“Ông tàu ngầm” say mê khoa học

Thứ Tư, 04/10/2017, 19:57
Mấy năm nay, người ta gọi ông Nguyễn Quốc Hòa là “ông tàu ngầm” thay cho cái tên cha sinh mẹ đẻ. Cũng bởi ông làm việc không ai dám làm: Chế tạo tàu ngầm. Khi tàu Trường Sa còn chưa kịp “nguội” trong lòng nhiều người Việt thì ông đã điều khiển thành công tàu Hoàng Sa trên biển.

Không ít người ái ngại nhìn ông với ánh mắt dành cho một… gã khùng, ông biết rõ điều đó, và cũng tự nhận mình là kẻ “bất bình thường”. Song với tôi, càng tiếp xúc, tôi càng thấy ông tỉnh táo, cái tỉnh của người làm khoa học, của một kỹ sư chế tạo máy từng nhận bằng đỏ bên CHDC Đức (cũ).

Ban ngày làm chuồng gà, ban đêm nghiên cứu chế tạo máy

Lâu nay, kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa (Giám đốc Công ty Cơ khí Quốc Hòa ở TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) được cả nước biết đến. Song không phải ai cũng biết, từ hơn mười năm trước, ông Hòa đã nổi tiếng vì là người Việt Nam đầu tiên thiết kế, chế tạo thành công máy in cuốn công nghệ Flexo dùng cho ngành in ấn, sản xuất bao bì, giấy vở học sinh.

Ngược thời gian về năm 1992, bấy giờ kỹ sư Hòa thành lập Công ty giấy Thái Bình ở TP Thái Bình, đến năm 2.000 thì chuyển mục tiêu sản xuất, kinh doanh nên đổi tên thành Công ty TNHH Cơ khí Quốc Hòa như ngày nay. 

Trước đây, ngành giấy vở ở ta chủ yếu sử dụng máy kẻ dòng bán thủ công khá lạc hậu. Cũng từng có vài máy in cuốn được nhập dưới dạng viện trợ, song vì nhiều lý do mà chúng không được đưa vào hoạt động thường xuyên. Sau đó, cũng có doanh nghiệp đầu tư, nhập máy in cuốn về. Thế nhưng đầu những năm 2.000, giá thành của loại máy đó vẫn khá “chát”: 14 tỷ đồng với máy mới và 2,5 tỷ đồng với máy cũ. 

Ngay khi chuyển sản xuất giấy vở sang chế tạo cơ khí, ông Hòa đã thiết kế và chế tạo thành công máy cắt, kẻ tự động liên hoàn - cắt và kẻ trực tiếp trên cuộn giấy (thay vì xong công đoạn này lại phải chuyển sang máy khác để làm công đoạn tiếp theo). Bấy giờ, việc ông Hòa chế tạo ra chiếc máy đó được ví như cuộc cách mạng sản xuất của ngành giấy vở nước ta; rất nhanh chóng, tất cả các cơ sở sản xuất giấy vở trong nước đều sử dụng loại máy này.

Ông Hòa trong lần chạy thử thành công tàu ngầm Hoàng Sa.

Trong đầu người làm nghề chế tạo máy, dường như luôn xuất hiện những yêu cầu về sự hoàn thiện, hiện đại máy móc. Tuy đã chế tạo được loại máy làm thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp giấy, song kỹ sư Hòa vẫn nhận thấy máy in cắt của mình còn nhiều hạn chế. Oái oăm, ông “thấy” điều đó đúng dịp công ty của ông làm ăn thua lỗ, toàn bộ gia sản đã dồn trả ngân hàng mà vẫn chưa hết nợ. 

Ông kỹ sư “râu chổi sể” đã khẳng định bản lĩnh, đã làm lại từ đầu bằng việc lập tổ cơ khí làm… chuồng gà, chuồng vịt, giậu sắt, cổng, cửa… Thế nhưng, suốt những ngày ông kỹ sư chế tạo máy ấy phải làm chuồng gà, chuồng vịt…, việc hoàn thiện máy in cắt tự động vẫn thường trực trong tâm trí ông.

