Nữ tử tù trở về từ cõi chết

Thứ Tư, 31/08/2016, 11:39
Theo giới thiệu của Đại tá Nguyễn Văn Long - Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, chúng tôi gặp nữ phạm nhân từng bị tuyên án tử. Có lẽ đối với Đinh Thị Phương, 46 tuổi, ở xã Lộc Hòa, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định, Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 là sự kiện đáng nhớ nhất trong cuộc đời của mình. Từng bị Tòa tuyên án tử hình về tội vận chuyển trái phép ma túy, Phương được Chủ tịch nước ân giảm xuống tù chung thân. Những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt sạm đen của nữ tử tù từ cõi chết trở về.  


Chúng tôi gặp Đinh Thị Phương khi thị đang chăm sóc luống rau xanh ngắt giữa núi rừng đại ngàn. Phương sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Lộc Hòa, TP. Nam Định. Cha Phương từng tham gia chiến đấu tại chiến trường phía Nam.

Trở về địa phương với mảnh đạn trong người, ông là tấm gương để người dân địa phương noi theo. Với truyền thống gia đình như vậy, lẽ ra Phương phải sống đúng mực, giữ gìn nếp nhà để xứng đáng với sự hy sinh của cha ông. Từ khi còn nhỏ, Phương bộc lộ tính cách ngang ngược, bất cần, đàn đúm với đám bạn xấu.

Năm học lớp 7, Phương bỏ học, lang thang, lêu lổng khiến cha mẹ buồn lòng. Cha mẹ nhiều lần khuyên răn song không có kết quả. Phương vẫn chứng nào tật nấy. Ngay cả khi Phương lập gia đình, có 2 con khôn lớn, trưởng thành, song thị vẫn thường xuyên giao du với đối tượng xấu. “Cá không ăn muối cá ươn”, thế rồi điều gì đến đã đến.

Đinh Thị Phương.

Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, Phương nảy sinh ý định làm giàu nhanh chóng. Thông qua các quan hệ xã hội, Phương nhận thấy chỉ có buôn “hàng trắng” mới có thể kiếm lời, mang lại siêu lợi nhuận. Phương lân la làm quen và biết được, tại bản Mông ở khu vực Tây Bắc có lượng ma túy dồi dào. Việc mua bán ma túy khá dễ dàng. Với một người chưa “nhúng chàm” như Phương có lẽ cơ quan chức năng không đưa vào “tầm ngắm”. Phương âm thầm tìm mối giao hàng để vận chuyển ma túy và tin tưởng sẽ thành công.

Khoảng 6h ngày 18/6/2010, Phương được 2 đối tượng người Mông thuê vận chuyển ma túy từ dốc Thung Khe, thuộc huyện Mai Châu (Hòa Bình) về thị trấn Cao Phong (Cao Phong) với tiền công là 1.000USD và 10 triệu đồng.

Lóa mắt trước lợi nhuận quá lớn mà không bỏ nhiều công sức, Phương đồng ý. Sau khi nhận 2 túi nilon màu đen có chứa 22 bánh heroin, Phương để ma túy trong chiếc làn nhựa ở khung xe máy, rồi lập tức quay trở lại Cao Phong. Lần đầu tiên vận chuyển ma túy, Phương lo sợ bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Quá trình vận chuyển, thị khá thận trọng, cảnh giác trước nghi vấn của mọi người.

Sau khi di chuyển qua khu vực “Cửa tử” thuộc xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, thị thở phào bởi nơi đây là tử huyệt của các đường dây ma túy. Thị tự tin sẽ vận chuyển thành công số ma túy ngay lần đầu vận chuyển. Thế nhưng, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, khoảng 18h25 cùng ngày, khi đến địa phận xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, Phương bị Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hòa Bình ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra hành chính.

Cán bộ quản giáo hướng dẫn trại viên lao động.

“Có tật giật mình”, thấy bóng dáng Công an, Phương hoảng sợ, vẻ mặt thất thần. Khi Cảnh sát giao thông yêu cầu kiểm tra chiếc làn nhựa, Phương lấy lý do trong đó chứa “đồ dễ vỡ” để không phải kiểm tra. Khi sự việc bị lật tẩy, Phương choáng váng đứng không vững. Giấc mơ đổi đời của Phương vụt tắt.

Tại 2 phiên tòa xét xử, Hội đồng xét xử đều thống nhất mức án dành cho Đinh Thị Phương là tử hình. Âu đó cũng là bài học thích đáng cho những gì Phương gây ra cho xã hội.

Mặc dù biết trước kết cục, song hôm bị tuyên án tử, lúc áp giải về trại giam, Đinh Thị Phương vẫn chưa hoàn hồn. Thị chẳng thiết ăn uống, đêm nào cũng trằn trọc nhìn ra khoảng không mịt mùng qua khe cửa buồng giam suy nghĩ miên man. Ngày ngủ, đêm thức, thoắt vui rồi lại buồn, nếp ấy đến giờ vẫn chưa thay đổi. Cơ thể của thị suy sụp, bạc nhược một cách ghê gớm.

