Nông dân điêu đứng vì chủ doanh nghiệp... "chữa bệnh" dài ngày

Thứ Năm, 02/03/2017, 13:29
Một công ty khá nổi danh tại An Giang đã liên kết với nông dân và ngân hàng để hình thành chuỗi liên kết sản xuất cá tra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long khá quy mô. Thế nhưng “đùng” một cái, lãnh đạo công ty này đi nước ngoài... “chữa bệnh” dài ngày, bỏ lại khoản nợ khổng lồ nên ngân hàng đã “nắm tóc” nông dân, bắt họ phải trả nợ...


Liên kết… mắc nợ

Chuỗi liên kết dọc trong sản xuất cá tra từ lâu được ngành nông nghiệp và nhiều chuyên gia kinh tế khuyến khích. Ngay từ năm 2011, tỉnh An Giang đã lên chương trình thí điểm cho 3 doanh nghiệp thành lập chuỗi liên kết dọc trong sản xuất cá tra. Sau khi lập dự án cụ thể, Công ty TNHH Sản xuất, thương mại và dịch vụ Thuận An (Công ty Thuận An) xúc tiến việc triển khai chuỗi hoạt động.

Đầu năm 2014, công ty đề xuất và được UBND tỉnh An Giang kiến nghị nên Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho công ty được vay tín chấp 234 tỷ đồng từ vốn ngân hàng để thực hiện dự án.

Công ty này được vay ưu đãi 7%/năm để mở rộng vùng nguyên liệu riêng, đồng thời liên kết với một số hộ nuôi. Tổng diện tích mặt nước thực hiện dự án là 113,5 ha, Công ty Thuận An vay vốn trên 650 tỷ đồng từ ngân hàng để thực hiện dự án.

Hình thức của chuỗi liên kết này là nông dân được vay vốn từ ngân hàng nhưng không nhận tiền mặt mà thông qua việc nhận thức ăn nuôi cá được ngân hàng trả tiền thay…

Cá nuôi đến kỳ thu hoạch sẽ được Công ty Thuận An bao tiêu sản phẩm, sau đó công ty sẽ thanh toán tiền cho người nuôi và trừ đi khoản tiền mua thức ăn mà các hộ dân đã nhận trong vụ nuôi do ngân hàng trả trước đó.

Trụ sở Công ty Thuận An.

Đã một thời, các phương tiện thông tin đại chúng ca ngợi hết lời chuỗi liên kết này tại An Giang. Tuy nhiên, từ tháng 11-2016, Tổng Giám đốc Công ty Thuận An, bà Nguyễn Thị Huệ Trinh ra nước ngoài “công tác”, kết hợp “chữa bệnh” đến nay hơn 3 tháng vẫn chưa trở về, khiến các hộ nuôi cá lâm vào cảnh lao đao.

Một hộ dân nuôi cá tra trong chuỗi, ngụ TP Long Xuyên, cay đắng: Do không đủ vốn nên khó mua thức ăn bên ngoài, nếu tự nuôi cá tra, ngân hàng lại siết chặt cho vay. Nên từ năm 2015, tôi đã tham gia vào chuỗi liên kết, thấy yên tâm hơn vì giá bao tiêu của công ty bao giờ cũng cao hơn bên ngoài khoảng 1.000 đồng. Chỉ 1 vụ cá, có lúc gia đình kiếm lãi trên 300 triệu đồng. Chúng tôi rất tin tưởng mà nuôi tiếp, nào ngờ bây giờ, lãnh đạo công ty đi nước ngoài không về, ngân hàng lại xiết nợ chúng tôi.

Còn ông Nguyễn Văn Nghiệp (ngụ TP Long Xuyên) than vãn: Tháng 7-2016, Công ty Thuận An đến ký hợp đồng bắt 250 tấn cá với tổng giá trị khoảng 5 tỷ đồng. Tôi mua thức ăn và được phía ngân hàng ứng trước 4 tỷ đồng, số tiền này sau khi bán cá sẽ được phía công ty thanh toán với ngân hàng, nhưng hiện lãnh đạo công ty “biến mất”, ngân hàng lại bắt tôi trả nợ.

