Núi rác khổng lồ "đầu độc" người dân

Thứ Hai, 30/04/2018, 15:41
Với mục đích ban đầu chỉ là đổ rác tạm thời, thế nhưng hàng chục năm nay, bãi rác khổng lồ, lộ thiên, bốc mùi hôi thối vẫn ngang nhiên hoạt động. Hàng trăm lá đơn, hàng chục cuộc họp đã diễn ra, nhưng thực trạng ô nhiễm môi trường tại phố Mậu Thông, phường Khai quang (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn ngày một nặng hơn.


Ăn cơm trong màn

Chúng tôi đến con phố Mậu Thông vào đúng những ngày miền bắc nắng nóng, khắp nơi bao trùm không khí ngột ngạt đến khó thở. Mặc dù đang là giờ ăn trưa nhưng các ngôi nhà ở đây đều được đóng cửa im ỉm. Hỏi ra mới biết, họ đóng cửa để ngăn không cho ruồi nhặng vào nhà. 

Khắp trong ngõ ra đến phố đâu đâu cũng rác, rác thải ngập ngụa chất cao như núi, ruồi nhặng bay khắp nơi như ong vỡ tổ. Biết chúng tôi tìm hiểu về thực trạng ô nhiễm môi trường tại đây, người dân tỏ ra không quá mặn mà. Nhiều người bảo, họ khóc nhiều rồi, họ kêu nhiều rồi, nhiều người đến khảo sát, chỉ trỏ rồi cũng lại đi, núi rác thì ngày một cao lên. 

Bà Hoàng Thị Thiện không giấu được bức xúc: "Mang tiếng thành phố nhưng hàng chục năm nay người dân chúng tôi sống vô cùng khổ sở. Rác người ta chở về đây đổ thành núi, bữa ăn cũng không ngon, giấc ngủ cũng không được yên".

Gia đình bà Thiện là một trong những hộ chịu ảnh hưởng nặng nhất, bởi nhà bà chỉ cách bãi rác chưa đầy 10 mét. Dù đã ngồi tận trong nhà và đóng cửa kín nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được không khí ngột ngạt, khó thở bởi mùi hôi thối khủng khiếp bốc ra từ bãi tập kết rác. 

Gia đình bà về ở khu vực này từ năm 2005 theo diện được chính quyền cho thuê đất 49 năm để trồng cây lâu năm. Mới chỉ sống được 3 năm thì ngay phía sau nhà bắt đầu trở thành điểm tập kết rác. 

Ban đầu tưởng có kẻ lạ đổ trộm, nhưng bãi rác ngày một lớn dần lên, người dân phản ánh lên chính quyền địa phương thì được giải thích rằng: Do chưa có nhà máy xử lý rác thải, nên TP Vĩnh Yên mượn một phần diện tích của Khu công nghiệp Khai Quang (khoảng 2 hecta) để làm nơi tập kết tạm thời.

Núi rác khổng lồ đang ngày đêm "đầu độc" hàng trăm con người ở đây.

Từ đó người dân phải chấp nhận khắc phục tình trạng này để "sống chung với lũ". Thế rồi sự nhẫn nhịn của người dân ngày càng bị ăn mòn, bởi cứ năm này qua năm khác, bãi rác cứ ngày một phình to ra, gây ô nhiễm ngày một trầm trọng hơn. 

Người dân nơi đây không hiểu nổi 2 tiếng "tạm thời" mà chính quyền đã nói sẽ là bao lâu. Có lẽ đó cũng chỉ là lời biện minh cho sự tồn tại của bãi rác khổng lồ này tính tới nay đã được một thập kỷ.

Đi quanh một vòng khu vực dân cư bị ảnh hưởng, chúng tôi nhận thấy rất nhiều dòng nước đen đặc quánh chảy ra từ núi rác. Nước bẩn này chảy lênh láng khắp nơi, đặc biệt hơn, suốt 10 năm qua, khoảng 38 hộ dân (với hàng trăm nhân khẩu) ở khu phố Mậu Thông vẫn phải cắn răng mà sử dụng nước giếng khoan hoặc giếng khơi. Ai cũng biết nước ô nhiễm lâu ngày sẽ ngấm xuống lòng đất nhưng vẫn phải sử dụng nước giếng, đơn giản vì đó là lựa chọn duy nhất. 

