Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông Quốc gia:

Phải dũng cảm xóa bỏ cái cũ

Chủ Nhật, 23/04/2017, 17:00
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông Quốc gia mới hy vọng sẽ góp phần đưa giáo dục Việt Nam bắt nhịp với thế giới. Nhưng thực tế, bản dự thảo mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra có đạt được kỳ vọng hay không?


Phóng viên CSTC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Hải - sáng lập Eton Grammar School, người rất tâm huyết với việc đổi mới giáo dục về vấn đề này.

Thiếu một triết lý giáo dục

- Anh nhìn nhận như thế nào về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra?

+ Cách tiếp cận đầu tiên là phải cải tổ thực sự một nền giáo dục sa lầy trong nhiều năm. Nhưng những người soạn dự thảo dường như không hiểu cách tiếp cận đó. Dự thảo chưa cởi mở và thực chất chỉ là sửa đổi vài chỗ chứ không phải sự đổi mới, cách tân thật sự. Chúng ta đã không dám đập bỏ cái cũ lạc hậu để xây dựng cái mới hoàn toàn, vừa phù hợp vừa mới mẻ để tạo xu thế và động lực phát triển cho cả xã hội.

 Nếu không cẩn thận, giáo dục sẽ đánh mất khả năng tự học của học sinh.

Có những vấn đề chúng ta đưa vào khá tốt như giáo dục phẩm chất cho học sinh, hay trải nghiệm sáng tạo. Nghe rất hay. Nhưng cách tiếp cận đúng và đủ là rất quan trọng. Học sinh phổ thông, đặc biệt cấp 1 và 2 của chúng ta không được phép sáng tạo nhiều. Nhưng thực tế, chúng ta vẫn áp đặt rất nhiều. Các môn bắt buộc đã chiếm khá nhiều rồi.

Chúng ta đều biết học sinh “mặc đồng phục” về kiến thức và bị áp đặt suy nghĩ rất nặng nề. Các em chỉ có khả năng bắt chước mà ít suy nghĩ. Những người xây dựng dự thảo hiểu điều đó và đưa vào các vấn đề ngõ hầu nhằm cải thiện tình hình chứ chưa dám thay đổi.

Tôi lấy ví dụ về định nghĩa "Hoạt động trải nghiệm sáng tạo" trong nội dung số một. Dự thảo nêu ra 5 lĩnh vực, qua đó học sinh được trải nghiệm và trở nên sáng tạo: Phát triển cá nhân; Cuộc sống gia đình; Đời sống nhà trường; Quê hương, đất nước và cộng đồng xã hội; Nghề nghiệp và phẩm chất người lao động. Rất chung chung.

Ngoài định hướng tổng thể, ta phải đi vào từng cấp học một, cấp 1 phát triển nhân cách, cấp 2 tạo đam mê và cấp 3 định hướng nghề. Có hai thứ quan trọng là công nghệ và kinh doanh chúng ta chưa đưa được vào trong giáo dục phổ thông.

Nền giáo dục Singapore  phát triển như bây giờ vì họ đưa công nghệ và kinh doanh vào sớm, học sinh học hết A level (một chứng chỉ Giáo dục phổ thông bậc cao) đã có thể viết bài về kinh tế học và làm những dự án kinh doanh nhỏ.

- Thực tế, từ trước đến giờ rất nhiều ý kiến cho rằng, nền giáo dục Việt Nam thiếu một triết lý giáo dục làm cái căn bản, gốc rễ. Sự thiếu này đã được bổ khuyết trong dự thảo không?

+ Ngay phần đầu của dự thảo đi vào "quan điểm xây dựng chương trình" nhưng không đề cập đến triết lý giáo dục tổng thể, được coi là cốt yếu trong việc dạy và rèn người. Tôi đề xuất triết lý của giáo dục Việt Nam là nhân bản, khai phóng và tự cường.

Nhân bản là bản chất của giáo dục, nhân bản rất quan trọng vì chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế cuộc sống và bạo lực học đường để thấy người lớn và trẻ con nhiều người thích giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Phải dạy học sinh nhân văn trong ứng xử với nhau, ứng xử với môi trường.

Thứ 2 là khai phóng, dạy cho học sinh biết suy nghĩ cho chính mình và tìm ra đam mê của mình. Người Việt đóng góp cho xã hội không nhiều vì không có khai phóng về tư tưởng để họ hiểu phải theo đuổi những lý tưởng của riêng mình.

