Phát triển du lịch cần một chiến lược dài hạn

Thứ Tư, 23/10/2019, 16:08
Nước ta cần một quy hoạch tổng thể, dài hạn, dựa vào văn hóa và đặc trưng của từng vùng miền để phát triển du lịch, chứ không thể chạy theo lòng tham và tư duy nhiệm kỳ, phát triển nóng.


Câu chuyện ngôi nhà được xây dựng trái phép ở đèo Mã Pí Lèng và dự án siêu thang máy 102 tầng ở phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) vừa bị đình chỉ xây dựng một lần nữa báo động về vấn đề phát triển du lịch nóng ở nước ta. Chúng ta cần một quy hoạch tổng thể, dài hạn, dựa vào văn hóa và đặc trưng của từng vùng miền để phát triển du lịch, chứ không thể chạy theo lòng tham và tư duy nhiệm kỳ, phát triển nóng.

Ngôi nhà xây trái phép ở Mã Pí lèng. 

Ngôi nhà ở Mã Pí Lèng được xây dựng khá bề thế và khang trang. Vấn đề là không hiểu tại sao, ngôi nhà trái phép này đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng thì mới bị phát hiện. Quản lý của địa phương đã ở đâu trong thời gian tòa nhà đó mọc lên. Do họ kém hiểu biết, không nhận ra việc xây dựng một tòa nhà như thế sẽ phá vỡ cảnh quan của vùng cao nguyên núi đá, hay chính họ cũng bắt tay thỏa hiệp với doanh nghiệp. 

Hiện tại, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã cho phép cải tạo ngôi nhà thành một điểm dừng chân, ngắm cảnh. Nhưng cải tạo thế nào cũng là một vấn đề cần bàn, bởi nếu chúng ta thiếu một quy hoạch tổng thể để phát triển du lịch, văn hóa của vùng cao nguyên đá thì chắc chắn, sai phạm sẽ tiếp tục xảy ra và trong tương lai, sẽ có thêm những ngôi nhà như thế mọc lên ở cao nguyên đá Hà Giang. 

Bằng chứng là ngay sau đó, tại phố cổ Đồng Văn, một tòa nhà có thang máy 102 tầng cũng đang mọc lên. Dự án siêu thang máy cao 102 tầng được giới thiệu có khối đế và trục thang máy kết hợp tạo nên dáng dấp cây đàn Tính của người dân tộc Tày, diện tích lòng thang rộng 15m². 

Đến thời điểm này, dự án đã lắp ghép phần khung siêu thang máy cao đến khoảng 30m; nhà điều hành công trường; sắt thép, nguyên vật liệu được tập kết ngổn ngang. Ngoài công trình thang máy, một tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ, quầy cà phê, lưu niệm… sử dụng khoảng 5.600m² trên đỉnh Đồn Cao sẽ được xây dựng để phục vụ khách du lịch. 

Dự kiến khi hoàn thiện, công suất thiết kế đưa đón khách lên/xuống tham quan đỉnh núi khoảng 3.500 khách/ngày. Tuy nhiên, hiện nay công trình này đang bị đình chỉ thi công.

Không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm nay, Hà Giang đã trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ thích đi phượt, thích khám phá văn hóa của một vùng đất độc đáo. 

Khi ngôi nhà mọc lên giữa ngọn núi được đưa lên các phương tiện truyền thông, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Giang nên đóng cửa để giữ lại vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Nhưng, trong xu thế phát triển chung, chúng ta không thể mang danh bảo tồn để đóng cửa một vùng đất nhiều tiềm năng như Hà Giang. 

Việc mở cửa và phát triển du lịch ở cao nguyên đá Hà Giang là điều nên làm. Nhưng làm như thế nào lại là vấn đề cần được bàn bạc và có chiến lược. Nếu làm không khéo, không đặt yếu tố hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, thì cảnh quan, văn hóa của vùng đất nguyên sơ ấy sẽ bị phá vỡ. 

Và chủ nhân của vùng cao nguyên đá Hà Giang, những người Mông, người Hà Nhì, Bố Y... không được hưởng lợi từ du lịch mà bị đẩy sâu vào rừng. Không thể mang tư duy của những người đồng bằng, quen san lấp mặt bằng để áp dụng cho một vùng đất đặc trưng với cao nguyên núi đá như Hà Giang. 

Theo PGS, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, việc phát triển du lịch ở bất cứ vùng đất nào cũng cần một quy hoạch tổng thể, quy hoạch đó phải do những người có tầm chiến lược lập nên, phù hợp với cảnh quan, văn hóa của từng vùng miền. 

Ông Huy cũng nhấn mạnh, ông không phản đối việc xây dựng và phát triển du lịch ở Hà Giang, nhưng ông phản đối cách làm hiện nay, vì nó sẽ phá vỡ cả không gian cảnh quan và văn hóa của một vùng đất giàu tiềm năng. 

“Chúng ta nên học cách làm nhà, phát triển du lịch nương vào núi đá của người Mông, họ đúc kết kinh nghiệm đó từ ngàn đời nay. Nếu cứ áp dụng tư duy san bằng, chúng ta sẽ phá hết và tương lai, Hà Giang, cả vùng cao nguyên đẹp đẽ ấy sẽ bị phá vỡ”.