Bà Thiện cho hay: "Đối với những hộ dân ngay sát bãi rác như gia đình tôi, thì mỗi tháng phải đầu tư khoảng 20 bình nước mua từ bên ngoài để ăn uống. Nói thật với các chú, không những nguồn nước bị ảnh hưởng mà không khí ở đây cũng ô nhiễm nặng lắm. Bãi rác này trở thành nơi ruồi muỗi sinh sôi nảy nở, tiềm ẩn những ổ bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Ruồi muỗi nhiều đến mức ăn cơm cũng phải mắc màn. Nếu nhà nào không mắc màn thì khi ăn, mâm cơm vẫn phải úp lồng bàn, muốn ăn gì thì hé lên rồi gắp. Cơ man nào là khổ, chúng tôi giờ chỉ mong các cấp chính quyền có phương án di dời bãi rác này đi để hàng trăm con người nơi đây được sống yên ổn".

10 năm chịu đựng ô nhiễm, những hậu quả về sức khỏe người dân đang phải gánh ngày một nặng nề hơn. Nói về vấn đề này, chị Nguyễn Thị Ngân (Tổ trưởng tổ dân cư Lên Gia, Phố Mậu Thông) cho biết: "Từ ngày có bãi rác, cuộc sống cư dân nơi đây đã bị đảo lộn hoàn toàn. Tần suất trẻ em bị mắc những chứng bệnh về hô hấp, đi ngoài tăng lên đột biến, nhiều người cũng đang trong giai đoạn ủ bệnh ung thư rồi. Khổ sở nhất là các gia đình có việc hiếu hỉ, làm cỗ mời khách rất bất tiện. Nói thật là nhiều người còn ngại đến đây ăn cỗ, có khi chỉ vì nể mà đến thôi. Nhiều đám cỗ bàn đã bày ra nhưng khi khách đến ăn thì ruồi nhặng bâu đen lại, nhiều người không dám ăn, bấm bụng nhịn đói ra về. Có gia đình làm cả mấy chục mâm cỗ, đồ thừa không ai ăn tính ra gần 1 nửa. Chúng tôi toàn những người nghèo, lấy đâu ra tiền mà đặt cỗ rồi ăn ở nhà hàng. Tình trạng này mà cứ kéo dài chắc cả khu này trở thành ốc đảo của thành phố".

Theo tìm hiểu của phóng viên sống cách bãi rác chỉ vài chục mét có 4 gia đình là ông Nguyễn Đình Tuyển, Nguyễn Đình Hương, Hoàng Thị Thiện và Hoàng Văn Công. Vì không chịu được sự ô nhiễm, một số hộ đã phải bỏ nhà cửa đi nơi khác tạm lánh nạn. Điển hình là gia đình ông Nguyễn Văn Công, họ đã rời bỏ nhà cửa vào năm 2016. 

"Nhà ông ấy không thể chịu được nữa, họ sợ sức khỏe con cái bị ảnh hưởng nên chuyển đến vùng khác để sinh sống. Không chỉ gia đình chúng tôi muốn đi  mà tất cả đều muốn nhưng không đủ tiền để mua đất ở nơi khác nên đành bám trụ lại đây. Chúng tôi đang mong mỏi các cấp chính quyền giải quyết để mọi người được ổn định cuộc sống" - bà Thiện buồn bã nói.

Người dân đang hy vọng bãi rác sẽ sớm được xử lý theo đúng chỉ đạo của thành phố.

Vẫn điệp khúc "lời hứa"

Hàng trăm lá đơn của người dân gửi đến cơ quan chức năng, hàng chục cuộc họp diễn ra nhưng núi rác vẫn sừng sững, ngày một lớn hơn. Không trông chờ được vào chính quyền, gần đây 18-4 , người dân tại khu phố Mậu Thông đã tập trung dùng cây cối, gạch đá chặn ngang đường ngăn cấm xe môi trường vào bãi rác. 