Năm 2002, vượt qua mọi khó khăn còn bộn bề trước mắt, ông Hòa đã đi vay vốn để ban ngày đi làm chuồng gà, ban đêm nghiên cứu thiết kế và chế tạo máy in cuốn tự động sử dụng công nghệ in Flexo - một công nghệ được dùng rộng rãi trên thế giới để in các loại sản phẩm có số lượng rất lớn như vở viết, sổ tay, nhãn hàng hóa, phong bì…

Cỗ máy làm theo đơn đặt hàng.

"Vua" máy in, máy cắt giấy

Sau một năm vừa làm chuồng gà kiếm sống vừa nghiên cứu, năm 2003, kỹ sư Hòa đã chế tạo thành công máy in cuốn. Song ba chiếc máy đầu tiên bán đi rồi lại phải mang về sửa, vì khi chạy thử thì tốt, nhưng khi đưa vào vận hành sản xuất liên tục thì còn nhiều vấn đề kỹ thuật không đáp ứng được. Sau những đêm chong đèn nghiên cứu cách khắc phục, đầu năm 2004, những chiếc máy in cuốn công nghệ Flexo đã thực sự đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. 

Ngày trước, trên một máy cuốn chỉ có thể in được một loại sản phẩm, một kích cỡ; nhưng với máy in cuốn công nghệ Flexo “made by Quốc Hòa” này, máy có thể thay đổi được các lô bản, từ đó thay đổi kích thước của tờ in, nên trên một máy cuốn có thể in ra các loại sản phẩm khác nhau. 90% thiết bị, phụ tùng do ông Hòa chế tạo, chỉ có 10% phụ tùng là phải nhập ngoại. Và điều ý nghĩa hơn cả có lẽ là giá trị kinh tế, máy in cuốn “made by Quốc Hòa”, giá thành chỉ bằng 1/3 giá máy nhập từ Trung Quốc.

Ngày ấy ông Hòa nghĩ, với công nghệ máy móc đó, thì cả nước chỉ cần 3-4 cái của ông (cộng với 1 cái máy nhập khẩu của nhà máy giấy Bãi Bằng) là đã đủ cho ngành công nghiệp giấy. Nhưng rồi càng ngày các công ty in ấn, giấy vở đến đặt hàng càng nhiều, bây giờ ông Hòa đã xuất xưởng mấy chục chiếc rồi mà các công ty vẫn tìm đến mua thêm. 

Đặc biệt nhiều là máy cắt giấy. Mà máy cắt giấy, trước đây chỉ cắt được một kích thước từ cuộn giấy, khi muốn cắt giấy kích thước nhỏ hơn là phải chuyển công đoạn. Song bây giờ, máy cắt giấy đã được ông Hòa hoàn thiện đến độ, trên cuộn giấy đó, muốn cắt kích cỡ nào cũng được, chỉ cần một lần cắt là xong.

Bây giờ, ông Hòa vẫn đang sản xuất máy in, nhưng là loại máy kiểu mới, có thêm nhiều cải tiến so với những chiếc trước đây, nhiều công đoạn thủ công nay cũng được máy móc đảm nhiệm. Trước đây máy in xong phải mang đến máy cắt, sau đó phân loại, đếm, rồi ghim. Nhưng bây giờ, máy do ông Hòa chế tạo đã tự động được gần tư toàn bộ, máy in kết hợp máy cắt. Đầu vào là những bản giấy đã in, đầu ra là tập vở, sổ. 

Vừa rồi, ông Hòa còn thiết kế và sản xuất dây chuyền tự động cho một công ty gốm sứ. Toàn bộ các cỗ máy khổng lồ trong nhà xưởng 13 nghìn mét vuông đó, đầu vào là nguyên liệu bùn đất, đầu ra là thành phẩm, các công nhân chỉ làm khâu tráng men và đưa vào lò nung. 

