Phát hiện nhiều vụ nhập lậu ngà voi, sừng tê giác

Thứ Năm, 02/04/2015, 22:00
Tình hình buôn lậu, vận chuyển ngà voi, sừng tê giác từ nước ngoài về Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng. Thời gian gần đây, Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển ngà voi, sừng tê giác với số lượng lên đến hàng trăm kilogam, đa phần có nguồn gốc từ các nước châu Phi. Theo nhận định của cơ quan Hải quan, đường hàng không đang là "điểm nóng" về vận chuyển mặt hàng này.
Gần 1,4kg sừng tê giác giấu trong… đầu tôm hùm

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (viết tắt là Chi cục Hải quan TSN), trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, hàng loạt vụ nhập lậu ngà voi, sừng tê giác qua đường hàng không với trị giá tang vật hàng trăm tỷ đồng đã bị cơ quan Hải quan phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Mới đây nhất, ngày 17/3/2015, Chi cục Hải quan TSN cho biết, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng kiểm soát hải quan của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan, Đồn Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Cục C46 (Bộ Công an) đã đồng loạt phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã quý hiếm cấm nhập khẩu. 

Số hàng trên gồm: 1,39kg sừng tê giác, 43,5kg ngà voi dạng khúc, 3,68kg sản phẩm chế tác từ ngà voi châu Phi... Tổng trị giá các mặt hàng này là gần 5 tỷ đồng, chủ yếu được vận chuyển từ châu Phi về Việt Nam để tiêu thụ.

1,39kg sừng tê giác được đối tượng N.V.H chia nhỏ, cất giấu trong phần đầu của con tôm hùm đông lạnh.

Đặc biệt là đối tượng N.V.H, quốc tịch Việt Nam vận chuyển trái phép 1,39kg sừng tê giác về Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế TSN với thủ đoạn hết sức tinh vi. Theo đó, N.V.H đã chia nhỏ và gói các đoạn sừng tê giác trong nhiều lớp nilon cất giấu trong phần đầu của các con tôm hùm đông lạnh bỏ trong thùng giữ lạnh. Hiện Chi cục Hải quan TSN vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng để tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc. 

Cùng thời điểm này, Chi cục Hải quan TSN cũng phát hiện hai hành khách quốc tịch Việt Nam là Nguyễn Văn Hà và Nguyễn Văn Hiền (Nam Định) làm thủ tục nhập cảnh từ Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) về Việt Nam, vận chuyển trái phép mặt hàng ngà voi. Qua kiểm tra thực tế hành lý của hai hành khách này, Chi cục Hải quan TSN phát hiện, ngoài đồ dùng cá nhân, trong hành lý của Hà có 19,2kg ngà voi và hành lý của Hiền có 24,3kg ngà voi.

Cả hai hành khách đều không xuất trình được giấy tờ có liên quan đến số ngà voi này. Qua giám định tại Phân viện Khoa học hình sự - Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh, số ngà voi trên của loài voi châu Phi, có tên trong danh sách các loài động vật hoang dã, thuộc diện quản lý của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), cấm xuất nhập khẩu, mua bán. Tuy nhiên, theo khai nhận của Hà và Hiền thì họ chỉ là những người vận chuyển thuê số ngà voi trên từ Dubai về Việt Nam để nhận tiền thù lao (?).

Ngà voi và sừng tê giác do Chi cục Hải quan TSN bắt giữ trong những vụ việc trước đó.

Trước đó, trong năm 2014 theo thống kê sơ bộ, Chi cục Hải quan TSN đã liên tục phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tiến hành lập 282 biên bản vi phạm với trị giá tang vật hàng trăm tỷ đồng. Riêng sản phẩm từ động vật hoang dã, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị phát hiện, bắt giữ 13,1kg sừng tê giác trị giá khoảng 15 tỉ đồng; 6 vụ việc vận chuyển trái phép ngà voi, tạm giữ 2 đối tượng, thu giữ 177 chiếc ngà voi với tổng trọng lượng 265kg; 100 sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ ngà voi và 23,41kg sản phẩm chế tác từ ngà voi; tổng trị giá ước tính gần 26 tỷ đồng.

Buôn lậu 0,5kg sừng tê giác, 5kg ngà voi sẽ bị xử lý hình sự?

Trước thực trạng đáng báo động này, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh về tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hoá có nguồn gốc là động vật hoang dã xuất nhập khẩu trái phép, Chi cục Hải quan TSN đã xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường trọng điểm.

Ông Tống Lê Dân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan TSN, cho biết, thời gian qua phát hiện và bắt giữ nhiều vụ buôn lậu ngà voi, sừng tê giác bằng đường hàng không vì đây là mặt hàng có giá trị kinh tế rất cao và khó bị phát hiện khi giấu trong các thùng hàng. Theo ông Dân thì các đối tượng buôn lậu thường chọn cách xách tay hoặc giấu vô cùng tinh vi đối với mặt hàng sừng tê giác như vụ giấu các mẩu sừng tê giác trong các đầu tôm hùm, vì ước tính thông thường một chiếc sừng cũng có giá lên đến mấy tỷ đồng.