Ðã có lúc, thị định phó thác cho số phận nhưng rồi khát khao được sống lại thôi thúc. Nghe bạn tù khuyên "sống được ngày nào quý ngày ấy, biết đâu được giảm xuống chung thân, sẽ có ngày về", Phương cũng an lòng phần nào. Nếu không may, Phương cũng chỉ mong được ra đi thanh thản.

Nữ quản giáo Xa Thị Hoài Thu cho biết: Không chỉ một lần, Đinh Thị Phương đề xuất được viết thư, gửi các cấp có thẩm quyền “xin chết”, bởi càng sống ngày nào, thị phải chịu sự giày vò đeo đẳng, bám riết tâm can ngày đó. Song mong muốn đó của Phương không được chấp nhận, để thị mòn mỏi gặm nhấm từng giây phút cô độc khủng khiếp cuối đời; nỗi sợ hãi, ám ảnh cùng sự ân hận, giày vò của tội ác lên đến tột cùng, niềm tiếc đời, khát vọng sống càng mãnh liệt.

Vẫn biết tội ác của mình là không thể tha thứ, có gột rửa nhiều lần cũng không hết tội, song Đinh Thị Phương còn nuôi hy vọng mong manh cuối cùng vào hai tờ đơn xin Chủ tịch nước ân xá. Từng giây phút, thị mong được thoát tội chết, dẫu trong thâm tâm biết rằng, tội lỗi gây ra quá nặng.

Một buổi lao động của các nữ phạm nhân.

Ngắt quãng trong tiếng nấc nghẹn, Phương ân hận thú nhận: "Em tự làm khổ bản thân, có tội với cha mẹ, người thân. Ðúng lúc con cần mẹ, vậy mà...", rồi gục mặt xuống bàn day dứt. Đúng dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Đinh Thị Phương bất ngờ đón nhận tin vui từ cán bộ quản giáo. Phương không tin vào những gì được nghe.

Ban đầu thị cho rằng, cán bộ quản giáo đùa cợt để thị được khuây khỏa, giải tỏa tâm lý cho thị. Cầm quyết định ân giảm tử hình của Chủ tịch nước, Phương run run, giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên khuôn mặt đen sạm. Có lẽ ông trời bắt thị phải sống để tu thân, tích đức vì những gì thị gây ra cho xã hội. Thị cảm nhận ánh mắt trìu mến, gần gũi của cán bộ quản giáo, những người luôn mong muốn cảm hóa những người lầm lỗi. Trong thâm tâm, thị hứa sẽ cải tạo thật tốt để mong được giảm xuống tù có thời hạn, trở về với cuộc sống, với những người thân yêu.

Theo nữ quản giáo Xa Thị Hoài Thu, từ khi có quyết định ân xá của Chủ tịch nước, Đinh Thị Phương như từ cõi chết trở về. Thị thay đổi tính nết trở nên vui vẻ, hòa đồng với mọi người xung quanh, khác hẳn với thời điểm Tòa tuyên án tử. Cán bộ quản giáo thường gần gũi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân để động viên tư tưởng, làm cho thị có niềm tin, nghị lực để cải tạo thật tốt. Cuộc sống ai cũng có sai lầm, quan trọng hơn là phải biết đứng dậy, sửa chữa sai lầm để trở thành người có ích.

Sau khi thoát án tử, Đinh Thị Phương được cán bộ quản giáo hướng dẫn lao động, cải tạo. Với tính cách chăm chỉ, chịu khó, Phương tích cực lao  động, mong tìm lại chính mình. Ngày lại ngày, vườn rau do Phương chăm sóc đua nở, làm dịu đi cái nóng oi ả giữa ngày hè. Chứng kiến thành quả có được, dù đã cố gắng kìm nén song lạ thay, giọt nước mắt hạnh phúc của Phương cứ thế trào ra trong khóe mắt. Phương muốn nói với cha mẹ, muốn nói với cán bộ quản giáo rằng, em có thể làm được và đã thành công. 

Chia tay Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình, chúng tôi thấm thía câu nói của nữ tử tù trở về từ cõi chết rằng, khi cận kề cái chết mới thấy cuộc sống ý nghĩa biết chừng nào. Khi được sống phải sống cho tốt với chính mình, với gia đình, xã hội, để khi nhắm mắt, xuôi tay khỏi ân hận với đời. Với nữ phạm nhân Đinh Thị Phương, là người trong cuộc nên thị hiểu hơn ai hết ý nghĩa cuộc sống.

Huệ Minh
.
.
.