Cũng chung số phận, nhiều ngày qua, ông Nguyễn Văn Tấn như ngồi trên đống lửa khi bỗng nhiên bị ngân hàng bắt phải trả hàng tỷ đồng tiền mua thức ăn. Theo ông Tấn, quy định trong chuỗi liên kết, người nuôi không được phép bán cá cho công ty nào khác ngoài Thuận An khi chưa được sự cho phép của công ty này và ngân hàng.

“Bây giờ ngân hàng lại nói việc mua cá là hợp đồng dân sự độc lập chứ không phải 3 bên liên kết, bắt chúng tôi chịu hết trách nhiệm, vậy sao được?”, ông Tấn bày tỏ.

Tổng số nợ của nông dân được ngân hàng công bố là 129 tỷ đồng, thuộc 12 hộ trong dự án liên kết chuỗi. Đây là số tiền mà nông dân mua thức ăn nuôi cá tra đã được ngân hàng trả thay trước đó.

Người dân nuôi cá tra trong dự án trao đổi với các phóng viên báo chí. 

Người đại diện theo pháp luật của Công ty Thuận An là ông Nguyễn Thái Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng Giám đốc công ty (vợ ông Sơn).

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, ông Sơn và bà Trinh đã đi nước ngoài tham dự hội chợ nghề cá từ ngày 29-10-2016 đến nay chưa trở về. Từ khi ông Sơn và bà Trinh vắng mặt, ông Hoàng Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc đã điều hành hoạt động của công ty theo giấy ủy quyền. Công ty hiện đang nhận gia công cho Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn ở địa phương.

Các hộ dân đã có đơn gửi UBND tỉnh An Giang, Văn phòng Chính phủ nhờ vào cuộc giải quyết khó khăn. Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh An Giang yêu cầu chỉ đạo kiểm tra, xem xét giải quyết khiếu nại của các hộ nuôi cá tra và thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả. Hiện Công an tỉnh An Giang đã vào cuộc xác minh vụ việc trên.

UBND tỉnh An Giang cũng đã thành lập Tổ công tác xử lý vụ việc trên để tìm ra giải pháp hợp lý... Tuy nhiên, trong buổi làm việc giữa Tổ công tác này và ngân hàng (ngày 17-2), vẫn chưa tìm ra tiếng nói chung.

Ông Phạm Sơn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh An Giang cho biết, tại buổi làm việc, ngân hàng đề nghị nông dân thực hiện tái cơ cấu nợ, tức người nuôi phải trả tiền mua thức ăn mà ngân hàng đã trả thay trước đó. Nhưng việc này không được Tổ công tác chấp thuận.

Theo ông Sơn, chuỗi liên kết dọc 3 bên gồm Công ty Thuận An, ngân hàng và người nuôi cá. Bây giờ xảy ra sự cố cả 3 bên phải chia sẻ rủi ro với nhau, hướng giải quyết phải theo nguyên tắc chung từ trước tới giờ mới đảm bảo sự công bằng.

Theo quy định của chuỗi liên kết, nông dân giao cá cho công ty là xong, không còn nợ nữa, còn Công ty Thuận An khi nhận cá từ nông dân thì phải có trách nhiệm trả tiền cho ngân hàng. Nếu hộ dân nào vay ngân hàng nhiều, nhưng bán cá ít, tất nhiên sẽ còn nợ ngân hàng và phải có trách nhiệm trả.

Còn nếu hộ nào vay ít, nhưng bán cá nhiều, thì thậm chí phải đấu tranh để lấy lại phần lời vốn có của họ. “Tổ công tác cũng đã đề nghị phía ngân hàng điều chỉnh lại phương án giải quyết cho phù hợp”, ông Sơn thông tin.

Ông Nguyễn Văn Nghiệp, hộ nuôi cá trong chuỗi, bức xúc: “Chúng tôi mang tiếng đi vay ngân hàng nhưng đâu có nhận tiền mặt, chỉ nhận thức ăn. Khi bán cá cho Công ty Thuận An xong chỉ hưởng phần chênh lệch. Ngân hàng bắt chúng tôi trả nợ, rồi người nuôi  tự đi đòi nợ lại Công ty Thuận An nhưng toàn bộ tài sản của công ty này đã thế chấp ngân hàng, vậy chúng tôi lấy gì để đòi?”.