Và tự cường, người Nhật và Hàn Quốc đều làm được điều này, không ai giúp mình mà phải tự đứng lên bằng học tập. Còn chúng ta không biết học để làm gì? Khi khai phóng, chúng ta trao sự tự chủ cho nhiều người, cho học sinh, giáo viên. Chúng ta dám để cho nhà trường chọn sách giáo khoa không?

- Vâng, nói đến sách giáo khoa, vẫn đang là vấn đề đau đầu khi sách giáo khoa của Việt Nam có nhiều lạc hậu so với thế giới. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không nên quá chú trọng vào sách giáo khoa. Theo anh, dự thảo có giải quyết được vấn đề này?

+ Sách giáo khoa không phải là thần thánh nhưng phải có sách giáo khoa tốt đã. Sách giáo khoa là công cụ đầu tiên, sau đó mới nói đến sách tham khảo. Chúng ta đang “mặc đồng phục” kiến thức cho học sinh. Tất cả giống nhau thì các phương pháp như thảo luận, viết đánh giá ý kiến không có sự tương tác.

Giáo viên vì vấn đề thành tích và phương pháp cũng đổ kiến thức lên đầu học sinh và không có gì phải đặt câu hỏi. Giáo viên như cái máy và học sinh như rô bốt. Thực tế, ta phải có nhiều bộ sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và đào tạo chỉ ra một cái khung tham chiếu có tầm nhìn ít nhất 20 năm, các đơn vị viết sách dựa vào đó để làm.

Nhà xuất bản Giáo dục có thể phải chấp nhận không trường nào dùng sách của mình. Mỗi bộ sách khi triển khai giáo viên hay trường có thể chủ động chọn. Và sẽ kiểm soát bằng đầu ra, đó là những kiến thức cơ bản chứ không phải đi luyện mới có được.

- Nghĩa là phải giao quyền tự chủ cho nhà trường, cho giáo viên?

+ Điều này rất quan trọng nhưng cũng không được đề cập đến một cách sâu sắc trong dự thảo. Trong vấn đề đổi mới, tôi quan tâm nhất về chương trình và cách dạy học. Điều này thể hiện ở vấn đề trao quyền tự chủ cho nhà trường và giáo viên.

Thứ nhất, nhà trường được quyền lựa chọn các bộ sách giáo khoa riêng cho mình, nhưng trên thực tế, Bộ GD&ĐT không cởi bỏ cơ chế độc quyền và viết sách giáo khoa. Việc khảo thí vẫn do một tay tự quyết và phán xử. Tự chủ về quản lý giáo dục và tự do về học thuật rất cần phải đi liền với nhau.

Thứ hai, giáo viên không được trao quyền quyết định dạy bài nào, bỏ bài nào, dạy đến đâu và dạy như thế nào cho phù hợp năng lực tiếp thu và thế mạnh hay năng khiếu riêng của học sinh.

Đó là chưa nói đến việc không thấy bóng dáng của liên môn, đâu là stem (viết tắt của các từ Science - khoa học, Technology - công nghệ, Engineering - kỹ thuật và Math - toán học). Chương trình không thấy bóng dáng của tư duy máy tính, liên môn, song ngữ, kinh tế học và kinh doanh cho THPT…

Ông Nguyễn Tuấn Hải, người sáng lập Eton Grammar School.

Tiếng Anh được học thế nào để trở thành công cụ cho học sinh cũng không nói tới. Đưa ra một dự thảo mới nhưng những cái cốt lõi để đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận đương đại và đi trước 15-20 năm thì không thấy trong khi chúng ta đang tụt hậu so với thế giới.

Nếu không cẩn thận, giáo dục sẽ làm mất đi năng lực mà thiên nhiên ban tặng cho con người

- Hiện nay việc phổ cập đại học đang là một xu thế, nhưng chúng ta đang có một thực trạng, tỷ lệ thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ rất cao trong khi thiếu những thợ lành nghề. Theo anh, dự thảo mới đã có định hướng nghề nghiệp như thế nào để giải quyết vấn đề này?

+ Dự thảo chưa có định hưỡng rõ ràng. Với kiểu học như thế này, chúng ta lại đào tạo ra hàng loạt cử nhân bàn giấy thất nghiệp mà thiếu những cử nhân thực tế. Tại sao chúng ta không dám cho con em mình đi làm đầu bếp giỏi biết nói tiếng Anh hay làm y tá biết nói tiếng Anh trong các bệnh viện Quốc tế, thu nhập sẽ rất cao mà đâu cần phải học đại học. Từ 16 tuổi, phải có định hướng nghề rõ ràng, phải áp dụng phễu lọc khắt khe, chỉ 30-40% học sinh vào đại học, còn lại đi vào ngành nghề.