Ở bản thiết kế, ông Hòa đã hoàn thành đến tận khâu sản phẩm rồi (hoàn toàn không cần công nhân tráng men), nhưng kinh phí của khách hàng không đủ nên ông Hòa tạm làm tự động đến thành phẩm; khi nào khách hàng cần, ông Hòa sẽ “ráp” nốt khâu tự động từ thành phẩm sang sản phẩm.

Kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa giới thiệu máy móc với khách hàng.

Thúc đẩy sự sáng tạo

Khi được hỏi: “Hẳn ông phải gửi gắm ít nhiều lý tưởng vào việc chế tạo tàu ngầm?”, ông Hòa cười lớn: “Tôi không nghĩ điều gì to tát đến thế đâu. Tôi làm, chỉ đơn giản là vì tôi thích khám phá khoa học. Những loại máy hay tàu ngầm tôi làm chỉ “sửng sốt” đối với người Việt ta thôi, chứ trên thế giới thì không có gì lạ lẫm cả”.

Ý tưởng làm tàu ngầm của ông Hòa đã có từ lâu, song ông phải chế tạo máy in, máy cắt để bán khắp nước, rồi ai đặt máy móc gì là ông làm máy móc đó. Ông chế tạo cật lực để bán lấy tiền cho giấc mơ tàu ngầm. Mấy năm trời làm tàu ngầm, ông Hòa quên ăn quên ngủ, râu ria lúc nào cũng lủa chủa như chổi sể, và ông già sọp đi. 

Người ta nói ông khùng cũng có phần đúng, ông “khùng” đến mức: Vài bạn bè mới quen hỏi: “Chị nhà anh đâu?”, ông Hòa trả lời cứ như đùa: “Không biết”. Song có ai khùng mà lại vừa ngày đêm chế tạo máy, vừa thu xếp thời gian chăm sóc gia đình được như ông? Bà mẹ già của ông đã ngoài 90, lẫn cẫn đến mức mặc một lúc 5 chiếc quần, nên người giúp việc nào cũng ở được chỉ 2-3 tháng là bỏ. Thế là suốt quãng thời gian chờ tìm người giúp việc mới, ông Hòa đã làm trọn vẹn vai trò “ô-sin”.

Một góc công ty cơ khí của ông Hòa.

Cái dạo ông mới làm tàu Trường Sa, có người tìm đến, đề xuất với ông để họ được chung tay gây dựng “Quỹ Tàu ngầm Trường Sa”, ít nhiều đỡ ông được vấn đề kinh phí. Ông hạ kính, ngước nhìn họ mà thủng thẳng: “Sao lại có người còn điên hơn cả mình!”. 

Có lần chúng tôi đến chơi, gặp cái chân máy quay phim của ông bị gãy, lăn lóc ở góc phòng; một người đề nghị được tặng ông cái chân máy quay mới thế mà ông gạt đi: “Tôi có dùng gì đến nó đâu, bây giờ tôi ít quan tâm đến những thứ như thế lắm”. Lại có người đùa: “Ông cứ làm những thứ khác thường, bây giờ lại không màng sự đời như thế, khéo người ta nghĩ ông có vấn đề mất”. Ông Hòa cười vang: “Thì tất nhiên rồi, tất cả những thiên tài trên thế giới, có ai là người không mắc chứng tâm thần đâu”.

Nói rồi người kỹ sư cao lớn, tuổi lục tuần trầm ngâm: “Lớp trẻ bây giờ thực sự giỏi hơn tôi rất nhiều, nhưng những người trẻ mà tôi từng làm việc cùng, tôi chưa thấy ai làm tử tế, nghiêm túc, đến đầu đến đũa cả, anh nào cũng ẩu, và lười. Tôi luôn phải sai, phải quát thét thì mới đi làm, đi học, đi nghiên cứu. Tôi chế tạo không ngừng, cả những thứ mà mọi người nghĩ là “điên rồ” đó, một phần, cũng là muốn phần nào khơi gợi được sự sáng tạo và dám nghĩ, dám làm của lớp trẻ hôm nay”. 

Uông Ngọc
.
.
.