Nước mắt bên vườn cao su

Chủ Nhật, 24/09/2017, 14:49
Chẳng biết từ bao giờ chiếc áo chị mặc chi chít mủ cây màu thâm đen. Chị bảo, đó là những lần đi cạo mủ cao su hoặc phải dọn dẹp chúng sau mỗi đận bão dữ. Cùng một loại mủ nhưng những lúc khác nhau, chúng đem lại cho chị những buồn vui riêng! Lúc vui là “vàng trắng”, mà lúc buồn thì nước mắt có màu thâm của mủ… 

Trở lại vùng đồi Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh, Quảng Trị) sau cơn bão dữ, tôi gặp lại chị Lê Thị Cẩm, thôn Trại Cá. Ngồi bệt giữa một vườn cây cao su gãy đổ la liệt, chị Cẩm nói như mếu: “Lần ni hơn cả đận trước chú nờ, sạch trơn cả rồi”.

Những cây cao su to đều gãy ngang thân, vết gãy ngọt lịm như nhát rựa; cây nhỏ thì bật gốc khỏi mặt đất. Là 2ha phải không chị? “Ừ! Lần trước bị gãy đổ, bật gốc một nữa. Nhưng lần này còn lại đúng 15 cây”. Chồng chị Cẩm, anh Hoàng Văn Dưỡng đứng bên vợ, nói xen vào: “15 cây mà cũng chẳng lành lặn gì. Chúng đều bị vặn gốc cả, coi như bỏ đi”.

Chị Cẩm nhìn bát hứng mủ cao su không một giọt mủ.

“Đận bão năm 2013, tui tiếc của, đào hố trồng lại những cây bị ngã đổ, vặn gốc. Đến thời gian vừa rồi mới cạo lại được nhưng lượng mủ rất ít. Vì thế, tui băn khoăn việc mình nên thuê người đào hố trồng lại hay bán cây cho người khác cưa lấy củi. Bởi đào hố trồng lại thì mất ít nhất 15 triệu đồng rồi tiền mua phân bón, công chăm bón 4-5 năm nữa. Nhưng đến lúc đó không biết cây có mủ hay không. Đó là chưa kể bão dữ ập đến lùa hết lúc nào không biết…”, anh Dưỡng chia sẻ.

Sát vườn cao su của vợ chồng anh Dưỡng chị Cẩm, một tốp nông dân chừng 10-12 người đang hì hục đào những cái hố nhỏ bên cạnh những gốc cây bị bật gốc, ngã đổ. Họ cứ 2 người một cây. Người nâng cây lên, người vun đất vào gốc, nện chặt sao cho cây đứng thẳng trở lại. Ngoài họ, còn có những tốp thợ cưa dọn dẹp những cây bị gãy ngang không thể phục hồi được.

Ông Võ Đức Diện, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy xót xa: “Từ chiều hôm qua tới giờ, đi đâu cũng nghe tiếng máy cưa xoèn xoẹt mà xót hết cả ruột. Đận bão số 4 vừa rồi, cả xã bị gãy đổ, bật gốc hơn 30ha. Chính quyền, ban, ngành chức năng đang tiến hành phương án khắc phục thiệt hại, giúp đỡ người dân. Việc chưa xong thì tin buồn lại ập đến. Lần này, diện tích bị thiệt hại nhiều hơn gấp 20 lần so với trước”.

Vĩnh Thủy là địa phương đầu tiên ở Vĩnh Linh, tiên phong trồng cây cao su từ cách đây hơn 20 năm. Thời điểm cây cao su phát triển mạnh nhất ở địa phương này là vào năm 2012, với hơn 1.130ha. Nhưng cơn bão vào cuối năm đó và đầu năm 2013 đã làm gãy đổ, bật gốc không thể phục hồi được gần 130ha. Tuy nhiên, đó chưa phải là thời điểm bị thiệt hại nặng nề nhất ở Vĩnh Thủy; sau đận bão số 4 và số 10 vừa rồi, cả xã này còn lại chỉ chưa tới 400ha.

Những hộ dân bị thiệt hại nặng nề nhất ở đây, như hộ ông Dưỡng, Đoàn Quang Luật, Võ Văn Thành, ở thôn Trại Cá; Trần Văn Khanh, Bùi Văn Thông, ở thôn Linh Hải; Nguyễn Khắc Cận, Đỗ Duy Thảo, ở thôn Kinh tế mới; Võ Ngọc Tạo, Lê Văn Hùng, Nguyễn Quang Tý, ở thôn Thủy Ba Tây; Hoàng Văn Hoan, ở thôn 26.3… Mỗi hộ có từ 2-5ha, tất cả đều bị gãy đổ, bật gốc, không thể phục hồi được.