Một người dân tại đây kể lại: "Chúng tôi uất ức không thể nói nên lời, kêu khắp nơi nhưng không ai cứu buộc người dân ở đây phải hành động. Tôi nói thật, nếu không có phương án giải quyết khi người dân phẫn nộ quá là xảy ra chuyện lớn. Suốt đêm ngày 18-4, chúng tôi kéo điện, nấu mì tôm ăn, thay phiên nhau túc trực. Chỉ có làm vậy các xe rác mới tạm thời ngừng hoạt động. Mọi người ở đây vạn bất đắc dĩ mới phải dùng đến cách này, tất cả đều muốn bình yên để lao động sản xuất".

Sự việc người dân lập lán, nấu mỳ thay phiên nhau canh gác không cho xe rác hoạt động đã khiến UBND TP Vĩnh Yên phải tổ chức cuộc đối thoại khẩn với người dân phố Mậu Thông. 

Cuộc họp này do ông Lê Đức Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên chủ trì và đưa ra những phương hướng chỉ đạo. Về việc hỗ trợ người dân nguồn nước sạch để sinh hoạt trong thời gian bãi rác chưa rời đi, UBND TP Vĩnh Yên đã làm việc với Công ty Cổ phần cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc nhằm đấu nối, cấp nước sạch cho nhân dân khu vực bị ảnh hưởng. Để đẩy nhanh tiến độ, phía chính quyền sẽ thúc đẩy hoàn thiện trong thời gian nhanh nhất.

Gia đình bà Thiện phải mua nước từ bên ngoài dùng cho sinh hoạt hàng ngày.

Việc người dân mong mỏi nhất là xử lý bãi rác trong Khu công nghiệp Khai Quang, UBND TP Vĩnh Yên đã có văn bản báo cáo với UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Nội dung văn bản này là cho khôi phục lại bãi rác Núi Bông (thuộc địa phận phường Khai Quang) và giao cho Công ty Cổ phân Môi trường và Dịch vụ đô thị Vĩnh Yên lắp dựng module để xử lý rác thải theo công nghệ đốt hiện đại, đảm bảo về môi trường. 

Chậm nhất trong vòng 12 tháng (đến 4-2019), UBND TP sẽ thực hiện xong việc xây dựng và đưa bãi rác mới đi vào hoạt động, chấm dứt việc tập kết rác tại Khu công nghiệp Khai Quang. Đặc biệt, TP Vĩnh Yên đã có cam kết sau thời điểm tháng 4-2019 sẽ dừng không chuyển rác vào bãi tại Khu công nghiệp Khai Quang (dù việc xây dựng bãi rác Núi Bông hoàn thành hay chưa).

Để đảm bảo môi trường khi chưa di chuyển được bãi rác tại Khu công nghiệp Khai Quang (đến hết tháng 4- 2019), UBND TP Vĩnh Yên đề nghị Công ty Môi trường Vĩnh Yên phối với với Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP Vĩnh Yên khảo sát thực tế hiện trường. Từ đó có các biện pháp thực hiện lấp đất xử lý rác. Đồng thời sử dụng bạt để che chắn bãi rác. Việc này phải được thực hiện xong trước ngày 1-5-2018. 

Về việc xử lý nước ô nhiễm rò rỉ từ bãi rác, cần phải thực hiện phun thuốc diệt ruồi muỗi định kỳ cho các hộ dân (2 tuần/lần), thuốc phun cần phải được đảm bảo chất lượng và được người dân kiểm tra. Ông Lê Đức Dũng cũng đã chỉ đạo UBND phường Khai Quang phải phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh quyền lợi cho người dân, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

Thực tế, không phải đây là cuộc họp đầu tiên mà đã nhiều lần cơ quan chức năng có chỉ đạo nhưng sự việc vẫn chưa đi đến hồi kết. Hàng trăm con người vẫn đang hy vọng đây không phải là lời hứa suông. Chỉ có như vậy cuộc sống của họ mới thực sự trở lại như cũ.
Phong Anh
.
.
.