Nơi nương tựa của những cuộc đời lầm lỡ

Thứ Hai, 27/02/2017, 07:00
Bà My không thích mọi người dành cho mình những danh xưng mĩ miều bởi những việc tốt bà đã dành cho xã hội, cho cộng đồng. Ở tuổi gần 70, bà vẫn ra công trường khai thác đá chỉ huy công nhân làm việc.


Tất cả đều răm rắp, đâu vào đấy. Một số công nhân của bà, dường như tôi thấy họ dành cho bà một tình cảm đặc biệt, nó không chỉ là sự kính trọng, mà còn là sự biết ơn chân thành, bởi họ đã được bà dang tay nâng đỡ khi mà tưởng chừng như cả xã hội đã quay lưng lại với họ.

Người phụ nữ can trường

Ít ai biết bà Lê Thị My là một ái nữ của một gia đình giàu có nhất nhì thị trấn Quế thuộc huyện Kim Bảng, Hà Nam. Những năm chiến tranh sơ tán, bà My theo gia đình về vùng Tân Sơn và gặp anh thương binh rồi đem lòng yêu mến và ở lại đất Tân Sơn lập nghiệp đến bây giờ.

Tuy thuộc hàng cành vàng lá ngọc, nhưng thuyền theo lái, từ khi lấy chồng, bà My bắt đầu biết thế nào là chân lấm tay bùn, khổ cực. Lần lượt 7 đứa con chào đời, càng như gánh nặng ngàn cân treo trên vai người phụ nữ vốn không quen lao động. Chồng bà là thương binh, sức khoẻ hạn chế nên mọi gánh vác trong nhà hầu như đến tay bà cả.

Bà My (ngoài cùng bên phải), anh Tĩnh (ngồi giữa).

Những năm 90 của thế kỉ trước, bà làm công nhân khai thác đá cho Hợp tác xã Tân Lang, đến năm 1993 thì hợp tác xã giải thể, 200 công nhân trong đó có bà My rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Nhìn thấy được tiềm năng, thế mạnh của một vùng nguyên liệu có sẵn, bà My nuôi khát vọng khôi phục lại cơ sở khai thác đá, để tạo công ăn việc làm cho những người rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp như mình.

Bà My mạnh dạn đề xuất UBND xã Tân Sơn xin thành lập tổ khai thác vật liệu xây dựng trên cơ sở Hợp tác xã Tân Lang cũ. Sau nhiều năm hoạt động có hiệu quả, đến 2005 thì tổ khai thác vật liệu xây dựng của bà My đã chính thức trở thành Công ty Khai thác đá Vĩnh Sơn. Từ đó đến nay, sản lượng khai thác đá, cát vàng của công ty ngày một tăng cao, doanh thu hàng chục tỉ đồng.

Bà My tâm sự: "Ngày nông nhàn, thấy chị em chơi rông dài mà nhà vẫn nghèo, tôi trăn trở suy nghĩ phải phát triển ngành may mặc, phù hợp với đa số chị em, công việc không quá vất vả mà vẫn cho thu nhập ổn định.

Ngay khi mở lớp đào tạo, số theo học nghề là 60 người, trong đó có 10 người khuyết tật. Hiện nay, số công nhân may của tôi là 152 người, thu nhập ổn định, được đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người lao động như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế..." - bà My cho biết.

Không biết bao nhiêu bằng khen, giấy khen các cấp mà bà My đã được nhận, thế nhưng, có những câu chuyện còn cảm động, còn lấp lánh hơn bất cứ tấm huy chương nào mà chúng tôi tìm hiểu được từ những công nhân làm việc cho bà My.

Không chỉ là một "bà lão" làm kinh tế giỏi, được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, bà My còn được nhiều người trìu mến gọi là "bà tiên", bởi những công việc thiện nguyện bà đã làm trong suốt thời gian qua.

Bà My quan niệm rằng: Con người ta, cần nhất là một công việc, để lao động, để mưu sinh, nuôi chính bản thân và gia đình. Nếu không có công việc ổn định, rất dễ sa đà vào tệ nạn, tù tội. Và trong số hàng trăm lượt lao động đã từng làm tại công ty khai thác đá, có rất nhiều người từng có thời gian lầm lỡ, khi hết hạn cải tạo, họ trở về xã hội và được bà My dang tay cưu mang, giúp đỡ.

Giờ đây, họ coi bà là người mẹ, người bà thứ hai trong cuộc đời mình. Có nhiều người được bà giúp, hàng chục năm nay cả gia đình họ vẫn đi lại, thăm nom, thân thiết, tình nghĩa như người thân trong gia đình. Ngoài tình cảm gắn bó, thì đó còn là ân tình mà họ luôn tâm niệm, sẽ phải chịu ơn bà My suốt đời.

Trả nợ cả đời không hết

Trong số những người lầm lỡ, được bà My giúp đỡ, bà nhớ nhất "chú Tinh". Theo lời bà thì: "Chú Tinh lúc mới gặp tôi, nhà rất nghèo, chẳng có gì ngoài 3 gian nhà ngói. Chú này tội trạng thì cũng không có gì to tát, chỉ là đi mua rượu thì người ta không bán chịu, chú ta mang ngay kíp nổ, doạ đốt. Bị bắt, xử án treo. Vốn nghèo khó lại bị xóm làng kì thị, chú này rất u uất, tôi đã nhận chú vào làm cho cơ sở khai thác đá của mình".

