Nước bẩn và câu chuyện trách nhiệm

Thứ Tư, 23/10/2019, 10:24
Những ngày qua, người dân Thủ đô Hà Nội như trở lại thời bao cấp khi lũ lượt người phải xếp hàng rồng rắn, mang theo thau chậu và các vật dụng chứa nước để lấy nước sạch từ những chiếc xe bồn.


Vụ việc được cho đã bắt đầu khi dầu thải bị đổ trộm vào nguồn nước của Công ty CP Kinh doanh Nước sạch sông Đà (Viwasupco). Theo các cơ quan chức năng, cán bộ-công nhân viên của Viwasupco đã phát hiện vụ việc từ ngày 8-10. Vụ việc ngay lập tức được công ty nhìn nhận là rất nghiêm trọng, bằng chứng là họ đã huy động toàn bộ cán bộ-công nhân viên của công ty để đi khắc phục sự cố, "ngay cả nhân viên văn thư" cũng phải đi.

Sự cố nghiêm trọng như vậy, nhưng Viwasupco không hề cảnh báo cho khách hàng, cho người dân, vẫn tiếp tục bơm nước bán như chưa có gì xảy ra. Mãi đến ngày 10-10, khi xác định bản thân công ty không thể tự giải quyết sự cố, công ty mới báo cáo vụ việc cho "Công an và tỉnh Hòa Bình", theo lời ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng giám đốc Viwasupco.

Từ sáng sớm đến đêm khuya vài ngày qua, hàng nghìn người dân ở các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, huyện Hoài Đức... phải xếp hàng để nhận nước sạch. Cảnh tượng này chưa từng có hơn chục năm nay.

Và phải đợi đến 6 ngày sau, chiều 15-10, UBND TP Hà Nội mới có thông báo khuyến cáo người dân không sử dụng nguồn nước sông Đà cho việc ăn uống, sau khi các mẫu xét nghiệm từ nhiều khu vực khác nhau cho thấy hàm lượng chất Styren từ dầu thải cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 - 3,65 lần. 

Như vậy, thái độ bàng quan của Viwasupco và các cơ quan chức năng đối với sức khỏe, tính mạng của người dân đã quá rõ ràng. Lẽ ra, ngay khi phát hiện nước có vấn đề, công ty phải dừng ngay lập tức việc cấp nước, và cảnh báo cho người dân không dùng nước bị ô nhiễm đã tích trữ trong các loại bồn chứa. Và nếu công ty không làm được việc này vì hám lợi, thì ngay khi nhận được báo cáo, phản ánh từ báo chí, người dân và công ty, các cơ quan chức năng phải ngay lập tức buộc công ty ngưng cấp nước và khuyến cáo rõ ràng cho người dân.

Thế nhưng, phải đợi 2 ngày sau công ty mới báo cáo cơ quan chức năng, với lý do được ông Tốn đưa ra là "do không có người gõ văn bản", vì ngay cả văn thư cũng bị điều đi xử lý sự cố. Và phải gần một tuần sau, các cơ quan chức năng mới có cảnh báo chính thức đến người dân bị ảnh hưởng.

Dầu thải bám hai bên bờ suối gần nhà máy nước sạch sông Đà. Ảnh: Bách Trần

Và đáng buồn hơn, khi thành phố bố trí xe bồn chở nước sạch cho dân, người dân phải bỏ công bỏ việc xếp hàng rồng rắn chờ lấy nước, nhưng lấy nước xong phải đổ đi vì nước đó cũng không sạch. Lý do: xe chở nước là xe bồn tưới cây, nhưng không chịu thau rửa trước khi chở nước sạch cho dân. Sự thờ ơ, vô cảm của những người có trách nhiệm đã đến mức thật đáng buồn.

Trong khi đó, Công ty Viwasupco cho đến nay vẫn chưa có lời xin lỗi chính thức, mà cho biết cần phải "chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng" mới tính tiếp! 

Như vậy, họ vẫn nghĩ là họ không có gì sai khi để dân uống nước "độc và bẩn" gần cả chục ngày?

Trong khi đó, trao đổi với báo chí về vụ việc đổ dầu thải vào đầu nguồn nước khiến hàng nghìn người dân tại Thủ đô Hà Nội không thể sử dụng nước sạch, Luật sư Nguyễn Quang Tâm, Giám đốc Công ty Luật Phúc Quang, nhận định đây là vụ việc cực kỳ nghiêm trọng, gây hậu quả trực tiếp về sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dân.

Luật sư Tâm cho biết cần khởi tố vụ án hình sự về tội thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. "Vụ án này đã xảy ra tại Công ty nước sạch Sông Đà. Các cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ các vấn đề liên quan, mở rộng vụ án làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân để xảy ra vụ việc này", luật sư Tâm cho biết. 

Qua sự việc, có thể thấy quy trình hoạt động sản xuất, xử lý nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà có vấn đề. Việc nước ô nhiễm vào nhà máy, không được xử lý, phát hiện mà vẫn sản xuất, cung cấp cho người dân là vấn đề nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng cần làm rõ thiếu sót, lỗ hổng về chuyên môn, do quy trình lạc hậu, hỏng hóc hay do cả hệ thống của nhà máy. 

Nguồn nước dẫn vào nhà máy nước sông Đà chia làm hai màu rõ rệt sau sự cố ô nhiễm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nước sạch là điều kiện tiên quyết cho cuộc sống, không thể để tình trạng này lặp lại một lần nào nữa. Cần có phương án sản xuất, cung cấp nước và ứng phó sự cố một cách an toàn, khoa học. Nếu cần, phải đập bỏ cái cũ, lạc hậu để xây dựng quy trình, nhà máy mới. Việc đảm bảo an toàn nước sạch cho người dân là tối quan trọng.

Tính đến ngày 18-10, các cơ quan chức năng đã bắt được 2 đối tượng bị tình nghi đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà, dẫn tới "cuộc khủng hoảng" nước sạch ở Thủ đô những ngày qua. Trước đó, ngày 17-10, Công an tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo khởi tố vụ án hình sự về tội “Gây ô nhiễm môi trường” theo quy định tại Điều 235 Bộ Luật Hình sự năm 2015 để tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.

Đây có thể được coi là những hành động cần thiết để khôi phục lại niềm tin của người dân. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là trách nhiệm của Viwasupco trong xử lý vụ việc. Bởi, những cá nhân tắc trách và bất chấp như các đối tượng đổ dầu thải không phải ít, nên những công ty có hoạt động trực tiếp liên quan đến sức khỏe của người dân như Viwasupco cần phải có những phương án xử lý kịp thời.

Cơ quan chức năng cũng cần có một hệ thống giám sát chặt chẽ hơn những công ty hoạt động trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân, để luôn sẵn sàng cho những tình huống khẩn cấp xấu nhất. Có như vậy mới khôi phục được lòng tin của người dân vào những người có trách nhiệm.

Công Tâm
.
.
.