“Ô nhiễm đầu” vì tin nhảm trên mạng

Thứ Ba, 10/11/2020, 08:01
Luật An ninh mạng đã quy định các nội dung, việc làm được phép thực hiện trên mạng Internet, mạng viễn thông, mạng xã hội và những hành vi bị ngăn cấm. Người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.


Chiều 4-11, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho biết, thời gian qua đã xuất hiện những hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin sai lệch, xuyên tạc, bịa đặt về dịch bệnh, thiên tai; về sự nỗ lực của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm trong khắc phục thiên tai, bão lũ, về thành quả phát triển của đất nước; về lịch sử, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước... Những thông tin đó phần nào  làm hoang mang dư luận, làm méo mó hình ảnh của thể chế, của chính quyền.

Theo ông Tám, phát ngôn, bình luận, chia sẻ thông tin là một trong những quyền tự do ngôn luận của công dân, nhưng phải thực hiện các quyền đó trong một khuôn khổ pháp lý nhất định. Kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới, họ cũng tạo ra những khuôn khổ pháp lý như vậy để đảm bảo quyền tự do ngôn luận một cách chính đáng, đồng thời ngăn chặn, loại trừ sự lợi dụng quyền này để xuyên tạc, đưa phát tán thông tin sai lệch, bịa đặt làm phương hại đến chính thể, chính quyền, quyền và lợi ích chính đáng của người khác.

Cũng chung quan điểm, đại biểu Lưu Thành Công (Đoàn Vĩnh Long) thì cho rằng, trên không gian mạng đã xuất hiện nhiều giang hồ với những chiêu trò lừa gạt, đưa những thông tin thất thiệt, gây tác động lớn đến đời sống sinh hoạt của nhiều người. Ông Công nhắc tới kênh Youtube đưa các thông tin nhảm nhí, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tuyên truyền mê tín, xuyên tạc lịch sử, nói xấu, bôi nhọ một số tập thể, cá nhân, gây tác hại rất lớn đến đời sống sinh hoạt của nhiều gia đình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội.

Có người ví đó như là thứ gây ''ô nhiễm đầu''. Theo ông Công, thời gian qua, không ít vụ tai nạn, tử vong ở trẻ em mà nguyên nhân là do trẻ học theo những cách làm, những trò chơi nhảm nhí, thiếu khoa học, thiếu văn hóa trên các trang mạng xã hội. Không những thế, hiện nay, trên không gian mạng còn diễn ra nhiều trò quảng cáo, mua bán hàng gian, hàng giả, cho vay trực tuyến, mang tính chất dụ dỗ, lừa gạt những người nhẹ dạ, cả tin.

Ông Công nêu nguyện vọng cử tri, đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp thiết thực hơn nữa, tăng cường hơn nữa an ninh, trật tự trong lĩnh vực này. Cần có thêm những quy định mang tính chất pháp lý với những điều kiện ràng buộc thật chặt để một video được lưu hành trên các trang mạng. Quản lý thật chặt các kênh Youtube, ngăn chặn, tháo gỡ ngay những clip nào có nội dung xấu, nhảm nhí không lành mạnh theo đúng các quy định trong Luật An ninh mạng; cần tăng cường xử phạt hành chính, thậm chí nếu đủ chứng cứ phải truy cứu hình sự.

Thực tế thời gian qua, ngoài việc lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, tung clip nhảm nhí để câu view kiếm tiền, một số đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước còn triệt để lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền, xuyên tạc, nhất là thời điểm trước đại hội Đảng. Cơ quan chức năng đã xử lý một số vụ việc và một số người lợi dụng không gian mạng để vi phạm pháp luật. 

Luật An ninh mạng đã quy định các nội dung, việc làm được phép thực hiện trên mạng Internet, mạng viễn thông, mạng xã hội và những hành vi bị ngăn cấm. Người nào có hành vi vi phạm quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Vì thế trước khi làm “công dân mạng”, mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cơ bản như Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự, Luật An toàn thông tin mạng...Đừng khiến cho người dân bị ''ô nhiễm đầu'' khi xem thông tin trên mạng.

Tân Lương
.
.
.