Nhưng với ngà voi thì dân buôn thường không mang theo người, mà được gửi dưới dạng bưu phẩm, bưu kiện qua đường hàng không. Địa chỉ ghi trên vận đơn thường là địa chỉ ảo, không rõ ràng, thậm chí không có địa chỉ hoặc ghi tắt tên người gửi và người nhận. Để đề phòng trường hợp khi bị phát hiện, các đối tượng vận chuyển, buôn lậu sẽ từ chối nhận hàng nhằm chối bỏ trách nhiệm. Đặc biệt, phần thông tin hàng hóa, các đối tượng thường khai báo là thực phẩm, hàng mẫu hay đồ dùng cá nhân có trị giá thấp, đồng thời, thực hiện việc quá cảnh các nước khác trước khi vào Việt Nam nhằm đánh lạc hướng các cơ quan chức năng tại cửa khẩu…

Để chống lại các thủ đoạn tinh vi trong việc đóng gói, cất giấu tinh vi, vận chuyển của những kẻ buôn lậu và tiến hành các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, bắt giữ hàng lậu là ngà voi và sừng tê giác, hiện Chi cục Hải quan TSN có tổ "đặc nhiệm" kiểm soát hải quan gồm chín thành viên làm nhiệm vụ chuyên trách chống buôn lậu các mặt hàng trên. 

Lực lượng này sẽ thường xuyên chú tâm kiểm tra, kiểm soát các tuyến bay trọng điểm, nơi xuất phát hàng đi từ những quốc gia trọng điểm. Đồng thời, từ danh sách các hãng hàng không cung cấp, lực lượng "đặc nhiệm" sẽ dò tìm đối tượng, lọc ra những người cần phải đặc biệt chú ý, có khi mất rất nhiều thời gian mới tìm được đúng đối tượng…

Dù ngà voi, sừng tê giác là mặt hàng thuộc danh sách quản lý theo Công ước CITES ban hành kèm Thông tư 40/2013/TT-BMMPTNT ngày 5/9/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quyết định số 11/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán mẫu vật một số loài động vật hoang dã. Nhưng với lợi nhuận thu được không thua kém buôn bán ma túy, tình hình buôn lậu, vận chuyển ngà voi, sừng tê giác từ nước ngoài về Việt Nam vẫn diễn ra ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự với các đối tượng này vẫn đang có nhiều khó khăn về khuôn khổ pháp lý.

Chưa kể, đối với các lô hàng bắt giữ thuộc danh mục CITES như ngà voi hoặc các chế phẩm từ ngà voi, sừng tê giác… là hàng hóa cấm mua bán nên gặp vướng mắc vì khó xác định được trị giá và không xác định được cấp nào có thẩm quyền xử lý vụ việc nên việc giải quyết, xử lý các lô hàng bị bắt giữ gặp khá nhiều khó khăn. Điển hình như theo phản ánh của Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, hiện còn 7 lô hàng ngà voi nhập lậu có nguồn gốc từ châu Phi, với tang vật trên 2,6 tấn, được phát hiện từ năm 2013, đến nay vẫn chưa xử lý được.

43,5kg ngà voi dạng khúc mới bị phát hiện bắt giữ.

Trong thời gian chờ ý kiến của cấp có thẩm quyền hướng dẫn về việc cấp nào có thẩm quyền xử lý tịch thu đối với những tang vật vi phạm không xác định được trị giá như nêu trên, Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đề xuất và xin ý kiến Tổng cục Hải quan về phương án xử lý. Đó là, đối với trường hợp không xác định được chủ sở hữu hàng hóa sau khi Chi cục đã tiến hành các bước nghiệp vụ theo trình tự luật định thì Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi phát hiện vụ việc ra quyết định tịch thu sung công quỹ Nhà nước theo quy định. Đối với trường hợp Chi cục xác định được chủ sở hữu hàng hóa (chủ thể vi phạm), thì Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi phát hiện vụ việc căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật hiện hành tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, nếu mức phạt tiền thuộc thẩm quyền xử phạt thì ra quyết định xử phạt.

Mới đây, để xác định mức xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu sừng tê giác, ngà voi, sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đã dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn xử lý hình sự hành vi buôn lậu, vận chuyển tàng trữ trái phép sừng tê giác, ngà voi, trong đó xác định các mức độ vi phạm dựa trên số lượng hàng hóa.

Theo đó, dự thảo này quy định rõ: Buôn lậu từ 0,5 đến dưới 3kg sừng tê giác, 5 đến dưới 30kg ngà voi được coi là "hàng cấm có số lượng lớn"; mức 3 đến dưới 9kg với sừng tê giác, từ 30 đến dưới 90kg đối với ngà voi được coi là "số lượng rất lớn"; từ 9kg trở lên đối với sừng tê giác và từ 90kg trở lên đối với ngà voi được coi là số lượng "đặc biệt lớn". Việc xác định hàng hóa theo số lượng như vậy để làm căn cứ khởi tố vụ án hoặc xử lý hành chính. Đặc biệt, dự thảo cũng đã đề xuất mức khởi điểm để xử lý hình sự là buôn lậu 0,5kg sừng tê giác, 5kg ngà voi.

Ở một khía cạnh khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang cân nhắc việc tiêu hủy kho sừng tê giác, ngà voi bị thu giữ và coi đó như khẳng định Việt Nam không cho phép hoạt động buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã. Tuy nhiên, hiện việc này vẫn còn đang nhận được khá nhiều ý kiến khác nhau, chưa thống nhất.

Phú Lữ
.
.
.