Ồn ào bảo tàng nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long 400 tỷ đồng

Thứ Sáu, 22/05/2020, 10:59
Nếu làm được một bảo tàng nông nghiệp đúng nghĩa đầu tiên của cả nước, sẽ rất hay. Nhưng tham vọng của tỉnh Vĩnh Long, liệu có tỷ lệ thuận với năng lực của tỉnh này, đó lại là một câu hỏi lớn, bắt buộc phải trả lời được trước khi chính thức động thổ dự án này.

Bảo tàng nông nghiệp đầu tiên

UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với quy mô 400 tỉ đồng. Khu đất dự kiến xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL rộng 11,4 ha tọa lạc tại ấp Rạch Trúc, thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm. 

Khuôn viên Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL được chia thành bốn khu chính gồm: khu phục vụ cho trưng bày và hành chánh; khu tái hiện làng quê Nam bộ xưa; khu tổ chức sự kiện và khu các công trình phụ trợ. Tổng nguồn vốn thực hiện được huy động từ các nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

Mục tiêu của đề án là tạo dựng một thiết chế văn hóa quan trọng xứng tầm với vai trò và vị thế của ngành nông nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phát huy được những giá trị của di sản văn hóa nông nghiệp ở ĐBSCL; phục vụ cho nhu cầu du lịch, học tập, nghiên cứu khoa học, thụ hưởng văn hóa của công chúng và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp hiện nay ở ĐBSCL.

Bảo tàng nông nghiệp Harlin P. Wilson (Mỹ).

Bên cạnh đó, đề án nhằm tôn vinh sự cần cù, sáng tạo của người nông dân Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã có vai trò to lớn đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo tồn các di sản văn hóa nông nghiệp (vật thể và phi vật thể) ở ĐBSCL, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với quê hương, đất nước. Đồng thời, đề án thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành du lịch của địa phương. Dự kiến đề án sẽ được đưa vào khai thác sử dụng vào năm 2027.

Việt Nam có trên 160 bảo tàng; trong đó 4 bảo tàng cấp quốc gia, 7 bảo tàng chuyên ngành cấp bộ, 34 bảo tàng của các đơn vị trực thuộc bộ, 80 bảo tàng cấp tỉnh và 36 ngoài công lập. Tuy nhiên, chưa có nơi nào xây bảo tàng nông nghiệp. Nếu kế hoạch này đi vào thực tiễn, đây sẽ là bảo tàng nông nghiệp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam (tính tới thời điểm hiện tại).

Một bảo tàng nông nghiệp ở Áo.

Tiệm cận sự chuyên nghiệp

Ngay sau khi thông tin về kế hoạch xây bảo tàng nông nghiệp 400 tỷ đồng được thông qua, dư luận lại một phen ồn ào. Nhiều ý kiến cho rằng, trong lúc hạn, mặn xâm nhập, bà con nông dân ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn, cần sự quan tâm của chính quyền, việc xây dựng một bảo tàng 400 tỷ đồng là lãng phí, không cần thiết. 

Thay vì làm bảo tàng, ưu tiên “cứu” bà con khỏi thiên tai, biến đổi khí hậu trước. Các ý kiến khác lại đặt lại câu chuyện thừa bảo tàng ở Việt Nam hiện nay. Chỉ cần một vài thao tác tìm kiếm trên mạng, ta dễ dàng thấy hàng loạt bảo tàng được đầu tư tiền tỷ, nhưng vắng khách, đìu hiu, xây chưa bao lâu đã xuống cấp, xập xệ. 

Có những bảo tàng tiền tỷ, xây xong, đóng cửa im lìm hàng chục năm trời. Điều đó gây nên bức xúc dư luận; đồng thời làm cho thiết chế bảo tàng trở nên xấu xí, méo mó trong mắt người dân, mà quên đi vai trò của nó đối với đời sống xã hội.

Cũng có nhiều ý kiến đồng tình ủng hộ với kế hoạch xây bảo tàng nông nghiệp ĐBSCL. ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước. Ở đây, có một nền văn minh lúa nước được hình thành và phát triển từ lâu đời. 

Nói như PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ĐBSCL “dư chất liệu” để có thể dựng nên một bảo tàng nông nghiệp đúng nghĩa, có sức hấp dẫn. Nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra rất phức tạp, không biết ĐBSCL trong 5-10 năm, hay 20 năm tới sẽ như thế nào. 

Việc lưu giữ lịch sử và di sản nông nghiệp của vùng là thực sự cần thiết, nhất là khi, nó cung cấp cho ta nhiều bài học kinh nghiệm, cũng như đặt ra nhiều vấn đề về phát triển bền vững mà thực trạng hiện nay đang phải đối mặt. 

Trên thế giới, bảo tàng nông nghiệp được thành lập chủ yếu khi tư liệu sản xuất, máy móc sản xuất nông nghiệp không còn được sử dụng phổ biến như thời kỳ trước đó và có nguy cơ bị mất đi vĩnh viễn trước các cuộc cách mạng công nghiệp, cách mạng số hóa vũ bão như hiện nay. 

Đây là loại hình bảo tàng khá phổ biến ở các nước. Những sự kiện mà các bảo tàng nông nghiệp tổ chức thường truyền cảm hứng cho các vấn đề về tương tác, cung cấp mối liên kết quan trọng giữa tài nguyên đất, nước,… và con người, cũng như những nguy cơ được dự báo trong tương lai tùy theo cách con người sử dụng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. 

