Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể:

Hệ thống giáo viên phải thay đổi toàn diện

Thứ Ba, 11/08/2015, 15:00
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang gây chú ý dư luận. Đây là một nỗ lực đổi mới của ngành giáo dục nhằm giảm tải cho học sinh và tiếp cận những tư tưởng giáo dục tiến bộ của thế giới. Nhưng thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, việc thay đổi phải được làm từ gốc, đó là đào tạo giáo viên chứ không chỉ chú trọng vào học sinh và sách giáo khoa.

Có lẽ, điều được quan tâm nhiều nhất trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông là liệu giáo viên có theo kịp với sự đổi mới về phương pháp dạy  hay không. Theo dự thảo này, học sinh sẽ học tích hợp các môn học như Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội tích hợp từ các môn Lý, Hóa, Sinh và Sử, Địa. Nghĩa là thay vì trước đây mỗi môn học là một thầy cô, thì sau dự thảo đổi mới, mỗi thầy cô giáo phải đảm nhiệm việc dạy 2-3 môn học theo phương pháp mới.

Vấn đề ở đây là liệu giáo viên có đủ chuyên môn và phương pháp để bắt kịp với sự đổi mới này hay không trong khi chúng ta chỉ còn vỏn vẹn 3 năm cho cuộc "lột xác" này.

Liên tục đổi mới liệu có thể “thay máu” được nền giáo dục.

Khi được hỏi về vấn đề một môn học mấy thầy dạy và liệu thầy vốn trước kia dạy Lý thì nay có thể dạy thêm Sinh và Hóa không, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã trả lời báo chí rằng: Các thầy cô đều có thể dạy được vì họ đã học qua phổ thông rồi, đã học Hóa, Sinh rồi thì bằng cách nghiên cứu thêm sẽ dạy được. Liệu đó có phải là câu trả lời xác đáng cho sự "lột xác" của cả một nền giáo dục hay chỉ là sự ứng phó tạm bợ.

Chính Giáo sư Phạm Minh Hạc cũng lo lắng về vấn đề này, bởi theo ông, vấn đề giáo viên là cái gốc của một nền giáo dục, thầy nào, trò nấy. Đổi mới phải bắt đầu từ tư duy đổi mới của thầy cô. Ông cũng cho rằng, hiện nay các trường đại học và cao đẳng nơi đào tạo nguồn lực giáo viên vẫn chưa có động tĩnh gì thay đổi phương pháp dạy và học để đáp ứng nguồn cung cho dự thảo mới này. Vậy làm sao chúng ta có nguồn nhân lực mới trong vòng 3 năm tới. Ngoài ra, còn hệ thống giáo viên cũ, họ sẽ đáp ứng với sự đổi mới này như thế nào. Và nhiều giáo viên sẽ buộc phải nghỉ hưu sớm vì không có môn để dạy.

Xung quanh Dự thảo đổi mới này, còn nhiều vấn đề cần bàn lại. Theo các chuyên gia, đổi mới giáo dục không thể làm ào ào, phải cân nhắc, kỹ lưỡng để chúng ta không rơi vào tình trạng đẽo cày giữa đường và đưa học sinh ra làm thí nghiệm cho những cuộc đổi mới mà vẫn không giải quyết được vấn đề cốt lõi của nền giáo dục. Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.

Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nhiều người chưa rõ khái niệm tích hợp, phân hóa

Tôi thấy Dự thảo có nhiều vấn đề mới, như tích hợp ở lớp dưới và phân hóa ở lớp trên. Tuy nhiên, cũng có nhiều điều đáng bàn. Như vấn đề bắt buộc học 9 năm và 3 năm hướng nghiệp. Thế nào là 9 năm bắt buộc phải nói rõ. Còn 3 năm hướng nghiệp thì như thế nào, ai đủ điều kiện học lên đại học, và ai sẽ ra làm việc.

Giáo sư Phạm Minh Hạc.

