Nữ kiệt 30 năm trèo dừa miền Tây

Thứ Năm, 04/04/2013, 14:33

Trong những ngày đi lang thang miền Tây thực tập về đề tài làm phim, Đỗ Thành An đã vô tình chớp được khoảnh khắc làm việc trên ngọn cây dừa của người phụ nữ sông Tiền. Sau khi đã biết được cái nghề đặc biệt và vô cùng hiểm nguy mà bà Nguyễn Thị Mười Hai (ấp Bờ Xe - Châu Thành - Tiền Giang) đang đánh vật để nuôi gia đình, anh quyết định sẽ bấm máy cho những thước phim đầu tiên của mình.

Những cảnh quay chân thật, sống động vốn dĩ hằng ngày, hằng tháng, hằng năm bà vẫn làm nhưng khiến người xem giật mình, thảng thốt. Tuy nhiên, những gì thể hiện trên màn ảnh vẫn chưa phải là tất cả, phía sau đó còn cả một câu chuyện xúc động về người phụ nữ này mà chúng tôi đã ghi lại được.

"Bà ngoại leo dừa" phía sau ống kính

Cả đời mưu sinh bằng nghề trèo dừa, chưa bao giờ bà Mười Hai nghĩ một ngày mình lại được lên truyền hình. Buổi sáng hôm ấy, như thường lệ, bà Mười Hai dậy từ lúc 5 giờ sáng chuẩn bị "đồ nghề" cho một ngày trèo dừa. Hỏi bà có cảm giác run khi máy quay chĩa thẳng vào mình không?

Bà cười tỉnh queo: "Có gì đâu mà run, việc tôi thì tôi tập trung làm chứ run là té liền đó. Lúc mới trèo, tôi cũng thường bị người ta trêu chọc miết rồi cũng quen. Giờ ai chẳng biết tôi đi trèo dừa". Bà Mười Hai cho biết, ngày hôm ấy bà trèo được khoảng 60 cây dừa, hái được gần 500 trái dừa. Một ngày làm việc cực hơn mọi khi, 9 giờ tối bà mới về tới nhà. Khi bộ phim công chiếu và nhận giải, bà Mười Hai vẫn chưa được xem lại chân dung mình trong ti vi nó như thế nào. Rồi bà cười bảo, chắc nó cũng giống Mười Hai ở ngoài đời thôi và Mười Hai ở ngoài đời từ lâu đã có một biệt danh đặc biệt "nữ kiệt trèo dừa".

Bà nhỏ thó nhưng thân người đậm đà, rắn rỏi. Từ trên ngọn dừa, bà Mười Hai một tay bấu bẹ dừa xanh tay kia thoăn thoắt cắt, xén tàu dừa, bẹ dừa khô (người ta gọi là công việc rửa dừa) cho trái non mau ra. Nhìn thấy chúng tôi, bà nghệch cổ xuống cười nói toét miệng: "Chờ chút, làm xong cây này rồi xuống nghen".

Trong phút chốc, cái hình ảnh bà Mười Hai từ trên cao làm chúng tôi choáng váng, sững sờ về một công việc mà về phần vất vả không phải bàn nữa nhưng sự nguy hiểm thì không ai có thể lường hết được. Một thoáng, bà Mười Hai đã tiếp đất rất nhẹ nhàng, êm ái khi đã làm sạch một ngọn dừa. Bà không quên "mổ bụng" hai trái dừa tươi mát mời khách. Bấy giờ, chúng tôi mới kịp nhìn rõ khuôn mặt "nữ kiệt trèo dừa" nổi tiếng miền Tây này. Mồ hôi thấm đẫm bộ quần áo của bà, chảy từng dòng trên khuôn mặt nhiều tàn nhang cùng với nước da rám nắng hiện rõ sự  khắc khổ của người phụ nữ hơn bao giờ hết. Mái tóc bạc nhiều hơn đen rối tung, bết chằng bết đụn lại bằng một thứ keo mà bà vui tính bảo đó là "keo mồ hôi". Dưới gốc dừa xanh, bà bắt đầu nhớ lại về cái thời "ngày xửa ngày xưa" khi bà vẫn chỉ là một đứa trẻ đầu buộc chỏm.

Bà sinh ra và lớn lên ngay tại mảnh đất Tiền Giang này. Cha mẹ bà sinh liền tù tì 12 người con. Bà là con gái út nên ba má đặt tên cho dễ nhớ là Nguyễn Thị Mười Hai. Thời điểm đánh dấu bước chân leo trèo của bà chính thức bắt đầu từ năm 17 tuổi. Khi ấy, mặc dù là con gái út nhưng gia cảnh nghèo khó nên con chữ của bà cũng dừng lại ở mức "bẻ làm đôi". Các anh chị chia nhau đi làm khắp nơi tìm kiếm kế sinh nhai. Mười Hai không đi, bà ở nhà bắt đầu nhận trèo dừa mướn cho người ta.

