Nước Anh sẽ thế nào sau khi bà Theresa May từ chức?

Thứ Tư, 29/05/2019, 09:47
Ngày 24-5, bà Theresa May, người đã giành chức Thủ tướng trong giai đoạn khủng hoảng tiếp nối cuộc trưng cầu dân ý về rút Vương quốc Anh ra khỏi EU(Brexit) năm 2016, đã tuyên bố từ chức trong khi chưa thực hiện được cam kết cốt lõi của bà là Brexit và hàn gắn những chia rẽ trong nước.

Vậy là sau gần 3 năm giữ chức Thủ tướng đầy vất vả, "người đàn bà thép" thứ 2 của nước Anh đã phải rời chính trường trong thất bại.

Giọt nước mắt của "người đàn bà thép"

Vào ngày 24-5, bà Theresa May đã có bài phát biểu đầy cảm xúc  khi quyết định đưa ra thông báo từ chức của mình. Bước ra từ cánh cửa Văn phòng Thủ tướng, bà Theresa May, được mệnh danh là "người đàn bà thép" thứ hai của nước Anh, đã cay đắng thừa nhận rằng sự nghiệp chính trị của bà, giống như nhiều người khác đã kết thúc trong thất bại.

Dù cố kìm cảm xúc khi đọc bài phát biểu thông báo từ chức, nhưng bà May đã rơi nước mắt khi đọc đến những dòng cuối cùng. Bà Theresa May nói về những nỗ lực thuyết phục Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit mà bà đã cùng EU thảo ra: "Tôi đã làm mọi thứ có thể để thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận. Đáng buồn là tôi không thể làm điều đó. Tôi đã cố gắng 3 lần". 

"Kể từ khi bước chân lần đầu tiên qua cánh cửa sau lưng tôi trên cương vị Thủ tướng, tôi đã nỗ lực để nước Anh trở thành đất nước không chỉ vì số ít người hưởng đặc quyền, mà là vì tất cả mọi người, cũng như tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu dân ý", bà nói. Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng May nhấn mạnh bà là "nữ Thủ tướng thứ hai của Anh nhưng chắc chắn không phải người cuối cùng".

Thủ tướng Anh từ chức sau gần 3 năm dẫn dắt đất nước đầy vất vả. Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách Thủ tướng ngày 13-7-2016, bà cam kết chống lại "bất công đang âm ỉ" kiềm chế người dân, hứa hẹn "một đất nước làm việc vì mọi người" nhưng phần lớn thời gian tại nhiệm, bà lại dùng để giải quyết vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

Trước khi trở thành nữ Thủ tướng thứ hai của nước Anh, bà Theresa May là Bộ trưởng Nội vụ lâu đời nhất trong suốt nửa thế kỷ qua của nước Anh. Bà nổi tiếng với sự nghiêm túc, cần mẫn và thường né các cuộc vận động ngầm hay bội bạc vốn phổ biến trong đảng Bảo thủ.

Bà Theresa May sinh năm 1956 tại thị trấn Eastbourne bên bờ biển miền Nam nước Anh với tên khai sinh là Theresa Brasier. Cha bà May, ông Hubert là một mục sư. Đây cũng là một trong những điểm khiến bà hay được so sánh với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bà theo học tại những trường công và trường tư ít tiếng, một sự trái ngược hoàn toàn với người tiền nhiệm David Cameron và nhiều lãnh đạo khác thường học tại các trường danh tiếng của Anh.

Bà Theresa May đã ghi danh vào Đại học Oxford. Tại đây, bà đã gặp ông Philip, một chủ ngân hàng; họ lấy nhau năm 1980.

Bà Theresa May từng làm việc trong ngành tài chính ở Ngân hàng Anh trước khi được bầu làm nghị sĩ quốc hội đại diện thị trấn Maidenhead ở London năm 1997. Là Chủ tịch đảng Bảo thủ năm 2002, bà đã tạo ra nhiều làn sóng phản đối khi cho rằng đảng Bảo thủ được coi là "đảng khó chịu" và cần "đại tu hình ảnh".

Khi đảng Bảo thủ chiến thắng cuộc tổng tuyển cử năm 2010, bà Theresa May được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, công việc khó khăn nhất trong Chính phủ. Nhưng bà đã giữ chức vụ này được 6 năm, trở thành Bộ trưởng Nội vụ có thời gian tại vị lâu nhất từ năm 1892.