Hỏi về những khó khăn trước mắt, chị Trần Thị Xoan, vợ anh Hoan bật khóc: “Chưa biết phải xoay xở thế nào chú ạ. Cháu lớn nhà chị thi đỗ đại học, mới đi học được mấy hôm. Nhưng hôm qua cháu gọi điện về, bảo với ba nó là không theo học nữa, muốn về quê giúp ba mẹ. Khi anh động viên cháu, nó bảo: “Ba mẹ thương con nên lúc nào mà chẳng nói thế. Nhưng con biết, những năm qua, cả nhà ta đều nhờ vào mấy hécta cao su. Nay cao su gãy đổ hết rồi, ba mẹ xoay đâu ra tiền cho con ăn học. Rồi còn tương lai của em con nữa!”.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung - Phan Ngọc Khoa giữa vườn cây cao su của người dân địa phương bị bão dữ làm gãy đổ la liệt.

“Vợ chồng chị có xuất phát điểm thấp. Lấy nhau 20 năm mà cách đây 15 năm mới dám sinh đứa thứ 2. Lúc đó kinh tế gia đình khá lên đôi chút nhờ vào 2ha cao su. Thời điểm được giá, mỗi ngày cạo mủ, bán, trừ mọi chi phí cũng được gần 1 triệu đồng. Ba năm lại đây, mủ cao su rớt giá nhưng thu nhập từ cao su vẫn cao hơn nhiều so với các loại cây trồng nông, lâm nghiệp khác”, chị Xoan chia sẻ.

Chia tay chị Xoan và bà con nông dân xã Vĩnh Thủy, tôi ra QL1A, rẽ vào đường Cạp Lài, thị trấn Hồ Xá (Vĩnh Linh), đến xóm Nam Cường rẻ trái ra hướng Bắc, chạy một mạch chừng 3km thì đến xã Vĩnh Trung, địa phương giáp với vùng biển bãi ngang các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh.

Anh Phan Ngọc Khoa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung đón tôi với cái bắt tay chặt, ấm. Song gương mặt anh đượm buồn: “Em trước đây làm Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Linh, mới về làm Chủ tịch xã Vĩnh Trung được 3 tháng. Lúc về thấy cuộc sống của bà con sôi động, nhất là việc thu hoạch mủ cây cao su, hồ tiêu. Nhưng đùng một cái, bão dữ ập vào làm cho cuộc sống của bà con trở nên trầm lắng, khó khăn hơn bao giờ hết”.

Anh Trung dẫn tôi đi xem những vườn cây cao su gãy nát. Khác với Vĩnh Thủy, những vườn cây này trong sáng 16/9 không có một bóng người. Nghe tôi thắc mắc, anh Trung chùng giọng kể: “Trưa 15/9, ngay sau bão dữ đi qua, bà con vội vàng ra vườn cây cao su của mình, xem chúng thế nào. Nhưng họ chết lặng đi vì cây gãy đổ la liệt. Từ lúc đó tới giờ, không ai dám ra nhìn vườn cây nhà mình nữa”.

“Vườn này hơn 1ha của hộ anh Nguyễn Văn Lớn, ở thôn Thủy Trung. Vườn này thì gần 2ha của hộ anh Trần Hữu Màn, ở thôn Huỳnh Công Đông. Tất cả đều gãy sạch trơn, không còn sót một cây nào nguyên vẹn”, anh Khoa chỉ tay cho biết. Theo quan sát, cao su ở Vĩnh Trung chỉ có gãy ngang thân mà không bị vặn gốc, bật khỏi mặt đất. Theo như anh Trung giải thích, đất ở đó là đất đỏ bazan, có độ nén rất chặt, gốc cây nhờ đó không bị vặn, bật lên. Song nhược điểm, thì do cây có đặc điểm thân giòn, khi gió chỉ cấp 6-7 quét qua, là cây bị gãy đổ hàng loạt.

Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho hay: “Toàn huyện có 3.500ha cao su tiểu điền, với khoảng 1.750.000 cây. Bão số 10 vừa rồi đã làm gãy trắng, bật gốc không thể phục hồi được gần ¼ số cây nói trên. Tuy nhiên, đó chưa phải là thiệt hại toàn bộ. Bởi vì những vườn nào có từ 40-50% số cây bị hư hại sẽ không thể duy trì việc đầu tư, phát triển cây này được nữa. Lý do, việc tiếp tục chăm sóc một vườn cây như thế, là kém kinh tế hơn nhiều so với việc đầu tư trồng mới.