- Với dự thảo mới này thì một vấn nạn của giáo dục Việt Nam là sự giảm tải, giảm áp lực cho học sinh có được giải quyết không thưa anh?

+ Không hề được giải quyết, bởi học sinh vẫn phải học chừng đó môn. Dự thảo đưa ra vấn đề thúc đẩy quá trình tự học suốt đời của học sinh nhưng chúng ta đang áp đặt, nhồi nhét kiến thức, đứa trẻ không có nhu cầu nghĩ, như thế làm sao tự học suốt đời. Chúng ta tấn công học trò bằng kiến thức và nó không có khả năng phản kháng, không có nhu cầu nghĩ khác đi, phản biện. Nếu không cẩn thận, giáo dục sẽ làm mất đi năng lực mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

- Vậy chúng ta không trả lời được câu hỏi mục đích của việc học để làm gì và giải quyết vấn đề chúng ta đang đào tạo con người công cụ chứ không phải là con người sáng tạo?

+ Chúng ta phải nhìn ra điểm yếu của mình. Dự thảo chỉ nói tụt hậu mà không nói chúng ta cần gì, thiếu gì. Người Nhật không cần team work, còn chúng ta cần cái đó. Dạy văn hóa đọc không phải lùa học sinh vào thư viện mà dạy biết nghĩ, biết tìm tòi để học sinh có nhu cầu đọc sách. Khi đọc và tìm hiểu, những thứ nó thu được vượt xa sách giáo khoa và khác so với giáo viên.

Tới đây, công dân Asean có thể làm việc ở bất cứ đâu, nhưng chúng ta không có tiếng Anh. Tất cả các vị trí quan trọng đều bị người nước ngoài chiếm lĩnh. 80 ngàn người Hàn Quốc ở Việt Nam đều làm từ vị trí quản lý, còn 80 ngàn người Việt ở Hàn Quốc là ô sin.

 Người Philippines đi khắp nơi làm giáo viên tiếng Anh. Người giúp việc biết nói tiếng Anh lương rất cao. Chúng ta cần dạy công cụ tốt để công dân Việt Nam, ngay trong thị trường Asean có thể có cơ hội có việc làm cạnh tranh với Malaysia, Philippines... Mục tiêu giáo dục phải cụ thể như thế.

- Anh có hình dung được chân dung những học sinh trong tương lai qua dự thảo này sẽ như thế nào không?

+ Tôi không nhìn thấy chân dung học sinh sẽ như thế nào. Chân dung một học sinh hiện đại là đeo ba lô nhẹ nhàng, một tay cầm cuốn sách để đọc và tự phát triển, có thể là sách tham khảo, sách truyện và tay xách một đôi giày thể thao. Khi mà giáo dục thể chất chỉ là thứ hình thức thì chúng ta không cải thiện được thể lực của học sinh.

Ở Singapore, học hết trung học, học sinh có thể chạy dài được 5km. Học sinh phải giỏi được một môn điền kinh. Tôi dạy nhiều học sinh giỏi, nhưng thể lực yếu, tôi nói với các em, chúng ta chỉ cần điểm 8 thôi, không cần phải điểm 10 để dành thời gian cho thể thao.

- Vậy anh có đề xuất như thế nào về một dự thảo giáo dục phổ thông tổng thể để giáo dục Việt Nam thực sự được đổi mới, tiệm cận với các xu thế của thế giới?

+ Chúng ta phải dũng cảm bỏ cái cũ hoàn toàn. Có hai lĩnh vực: công nghệ và giáo dục không được phép đứng lại, cái chết trong giáo dục chúng ta không nhìn thấy. Sự tụt hậu của chúng ta là kinh khủng. Chỉ cần nhìn 80 ngàn lao động Hàn Quốc ở Việt Nam và 80 ngàn lao động Việt Nam ở Hàn Quốc để hiểu sản phẩm của nền giáo dục chúng ta như thế nào.

Chúng ta chỉ cần đúng và đủ, từ làm chương trình, nội dung và cả quản lý nữa. Với đề án này cần có sự phản biện, nếu không thì đó là điều đáng tiếc. Chúng ta cần những cuộc đối thoại trực tiếp để tìm ra con đường. Từ năm 2000 chúng ta rục rịch đổi mới giáo dục đến bây giờ đã 17 năm, chúng ta đã làm được gì khi giáo dục Việt Nam đang quá tụt hậu so với thế giới.

- Vâng, cảm ơn cuộc trò chuyện thẳng thắn của anh.

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.