Năm 2016, bà Theresa May đã vượt qua những hỗn loạn trong cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề Brexit một cách bình yên. Thời điểm ấy bà mô tả bản thân "là người sẽ đưa đất nước ra khỏi EU". Theo AFP, bà không gây nhiều chú ý trong suốt chiến dịch, và khi cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 6- 2016 dẫn tới kết quả gây sốc là "rời EU," bà đã bước vào khoảng trống chính trị mà ông David Cameron để lại sau quyết định từ chức.

Bà cũng là người phụ nữ hiếm hoi lên được đỉnh cao chính trường nước Anh, vốn luôn chi phối bởi đàn ông. Chính vì vậy, bà còn được mệnh danh là "người đàn bà thép" thứ 2 của nước Anh sau Thủ tướng Magaret Thatcher. 

Theo New York Times, bà Theresa May từng nói: "Tôi không phải chính trị gia màu mè. Tôi không đi hết đài truyền hình này tới đài truyền hình khác. Tôi không bàn tán về người khác khi ăn trưa. Tôi không đi uống ở các quán bar quanh Nghị viện". 

Trong thời gian ngắn ngủi làm Thủ tướng, bà Theresa May gây ấn tượng mạnh với nhiều người bởi tính quyết đoán, sự tỉ mỉ, cầu toàn đến khó chịu của bà. Tuy nhiên, ba năm sau ngày nhậm chức Thủ tướng, cuối cùng bà Theresa May đã không thoát khỏi bi kịch nơi chính trường đầy khốc liệt, khi thất bại chỉ có lối thoát duy nhất là ra đi. Sự thất bại trong việc không đạt được thoả thuận liên quan đến vấn đề Brexit như từng cam kết với người dân đã đánh gục "người đàn bà thép".

Bắt đầu cuộc đua vào ghế Thủ tướng

Quyết định của bà Theresa May đã mở đường cho đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mới và nước Anh sẽ có một Thủ tướng mới. Bà Theresa May sẽ là Thủ tướng tạm quyền của Anh trong suốt cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ kéo dài khoảng 6 tuần. Dự kiến đến cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8- 2019 sẽ tìm ra người thay thế bà Theresa May trên ghế Thủ tướng.

Cho tới lúc này đã có một số ứng cử viên xác nhận ý định đứng ra tham dự cuộc đua, đó là: Jeremy Hunt - Bộ trưởng Ngoại giao; Rory Stewart - Bộ trưởng Phát triển Quốc tế; Matt Hancock - Bộ trưởng Y tế; Boris Johnson - cựu Bộ trưởng ngoại giao, kiêm cựu Thị trưởng London và Esther McVey - cựu Bộ trưởng Việc làm và Hưu bổng. Hầu hết các ứng cử viên hàng đầu cho việc kế nhiệm bà Theresa May đều muốn có một thỏa thuận rút khỏi EU "rắn" hơn, cho dù EU đã tuyên bố sẽ không đàm phán lại về thỏa thuận mà khối này đã ký kết với Anh vào tháng 11.

Trong cuộc chạy đua này, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson, người có lập trường cứng rắn về Brexit, đang dẫn đầu. Boris Johnson vốn chủ trương nước Anh không cần đạt được thỏa thuận với Bruxelles về Brexit. Boris Johnson đã ca ngợi bà May là nhà lãnh đạo quả cảm, đồng thời nhấn mạnh đến nhiệm vụ của người kế nhiệm là "triển khai Brexit". 

Hôm 24-5, Boris Johnson đã nói với một hội nghị kinh tế ở Thụy Sĩ rằng một nhà lãnh đạo mới sẽ có "cơ hội để làm những điều khác biệt". "Chúng ta sẽ rời EU vào ngày 31-10, có thỏa thuận hoặc không có thỏa thuận. Cách để có được một thỏa thuận tốt là chuẩn bị cho việc không có một thỏa thuận". Tuy nhiên, con đường vào nhà số 10 phố Downing của Johnson đầy chông gai, bởi vì tuy là gần gũi với tầng lớp đảng viên nòng cốt, Boris Johnson lại có khá nhiều địch thủ nặng ký.

