Pakistan thông qua Luật chống phân biệt đối xử và quấy rối người chuyển giới

Thứ Năm, 24/05/2018, 11:17
Quốc hội Pakistan mới thông qua đạo luật nhằm bảo đảm các quyền cơ bản cho cộng đồng người chuyển giới. Đây là bước tiến rất đáng ghi nhận ở một quốc gia mà sự kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng thế giới thứ ba, trong đó có những người chuyển giới diễn ra khá phổ biến.


Bước tiến đáng ghi nhận

Theo tờ Independent (Anh), đạo luật “Chống phân biệt đối xử và quấy rối người chuyển giới” nhận được số phiếu tán thành rất lớn của đại biểu Quốc hội Pakistan. 

Luật cấm chủ lao động, chủ doanh nghiệp phân biệt đối xử với lao động là người chuyển giới cũng như nghiêm cấm hành vi quấy rối người chuyển giới tại nơi công cộng cũng như tại nhà. 

Đạo luật cũng cho phép người chuyển giới tự xác định giới tính là “nam”, “nữ” hoặc "giới tính thứ ba" trên các giấy tờ tùy thân như hộ chiếu hoặc giấy phép lái xe.

Luật mới cũng cho phép xây dựng nhà ở an toàn cũng như việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và tư vấn tâm lý cho người chuyển giới. Nhiều chuyên gia xã hội học cho rằng, đây là những quy định hết sức quan trọng để người chuyển giới có thể được đối xử bình đẳng trong xã hội Pakistan.

Marvia Malik là MC chuyển giới đầu tiên xuất hiện trên truyền hình Pakistan.

Thực tế cho thấy, người chuyển giới ở Pakistan thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nghiêm trọng. Họ rất khó khăn để có thể tìm kiếm việc làm, là đối tượng bị tấn công, sát hại và cưỡng hiếp. 

Một số "hijras" (thuật ngữ dùng để gọi những người chuyển giới, không giới tính ở Pakistan) buộc phải mưu sinh bằng nghề bán dâm, nhảy múa hoặc người ăn xin trên đường phố.

Cởi mở hơn với cộng đồng người chuyển giới

Lần đầu tiên, cộng đồng người chuyển giới Pakistan đã được tính trong cuộc điều tra dân số vào năm ngoái. Theo kết quả điều tra này, hiện Pakistan có khoảng 10.418 người chuyển giới trong tổng dân số 207 triệu người. 

Tuy nhiên, tổ chức từ thiện Trans Action Pakistan cho biết, số người chuyển giới thực tế ở Pakistan có thể cao hơn nhiều lần, lên đến 500 nghìn người.

Vào năm 2009, Tòa án Tối cao Pakistan phán quyết, người chuyển giới có thể được nhận chứng minh nhân dân với phần giới tính ghi là "giới tính thứ ba". 

Năm ngoái, Chính phủ Pakistan cũng đã cấp hộ chiếu cho người chuyển giới. Vào năm 2016, Khyber Pakhtunkhwa - một tỉnh của Pakistan, nơi xảy ra nhiều vụ tấn công nhằm vào người chuyển giới đã cấp giấy phép lái xe cho những người chuyển giới với chữ “X” ghi trong mục “giới tính”.

Qamar Naseem, thuộc tập đoàn Blue Veins - một tổ chức từ thiện hoạt động bảo vệ quyền người chuyển giới nói rằng, “giấy phép lái xe không chỉ là bằng chứng về danh tính mà còn mở ra một lối sống sinh kế khác”. Nhà giáo dục Sana Yasir nhận định, xã hội Pakistan ngày càng cởi mở hơn với những người chuyển giới.

Đầu năm nay, một người chuyển giới nữ xuất hiện trên truyền hình đã gây sốt ở Pakistan. Marvia Malik, 21 tuổi là MC chuyển giới đầu tiên ở quốc gia Nam Á này. 

Trước đó, cô cũng là người mẫu chuyển giới đầu tiên xuất hiện trong một đêm diễn thời trang có tiếng. Marvia Malik cho biết, cô đã nhận được phản hồi rất tích cực từ khán giả.

Một người chuyển giới tham gia tuần hành kỷ niệm “Ngày chuyển giới quốc tế” ở Karachi, Pakistan.

“Tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi và tin nhắn chúc mừng. Trước đó, tôi cũng nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia trong ngành công nghiệp thời trang khi trình diễn trên sàn catwalk. Đây thực sự là nguồn động viên rất lớn với bản thân tôi cũng như cộng đồng người chuyển giới. Để có ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua những tháng ngày đen tối, bế tắc khi bị chính gia đình mình chối bỏ”,  Marvia Malik chia sẻ.

Marvia Malik cho biết, cô từng bị đuổi ra khỏi lớp, thất nghiệp vì bộ dạng “không giống ai” của mình. “Gia đình biết tôi làm người mẫu thời trang, làm MC. Trong thời đại công nghệ này, không có gì mà gia đình tôi không biết nhưng họ vẫn từ bỏ tôi”, Marvia Malik nói. Cô cho rằng, cách tốt nhất để xóa bỏ sự phân biệt đối xử với người chuyển giới phải bắt đầu từ mỗi gia đình.

"Chúng tôi luôn phải nói với mọi người rằng, không nên xấu hổ hay xa lánh con cái, người thân nếu giới tính thực của họ không thể phù hợp hoặc giống với giới tính khi sinh ra. 

Người chuyển giới luôn phải sống trong đau khổ, dằn vặt vì sự kỳ thị của xã hội nên cần sự chia sẻ, cái nhìn cởi mở, cảm thông của tất cả mọi người”, Marvia Malik nói. 

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.