Và, không chỉ mình anh Tinh, vợ của anh Tinh cũng được bà My nhận vào làm, sau chị được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ nghiền đá. Và từ đó, hai vợ chồng anh Tinh dốc lòng, dốc sức, tâm huyết với xưởng đá của bà My.

Họ cứ cặm cụi làm việc, cộng với sự giúp đỡ của bà My, ngôi nhà ba gian xập xệ được thay thế bằng ngôi nhà mái bằng chắc chắn. Các con của vợ chồng anh Tinh cũng được đi học đến nơi đến chốn. Cho đến giờ thì gia đình anh Tinh đã mua được cả xe hơi.

"Chú Tinh giờ mất rồi, nhưng gia đình vẫn đi lại thân thiết. Mới đây, gia đình chú tổ chức đám cưới cho con gái, tôi được vinh dự đại diện bên nhà gái. Hôm bốc mộ chú ấy, cô vợ gói cho tôi con gà, nằng nặc bắt tôi mang về thắp hương ông nhà tôi đã mất mấy năm nay" - Nói đến đây, đôi mắt bà My đỏ hoe, ngấn nước.

Chúng tôi hiểu, tình cảm mà gia đình anh Tinh dành cho bà My không đơn thuần là người chịu ơn, mà nó đã trở thành tình ruột thịt, vô cùng đáng quý trong thời buổi kim tiền, với nhiều vụ việc vì tiền người ta sẵn sàng làm tất cả như hiện nay.

Một cô gái khác, vì lỡ lầm tuổi trẻ mà gây án cố ý gây thương tích. Khi ra tù cũng được bà My giúp đỡ nhận vào làm. Sau này, cô còn được bà My cho mảnh đất vỡ hoang. Từ một cô gái bị đi tù về cái tội rất không giống ai, tưởng rằng sẽ tiếp tục trượt dốc khi tất cả quay lưng lại với mình, nhưng những gì nhận được từ bà My, đã giúp cô dần lấy lại sự tự tin, xây dựng lại cuộc đời mình.

"Tôi luôn tâm niệm, cứu một người phúc đẳng hà sa, nên chừng nào còn sức giúp được người thì tôi sẽ không tiếc công, tiếc của" - bà My nói. Có rất nhiều ngôi nhà tình nghĩa được bà My đóng góp xây dựng trong thời gian qua, trở thành tổ ấm của nhiều gia đình chính sách, được chính quyền và người dân trong xã, trong huyện đánh giá cao.

Bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cần giúp đỡ, nếu biết, bà My là người có mặt đầu tiên. Nhiều năm nay, bà My dành một số tiền không nhỏ để đóng góp cho hoạt động thiện nguyện.

Trong lúc chúng tôi đang trò chuyện cùng bà My thì có một người đàn ông tầm 40 tuổi đi vào. Anh lễ phép chào chúng tôi. Biết chúng tôi là nhà báo, anh kể: Những năm cuối thập niên 90 của thế kỉ trước, lớp thanh niên tầm tuổi anh khi đó dính vào nghiện hút khá nhiều.

Phóng viên Chuyên đề CSTC trò chuyện cùng bà My, anh Tĩnh.

Công ăn việc làm không có, trong khi mỗi ngày, số tiền nướng cho ma tuý không hề nhỏ, nó làm gia đình anh điêu đứng, bố mẹ, anh chị em phiền lòng sầu não. Sau mỗi lần đi cai về được vài tháng, Dương Văn Tĩnh lại tái nghiện. Đám bạn nghiện biết anh đi cai về, chúng mò đến rủ rê, nhưng thực ra, chưa đợi chúng rủ thì anh Tĩnh đã đi tìm chúng trước.

Lần này tiếp nối lần kia, tưởng chừng như không thể quay đầu được nữa thì anh Tĩnh được bà My nhận vào cơ sở khai thác đá. "Cũng chỉ vì không có công việc nên lông bông lang bang. Từ khi tôi nhận cháu nó vào làm, nó thay đổi hẳn tâm tính, tu chí làm ăn.

Đến bây giờ thì không những cai được nghiện mà còn xây dựng được cơ ngơi riêng, vợ chồng hoà thuận, ba đứa con đều học giỏi. Đó là phần thưởng lớn nhất mà những người tôi giúp đỡ dành cho tôi. Nó giá trị hơn bất cứ món quà vật chất nào" - bà My nói.

Anh Tĩnh kể rằng, lần cuối cùng anh cai nghiện về, mặc cảm nhiều lắm, nhìn thấy ai cũng không muốn tiếp xúc. Xin việc đối với một người mang tiếng nghiện như anh dường như là một điều không thể. Được bà My tạo công việc bảo vệ trông xe, lại được bà giúp đỡ dựng quán ở chân núi, giờ đây, anh Tĩnh đã là ông chủ với cửa hàng cây cảnh, chim cảnh, cho thu nhập đều đặn, nuôi được vợ con và quan trọng nhất là anh đã lấy lại được sự tự tin, lấy lại được niềm tin của gia đình, anh em.

"Cuộc đời tôi chính thức sang trang mới kể từ khi được bà giúp đỡ. Không chỉ tôi mà cả gia đình tôi, cả đời này biết ơn bà, trả nợ cả đời cũng không hết".

Mai Hiền
.
.
.