Nửa đời người làm đèn kéo quân của một kỷ lục gia Việt Nam

Thứ Tư, 26/09/2018, 18:35
“Khen ai khéo vẽ í a cái đèn cù”, đó là một câu trong bài hát “Đèn cù” (Đèn kéo quân) từng được những đứa trẻ hát í ới trong đêm Trung thu, khi cả đám kéo nhau đi chơi trăng với những món đồ chơi truyền thống.


Cho đến giờ, có lẽ những đứa trẻ ấy cũng lên chức bố mẹ, thậm chí là ông bà, bài hát ấy và những niềm vui của tuổi thơ dường như chỉ là một mảng kí ức mong manh trong tâm trí của những người đang phải vật lộn với cơm áo, gạo tiền. Có mấy ai còn nhớ ý nghĩa của những món đồ chơi truyền thống như vậy, ngoài những người nghệ nhân dành cả đời để lưu giữ...

Ý nghĩa đèn kéo quân

Trong câu chuyện kể của mình, nghệ nhân Vũ Văn Sinh (58 tuổi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội), người nổi tiếng với việc chế tạo chiếc đèn kéo quân đoạt kỷ lục Việt Nam cho biết, từ năm lên 8, ông đã được học cách làm đèn ông sao, đèn lồng cho bản thân và cho những người bạn nhỏ trong xóm để cùng đón Tết Trung thu. 

Ông còn nhớ rõ, những ngày đó khi nhận được món quà như vậy không đứa trẻ nào có thể giấu được nụ cười sung sướng. Những thứ đồ chơi tưởng chừng vô nghĩa với trẻ em thời đại mới từng là một niềm mơ ước của thế hệ ông Sinh mỗi khi đến ngày lễ Tết.

Cho đến nay, người đàn ông này dành phân nửa cuộc đời của mình để gắn bó với những chiếc nan tre, giấy bóng kính, hồ dán... đó là những vật liệu cần thiết để hoàn thành một chiếc đèn. 

Ở làng Đan Viên thuộc xã Cao Viên, cho đến nay chỉ còn duy nhất hộ gia đình nhà ông Sinh còn theo nghề làm đèn kéo quân truyền thống. Trước đó, làng Đan Viên nổi tiếng với nghề làm pháo, nhưng sau khi đổi mới, pháo nổ bị cấm nên mọi người đều chuyển qua nghề may mặc.

Ông Vũ Văn Sinh.

Ông Sinh cho biết, Đan Viên không phải làng nghề truyền thống nên ở làng chẳng ai biết nghề làm đèn này, chỉ có riêng nhà ông là nối nghiệp ông cha từ bao đời nay, gìn giữ cái nghề mà ít người muốn làm bởi khó bán sản phẩm như vậy. Nghề này cả năm làm đúng một tháng giáp Tết Trung thu và lâu lâu lại có đoàn thiếu nhi tới tham quan nhà ông Sinh để được xem và được học cách làm đèn kéo quân.

Ông Sinh hào hứng nói về ý nghĩa của món đồ chơi và cũng là một nét đẹp văn hóa này: “Người ta hay đồn, đất Cao Viên này là nơi sinh ra thứ đèn kéo quân kì diệu ấy. Chuyện này tôi cũng không rõ nhưng sau bao nhiêu năm làm nghề, nối tiếp truyền thống của gia đình, chiếc đèn ấy đã không đơn giản là một món hàng hay một món đồ chơi của trẻ nhỏ bình thường đối với gia đình tôi.

Đèn kéo quân có 6 mặt, mỗi khi đèn quay tượng trưng cho 6 mặt cá tính của con người: thương - ghét - giận - hờn - buồn - vui. Trục đèn ở giữa hiện thân cho trục khôn. Tất cả giản đơn, tinh chế nhưng nhờ ánh sáng mờ ảo từ ngọn nến để kể những câu chuyện lịch sử gắn liền với những bức tranh dân gian. Đèn kéo quân bởi thế còn được gọi là đèn kể chuyện bằng ánh sáng.

Khen ai khéo vẽ í a cái đèn cù

Ngựa giấy í a voi giấy, tít mù nó mới lại vòng quanh

Ớ ơ bao giờ ta mới bắt cho kịp nhau

Ngựa giấy ới a voi giấy vòng quanh ới a tít mù, tít mù là

Khen ai khéo vẽ í a cái đèn cù

Đèn cù là đèn cù ớ hỡi đèn, đèn ơi...".

Những chiếc đèn kéo quân bán thành phẩm.

Nghề làm đèn kéo quân này trong nhiều năm trước vốn là một nghề bận rộn quanh năm, gia đình ông Sinh sản xuất quanh năm ngày tháng mà không hết việc. Mỗi khi có đơn đặt hàng, ông lại huy động cả gia đình vót tre, hòa sơn làm hết tốc lực nhưng cũng không bỏ sót một công đoạn hay làm ẩu một chi tiết nào để tạo ra những chiếc đèn đẹp một cách đồng đều.

Nhưng rồi, thời thế thế thời, đèn kéo quân bỗng bị quên lãng, thay vào đó là những món đồ chơi hiện đại nhập từ Trung Quốc, được trẻ em yêu thích một cách mê mẩn. Vì thế từ nghề chính, làm đèn kéo quân trở thành nghề tay trái của gia đình ông Sinh, làm chỉ vì đam mê và bảo tồn. 

May mắn thay, một năm cứ vào ngày Tết Trung thu, nghề tay trái lại thành nghề tay phải, cả nhà lại hò nhau tập trung làm đèn kéo quân cho kịp với đơn đặt hàng của khách. Con trai cả của ông Sinh là anh Vũ Văn Thắng cũng phải tạm dừng chạy xe ôm để ở nhà phụ giúp cho gia đình.