Sức thanh niên tuổi mới lớn tràn trề nhựa sống, Mười Hai hăng say trèo dừa, vui vẻ bán mồ hôi và sự hiểm nguy để cuối ngày mang về cho má những đồng bạc lẻ. Nhiều người ái ngại, khuyên răn bà nên chọn việc khác mà làm cho nhẹ nhàng, có người lại mỉa mai về "cô gái trèo dừa". Nhưng cũng chính trong những năm tháng "đu" mình trên ngọn cây, một anh chàng quê Bến Tre đem lòng thương Mười Hai. Ngẫm nghĩ mình phận nam nhi thế này mà lại sợ độ cao, không thể leo trèo được trong khi người con gái kia coi việc trèo dừa như đi chợ. Tình thương ấy lớn dần lên thành tình yêu thân phận người con gái chịu thương chịu khó và cực kỳ mạnh mẽ, dũng cảm dám "xả thân" với dừa. Anh chàng Út Bảy (tên thật Bùi Văn Lợi) tình nguyện ở lại Tiền Giang cùng Mười Hai sinh cơ lập nghiệp.

Mang thai đứa con đầu lòng, Út Bảy thương vợ nên nhận hết phần nặng nhọc về mình để Mười Hai nghỉ ngơi chờ ngày sinh. Sinh con xong, những lo toan lại như chồng thêm, gánh nặng về miếng cơm dường như quá sức với Út Bảy. Thế là, Mười Hai lại quay về với công việc trèo dừa kiếm sống nuôi con.

"Mình không biết chữ thì làm việc trên trời"

Công việc trèo dừa đối với bà Mười Hai bây giờ là cái nghề để mưu sinh và nuôi sống cho cả gia đình. Con trai lớn có gia đình ra ở riêng rồi. Con gái thứ hai cũng lấy chồng và sinh được hai đứa con nhưng lại là gánh nặng thêm trên đôi vai của bà. "Thằng rể bỏ lên thành phố làm mấy năm nay rồi, giờ không liên lạc gì nữa. Nó bỏ vợ con ở nhà tôi thì tôi phải lo chứ ai lo. Chỉ tội thằng Út, nó ham học nhưng cũng chỉ đến lớp 10 thì không chịu nổi tiền học phí nên cho nghỉ. Nó vừa đi nghĩa vụ về được vài tháng cũng phụ mẹ trèo dừa". Bà Mười Hai thở dài.

Ở tuổi 50, cuộc đời trèo dừa của bà Hai không biết sẽ đến khi nào ngừng nghỉ. Trong cái gia cảnh chơi vơi, khốn khó ấy, trong cái vòng đời tù túng, chật hẹp mà trăm nỗi lo toan của người đàn bà trèo dừa có lẽ sẽ là muôn thủa. Hành trang trèo dừa hơn 30 năm của bà Mười Hai là chiếc dây thừng vừa đủ buộc hai chân lại với nhau nhằm giữ chặt cho chúng khỏi rời ra. Không nón bảo hộ, không giày dép, không gang tay tất cả là sự trần trụi của da thịt khi tiếp xúc với thân dừa.

Nhìn đôi bàn chân nứt nẻ toang hoác, những vết sẹo cũ chưa kịp mọc da non thì vết thương mới không ngừng rỉ máu khiến nó cũng chai lỳ và cứng cỏi đi với thương tích. Còn đôi bàn tay bẻ dừa, rửa dừa nó cũng đã mòn nhẵn đi, nếp chai vù lên thành một lớp da bảo vệ vững chắc. Tuy nhiên, rất dễ để nhận ra, một đôi bàn tay không bình thường khi từ lâu nó đã không thể rỉ máu. Kể đến đây chợt bà Hai cười khanh khách, cái giọng cười làm con người ta quên hết mọi nỗi đắng cay tủi nhục ở đời. Giọng cười của người đàn bà "khổ ải nhất trần ai" mang một tâm trạng thỏa mãn với công việc. Bà còn bảo: "Người ta có chữ thì làm việc dưới đất còn mình không có chữ thì làm việc trên trời". Bà cho đó là điều hay, điều lạ bởi bà chấp nhận việc mình sinh ra không thể làm gì thay đổi số phận.

