Phát hoảng với chân dung thật của "Thần y" nức tiếng chữa vô sinh

Thứ Năm, 12/05/2016, 11:02
Hiện nay trên các diễn đàn mạng xã hội đang nổi lên một vị "thần y" có khả năng siêu phàm. Họ thảo luận, ngợi ca, cho rằng ông Nguyễn Văn Luấn (Yên Mỹ, Hưng Yên) chỉ cần sờ vào cổ tay là có thể biết được người ta có bệnh gì, tình trạng sức khỏe ra sao, khả năng sinh con bao nhiêu phần trăm...


Với những người khả năng sinh con 0% thì chỉ bốc thuốc theo đơn của vị này, việc có con dễ như trở bàn tay. Để PR cho khả năng đặc biệt của mình, "thần y" này tự nhận mình là một bác sĩ từng công tác tại Bệnh viện Quân y 103 đã nghỉ hưu. Khi tìm hiểu chân dung thật của ông Luấn mới thấy: Có lẽ những người bệnh đã trao nhầm lòng tin?!

"Ở đây siêu về bắt mạch rồi…"

Dù chữa bệnh bằng phương pháp Đông y nhưng quanh khu vực này ít người gọi ông Luấn là thầy lang. Mọi người vẫn thường gọi ông là "bác sĩ" Luấn, bởi ông luôn giới thiệu mình từng là bác sĩ làm việc tại Bệnh viên Quân Y 103. Để một lần "mục sở thị" khả năng của "bác sĩ" Luấn, chúng tôi thủ vai một cặp vợ chồng cưới nhau được 7 năm, có 1 đứa con nhưng khó khăn trong việc sinh con thứ 2. Trong khi thực tế cô bạn đi cùng tôi được liệt vào dạng "mắn", bởi mới chưa đầy 30 tuổi nhưng cũng có tới 4 mặt con.

Trong lúc bắt mạch, ông Luấn liên tục giới thiệu mình từng là bác sĩ tại Bệnh viện Quân Y 103.

Nhìn nét mặt, phong thái của ông Luấn có lẽ chẳng ai có thể tin trước đây ông là một bác sĩ từng làm việc tại Bệnh viện Quân Y 103. Liếc cặp mắt khá dữ, rồi đưa cánh tay được xăm hình con hổ hung tợn, ông Luấn hỏi: "Thế thăm khám ở đâu chưa? Đã kết luận thế nào chưa?".

Sau phần trình bày của chúng tôi là do vợ có bệnh, dù vẫn mang bầu được nhưng dễ sảy và nhiều lần phải nạo bỏ vì không có tim thai. Đã thăm khám các bệnh viện Trung ương nhưng các bác sĩ chỉ kết luận chung chung, trứng có vấn đề. Ông Luấn bắt đầu thể hiện khả năng bắt mạch "đẳng cấp" nhất Việt Nam (theo chính lời ông này) của mình. Vừa bắt mạch ông Luấn vừa phán: "Bệnh như vậy đến đây là đúng địa chỉ rồi đấy".

Sau khoảng 30 giây trầm ngâm, "thần y" phán tiếp: "Trứng không có vấn đề gì, buồng trứng tốt. Cái này chỉ có vì nội tiết của mình không nối được với màng nuôi nên khi có thai rồi mà không phát triển thai là do màng nuôi và tuyến rau. Thế nên không cái thai nào vượt quá ba tháng được. Phải uống thuốc trước đi để cho nó cân bằng, để thay đổi trạng thái huyết máu trong cơ thể chứ không phải thay cả cơ thể".

Chỉ sau vài giây ông Luấn còn cho rằng vòi trứng thông, không bị tắc, buồng trứng không có u nang. Chúng tôi tỏ ý nghi ngờ về khả năng, ông Huấn "nổ tung trời": "Ở đây thì siêu về mạch rồi, chính vì siêu như thế mà cả nước này không ai có. Rất nhiều trường hợp đi khám cả ở các bệnh viện cũng không chẩn đoán ra được, bởi vì y học hiện đại bây giờ chỉ là máy móc, mà máy móc lại không thể phát triển được bằng bắt mạch".

Muốn xem độ "nổ" của lương y Luấn đến đâu tôi hỏi thêm: "Cháu nghe nói ngoài bắt mạch về hiếm muộn bác còn nhìn ra cả các bệnh khác. Cháu muốn hỏi là cháu đi khám nhiều lần về viêm gan B, chỗ thì bảo cháu nhiễm, chỗ lại bảo không. Vậy bác bắt mạch thì có thấy cháu bị hay không ạ?". "Viên gan B thì tùy thôi, ai cũng có thể bị nhiễm, lúc nào cơ thể yếu thì virus nó xâm nhập. Tôi bắt mạch thì không thấy có đâu" - Ông Luấn nói.

