Pháp: Sắp có thay đổi?

Thứ Sáu, 05/05/2017, 10:40
Vài ngày nữa nước Pháp sẽ bước vào vòng bầu cử thứ 2 để chọn ra vị tổng thống kế tiếp. Lần đầu tiên trong vòng 60 năm, 2 ứng viên lọt vào vòng này đều không thuộc các chính đảng của cánh tả lẫn cánh hữu. Ðiều này, theo giới chuyên gia, là dấu hiệu cho thấy một sự thay đổi rất lớn sẽ diễn ra ở Pháp trong thời gian sắp tới.


Hai nước Pháp

Hai ứng cử viên sẽ đối đầu trong cuộc bầu cử vòng 2 (ngày 7-5) là Marine Le Pen của đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu và Emmanuel Macron, Bộ trưởng Kinh tế dưới thời Tổng thống François Hollande của đảng Xã hội nhưng đang tranh cử với tư cách là ứng cử viên độc lập.

Tờ Le Monde đã có bài viết với tiêu đề “Macron – Le Pen: Hai nước Pháp”. Đây là nhận định được hầu hết báo chí Pháp nhìn nhận, cho rằng nước Pháp đã bị xẻ làm hai, giữa một bên nước Pháp của nông thôn và bên kia là nước Pháp của thành thị.

Cách biệt giữa lá phiếu thành thị và nông thôn là đáng kể. Đa số các bộ phận cử tri ở những thành phố lớn như Paris, Lyon, Nantes, Strasbourg, Rennes, Reims, Dijon, Angers,… đều ủng hộ ông Emmanuel Macron. Trong khi tại vùng nông thôn, bà Marine Le Pen dẫn đầu với những khoảng cách khá xa.

Marine Le Pen - Emmanuel Macron

Le Monde nhắc lại trong đợt bầu cử tổng thống năm 2012, bà Marine Le Pen đã nhận được 17,90% lá phiếu ủng hộ nếu tính trên toàn quốc. Nhưng nếu tính riêng tại 573 thành phố có số dân trong khoảng từ 15-150 ngàn người, bà đã được 15,73% và 11,05% tại 15 thành phố lớn nhất nước. Điều đó cho thấy càng xa các thành phố lớn sự bất bình của cử tri càng lớn. Đó là những người cảm thấy bị lãng quên, mức sống bị suy giảm, việc làm hiếm hoi và tình trạng xuống cấp các dịch vụ công.

Chưa đủ, nước Pháp còn bị chia đôi về mặt địa lý, giữa Đông và Tây, mà đường ranh giới ảo chính là hai đầu mút Lille (Bắc) - Perpignan (Nam). Phần lớn các tỉnh phía đông ủng hộ Marine Le Pen, ngược lại các tỉnh duyên hải phía tây lại ngả về Macron. Có thể nói là nước Pháp đang có một sự phân chia kép như nhận định của Le Monde.

Nhưng sự đối đầu này giữa Macron và Le Pen còn cho thấy rõ một sự đối lập về hệ tư tưởng trong lòng nước Pháp. Nếu như trước đây các cuộc tranh cử tổng thống mang màu sắc cuộc chiến truyền thống giữa tả và hữu, thì nay khái niệm này hầu như không còn nữa.

Tả hữu phân mảnh

Theo tờ Project Syndicate, cho rằng hiện Pháp đang phải trải qua một cuộc hỗn loạn chính trị như năm 1958, khi đang diễn ra cuộc chiến tranh Algerie, tướng Charles de Gaulle lên nắm quyền và soạn thảo bản Hiến pháp của nền Cộng hòa thứ Năm.

Ngày nay, người dân nước Pháp đang ngày càng bị mất lòng tin đối với giới tinh hoa. Họ đang sống trong cảm giác bị tước quyền, nỗi sợ toàn cầu hóa kinh tế và di cư, và nỗi lo địa vị xã hội xuống dốc và bất bình đẳng gia tăng.

Chính điều này, cùng với vai trò lịch sử của Nhà nước Pháp trong việc thúc đẩy bản sắc dân tộc và phát triển kinh tế, đã góp phần vào làn sóng ủng hộ đảng Mặt trận Quốc gia. Nhưng nếu nhìn sâu hơn một chút, có thể thấy thông điệp dân tộc chủ nghĩa, bài ngoại và các chính sách kinh tế dân túy của bà Le Pen giống hệt như của ứng cử viên cực tả Jean-Luc Mélenchon.

Nói cách khác, tả khuynh và hữu khuynh khi đi đến cực đoan đều có những điểm chung. Tuy nhiên, trong thực tế cả cánh hữu lẫn cánh tả đều phân mảnh trong những năm gần đây. Điều này đặc biệt đúng ở cánh tả, nơi sự chia rẽ xuất hiện rõ giữa nhóm cải cách, dẫn đầu là cựu Thủ tướng Manuel Valls, và nhóm thủ cựu, với đại diện là ứng cử viên đảng Xã hội Benoît Hamon.

Các cuộc thăm dò cho đến nay đều cho thấy ông Macron sẽ thắng ở vòng 2 với hơn 60% số phiếu, bà Le Pen được gần 40%.

