Phá vỡ sự im lặng, vì một thế giới không bạo lực

Thứ Hai, 22/12/2014, 16:29
Thành lập từ tháng 3 năm 2007, Phòng Tham vấn - Ngôi nhà Bình Yên (NBY) đã tham vấn cho trên 5.400 lượt nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới, trong đó đã hỗ trợ vào NBY trên 400 ca phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình. Có thể thấy bạo lực gia đình đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Dư luận đã lên tiếng và phản ứng trước nạn bạo lực gia đình, nhưng để chấm dứt nó thì trước hết chính nạn nhân phải nói lên tiếng nói của mình.

Luẩn quẩn vòng tròn bạo lực

Theo “Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam” được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc công bố ngày 25 tháng 11 năm 2010, có tới 58% phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, kể cả bạo hành về thể xác, tình dục và tinh thần. Mặc dù bạo lực gia đình là một hiện tượng rất phổ biến nhưng vấn đề này vẫn bị giấu giếm bởi nhiều lí do: sự kì thị và xấu hổ, sự đe dọa của người chồng, sự nhẫn nhịn chịu đựng để gìn giữ gia đình, hay cho rằng hành vi bạo lực của chồng là một điều bình thường… Có tới 87% phụ nữ không nói ra tiếng nói của mình khi bị bạo lực. Theo cô Nguyễn Thị Phượng – cán bộ tư vấn về bạo lực gia đình tại NBY, chính sự im lặng của nạn nhân là một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực gia đình vẫn tiếp tục duy trì và ngày càng phổ biến, nghiêm trọng.

Nếu như ngay lần bạo hành đầu tiên, người bị bạo hành không biết xử lý để chấm dứt thì bạo hành liên tiếp xảy ra thành chu kỳ hay còn gọi là “vòng tròn bạo lực”. Khi mâu thuẫn không được giải quyết thấu đáo, người chồng gây bạo lực đối với vợ, sau đó xin lỗi, làm lành, tặng quà, chăm sóc… lúc đó người vợ sẵn sàng cho qua vì tin tưởng và hi vọng vào sự thay đổi của chồng. Cứ như thế, sự lặp lại của mâu thuẫn – bạo lực - trăng mật – bình yên – mâu thuẫn – bạo lực - trăng mật…, tạo nên vòng tròn bạo lực, tần suất của bạo lực ngày càng dày lên, mức độ của bạo lực ngày càng trầm trọng, có thể dẫn đến nguy cơ án mạng. Vòng tròn bạo lực đó ngày càng thu hẹp đến mức nạn nhân bị bạo lực không có mắt xích nào để thoát ra. Trong quá trình bị bạo lực lâu dài như vậy người vợ thường mất hết khả năng "đề kháng", bị lệ thuộc vào chồng và không thể chống cự lại. Vòng tròn bạo lực này đã vây hãm cuộc đời của nhiều người phụ nữ bị bạo hành.

Theo cô Nguyễn Thị Phượng, để thay đổi tình trạng bạo hành không có cách nào khác là người phụ nữ phải lên tiếng và nhận biết rõ về quyền và trách nhiệm của mình. Người phụ nữ truyền thống gắn liền với giá trị “tam tòng”, thân phận suốt đời phụ thuộc vào nam giới. Kể cả khi bị bạo hành, người vợ thường nhận hết lỗi về mình, luôn luôn nhẫn nhịn và cố gắng để thay đổi bản thân, để cuộc sống gia đình êm ấm, tốt đẹp. Nhưng việc nhẫn nhịn ấy không đem lại kết quả tích cực thay vì trách nhiệm thuộc về người gây bạo hành nếu đó là người chồng, người cha. Và nếu người phụ nữ không tỏ thái độ thẳng thắn, quyết liệt khi bị bạo hành và tìm giải pháp hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng (chính quyền địa phương, Cảãnh sát, Hội Phụ nữ, nhà tạm lánh, Phòng Tham vấn, địa chỉ tin cậy...) thì sẽ khó khăn trong việc chấm dứt bạo hành trong gia đình.

Những câu chuyện thực tế

Nhà Bình Yên, nơi hỗ trợ toàn diện cho những nạn nhân bị bạo hành gia đình -  một địa chỉ an toàn và tin cậy để những người phụ nữ bị bạo hành có thể chia sẻ và tìm ra lối thoát. Khi đã đến với NBY là những người phụ nữ ấy đã muốn thay đổi cuộc sống hiện tại, đã dám nói ra hành vi bạo lực của người thân. Đó là yếu tố tiên quyết để giúp họ thay đổi cuộc đời.

Có những phụ nữ bị bạo hành khi ở với chồng không được gọi tên, chỉ có thể là "chó mẹ, chó con; con này, con kia...". Họ bị đánh đập, chửi rủa, đe dọa "sẽ cho mày chết dưới tay tao". Họ chia sẻ chỉ khi tới NBY, họ mới được gọi tên, mới hết sợ hãi, tự ti, mới thấy an toàn và yên tâm là có cơ hội sống sót. Một nạn nhân đã tìm đến NBY trong trạng thái vô cảm, thiếu niềm tin vào cuộc sống, không suy nghĩ được lối thoát nào cho mình. Được các nhân viên tham vấn giúp đỡ về mặt tâm lý, hướng dẫn về mặt pháp lý, học giá trị sống, kỹ năng sống chị đã thực hiện được mong muốn của mình là được ly hôn an toàn và còn dũng cảm đối mặt với người chồng bạo lực trong cuộc sống sau ly hôn còn nhiều khó khăn.

