Bà Hoàng Tú Anh - Giám đốc trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số:

Phải thay đổi quan điểm của xã hội về vấn đề lạm dụng tình dục

Thứ Hai, 11/04/2016, 09:34
Lạm dụng tình dục trẻ em đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Những con số liên tục được đưa ra trên các phương tiện truyền thông về thực trạng này đòi hỏi chúng ta phải hành động ngay và quyết liệt hơn để đẩy lùi tình trạng đáng báo động đó.


Phóng viên Chuyên đề CSTC đã có cuộc trò chuyện với bà Hoàng Tú Anh, người nhiều năm theo đuổi và tâm huyết với cuộc chiến chống lạm dụng tình dục trẻ em và bạo hành phụ nữ.

- Câu chuyện lạm dụng tình dục trẻ em đang làm nóng các phương tiện truyền thông, trở thành một vấn đề nhức nhối của xã hội. Nhiều năm trực tiếp đấu tranh với vấn nạn này, theo chị, vì sao nó trở thành một vấn đề ở Việt Nam khi chúng ta đã có khung pháp lý khá hoàn chỉnh bảo vệ bà mẹ và trẻ em?

+ Những số liệu chính thức của nhà nước hay các tổ chức công bố chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về vấn đề lạm dụng tình dục trẻ em mà thôi. Bởi vấn đề lạm dụng tình dục còn bị nhiều định kiến, do nhận thức của xã hội nên rất nhiều trường hợp không báo, che giấu, thậm chí nhiều gia đình còn giải quyết bằng cách cho nạn nhân lấy người cưỡng hiếp mình.

Bà Hoàng Tú Anh.

Đó là những định kiến kinh khủng tạo thành rào cản xã hội để tiếp nhận vấn đề này. Chúng ta không có những dự phòng và cũng thiếu kỹ năng ứng xử khi sự việc xảy ra. Hiện nay báo chí vẫn đưa theo vụ việc, theo kiểu giật gân, câu view, làm cho xã hội nháo nhào lên, khiến mọi người thấy mất an toàn và tạo nên sự kỳ thị với chính các nạn nhân.

Chúng ta chưa quan tâm đến vấn đề những đứa trẻ sau đó sẽ sống thế nào, có nhiều đứa trẻ bị tung clip lên mạng đã tự tử. Chúng ta chưa có sự chuẩn bị để ứng xử với những tình huống như thế. Điều chúng ta cần là sự bình tĩnh để ứng phó với vấn đề này, chứ không thể ứng xử theo kiểu nóng giận, lên án đối tượng, thậm chí nạn nhân.

Tôi muốn kể một câu chuyện về con gái tôi khi học ở Hà Lan, có một lần trên facebook của nó xuất hiện một hình ảnh nhạy cảm. Con bé không phát hiện ra. Nhưng nhà trường nhận được phản hồi của bố mẹ tại sao trên facebook của con tôi lại như thế, vậy con tôi đang làm gì ở trường? Nhà trường lập tức kiểm tra và xác nhận việc có hiện tượng lạm dụng qua mạng. Nhà trường dừng việc học ở lớp lại để kiểm tra xem có chuyện gì đang xảy ra, ngày hôm sau, toàn bộ trường nghỉ học, và họ mời chuyên gia về dạy cách phòng chống lạm dụng tình dục trên mạng.

Tất cả các khối, các lớp và thầy cô giáo cũng học. Tôi thấy ngay cách phản ứng của họ với sự việc rất kịp thời và cái hay của họ là tập trung vào giáo dục chứ không phải lên án. Khi tôi đặt tình huống này ra và hỏi thì 100% người Việt đều hướng tới giải pháp nghỉ học để tìm thủ phạm.

Vậy, chúng ta hướng vào sự lên án và trừng phạt. Còn họ ứng xử một cách bình tĩnh, điềm đạm, họ hướng vào giáo dục. Sự khác nhau cơ bản đó đã tạo nên những gương mặt xã hội khác nhau. Đó là chưa kể đến vấn đề giới tính đã được đưa vào dạy ở các trường học ở Hà Lan ngay từ lúc 4 tuổi.

- Bởi vì ở chúng ta, cả một nền giáo dục đã bỏ trống vấn đề giáo dục giới tính, họ không thấy nó thiết yếu, quan trọng?

+ Đúng thế, chúng ta chưa bao giờ thấy vấn đề này thiết yếu, quan trọng cả. Tôi thấy có hai vấn đề, việc trang bị kiến thức cho học sinh không có. Các trường đều bỏ trống việc dạy về lạm dụng tình dục, khiến học sinh không có kiến thức, không có kỹ năng tự bảo vệ. Thứ nữa, chúng ta không thực hiện chế tài để thực thi pháp luật.

Lạm dụng tình dục trẻ em đang là vấn đề đáng báo động. Ảnh minh họa.

Toàn bộ nền giáo dục chúng ta bỏ trống mà chỉ xử lý theo vụ việc bằng cách xới tung lên. Tôi thấy đáng lo ngại, như vụ 23 em học sinh ở Lào Cai rồi sẽ  ra sao. Vấn đề này có được đưa ra thảo luận ở trường hay không, những hỗ trợ tiếp theo về mặt tâm lý cho các em như thế nào. Phần đó không thấy nói, 23 em mới chỉ là một phần của trường, vậy bao nhiêu em sẽ được bảo vệ ở ngôi trường này và bao nhiêu em ở những ngôi trường khác được bảo vệ.