Ông Hùng cho biết thêm: “Trước tình trạng thiệt hại này, huyện đang khuyến khích bà con thay đổi loại cây trồng phù hợp với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc trước mắt, UBND huyện, phòng ban chức năng của huyện đang cùng với bà con thảo luận, tìm kiếm các loại cây trồng kể trên”.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung - Phan Ngọc Khoa giữa vườn cây cao su của người dân địa phương bị bão dữ làm gãy đổ la liệt.

Điều đáng nói, thực tế hiện nay tại các địa phương trồng cây cao su ở Quảng Trị, bà con nông dân không mặn mà gì với việc chuyển đổi cây trồng khác. Ngay như các hộ bị thiệt hại nặng ở Vĩnh Thủy, Vĩnh Trung đều nhất quyết trồng lại cao su. Khi hỏi lý do, bà con đều bộc bạch rằng: “Chúng tôi rất rõ việc trồng cao su được, mất là nhờ trời. Nhưng thực tế hiện nay chưa có loại cây nông, lâm nghiệp nào cho hiệu quả kinh tế cao như cây cao su”.

Tôi đem điều mình trăn trở về thực tế của người nông dân Quảng Trị hiện nay tâm sự với ông Nguyễn Văn Bài, chuyên gia ngành Nông nghiệp, nguyên Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị. Ông Bài thở dài, nói: “Đó cũng là điều tôi trăn trở, suy nghĩ bấy lâu nay về hướng đi bền vững cho người nông dân ở quê mình. Nhưng tôi cũng như nhiều người khác tâm huyết với việc làm đó vẫn chưa thể tìm ra được lời giải. Nó quả là một bài toán khó! Quảng Trị hiện vẫn còn 78% sản xuất nông, lâm nghiệp.

Trong khi các sản phẩm làm ra chưa có gì đặc trưng so với các tỉnh bạn, các nước trong khu vực và thế giới. Phần lớn người nông dân đều phải tự bán sản phẩm làm ra của mình một cách nhỏ lẻ, manh mún, không có được đầu mối liên kết, thu mua tập trung. Nhiều năm qua, sản phẩm của người nông dân bán chạy nhất, được giá nhất vẫn là mủ cây cao su.

Giá sản phẩm này phụ thuộc rất lớn vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc. Có thời điểm nó bị rớt giá thê thảm nhưng so với các sản phẩm nông, lâm nghiệp khác của bà con nông dân ở đây, thì nó vẫn được giá hơn nhiều. Vì vậy ở Quảng Trị vẫn rất khó để thay đổi, xóa bỏ dần loại cây trồng dễ bị thời tiết, thiên tai làm ảnh hưởng này”.

“Nhưng thực tế người nông dân càng trồng cây cao su thì càng gặp nhiều rủi ro. Từ thời giặc Pháp đô hộ, người Pháp đã không chọn vùng đất này để trồng cây cao su do điều kiện thời tiết ở đây bất thường, thiên tai bão, lụt xảy ra thường xuyên, dễ dàng làm cho loại cây trồng có đặc điểm thân giòn này gãy đổ, mất trắng hoàn toàn.

Trước thực tế trên, ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần phối kết hợp với Bộ NN&PTNT, các nhà khoa học, chuyên môn hàng đầu về Nông, Lâm nghiệp, tổ chức các hội thảo khoa học nên hay không việc tiếp tục phát triển cây cao su ở Quảng Trị. Kết quả lần nào cũng vậy, là hạn chế và dần đi đến thay thế hoàn toàn. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, do những khó khăn chung của địa phương nên đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo”. 

Lẽ nào bài toán nên hay không việc tiếp tục phát triển cây cao su ở Quảng Trị sẽ mãi không tìm được lời giải đáp? Lẽ nào cứ hằng năm vào mùa bão, lụt, người nông dân trồng cao su ở đây lại phải thót tim chờ đợi qua mỗi cơn gió rít gầm. Và, lẽ nào trên áo người nông dân với bao vất vả vẫn mãi một màu thâm đen của mủ, của loại cây trồng mà từ lâu nơi đây vốn được, mất nhờ trời! Hình ảnh chị Cẩm lại cứ hiện về, ám ảnh trong tôi.

Phan Thanh Bình
.
.
.