Khám xong, ông Luấn lôi một cuốn sổ khám bệnh rồi ghi bệnh án với nội dung: "Kinh nguyệt bình thường, trứng bình thường, buồng trứng bình thường, viêm nội tuyến, màng nuôi tụ máu…". Khó có thể tin chỉ một lần bắt mạch mà ông Luấn nhìn "thấu" được những bệnh không hề tồn tại trong người cô bạn tôi.

Khám xong cho cô bạn, ông Luấn bảo "chồng" cô - ngồi gần lại để ông bắt mạch. Vừa sờ vào tay, ông Luấn đã phán: "Tối qua uống nhiều rượu phải không? Uống rượu vào là bắt mạch không chính xác lắm đâu đấy nhé!". Để ông Luấn không bị "mất mặt", tôi giả vờ thừa nhận: "Vâng, chỉ uống tí ti thôi ạ". Ông Luấn tiếp tục phán: "Thận tốt, nhưng đang bị dạ dày đấy, bỏ rượu đi. Dương vật bình thường, tinh trùng sống 69/19. Tinh trùng thế này cũng không đáng lo ngại đâu. Ở đây có các loại thuốc chữa từ 00 (tức là không có tinh trùng - PV) đến có gì, từ 10 trở lên…

Sổ khám bệnh "thần y" cho chúng tôi sau khi bắt mạch phán bệnh.

Tóm lại bất cứ bệnh nhân ở trong tình trạng nào cũng đều có thuốc để điều trị". Vừa nói, ông Luấn vừa lấy một tờ giấy A4 khoe với chúng tôi: "Đây này, đây là bảng biểu tinh trùng này. Còn đây là hồ sơ của bệnh nhân này. Có người từ không có gì mà lên được tới từng này này. Tự họ đi khám rồi quay lại bổ sung hồ sơ, như cái này này, tôi bắt mạch là 89, họ đi xét nghiệm là 82 như vậy là sát quá rồi còn gì".

Để khẳng định thêm khả năng "nổ" của ông Luấn, hai đồng nghiệp của chúng tôi tiếp tục thủ vai là một cặp vợ chồng hiếm muộn, dù cưới nhau đã hơn 10 năm. Chỉ cần nhìn qua vài giây những xét nghiệm của Bệnh viện Phụ sản Trung ương mà chúng tôi cố tình mượn của một cặp vợ chồng bị hiếm muộn thật. "Bác sĩ" Luấn lớn giọng: "Cháu gái qua đây… đưa tay đây xem nào".

Sau khoảng 30 giây bắt mạch, "bác sĩ" Luấn nhẹ nhàng: "Đã đẻ lần nào chưa? Sao tử cung lại lỗ chỗ thế? Trước khi yêu đã nạo thai lần nào chưa? Tử cung không bao giờ có lỗ chỗ chỉ lấm chấm thôi, phải xem lại đi. Lỗ là thủng đấy, tử cung này bị nạo thai, dụng cụ đã bị va quệt, có thể do người ta đưa cả cái mỏ vịt vào để phá thai nên mới thành ra thế này. Nếu chưa chửa đẻ, chưa phá thai lần nào thì phải xem lại. Bị như thế này là nguy hiểm lắm, không bao giờ chửa được đâu".

Cách mà "bác sĩ" Luấn phán bệnh khiến người nghe vừa hoang mang, vừa loạn vì không hiểu mình đang mắc bệnh gì, nặng nhẹ ra sao. Thấy bệnh nhân lo lắng, ông này hạ giọng nhẹ hơn: "Vợ cháu bị nấm chứ không phải lỗ đâu, bác nghĩ thế. Lỗ thì có mà vứt đi, chỉ có cách thay tử cung". Thấy vậy đồng nghiệp của tôi đưa cho bác sĩ Luấn hồ sơ, bệnh án, ông này không khỏi chột dạ, đành chữa cháy: "Đây này, theo dõi quá sản, nó ghi rõ rồi đây này. Nó ghi rõ thế này có nghĩa là theo dõi… kết quả của sinh sản.