Mặc dù chị là một người phụ nữ đảm đang, đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh, có khả năng tự lập về kinh tế nhưng chị vẫn bị chồng bạo lực. Chồng chị là con út, lại được chiều chuộng từ bé, lớn lên tính cách độc đoán, chuyên quyền, luôn luôn muốn ra lệnh và kiểm soát người khác. Tất nhiên chị không thể lúc nào cũng đáp ứng lập tức các yêu cầu của chồng, nên đã bị chồng đánh đập thẳng tay. Chị đã có một đứa con nên muốn nhẫn nhịn chịu đựng để gia đình được toàn vẹn, cho đứa con có bố, thế nhưng người chồng không hối cải, ngày càng quá đáng nên chị đã quyết định ly hôn.

Sau khi ly hôn, người chồng không buông tha chị mà còn đến nơi chị làm việc gây sự, đánh nhân viên ở đó. Nhờ có kỹ năng ứng phó với bạo lực được trang bị trong NBY, chị đã gọi Công an khu vực nhờ can thiệp và từ lần thứ hai thì chị cấm cửa chồng, yêu cầu không xuất hiện tại chỗ chị làm nữa. Người chồng lúc đầu còn hung hãn nhưng trước sự cứng rắn và kiên quyết của chị, cộng với trách nhiệm an ninh của Công an khu vực, anh ta đã không thể làm gì được nữa. Từ một người phụ nữ nhẫn nhịn, dịu dàng, chị đã trở nên mạnh mẽ, quyết liệt. Chính vì chị dám nói ra hoàn cảnh của mình nên chị đã nhận được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, của pháp luật và cộng đồng xung quanh.

 Một nạn nhân khác của NBY cũng vô cùng bối rối, cảm thấy ức chế và bế tắc khi bị chồng kiểm soát mọi cuộc điện thoại, tin nhắn và vin cớ đó để đánh đập chị. Không thể chịu được tình trạng đó, nhưng chị cũng không biết thay đổi bằng cách nào. Hành vi kiểm soát ấy của người chồng đã vi phạm quyền cơ bản của con người, quyền được giữ thông tin riêng, có cuộc sống riêng của mình. Chị đã được trung tâm tư vấn giúp đỡ thiết thực bằng cách cùng người chồng lên trung tâm nói chuyện trực tiếp, giải thích, phân tích cho người chồng. Người chồng đã rất hợp tác, cam kết sẽ chấm dứt tình trạng này. Nếu người vợ không nói ra, không chia sẻ thì sẽ khó lòng thoát khỏi cuộc sống bức bách trước đây.

Phá vỡ sự im lặng

Không ai khác ngoài chính nạn nhân mới có thể thay đổi tình trạng bị bạo hành của họ. Bước đầu tiên cần phải làm là "lên tiếng", nói ra với cộng đồng, với những người có thể giúp đỡ mình. Sau đó, họ phải quyết tâm thay đổi và nỗ lực hoàn thiện bản thân. Khi người phụ nữ tự tin vào mình, độc lập về kinh tế, có kĩ năng sống thì họ mới có thể tự phòng tránh và vững vàng ứng phó trước bạo lực. Những nhà tham vấn có thể cùng họ tìm ra những giải pháp tối ưu phù hợp với hoàn cảnh của họ và chính họ là người đưa ra lựa chọn và thực hiện giải pháp đó.

NBY được thành lập từ năm 2007, đến nay đã tham vấn cho hơn 5.400 lượt trường hợp là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có hơn 400 trường hợp tạm trú tại NBY dành cho phụ nữ và trẻ em bị BLGĐ để giải quyết vấn đề của mình. Những người tạm trú ở đây được hưởng miễn phí gói dịch vụ, trong đó bao gồm nơi ăn ở, được tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý, chăm sóc y tế, sinh hoạt giải trí, học kĩ năng sống, giá trị sống…, ngoài ra còn được giúp đỡ để học nghề, lập nghiệp.

Nhiều nạn nhân sau khi hồi gia rời khỏi NBY đã tự xây dựng được "ngôi nhà bình yên" thật sự của mình. Họ được theo dõi hồi gia tiếp 2 năm nữa, chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong cuộc sống hiện tại để được tham vấn và hỗ trợ khi cần thiết. Nhiều chị em hồi gia trở về cộng đồng đã trở thành hạt nhân nòng cốt của “Nhóm tự lực”, nhằm truyền thông, phát hiện, tư vấn và giúp đỡ cho những người bị bạo lực tại địa phương. Trung tâm cũng tổ chức những buổi tập huấn thiết thực tại nhiều địa phương để nâng cao kĩ năng phòng tránh và xử lí khi gặp bạo lực gia đình, tác động đến nhận thức của cộng đồng.

Bạo lực gia đình là một vấn nạn không trừ một ai, từ thành thị đến nông thôn, từ người giàu có đến người nghèo khó, từ người học vấn cao đến người học vấn thấp, từ cụ già đến trẻ sơ sinh. Khi bạo hành gia đình xảy ra, người phụ nữ cũng như trẻ em không có lỗi mà người gây bạo hành phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi bạo hành của mình và cần phải hướng tới hành vi thay đổi tình trạng đó. Bất kể ở đâu, bạo hành gia đình là không thể chấp nhận được. Nạn nhân bị bạo hành phải nói ra tiếng nói của mình, đó là thông điệp mà cô Nguyễn Thị Phượng, người đã có kinh nghiệm 5 năm tư vấn tại NBY muốn gửi đến tất cả mọi người. Và đó cũng chính là thông điệp ý nghĩa của NBY: “Phá vỡ sự im lặng, vì một thế giới không bạo lực”.

Hải Lý
.
.
.