Thậm chí, chỉ tính riêng trong loại hình này, còn chia nhỏ ra các loại bảo tàng khác nhau nữa như bảo tàng về trồng trọt, về chăn nuôi, về máy móc nông nghiệp, về trang trại/ nông trại, hay về hậu sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm… Có những nơi, chẳng hạn như Vương quốc Anh, có tới 50 bảo tàng nông nghiệp.

So với các nước, ở Việt Nam đang thiếu những bảo tàng chuyên ngành, chuyên biệt. Vì thế, sự khác biệt giữa bảo tàng này với bảo tàng kia, không quá lớn. Trừ một vài trường hợp có sức hút như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TP HCM và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội, thì nhìn chung, hệ thống bảo tàng từ Trung ương về địa phương đa phần rơi vào tình trạng “ế” khách. Nói vừa thừa vừa thiếu bảo tàng là vì vậy. 

Sự nghịch lý ấy thể hiện ngay trong sự phân bổ, sắp xếp, xây dựng bảo tàng ở ta. Việc ra đời một bảo tàng nông nghiệp, có thể là một tín hiệu tích cực đối với tư duy làm bảo tàng ở ta, tiệm cận tới một sự chuyên nghiệp trong hoạt động bảo tàng.

Sắp tới, ĐBSCL sẽ có bảo tàng nông nghiệp đầu tiên của cả nước.

Vấn đề là làm như thế nào cho đúng?

PGS.TS Nguyễn Văn Huy ủng hộ kế hoạch xây một bảo tàng nông nghiệp ĐBSCL. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý vấn đề không nằm ở việc 400 tỷ mà nằm ở việc làm như thế nào cho đúng. Nếu không cẩn thận, lại gây bức xúc cho xã hội. Điều đó đi ngược lại ý hướng ban đầu của đề án thành lập.

Theo ông, tỉnh Vĩnh Long phải xác định rõ tỉnh muốn xây một bảo tàng nông nghiệp với quy mô của tỉnh hay là vươn ra toàn bộ ĐBSCL? Nếu vươn ra, câu chuyện lại là vấn đề khác. Tỉnh làm có xuể không?

Trong kế hoạch, việc sắp xếp và trưng bày bảo tàng sẽ đi theo tiến trình lịch sử. PGS.TS Huy cho rằng, tỉnh Vĩnh Long đang đi theo lối mòn. Một bảo tàng nông nghiệp, phải trả lời cho được những câu hỏi hay những vấn đề mà người nông dân đang phải đối mặt và giải quyết. Đòi hỏi những người làm bảo tàng phải thay đổi hẳn tư duy, cách làm bảo tàng, cách giới thiệu bảo tàng nông nghiệp.

“Nếu bỏ tiền làm một bảo tàng nông nghiệp, thì thật sự phải là một bảo tàng khoa học. Trả lời nhiều câu hỏi khoa học về đời sống, về tài nguyên đất, nước, khí hậu, và người dân có thể tìm ở đó những thông tin có ích cho mình”, ông Huy nói về sự hình dung của mình. 

Ông cũng viện dẫn ra những tác phẩm văn học có sức sống về vùng ĐBSCL như các tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi, Sơn Nam… để nói về cách đi sát, đầy ắp của các tác giả khi viết về đề tài ĐBSCL được đón nhận. Nếu làm bảo tàng nông nghiệp, thì cũng phải đi từ cách nhìn gắn kết sâu sắc như thế, không hời hợt được.

Trả lời báo chí, TS.Trần Hữu Hiệp, chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp ĐBSCL cũng cho rằng: Việc xây dựng bảo tàng để vinh danh nền nông nghiệp ĐBSCL là cần thiết. Quan trọng là không đi theo “lối mòn”, xây dựng những khối “công trình chết”; mà đó phải thực sự là “bảo tàng sống”. 

Ông Hiệp lý giải cụ thể hơn: “Bảo tàng đó không chỉ có “sức sống tại chỗ” mà còn phải lan tỏa, kết nối ra bên ngoài thông qua việc gắn với phát triển du lịch, kết nối các tour, tuyến… Có như vậy, sẽ vừa gìn giữ, phát huy văn hóa lịch sử, vừa quảng bá tôn vinh, lại vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”. Và bên cạnh việc sưu tầm nông ngư cụ; cần phải làm sao để tái hiện lạo nền văn hóa nông nghiệp. Ví dụ, chúng ta chỉ cần phục dựng hình ảnh đi khẩn hoang vùng đất Nam Bộ đã đầy tính nhân văn và sức hấp dẫn.

Cùng với đó là hình ảnh sinh hoạt Nam Bộ xưa với chiếc áo bà ba, khăn rằn; hình ảnh nông dân chèo xuồng đi chở lúa, mua bán giao thương trên sông nước… Trên thế giới, có những bảo tàng đầy sức sống, qua cách làm hình ảnh 3D, họ dựng cả sân khấu kịch để tái hiện lịch sử…

Chất liệu để trưng bày, sắp xếp thì đa dạng, phong phú. Thậm chí ĐBSCL “dư thừa” chất liệu để dựng bảo tàng nông nghiệp. Bài học và kinh nghiệm mà mô hình bảo tàng nông nghiệp trên thế giới thì nhiều. Vấn đề là chúng ta vận dụng vào trường hợp Việt Nam, cụ thể là ĐBSCL ra sao. Nói cho cùng, vẫn là cách làm của những người đề xuất, thực hiện, thi công công trình đặc biệt này. 

Tháng Sáu
.
.
.