Nước mắt ngày về

Thứ Hai, 31/08/2015, 16:14
Khi biết mình có tên trong danh sách xét đặc xá, phạm nhân Nguyễn Thị Thuỳ Linh ôm con, khóc oà. Thùy Linh là 1 trong số 3 phạm nhân nữ có con theo vào trại được xét đặc xá ở Trại giam Thủ Đức. Những giọt nước mắt của hạnh phúc, của sự ân hận chảy dài trên khuôn mặt người phụ nữ đã từng một thời lầm lỗi. Rồi đây, khi ngày về đã mở ra ngay trước mắt, người phụ nữ ấy cũng hi vọng sẽ có một tương lai tươi sáng hơn…
Giấu cả nhà chuyện đi tù

Sinh năm 1980, quê Nghệ An, phạm nhân N.T.T.L. thụ án 4 năm vì tội chứa và môi giới gái mại dâm. Sau khi thụ án được 21 tháng và được xét giảm án 6 tháng, nhờ cải tạo tốt, chị tiếp tục được xét đặc xá. Vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, chị lấy chồng từ năm 16 tuổi. Dù nhan sắc không quá nổi trội nhưng cơ duyên đã khiến chị gặp được người chồng có gia cảnh tốt.

Mẹ chồng là giáo viên, bố chồng là Hiệu trưởng trường cấp 2. Lấy nhau không lâu, chị sinh con trai đầu lòng, hiện đang là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Kinh tế gia đình cũng thuộc loại khá. Chồng chị làm kiến trúc sư xây dựng còn chị làm giám sát các đại lí cho hãng kem đánh răng PS. Hai vợ chồng cũng mua được ngôi nhà 100m2, mặt tiền đường Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh).

Phạm nhân N.T.T.L. xúc động khi sắp được đặc xá.

Cuộc sống gia đình cứ êm đềm trôi qua cho tới ngày chị sinh đứa con thứ hai. Hai vợ chồng bắt đầu lục đục khi chị phát hiện chồng mình có người phụ nữ khác. Giận chồng, chị bỏ xuống Biên Hoà (Đồng Nai) mở quán cà phê kiếm sống qua ngày.

Thế rồi một ngày, Công an ập vào quán cà phê của chị trên đường Đồng Khởi (phường Tân Phong, TP Biên Hoà) bắt quả tang nhân viên của quán đang hoạt động mại dâm ngay tại quầy pha chế. Ngày 22/11/2013, chị bị Công an TP Biên Hoà bắt vì tội chứa và môi giới mại dâm.

Trước khi bị bắt, chị không biết mình có thai. Những ngày trong trại, vì có thai, chị được ưu tiên làm những công việc nhẹ nhàng. Đủ tháng, đủ ngày, chị sinh bé gái kháu khỉnh, tên N.N.A.. Chị giấu tất cả gia đình, người thân, bạn bè về việc mình vào tù. Ngay cả việc sinh đứa con thứ 3 trong trại giam, chị cũng không nói với chồng. Đứa bé được khai sinh bằng họ mẹ.

Xưởng may dành cho các phạm nhân nữ.

Hàng ngày, chị vẫn đi làm ở xưởng cá như những phạm nhân khác. Buổi trưa, chị được vào chơi với con. Chị vừa nói vừa khóc: "Tôi chưa biết nói với mọi người như thế nào về cháu bé. Không ai biết tôi đi tù, tôi nói dối mọi người là sang Malaysia làm ăn mấy năm. Tôi muốn quên đi quá khứ để bắt đầu cuộc sống mới. Tôi không muốn các con tôi phải buồn vì có người mẹ đã từng đi tù. Còn bé N.A., cháu mới có 1 tuổi, có lẽ cũng không biết đang phải cùng mẹ ở tù".

Khu giam giữ số 2 có cảnh quan nổi trội hơn hẳn các phân trại khác vì nơi đây chỉ giam giữ các phạm nhân nữ. Những luống hoa được cắt tỉa gọn gàng, bao quanh là những hàng cây xanh mướt. Thiếu tá Lại Văn Nghĩa, trưởng khu giam giữ số 2 cho biết, hiện khu đang giam giữ 480 phạm nhân nữ. Trong đó có 18 phạm nhân có con theo mẹ vào trại và 1 "bà bầu". Năm nay, khu có 73 phạm nhân được xét đặc xá, trong đó có 3 trường hợp có con theo vào trại. Đối với những phạm nhân có con nhỏ, theo quy định, khi các cháu trên 36 tháng tuổi, nếu gia đình không đón nhận thì trại giam sẽ làm thủ tục đưa các cháu vào các Trung tâm bảo trợ xã hội.

Ngày về tươi sáng

Chị T.T.T., sinh năm 1982, quê Nghệ An cũng được xét đặc xá đợt này. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng đất miền Trung đầy nắng gió, học hết lớp 6, chị bỏ học để đi kiếm tiền phụ giúp gia đình. Năm 17 tuổi, chị vào Bình Thuận làm ăn. Tại đây, chị kết duyên với người đàn ông hơn mình 5 tuổi. Cuộc sống gia đình thiếu thốn với 4 đứa con, vợ chồng chị vào Bà Rịa - Vũng Tàu mướn nương rẫy.