Đó mới là vấn đề chúng ta cần quan tâm. Tôi nhớ, chúng tôi đã từng cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vận động để đưa vấn đề này vào Luật Bảo vệ Bà mẹ và trẻ em. Đó là tất cả tâm huyết của chúng tôi, bởi khi đi tư vấn, trò chuyện với các em, tôi thấy đau khổ vô cùng vì các em thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức.

Khi chúng tôi đến các trường học, đặt vấn đề hỗ trợ nhà trường về nội dung này thì nhiều trường, ngay ở Hà Nội đã từ chối vì ngại, không muốn đề cập đến vấn đề được cho là "nhạy cảm" này, có trường thì từ chối vì học sinh bận, không có thời gian, họ không coi nó là quan trọng.

Chính các bậc cha mẹ cũng không thúc ép nhà trường việc này, họ sẵn sàng cho con tiền để đi học thêm nhưng học về giới tính, về lạm dụng tình dục họ không coi trọng. Tất cả những nhận thức sai lầm đó đã khiến vấn đề trở thành đáng báo động ở nước ta, dù chúng ta đã có luật.

- Vâng, từ vụ Minh Béo bị bắt ở Mỹ cho thấy mức độ thờ ơ, lỏng lẻo của pháp luật Việt Nam và dư luận nước ta về vấn đề này, thưa bà?

+ Chúng ta vẫn coi nó là nhạy cảm và không muốn đưa ra ánh sáng. Rõ ràng lạm dụng tình dục trẻ em, bạo lực gia đình ở nước ta vẫn chưa được coi trọng, hoặc đôi khi người ta cố tình che giấu, không thừa nhận. Một khi người ta vẫn coi nó là sự xấu hổ, định kiến, sẽ không bao giờ xử lý được. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh, nhưng công tác thực thi và giám sát thực thi kém hiệu quả đang là một rào cản.

Minh Béo bị bắt ở Mỹ vì lạm dụng tình dục trẻ em.

Do gia đình, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng của vấn đề cũng như chưa đủ kỹ năng, kiến thức để cùng con bảo vệ an toàn khỏi các hình thức xâm hại, bạo lực. Các vụ việc xảy ra chưa được xử lý nghiêm minh. Luật Phòng chống bạo lực ra đời đã 9 năm rồi, nhưng số vụ xử được có bao nhiêu dù tình trạng bạo lực gia đình đang rất nặng nề?

Vậy nên, một vấn đề nữa của chúng ta là thực thi pháp luật. Vì xâm hại tình dục liên quan tới quan niệm xã hội và đạo đức. Mọi người đều ngại ngần khi nói về điều đó. Khung về luật chúng ta đã có, nhưng để xử lý vấn đề đó không đơn giản, phải thay đổi quan điểm của cả xã hội về vấn đề này thì mới xử lý được luật. Trẻ em và phụ nữ không được tiếp cận, cung cấp thông tin, kỹ năng tự bảo vệ mình…

Trong đó, quan niệm, định kiến của xã hội về vấn đề này khá nặng nề, đó là rào cản lớn nhất làm hạn chế việc đưa được các vụ việc này ra ánh sáng.

- Vậy theo bà, chúng ta cần những giải pháp gì để giúp trẻ em tránh được vấn nạn lạm dụng tình dục?

+ Quan trọng nhất là đẩy mạnh giáo dục, để thay đổi nhận thức vì đó là nền tảng của xã hội. Giáo dục quan trọng hơn luật pháp, sau giáo dục mới đến luật pháp, có luật rồi thì phải thực thi luật chứ không thể để những vụ việc như thế chìm xuồng. Và điều quan trọng nữa là có sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự vào trong quá trình giám sát việc thực thi luật.

Phải có các cơ quan giám sát độc lập cùng kết hợp để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Hiện nay, chúng ta vẫn bị tách biệt giữa nhà nước và các nhóm cộng đồng. Cần sự bắt tay của họ thì mới làm được. Khi cộng đồng, cha mẹ, các em nhận thức được sự quan trọng của vấn đề thì sẽ có hiệu ứng tốt dần. Vai trò của truyền thông cũng rất quan trọng, giúp thay đổi nhận thức của mọi người.

Đây là một vấn nạn, và khi sức ép của xã hội đủ lớn, lập tức nó sẽ tạo ra hành động. Nhưng nếu có một tác động thực sự thì phải từ thể chế, nhà nước. Phải là nhận thức của toàn xã hội. Ở chúng ta, các hoạt động phong trào vô cùng mạnh như làng văn hóa, gia đình văn hóa, điều đó cũng tốt thôi, nhưng cái chúng ta cần là thực chất chứ không phải là những con số đèm đẹp.

Chúng ta đặt ra các chỉ tiêu, giảm lạm dụng tình dục, nhưng, việc giảm nếu chỉ ở trên con số mà không có những chế tài xử lý nó như thế nào thì chúng ta cũng chỉ có một bức tranh bề mặt, một hình ảnh đẹp mà thôi. Còn thực chất vẫn là những dấu hỏi nghi vấn.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của bà.

Trong những năm qua (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (chiếm 65%) và gia tăng xâm hại tình dục nam. Năm 2011, lực lượng chức năng đã bắt hơn 1.000 đối tượng, đến năm 2015, số đối tượng tăng lên 1.400. Theo nghiên cứu gần đây của tổ chức Action Aid tại Việt Nam, có tới 87% phụ nữ ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng, 67% người chứng kiến đã không có hành động gì. Theo nghiên cứu của tổ chức Plan tại Việt Nam, 31% bé gái và thanh niên từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng. 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.
Hạnh Nguyên (thực hiện)
.
.
.