Từ câu chuyện của đèo Mã Pí Lèng ở Hà Giang, từ siêu thang máy ở phố cổ Đồng Văn, nhìn rộng hơn về vấn đề phát triển du lịch ở nước ta, có rất nhiều vấn đề cần bàn. Đó cũng là câu chuyện của nhiều vùng đất đang trở thành những điểm nóng du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An và ngay cả thủ đô Hà Nội. Việt Nam hiện nay được đánh giá là một điểm đến du lịch hấp dẫn khách quốc tế, nhưng với đà khai thác, tận diệt tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, thì trong vòng 20-30 năm nữa, khi tài nguyên cạn kiệt, chúng ta sẽ gánh những hậu quả như thế nào.

Công trình siêu thang máy 102 tầng đang dừng thi công.

Tiến sĩ Phạm Trung Lương cho biết:

“Tác động đến thiên nhiên, văn hóa là vấn đề chung của du lịch. Chúng ta cần nghiên cứu những tác động ở hình thái nào để quản lý cho tốt. Sự xuất hiện của con người ở những nơi hoang vu, nhạy cảm thường để lại những tác động. Trong du lịch có khái niệm sức chứa điểm đến, lượng khách tối đa ở một địa điểm nào đó nếu vượt qua, nó sẽ có tác động đến thiên nhiên, văn hóa và sự hài lòng của du khách. 

Tại sao Philipines, Thái Lan đóng cửa những bãi biển đẹp nhất của họ để phục hồi. Vì sự phát triển quá tải thời gian qua đã làm hỏng hệ sinh thái vùng biển đó. Ở Việt Nam, một số địa phương như Nha Trang, Đà Nẵng cũng nhận ra điều đó. Cho nên, càng khai thác du lịch, chúng ta phải luôn chú ý  đến sức chứa chứ không làm ào ào được”. 

Còn Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cho rằng: “Tôi cho rằng, chúng ta đang đứng trước sự phát triển bị "sốt", đặc biệt là ngành du lịch. Đến bây giờ chúng ta đã thấy, khá nhiều quốc gia, thành phố, các địa điểm du lịch ấn tượng nhất trên thế giới đang rên xiết, kêu cứu trước con số khách du lịch quá nhiều. 

Họ đưa ra nhiều biện pháp khác nhau để giảm thiểu khách du lịch. Và chúng ta nghĩ, du lịch xanh sạch đẹp, không khói, dẫn đến tăng trưởng kinh tế, nhưng một số nơi ở Thái Lan, họ lại bắt đầu giảm thiểu. Đó là những bài học mà chúng ta cần phải học trước khi quá muộn”.

Theo kiến trúc sư Thu Hạnh, người nhiều năm theo đuổi và cho ra đời những sản phẩm du lịch bền vững, chị cho rằng: 

“Phát triển du lịch hiện nay cần tập trung khai thác theo chiều sâu chứ không nên tiếp tục khai thác theo chiều rộng. Phải tiết kiệm tài nguyên, vì khi tài nguyên bị phá hoại, ô nhiễm về lâu dài sẽ không thu hút được khách nữa. 

Nếu đi Hàn Quốc, sẽ thấy họ hơn hẳn mình về tư duy làm du lịch. Đảo Jeju có một làng cổ không còn lại di tích gốc, nhưng họ đã xây lại một số ngôi nhà cổ y như cũ rất đẹp và dùng chính người địa phương làm hướng dẫn viên. 

Tư duy ăn sẵn với "nền kinh tế cơ bắp" dựa nhiều vào nhân công giá rẻ và "nền kinh tế đào mỏ" dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, với tầm nhìn ngắn hạn đã khiến cho các nguồn tài nguyên của Việt Nam nhanh chóng cạn kiệt. Vì vậy, những người làm du lịch Việt Nam bắt buộc phải thay đổi tư duy trước khi quá muộn".

Chúng ta luôn hô hào phát triển du lịch bền vững, nhưng từ câu chuyện của Hà Giang, rồi các vùng đang là điểm nóng của du lịch như Hạ Long, Đà Nẵng, rõ ràng, có quá nhiều vấn đề cần đặt ra. Việc tăng trưởng nhanh trong ngành du lịch bên cạnh những lợi thế  góp phần tăng trưởng về kinh tế thì bài toán về môi trường cũng khiến chúng ta đau đầu. 

P.GS, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy lo ngại, với tư duy phát triển du lịch kiểu “trưởng giả học làm sang” này thì chỉ 10-20 năm nữa thôi, dòng sông Nho Quế đẹp đẽ, nên thơ ấy sẽ biến thành sông Nhuệ, sông Tô Lịch. Và những khoảng đất trống hiếm hoi trong các vùng núi cao ấy sẽ biến thành nhà, homestay thay vì những ruộng lúa, ngô và hoa tam giác mạch - một cảnh quan đặc trưng của Hà Giang.

Câu chuyện của Hà Giang một lần nữa báo động về tình trạng phát triển du lịch ồ ạt nhưng manh mún ở nước ta. Đó cũng là một tiếng chuông cảnh báo cho các nhà quản lý, cần có một tầm nhìn chiến lược và quy hoạch dài hạn để phát triển kinh tế du lịch hài hòa với việc bảo vệ di sản và văn hóa.

Phương Thúy
.
.
.