Tâm sự về công việc của chồng, bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết: “Tôi cũng không muốn giữ cái nghề một năm chỉ có hai đợt, lúc vào dịp thì lại bận rộn vô cùng như thế này. Nhưng chiều chồng nên tôi vẫn cố gắng giúp đỡ ông ấy làm đèn kéo quân vào mỗi dịp Tết Trung thu. Còn sau này khi ông ấy yếu đi, không thể làm công việc này nữa thì tôi cũng chưa biết thế nào bởi các con cũng có công việc riêng cả rồi”.

Sau bao năm hỗ trợ chồng, bà Hạnh có thể đạt tới khả năng vừa trò chuyện vừa cắt giấy một cách vô cùng chính xác. Bà Hạnh chia sẻ, trong quá trình làm một chiếc đèn kéo quân, khâu làm trục và tán quay cho đèn là khó nhất. 

Trục của đèn được làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để có thể quay, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ. Khung bằng tre sẽ được cuốn quanh bằng giấy poluya. Người làm phải dùng keo cố định giấy xung quanh khung, chỉ đề chừa ra một ô để chỗ cho nến, tản đèn.

“Tản đèn giúp cho hình tròn bằng nan tre có dính các hình thù bắt mắt có thể quay. Khi nến được thắp lên, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong và gây chênh lệch nhiệt độ với bên ngoài để tạo ra luồng gió len lỏi qua khe của tản đèn và làm các hình ảnh quay vòng. Bóng của chúng được chiếu lên mặt giấy bên ngoài sống động như xem phim. 

Hình ảnh dân gian về chú trâu, tướng sĩ, tứ linh,... thay nhau "nhảy múa" xung quanh tản. Bước cuối cùng chiếc đèn sẽ được trang trí thật sặc sỡ. Những dóng trụ đèn được quấn bằng các loại giấy màu. Giấy kim vàng óng ánh trổ họa tiết để dán vào đầu và chân các trụ đèn”, bà Hạnh chia sẻ.

Quá trình sơn lên giấy bóng.

Chiếc đèn kéo quân "khủng"

Ngoài việc làm đèn kinh doanh, ông Sinh còn có sở thích kì lạ đó là thử thách bản thân với những chiếc đèn kéo quân khổng lồ. Một trong những chiếc đèn ấy cao tới 7m và được ghi nhận kỷ lục cách đây hơn 10 năm. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, ông Sinh lại bắt tay vào làm một chiếc đèn kéo quân to lớn hơn theo đơn đặt hàng của khách.

“Chiếc đèn đó cao 9m, được khách đặt với giá 40 triệu. Gia đình tôi phải mất rất nhiều thời gian để hoàn thành nó. Đó cũng là một tác phẩm để đời, một dấu ấn trong cuộc đời gắn bó với nghề này”, ông Sinh tự hào nói.

Thời nay, những chiếc đèn kéo quân truyền thống không còn được ưa chuộng như ngày xưa. Để bắt kịp xu thế, ông Sinh nảy ra ý tưởng làm những chiếc đèn chạy hình 3D. Thay vì giấy màu như xưa, những hình thù nhân vật được vẽ lên tờ giấy bóng thông qua từng lớp sơn.

Bên trong một chiếc đèn kéo quân “khủng”.

Sau khi phác họa hình thù từng linh vật, ông Sinh dùng sơn "quét" một vòng để sơn in hằn lên giấy bóng. Từng tờ giấy được đem phơi khô trong vòng 3 tiếng. Người nghệ nhân sẽ khéo léo lồng giấy vào khung một cách cẩn thận nhất để không bị rách hay hỏng hóc. 

Nếu xưa trong đèn kéo quân được thắp sáng bằng nến thì nay, ánh sáng bằng điện được ông Sinh phát minh cho sự thay thế vừa tiện vừa sáng tạo. Một chiếc đèn như vậy, nhìn tổng thể sẽ thú vị hơn và câu chuyện của ngày xưa được hiện đại hoá một cách hợp lý nhất.

Nói về sản phẩm mới này, bà Hạnh cho biết: "Thứ sơn đó khá độc hại nên cô nhiều khi không chịu được, nhưng ông ấy quen rồi. Ngày cứ ngồi quét sơn suốt để làm đèn 3D. Giá mỗi chiếc đèn kéo quân 3D vào khoảng 150.000 đồng. Một nhân công trong nhà làm mỗi ngày được 2 cái. Mỗi mùa vụ, chúng tôi bán được chừng 1.000 cái.

Nếu trừ đi chi phí ngày công thì chỉ được hơn 100.000 đồng tiền lời, rất khó để cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Nhưng chúng tôi muốn giữ lại nét văn hóa cổ truyền nên vẫn làm, dù không đạt công so với những nghề khác".

Cho đến nay, những người thợ già này làm nghề ngoài việc mưu sinh thì còn gửi gắm ở trong đó sự yêu nghề, nặng lòng với món đồ chơi gắn bó với kí ức tuổi thơ nhiều người. Thậm chí, đây không chỉ là một nghề mà còn là gia tài vô giá của vợ chồng ông Sinh, bà Hạnh cùng với niềm vui và niềm tự hào.

Tuy nhiên, bà Hạnh cũng chia sẻ, dù coi nghề làm đèn kéo quân giống như một tài sản của gia đình nhưng ông bà vẫn sẵn sàng chia sẻ phương pháp cho ai có hứng thú. Sự tìm tòi, học hỏi về cách làm đèn của những người trẻ hiện nay cũng là một cách cảm ơn, ủng hộ cho những người thợ đã giữ nghề hàng chục năm và giúp đỡ cho việc lưu giữ những nét tinh hoa truyền thống. 
Ngọc Minh
.
.
.