối tượng bị kết án tử hình và hàng trăm đối tượng nằm trong các chuyên án, thuộc diện phải quản lý, giám sát nghiêm ngặt.

Cán bộ quản giáo Trại tạm giam lật giở hồ sơ phạm nhân tâm thần.

Quản lý để an toàn trong quá trình giam giữ đối với các đối tượng này đã là một việc khó, tuy nhiên trong số này có một số lượng không nhỏ có biểu hiện tâm thần, việc quản lý còn gặp khó khăn gấp nhiều lần. Không chỉ chống đối, các bị án này còn có những biểu hiện "lạ đời" như tuyệt thực, la hét, cởi bỏ quần áo, đập phá buồng giam… khiến những người làm nhiệm vụ canh giữ luôn phải căng mình ra, vừa để quản lý, vừa chăm sóc, đóng vai trò là "bác sĩ riêng" để có các liệu pháp an thần kịp thời, hợp lý. 

Quản lý phạm nhân tâm thần: Trăm bề khó!

Thiếu tá Nguyễn Công Dung, Phó giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Từ đầu năm đến nay, thống kê tại đơn vị cho thấy, có 324 lượt đối tượng có tư tưởng không ổn định, cần giám sát đặc biệt, thậm chí 3 đối tượng có hành vi tự sát khi bị giam giữ trong buồng giam.

Đó là các đối tượng Trần Hữu Dũng, can tội giết người; Trần Lê Thống (31 tuổi), tội cố ý gây thương tích và Nguyễn Phú Long, tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, những hành vi này đã nhanh chóng bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Cũng trong thời gian qua, cán bộ trại tạm giam đã phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự khai thác đối tượng Nguyễn Doãn Lan (32 tuổi), trú tại xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, can tội giết người, làm rõ nhận tội thay em trai.

Phạm nhân Phan Công Trọng bị bệnh tâm thần, nhiễm HIV giai đoạn cuối.

Đối tượng Lan có tiền sử bị bệnh tâm thần, nên khi em trai gây án chết người, gia đình đã bàn bạc, thống nhất để Lan nhận tội thay. Sau khi làm sáng tỏ vụ án, cơ quan điều tra đã thay đổi tội danh đối với Nguyễn Doãn Lan từ giết người sang che giấu tội phạm, đồng thời bắt giam em trai Lan, bố đẻ và một người họ hàng khác vì liên quan đến việc không tố giác tội phạm. 

Trung tá Bùi Xuân Hồng, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát bảo vệ, Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Tính đến thời điểm này, đơn vị đang tiếp nhận, bố trí giam giữ cho 1.154 lượt đối tượng, với rất nhiều các loại tội phạm khác nhau, trong đó có một số án tử hình.

Trong số này, những bị can mắc các loại bệnh tật cũng chiếm tỉ lệ khá cao, trong đó nan giải nhất là các đối tượng có biểu hiện hoặc mắc các loại bệnh về tâm thần. Năm 2016, có 17 trường hợp thuộc nhóm bệnh này được chuyển đến giam giữ, và 9 tháng đầu năm, Trại tạm giam cũng đã tiếp nhận, quản lý 8 đối tượng, trong đó có cả đối tượng đang bị kết án tử hình.

Đối với những đối tượng này, ngoài việc canh giữ, giám sát thường xuyên, khó khăn của lực lượng cảnh sát bảo vệ trại giam là phải áp giải, hộ tống họ ra Viện Pháp y tâm thần Trung ương để giám định. Có thời điểm, Cảnh sát quản giáo phải đưa cùng lúc từ 3-4 đối tượng đi giám định, khiến công tác quản lý, giám sát gặp không ít khó khăn. 

Thông thường, can phạm nhân có biểu hiện của bệnh tâm thần, khi đưa vào tạm giam, tạm giữ đều có chính sách đưa đi điều trị bắt buộc tại các cơ sở chữa bệnh. Tuy nhiên, thời điểm khi nghi phạm mới gây án, tất cả đều phải bắt tạm giam. Trong thời gian này, những phạm nhân có biểu hiện tâm thần thường quậy phá, chống đối và thường không hợp tác với cán bộ quản giáo.

Có thể kể đến trường hợp của Trần Lê Thống (31 tuổi trú tại xóm 5, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương Nghệ An), án cố ý gây thương tích. Đối tượng này chính là thủ phạm đã  dùng dao chém anh Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Công an thị trấn Đô Lương khi anh Hòa đang thi đấu cầu lông tại giải TDTT do huyện tổ chức vào tháng 2 vừa qua.

Ngoài việc giám sát chặt chẽ, phạm nhân tâm thần còn được chăm sóc y tế.

Là đối tượng có biểu hiện tâm thần nguy hiểm, đã từng bị đưa đi cải tạo tại trường giáo dưỡng, thời gian chưa phạm tội, Thống thường xuyên sử dụng hung khí đe dọa người khác, gây mất ANTT tại địa phương và gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân nên khi bị bắt và tạm giam, Trần Lê Thống luôn có tư tưởng không ổn định, thậm chí chống đối. Mới đây nhất, đối tượng này còn có ý định tự sát trong nhà tạm giữ khiến quá trình giám sát gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ phải canh giữ liên tục 24/24 giờ để phòng ngừa những bất ổn xảy ra.