Vấn đề của đảng Xã hội càng phức tạp do sự hiện diện của một nhóm cánh tả cấp tiến đang hoạt động tích cực nhằm loại bỏ họ, giống như đảng Podemos cánh tả của Tây Ban Nha đã tìm cách thay thế đảng Công nhân Xã hội ở nước này. Nguồn gốc khó khăn của cánh hữu chủ lưu thì ít rõ ràng hơn. Các lực lượng cánh hữu nói chung vẫn thống nhất về các vấn đề kinh tế và xã hội, nhưng cũng có nhiều chia rẽ.

Macron đang tận dụng điều này. Ông đã nhìn thấy sự chia rẽ tả - hữu đã cản trở sự tiến bộ, và cuộc bầu cử tổng thống là một cơ hội vàng để thoát ra khỏi điều đó mà không cần sự trợ giúp của một phong trào chính trị có tổ chức. Khi người Pháp ngày càng phản đối cơ cấu đảng phái truyền thống, điểm yếu ban đầu của Macron đã nhanh chóng trở thành sức mạnh.

Hai quan điểm đối chọi

Từ sự phân mảnh của 2 khuynh hướng chính trị tả - hữu, dẫn đến kết quả bỏ phiếu vòng 1 cho thấy cuộc đua tổng thống hiện nay không là cuộc đua giữa 2 khuynh hướng chính trị như thường thấy, mà là cuộc cạnh tranh giữa 2 quan điểm đối chọi: bài xích và ủng hộ Liên minh châu Âu (EU).

Ứng viên Macron theo đường lối ôn hòa, không chỉ trích EU. Trong khi đó, bà Le Pen người chủ trương đưa nước Pháp rời khỏi EU. Bà Le Pen chủ trương “Frexit”, đưa nước Pháp rời khỏi EU, và ra khỏi khu vực sử dụng đồng euro. Ngoài ra, bà Marine Le Pen cũng thu hút lá phiếu cử tri nhờ đánh trúng tâm lý người lao động với quan điểm phản đối người nhập cư, bảo vệ bản sắc Pháp và khôi phục chủ quyền quốc gia. Đặc biệt, bà Le Pen có chủ trương bài Đức kịch liệt. Bà thường hay có các phát biểu tấn công Đức, nói đúng hơn là vào Thủ tướng Merkel và chính sách nhập cư của bà.

Trong khi đó, ông Macron lại có quan điểm ủng hộ và không chỉ trích EU. Động thái đầu tiên là ông Macron đã đến Đức và gặp giới lãnh đạo nước này. Truyền thông Đức đã không ngần ngại lên tiếng ủng hộ ông Macron.

Hiện nay, họ ủng hộ Macron, xem ông là “thành trì” ngăn chặn bà Marine Le Pen. Quan điểm thiên châu Âu của ông đã thuyết phục ngay cả giới bảo thủ ở Đức. Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble đã không ngần ngại nói rằng ông sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Macron nếu ông là người Pháp.

Hiện nay, ứng cử viên độc lập trẻ tuổi này đang thực sự có cơ hội để trở thành tổng thống đắc cử vào ngày 7-5, lật đổ hệ thống chính trị của nền Cộng hòa thứ Năm. Các cuộc thăm dò cho đến nay đều cho thấy ông Macron sẽ thắng ở vòng 2 với hơn 60% số phiếu, bà Le Pen được gần 40%.

Nhưng thắng cử chỉ là bước đầu tiên. Để quản trị chế độ nghị viện tổng thống lai của Pháp, Macron cần đảm bảo được một đa số trong Quốc hội. Điều này mở ra 2 kịch bản.

Trong kịch bản thứ nhất, Macron sẽ nhanh chóng giành được một đa số trong Quốc hội, khi cử tri Pháp tìm cách củng cố nhiệm kỳ của ông trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 6. Điều này là khả dĩ, nhưng lại không chắc chắn: đây là nơi mà việc thiếu đi một phong trào chính trị có tổ chức trong dân chúng vẫn là một điểm yếu đối với Macron.

Do vậy mà cuộc bầu cử tháng 6 có thể dẫn đến kịch bản thứ hai: chung sống với một liên minh ở Quốc hội, bao gồm một nhóm cánh hữu nhỏ, một nhóm trung dung lớn và một nhóm cánh tả bị chia rẽ một cách vô vọng. Diễn biến như vậy sẽ là điều quen thuộc ở nhiều nước châu Âu. Nhưng ở Pháp, nơi chủ nghĩa cộng hòa đã làm nổi lên phổ ý thức hệ tả - hữu vốn định hình nền chính trị trên toàn phương Tây ngày nay, đó sẽ là một cuộc cách mạng đích thực - một cuộc cách mạng có thể đặt dấu chấm hết cho đảng Xã hội.

Nếu bằng cách nào đó Le Pen lên nắm quyền thì nền chính trị Pháp và cả EU sẽ bị đảo lộn. Nhưng ngay cả Macron vốn có vẻ ngoài ôn hòa cũng thể hiện một lập trường cấp tiến thực sự, theo cách của riêng ông. Với việc cả hai ứng cử viên này lọt vào vòng bầu cử thứ hai, Pháp đang đứng trên bờ vực của một cuộc cách mạng chính trị, bất kể là ai thắng.

Bàng Cương
.
.
.