Hàng trăm tỷ đồng khó đòi

Người dân nuôi cá tra đang khốn đốn vì món nợ “trên trời rơi xuống” khi lãnh đạo công ty bỗng dưng “mất tích”. 


Một nguồn tin của phóng viên cho biết, hiện nay, Công ty Thuận An đang nợ “tứ phía”. Chỉ tính riêng ngân hàng nằm trong chuỗi liên kết với nông dân, công ty này đã nợ xấp xỉ 500 tỷ đồng và còn nợ 2 ngân hàng khác với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

Để xử lý khoản nợ kếch xù, công ty này đã đưa ra 2 phương án. Phương án 1, sẽ nhận gia công cho công ty khác với sản lượng nguyên liệu gia công là 100 tấn/ngày với giá nhận gia công là 9.500đồng/kg thành phẩm, lợi nhuận 2.000 đồng/kg thành phẩm, tổng  lợi nhuận mỗi năm sẽ là 28 tỷ đồng.

Trong phương án này, Công ty Thuận An kiến nghị ngân hàng đã cho vay cùng với công ty tìm đối tác có năng lực về tài chính cũng như xuất khẩu, ký hợp đồng gia công lâu dài nhằm ổn định sản xuất.

Phương án 2, Công ty Thuận An đề nghị ngân hàng khoanh nợ không tính lãi và cử người đại diện quản lý và đầu tư vốn để công ty tiếp tục sản xuất kinh doanh trong 7 năm.

Nếu thực hiện theo phương án này, công ty khẳng định sẽ thanh toán nợ cho ngân hàng và các chủ nợ khác sau 7 năm mà vẫn giữ được công ty. Ông Phạm Sơn cho biết, UBND tỉnh An Giang đã nhận được đề xuất phương án của Công ty Thuận An, nhưng chưa thông qua. “Công ty Thuận An là doanh nghiệp tư nhân nên hoạt động sản xuất kinh doanh theo luật, UBND tỉnh sẽ không can thiệp”, ông Sơn khẳng định.

Ngoài thu mua cá của 12 hộ dân trong chuỗi, Công ty Thuận An còn mua cá của nông dân bên ngoài nhưng vẫn chưa trả tiền. Đến nay, những hộ dân này cùng ngân hàng đã khởi kiện công ty ra toà.

Ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, chủ trương chung của UBND tỉnh, phía ngân hàng và các đơn vị có liên quan trong dự án thí điểm chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra là sẽ tìm kiếm công ty khác để thuê lại các nhà xưởng, ao nuôi của Thuận An.

“Để máy móc của Công ty Thuận An không bị hư hại, cũng như để khai thác vùng nuôi có sẵn khoảng 18,6ha, tỉnh đang có định hướng tìm công ty khác thuê lại. Hiện đã có doanh nghiệp vào cuộc nhưng họ đang xem xét để có trả lời chính thức”, ông Nưng thông tin.

Chuyện nợ nần chồng chất nhưng bỏ đi nước ngoài biệt tăm có lẽ là chiêu bài được nhiều “đại gia” thuỷ sản sử dụng. Khoảng đầu năm 2012, hàng loạt hộ dân ở đồng bằng sông Cửu Long bán cá tra cho Công ty cổ phần Thuỷ sản Bình An (Bianfishco, trụ sở tại KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ) dở khóc dở cười khi bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT của công ty ra nước ngoài “trị bệnh” nhưng rồi biệt tăm. Nhiều người choáng váng khi nữ doanh nhân này là người có tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu cá tra nhưng tuyên bố vỡ nợ khi thiếu của nông dân và hàng loạt ngân hàng số tiền gần 2.000 tỷ đồng.

Trong nhiều đại gia thủy sản miền Tây “ngã ngựa” với món nợ khổng lồ, phải kể đến ông Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng). Từ năm 2008 đến 2012, công ty này đã vay nhiều ngân hàng với tổng số tiền lên đến trên 16.000 tỷ đồng. Sau đó ông Khuân sang Mỹ, để lại món nợ trên 1.679 tỷ đồng khiến nhiều ngân hàng lao đao và 25 cán bộ ngân hàng vướng vào vòng lao lý. 

Văn Vĩnh
.
.
.