Hầu như trong cả ấp Bờ Xe này và rộng hơn nữa là cả vùng Thạnh Phú chỉ còn mình bà Mười Hai làm nghề trèo dừa. Thời gian này, dừa không nhiều nên buổi sáng bà đi hái dừa còn buổi chiều đi rửa dừa. Mỗi chục dừa bà được chục ngàn, trong một buổi có khi nhiều bà cũng hái được hơn trăm đến hai trăm trái dừa. Số tiền công phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít trái dừa nên cũng thất thường. Đối với rửa dừa, cây nào cao trên mười mét bà được trả 15 ngàn còn thấp hơn thì 12 ngàn đồng.

Trung bình mỗi buổi, bà rửa được khoảng 4-5 cây. Bà Mười Hai cho biết, rửa dừa cực hơn hái dừa nhiều. Mỗi cây rửa xong phải mất hơn một tiếng đồng hồ. Xong một cây là bàn tay, bàn chân mỏi rã rời, tê cứng lại phải ngồi nghỉ nắn bóp rồi mới tiếp tục. Bụi từ những bẹ dừa khô kết hợp với mồ hôi ướt đầm đìa len lỏi dính khắp người gây ngứa ngáy khó chịu. Mỗi lần về đến nhà, do không chịu nổi nên bà Hai chạy đi tắm liền.

Bà cười vô tư nói thêm: "Tôi biết như thế là rất dễ bị cảm nhưng người vừa dơ vừa ngứa không thể chịu được. Bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn làm vậy mà chưa bao giờ bị sao cả. Nhờ trời thương". Chưa kể những lần bà gặp rắn rết trú ngụ lâu ngày trong những bẹ dừa khô, thấy động, chúng phóng ra lao vào bà nhưng lần nào cũng thế, do phản xạ nhanh, bà dùng liềm mổ gục chúng trước.

Một đời trèo dừa, hạnh phúc lớn nhất bà Hai có được là vừa có một căn nhà tường gạch chưa quét vôi vữa thay cho căn nhà lá xập xệ mà hễ trời mưa to gió lớn bà lại sợ nó đổ xuống con cháu đang ngủ. Bà có thể trèo dừa cả đời chỉ mong sao lo cho hai đứa cháu ngoại được đến trường, bởi bà biết rồi đây sẽ chẳng có đứa nào theo nghiệp trèo dừa của bà được.

Lấy chủ đề "sức mạnh của phái yếu", bộ phim "Bà ngoại leo dừa" của đạo diễn Đỗ Thành An đã nhận giải bạc Cánh diều vàng trong Liên hoan phim 2009. Bộ phim tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng người xem. Đạo diễn Đỗ Thành An cho biết, khi ấy anh đang là sinh viên lớp Đạo diễn điện ảnh của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Trước đó, anh biết đến bà Mười Hai đang rất nổi tiếng trên các báo về kỷ lục leo dừa. Tổng chi phí cho bộ phim này chưa tới 2 triệu đồng bao gồm tiền thuê máy quay, đi lại, ăn uống.

Với biệt tài trèo dừa giỏi nhất xứ miền Tây, mỗi ngày, trung bình bà trèo được 50 cây dừa và bà đã trèo như thế suốt hơn 30 năm qua. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày xưa ở miền Tây thì chị em phụ nữ trèo dừa là khá phổ biến nhưng chục năm trở lại đây, đa số họ đã bỏ nghề. Riêng vùng Tiền Giang, Bến Tre thì không còn ai nữa. Bà Mười Hai có lẽ là người phụ nữ hiếm hoi còn sót lại làm nghề "kiếm sống trên ngọn cây".

Một tai nạn nhớ đời nhất mà bà Hai trèo dừa không bao giờ quên là tai nạn đầu đời cách đây 28 năm. Ngày đó, bà đang mang thai đứa con thứ hai được 6 tháng. Bụng vượt mặt nhưng bà vẫn đánh đu với ngọn dừa, mặc dù đã lựa những cây có chiều cao thấp nhất nhưng một cú té từ trên ngọn dừa cao 3 mét đã khiến bà và mọi người hoảng sợ khiếp hồn. Hôm ấy, bà đang say sưa hái nốt những trùm dừa cuối cùng thì bị tuột một tay bám, tay kia cầm liềm không có thế, bà ngã bổ ra phía sau, đập mông thật mạnh xuống đất. Một phút hoảng hồn chợt qua, bà sờ nắn xung quanh bụng, thấy yên lặng, bà mừng như mở cờ trong bụng. Từ ngày đó, bà dằn lòng không đi trèo dừa nữa chờ đến ngày sinh con rồi mới tính tiếp.

Ngọc Thiện
.
.
.