Vấn đề thứ 2 là trong các khối khoa học, dự thảo chỉ có khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, thực tế chỉ có Đại học Quốc gia và Đại học Sư phạm có đủ hai ngành đó, còn Đại học Xây dựng, Đại học Bách khoa... thì sao. Nên ít nhất phải có 6 khối khác nhau, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học nông nghiệp, khoa học môi trường... các khối này phải được học ít nhất 3 năm định hướng nghề nghiệp khác nhau.

Việc phân ban chúng ta đã từng thất bại, giờ chúng ta lại đề cập đến vấn đề này hóa ra là một vòng luẩn quẩn.

Ngoài ra, còn có một vấn đề rất mới được đưa vào dự thảo là trải nghiệm - sáng tạo. Cần nói rõ hơn là nó được triển khai như thế nào, trên cơ sở các môn học, hay là một môn riêng.

Vấn đề quan trọng nữa là bây giờ dạy tích hợp, thì giáo viên tiểu học, giáo viên THCS có đào tạo tích hợp không, đã bắt đầu chưa? Năm 2018, chúng ta bắt đầu triển khai, thì các trường đã bắt đầu chuyển hướng đào tạo chưa. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói, ai cũng có khả năng dạy, nói vậy là không đúng, vì sẽ thiếu những kiến thức chuyên sâu. Các trường đại học đào tạo nguồn lực giáo viên cho PTTH  sẽ dạy như thế nào, định hướng nghề nghiệp ra sao. Tôi gọi điện hỏi nhiều trường đại học vẫn chưa có động tĩnh gì.  Mọi người còn chưa rõ khái niệm thế nào là tích hợp, thế nào là phân hóa thì cũng giống như một người lính ra trận mà không biết về vũ khí, làm sao đánh giặc đây?

Giáo sư Văn Như Cương: Hệ thống giáo viên phải thay đổi toàn diện

Môn học tích hợp là ghép nhiều môn riêng lẻ thành một môn chung. Ví dụ trước kia học sinh phải học ba môn Lý, Hóa, Sinh với ba thầy khác nhau và ba cuốn SGK khác nhau, nay thì ghép lại thành môn tích hợp là môn "Khoa học Tự nhiên". Trên VTV1, khi phóng viên đã hỏi ông Nguyễn Vinh Hiển (Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) rằng môn học ấy mấy thầy dạy? Liệu thầy vốn trước kia dạy Lý thì nay có thể dạy thêm cả Hóa và Sinh hay không?... thì nhận được câu trả lời là:  "Được chứ, vì thầy đã học qua phổ thông rồi, đã học Hóa, Sinh rồi thì bằng cách nghiên cứu thêm sẽ dạy được".

Giáo sư Văn Như Cương.

Đúng là các cụ ta có câu "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư"... Nhưng ngày nay người ta lại cho rằng: "Biết 10 mới dạy được 1"... Tôi rất thương học trò bởi những thay đổi liên tục, rồi các em đều trở thành chuột bạch hết. Nếu muốn đổi mới kiểu tích hợp như vậy thì hệ thống giáo viên phải thay đổi hoàn toàn, và chỉ khi có đội ngũ giáo viên mới này, thì việc thay đổi mới khả thi, như vậy giáo viên mới đủ trình độ kiến thức để truyền dạy cho học sinh. Đổi mới nửa vời cũng chỉ tạo ra những học sinh nửa vời mà thôi.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục tiểu học - Đại học Sư phạm Hà Nội: Dự thảo chưa xây dựng khát vọng sống cho học sinh

Tôi thấy Dự thảo này khá tiến bộ, bám sát được triết lý giáo dục mới của Việt Nam đó là phát triển năng lực. Tuy nhiên, phát triển năng lực rất quan trọng, nhưng nếu chúng ta quá chú trọng nó, thì cuối cùng chúng ta vẫn đề cao cá nhân - đó là môi trường cho bệnh thành tích phát triển.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương.