Do có mâu thuẫn trong làm ăn, một hôm, có nhóm người kéo đến nhà đánh chồng chị. Để bảo vệ chồng, chị lấy cây lau nhà bằng sắt đánh trả, không may làm gãy tay một người. Chị bị bắt, kết án tù 4 năm. Chị biết mình có thai trước khi đến Trại giam Thủ Đức thi hành án. Khi đó, chị đã làm đơn xin được hủy thai. Chị sợ rằng mình ở tù, sẽ không có tiền nuôi các con. Thế nhưng, chồng chị không đồng ý.

"Anh ấy nói tôi không được bỏ con. Dù vất vả đến đâu, anh ấy cũng chịu được. Anh ấy sẽ đi làm thuê, làm mướn để có tiền nuôi các con và mẹ con tôi ở trong tù. Vậy là tôi đã giữ lại cháu bé. Cho đến giờ, tôi nghĩ, quyết định giữ lại con là điều đúng đắn nhất trong cuộc đời mình" - chị chia sẻ.

Bé N.P.A. - con trai chị, sinh ra đã là đứa bé kháu khỉnh, khoẻ mạnh. Dù mới 13 tháng tuổi, bé đã nặng 18kg nên thường được các cán bộ ở khu giam giữ số 2 gọi bằng cái tên thân tình là "Sumô". Chị bảo, đứa bé rất nghịch ngợm và có mắt một mí giống hệt bố. Cậu bé cũng là nguồn động lực để chị quyết tâm cải tạo tốt, mong sớm được về đoàn tụ với gia đình.

Nói về dự định tương lai sau khi ra trại, chị bộc bạch: "Vợ chồng tôi cũng đã mua được ngôi nhà nhỏ dưới huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ra trại, chúng tôi sẽ về lại Vũng Tàu. Tôi buôn bán thanh long, mỗi ngày cũng kiếm được 100.00-200.000 đồng, còn chồng thì hàng ngày vẫn đi làm thuê. Chúng tôi sẽ cố gắng gom góp tiền mua ít nương rẫy để không phải đi làm thuê nữa".

Điều khiến chị băn khoăn nhất vẫn là cha mẹ già ở quê. "Bố mẹ tôi đều đã già rồi. Lúc tôi mới đi tù, mọi người đều giấu sợ bố mẹ không chịu đựng được. Nhưng cũng chỉ được một thời gian, bố mẹ tôi cũng biết. Ra trại, tôi rất muốn về thăm bố mẹ mà sợ không có tiền. Vé tàu xe giờ cũng gần 2 triệu. Số tiền ấy không nhỏ với chúng tôi".

Phạm nhân T.T.K.T. bên con trai.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, phạm nhân T.T.K.T. tranh thủ về chăm con. Sinh năm 1977, quê Đồng Nai, chị cũng thụ án 2 năm vì tội môi giới mại dâm. Trong một lần Công an tỉnh Đồng Nai truy quét hoạt động mại dâm trên địa bàn đã bắt quả tang 3 cặp mua bán dâm trong nhà nghỉ. Cả 3 đối tượng bán dâm đều là nhân viên trong quán cà phê của chị. Khi chị vào tù, chồng lập tức ly dị. Hai đứa con về sống với bà ngoại.

Nói về dự định tương lai, chị chia sẻ: "Tôi bị bệnh khớp nên mấy năm nay không làm được những việc nặng nhọc. Nhà tôi có nghề thêu gia truyền nên tôi sẽ mở xưởng thêu tại nhà. Điều khiến chị day dứt nhất vẫn là con gái chị. Nói đến con gái, chị khóc: "Tôi thương nó nhất nhà. Nó học rất giỏi nhưng mới đến lớp 11, nó bỏ học. Nó không dám đến trường vì bị bạn bè trêu chọc có mẹ đi tù. Nó trách tôi đã khiến nó phải xấu hổ, không dám ngẩng mặt nhìn ai. Tôi có tội với nó nhưng cũng không biết giải thích sao để con hiểu".

Là trại giam lớn nhất cả nước, năm nay, Trại giam Thủ Đức có 856 hồ sơ xét đặc xá và gần 1.500 hồ sơ xét giảm án. Đại tá Trần Hữu Thông - Giám thị Trại giam Thủ Đức cho biết, việc xét duyệt diễn ra công khai, minh bạch, đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng. Hầu hết phạm nhân được xét đặc xá, sau khi ra trại đều chấp hành tốt, tỉ lệ tái phạm rất thấp.

Những ngày này, tại các phân trại, niềm vui được lan toả tới từng buồng giam. Những phạm nhân được xét đặc xá chia sẻ với nhau niềm hạnh phúc sắp được đoàn tụ và những dự định tương lai phía trước. Những phạm nhân án nặng cũng động viên nhau cố gắng cải tạo tốt để được xét giảm án, sớm quay về với gia đình. Có những phạm nhân vô tình mà phạm tội.

Có cả những trùm giang hồ một thời khét tiếng, từng giết người không ghê tay. Có muôn nẻo đường dẫn họ đến với nhà tù. Thế nhưng, nhà tù cũng là nơi cảm hoá những tâm hồn tội lỗi, đưa họ đến với ánh sáng của sự lương thiện. Với những người biết "quay đầu là bờ" thì ngày về vẫn đang rộng mở ở phía trước…

Khánh Vy - Lưu Hiệp
.
.
.