Quá là gì, quá là kết quả. Nó không ghi kết quả mà là quá. Bọn này chửa làm thầy mà đã ăn bớt (ăn bớt chữ- PV)". Theo như chúng tôi được biết "quá sản" không phải là kết quả mà chỉ là chứng bệnh liên quan đến tử cung. Vậy mà ông "bác sĩ" Luấn này lại phán luyên thuyên, bịt mắt những người chưa tìm hiểu kỹ. Sau một hồi vòng quanh, phán lên phán xuống vị "thần y" này kết luận: "Vợ cháu không phải lỗ chỗ mà là nấm. Nấm này nó lây đấy mà".

Chân dung thật của "thần y" nức tiếng

Sau khi các bệnh nhân được thăm khám, "bác sĩ" Luấn cho biết có 2 đơn thuốc, bệnh nhân có thể lựa chọn tùy ý. Loại thứ nhất có thể sinh vài đứa con mà không phải nghĩ giá 140 nghìn đồng/tháng. Loại thứ hai là cấp tốc giá 150 nghìn đồng/tháng, loại này chỉ có thể sinh được 1 đứa, sau này muốn sinh thêm lại phải uống tiếp thuốc. Với bệnh của chúng tôi phải uống khoảng 45 thang. Không những vậy mỗi cặp vợ chồng khám đều phải nộp 100 nghìn tiền bắt mạch. Như vậy, với lượng khách mà chúng tôi quan sát, quả thực thu nhập của "bác sĩ" Luấn không phải dạng thấp, chưa muốn nói là khủng tại khu vực này.

Nhìn lượng thuốc mà người phụ nữ này rửa đủ thấy lượng khách đông thế nào.

Để tìm hiểu chân dung thực của vị "danh y" nức tiếng này, chúng tôi rời phòng khám về thôn Chi Long, xã Ngọc Long (Yên Mỹ, Hưng Yên), quê gốc của ông Luấn và từng hành nghề tại đây một thời gian. Tất cả mọi người trong làng ai cũng biết ông Luấn về độ giàu có chứ tuyệt nhiên không ai đoái hoài đến khả năng chữa bệnh vô sinh, bắt mạch thần kỳ của ông.

Trưởng thôn Chi Long, Luyện Minh Thêm tỏ ra e ngại khi chia sẻ: "Tôi rất ngại chia sẻ về ông ấy, vì ông ấy là người nhà. Chả biết ông ấy nói với mọi người thế nào chứ tôi khẳng định ông Luấn chưa bao giờ công tác ở đâu cả. Càng không có chuyện ông ấy từng là bác sĩ tại Bệnh viện Quân y 103. Trước đây ông ấy có đi bộ đội, đóng quân bên Lào. Khi giải ngũ thì về quê làm nông nghiệp thôi".

Theo như lời chia sẻ tế nhị của ông Thêm, vào khoảng những năm 1992- 1993, thôn Chi Long nổi lên phong trào đánh đề, ông Luấn được lộc có thể phán "lô đề" cho mọi người rất sát. Ông này phán sát đến mức người ta còn phong cho ông là "Trạng đề". Sau này nhiều người "tan cửa nát nhà" vì lô đề, ông Luấn chuyển sang nghề xem mồ mả, hướng nhà cho mọi người trong vùng. Thế rồi nghề "thầy địa lý" cũng không ổn, ông Luấn tiếp tục chuyển sang "bốc thuốc cứu người".

"Tôi nghe nói ông ấy học đông y ở đâu đó, nhưng chắc là học kiểu bổ túc chứ tuổi cao vậy học chính quy sao được. Cũng chẳng ai biết ông ấy học về cái gì nhưng ông ấy quảng cáo là có khả năng chữa về vô sinh, hiếm muộn. Trước ông ấy có phòng khám gần nhà tôi, cũng đông khách lắm. Tuy nhiên chẳng có ai trong làng đến chữa bệnh ở chỗ ông ấy cả. Ai bị cũng đều đi bệnh viện".

Ông Trần Công Phú, Trưởng phòng y tế huyện Yên Mỹ cho biết: "Ông Nguyễn Văn Luấn có giấy phép hành nghề y nhưng không phải là bác sĩ. Dân ở đây cũng không có mấy người đến chữa bệnh chỗ ông Luấn".

Chúng tôi thực sự sốc trước chân dung thật của vị "thần y" mà bấy lâu mọi người vẫn tin theo. Chưa biết khả năng chữa bệnh của ông Luấn đến đâu nhưng cách mà ông này bắt mạch, phán bệnh đủ thấy không chính xác, "lòe" những cặp hiếm muộn đang khao khát có con.

Phong Anh
.
.
.