Trước đó, đối tượng Phan Công Trọng (34 tuổi), trú tại huyện Tân Kỳ, quá trình thi hành án 20 năm tù vì tội "Mua bán trái phép ma túy" tại Trại giam số 3, khi được đưa đi điều trị HIV, nằm chung buồng giam với các phạm nhân Nguyễn Trọng Khánh và Trần Đức Long tại khu điều trị phạm nhân thuộc Bệnh viện Đa khoa Nghệ An đã dùng mảnh chai cứa cổ Trần Đức Long đến chết.

Sự việc diễn ra vào chiều 17-8-2014, Trọng sau đó bị bắt giam tại Trại tạm giam Công an Nghệ An. Quá trình giam giữ tại đây, phạm nhân này liên tục quậy phá, chống đối quyết liệt, đe dọa và nhiều lần đòi đánh cán bộ quản giáo.

Do có biểu hiện của bệnh tâm thần nên sau đó, đối tượng này được đưa đi giám định. Kết quả, Viện Pháp y tâm thần Trung ương xác định Trọng bị bệnh rối loạn tâm thần, rối loạn chức năng não. Sau khi bị kết án tù chung thân, thụ án tại Trại giam số 3 một thời gian thì phạm nhân này tử vong vì căn bệnh HIV giai đoạn cuối. 

Những tình huống oái oăm

Ngoài những khó khăn chung trong công tác quản lý, giam giữ đối tượng bị bệnh tâm thần, cái khó của lực lượng Cảnh sát quản giáo là công tác giám sát các đối tượng này ở buồng điều trị gặp không ít khó khăn. Theo quy định, tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương chỉ có một căn phòng dành cho bệnh nhân ở khu vực phía Bắc, gồm từ Hà Tĩnh trở ra, dùng để chờ đợi trong quá trình giám định nên việc ăn ở, sinh hoạt của đối tượng rất lộn xộn.

Mỗi lần trích xuất can phạm nhân đi giám định tâm thần, cán bộ của Trại tạm giam phải giám sát, gần như cùng thức ngủ với đối tượng tâm thần. Tùy theo từng đối tượng cụ thể, đơn vị sẽ giao trách nhiệm cho lực lượng Cảnh sát quản giáo, phối hợp với đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh xá để có biện pháp, liệu pháp bảo vệ, điều trị thích hợp, vừa giúp bệnh nhân giảm được bệnh tật, vừa đảm bảo trật tự, an toàn trong khu vực giam giữ, cách li.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị bệnh nặng, dù được "chăm sóc" khá kĩ càng, vẫn gây ra những tình huống oái oăm cho cán bộ trại giam trong quá trình quản lý. Đối tượng Lương Thị Hiền (SN 1976, trú tại bản Tóng, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu Nghệ An), đã gây ra cái chết cho chính mẹ ruột của mình là bà Lương Thị Thương (82 tuổi) vào ngày 14-7-2016 là một ví dụ điển hình.

Bản thân là người có dấu hiệu bị bệnh tâm thần, thường đi lang thang, vào thời điểm nói trên, khi đến nhà mẹ đẻ chơi, thấy bà Thương ở một mình, Hiền bỗng dưng lên cơn tâm thần, vác dao chém mẹ nhiều nhát khiến bà này chết ngay sau đó.

Sau khi bị bắt tạm giam, Hiền không hợp tác, thường xuyên cởi quần áo, la hét và chửi bới làm náo loạn cả khu giam giữ. Đến nay, sau khi có kết quả giám định tâm thần, Lương Thị Hiền đã có quyết định đưa đi chữa bệnh bắt buộc.

Trần Lê Thống, đối tượng bị bệnh tâm thần trước khi gây án.

Một trường hợp khác là Nguyễn Quốc Khánh (57 tuổi, trú tại phường Lê Mao, TP Vinh Nghệ An). Từng là cán bộ tín dụng của một ngân hàng, bập vào ma túy, Khánh bị sa thải và trở thành ông trùm buôn bán cái chết trắng. Bị bắt cùng đồng bọn khi đang vận chuyển 20 bánh heroin từ Nghệ An ra Hà Nội tiêu thụ, Khánh đã nhiều lần giở trò, gây sự và quậy phá trong buồng giam.

Thậm chí, lần thứ nhất TAND tỉnh Nghệ An mở phiên xét xử sơ thẩm, bị cáo này kêu mệt mỏi, đau đầu, không nhớ gì để khai nên phiên tòa đã phải hoãn lại. Tiếp đó, lần thứ hai cũng tại tòa, Khánh lúc khóc, lúc cười và tỏ ra ngờ nghệch như người bị tâm thần.

Trước tình trạng đó, phiên tòa đã phải hoãn để đưa Nguyễn Quốc Khánh đi trưng cầu giám định tâm thần. Hiện, đối tượng này đã bị kết án tử hình, bởi kết quả giám định cho thấy, thần kinh của Khánh hoàn toàn bình thường.

Thiên Thảo
.
.
.