Mục tiêu này chúng ta cần xem lại, cần nhìn rộng ra các nước phát triển để lựa chọn cho chúng ta một con đường hợp lý. Phát triển năng lực ở Việt Nam chúng ta đã làm tốt, chúng ta đã có những cá nhân xuất sắc, nhưng vấn đề là những cá nhân đó có ý thức đóng góp gì cho xã hội chưa hay chỉ nhăm nhăm lo cho bản thân mình. Nhật Bản đề cao giá trị tinh thần - họ không quan trọng tôi là ai mà chú trọng đến vấn đề mỗi cá nhân đóng góp gì cho xã hội, vì thế nước Nhật mới phát triển nhanh như vậy.

Nên có cái nhìn xa hơn để thấy mục tiêu phát triển năng lực đã là tiến bộ, nhưng nên nghĩ đến cái chúng ta cần hơn là những gì chúng ta đang có. Mục tiêu của chúng ta là sự an toàn và tử tế, quan trọng hơn là mục tiêu phát triển năng lực bản thân. Chúng ta có cuộc sống an toàn, chúng ta tử tế, chúng ta sẽ phát triển. Một người tốt theo tôi quan trọng hơn một người giỏi, người tốt thì một việc nhỏ họ cũng làm rất tử tế để đóng góp cho xã hội. Nên nhấn mạnh vấn đề này hơn là câu chuyện năng lực.

Vấn đề thứ 2 không  được nói đến trong Dự thảo, đó là vấn đề an toàn. An toàn trong cuộc sống là vấn đề lớn nhất đang được cả xã hội quan tâm, hàng ngày chúng ta phải đối diện với rất nhiều câu chuyện mất an toàn của xã hội. Mục tiêu an toàn có thể mọi người nghĩ là nhỏ bé nhưng với tình trạng của đất nước ta hiện nay, nó vô cùng quan trọng. Nên đưa mục tiêu đó vào trong nhà trường, dạy học sinh cách sống an toàn bởi ý thức an toàn của người Việt gần như không có.

Liệu giáo viên có đáp ứng được với dự thảo đổi mới của giáo dục?

Trong Dự thảo cũng không xây dựng vấn đề lý tưởng sống và khát vọng sống cho học sinh. Ngay từ cấp 2 chúng ta đã có thể giáo dục lý tưởng sống, giúp học sinh biết ước mơ hoài bão, điều đó đang rất  thiếu trong xã hội hiện nay.

Thứ 3, những môn nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật đều được coi là môn tự chọn cũng không nên, bởi như thế tức là năng lực cảm nhận cái đẹp bị bỏ quên. Trong khi, việc xây dựng năng lực biết cảm nhận cái đẹp thực sự cần thiết đối với mỗi con người sống cho xã hội văn minh. Rồi trải nghiệm, thủ công những vấn đề liên quan đến kỹ năng sống cũng thành môn tự chọn - vậy ai sẽ học đây. Chúng ta đang cố gắng bước chuyển từ nền giáo dục lý thuyết sang thực hành, nhưng chúng ta lại ứng xử với những môn thực hành như môn phụ, thì sao có thể lôi kéo được học sinh.

Vấn đề cuối mà tôi muốn nói là Việt Nam có sự phân chia xã hội khá rõ ràng, thành phố, nông thôn, miền núi. Học sinh ở khu vực 2, 3 sẽ tụt hậu so với học sinh khu vực 1. Mục tiêu giáo dục ở các khu vực cũng sẽ khác nhau. Nên có những chương trình sách giáo khoa khác nhau hướng tới những mục tiêu giáo dục khác nhau ở các vùng miền. Tại sao chỉ xây dựng một mô hình mà không phải là 2, 3 mô hình để phù hợp với bối cảnh xã hội của chúng ta. Các tỉnh tự chọn cho mình một mô hình phù hợp với nhu cầu lao động của mình.

Rồi rất nhiều vấn đề chưa được đề cập đến trong Dự thảo như vấn đề giáo viên, thi cử như thế nào.

Việt Hà
.
.
.