Người thứ hai muốn ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng là Bộ trưởng Môi Trường Michael Gove, một chính khách đầy thủ đoạn, từ lâu đã kiên nhẫn đứng trong bóng tối chờ cơ hội. Ngay từ đầu, Gove đứng về phe Brexit và là một trong những nhân vật then chốt, cùng với Boris Johnson, đem lại chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2016. Nhưng cũng chính ông Gove đã phản bội Johnson khi đảng tìm người thay thế Thủ tướng David Cameron.

Theo BBC, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, nhân vật thứ năm của Đảng Bảo thủ tham gia cuộc đua, nói người kế nhiệm bà Theresa May phải "trung thực mạnh mẽ" hơn về "các đánh đổi" cần có để đạt được thỏa thuận thông qua Nghị viện. 

"Chúng ta cần một khởi đầu mới và một gương mặt tươi mới để đảm bảo đất nước này chiến thắng trong các trận chiến của thập niên 2020 và thịnh vượng trong nhiều năm tới", ông Matt Hancock nói. 

Thông báo về việc ứng cử của mình, ông Hancock đã bác bỏ một cuộc tổng tuyển cử nhanh chóng để giải quyết bế tắc Brexit, nói rằng điều này sẽ là "thảm họa cho đất nước" và sẽ có nguy cơ chứng kiến lãnh đạo Đảng Lao động đối lập Jeremy Corbyn nắm quyền "vào Giáng sinh". 

Thay vào đó, ông nói rằng trọng tâm của ông sẽ là có được một thỏa thuận Brexit thông qua Nghị viện hiện tại và "cân bằng" lập trường với các nghị sĩ về ý nghĩa của việc này đối với Vương quốc Anh.

Một số ứng cử viên cho chức Thủ tướng Anh. Từ trái sang, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt, Bộ trưởng Nhà ở Anh Sajid Javid, cựu lãnh đạo Hạ viện Andrea Leadsom và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson.

EU sẽ không nhân nhượng

Ngay sau khi bà Theresa May thông báo chính thức rời ghế Thủ tướng, các nước thành viên EU đã nhanh chóng có phản ứng. Thỏa thuận rút nước Anh ra khỏi EU đã đạt được với khối này vào tháng 11- 2018, sau các cuộc đàm phán căng thẳng. Ủy ban Châu Âu nói rõ rằng họ sẽ làm việc với người kế nhiệm của bà Theresa May nhưng sẽ không có bất kỳ thay đổi nào đối với Thỏa thuận Brexit.

Mina Andreeva, phát ngôn viên của Ủy ban EU cho biết Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker đã theo dõi thông báo của Thủ tướng Theresa May: "Chủ tịch rất thích và đánh giá cao khi làm việc với Thủ tướng May và, như ông đã nói trước đây, Theresa May là một người phụ nữ can đảm, người mà ông rất kính trọng. 

Ông ấy sẽ tôn trọng và thiết lập quan hệ làm việc với bất kỳ thủ tướng mới nào, dù họ là ai, mà không ngừng lại các cuộc đối thoại với Thủ tướng May. Và quan điểm của chúng tôi về Thỏa thuận Brexit và bất cứ điều gì khác đã được đặt ra. Sẽ không có thay đổi nào cả".

 Theo BBC, các thành viên EU không tỏ ra xúc động mà cũng chẳng hào hứng. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng đất nước của bà sẽ tiếp tục hướng tới một Brexit "có trật tự", và nói thêm rằng chính phủ của bà sẽ "tiếp tục nỗ lực để đảm bảo có mối quan hệ đối tác tốt với Vương quốc Anh". 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh tinh thần dũng cảm của bà Theresa May nhưng đồng thời kêu gọi nước Anh "nhanh chóng làm rõ" về Brexit sau khi Thủ tướng Theresa May tuyên bố từ chức. Ông Macron nhấn mạnh sự cần thiết phải "duy trì hoạt động trơn tru của EU", khi Ủy ban châu Âu loại trừ bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách Brexit.

EU cũng khẳng định quyết định của bà Theresa May không làm thay đổi được điều gì. Đối với Ủy Ban, cũng như đối với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, thỏa thuận Brexit đạt được với Anh vẫn nằm trên bàn. Và ngoại trưởng Ailen Simon Coveney báo trước với người kế nhiệm bà Theresa May rằng đừng hy vọng vào một cuộc đàm phán mới.n

Đức Quý (tổng hợp)
.
.
.