Phát triển du lịch mạo hiểm: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Thứ Hai, 16/07/2018, 11:37
Với 3/4 địa hình là đồi núi, hệ thống sông ngòi dày đặc cùng các dãy núi hùng vĩ, hang động đẹp, rừng nguyên sinh nhiệt đới và 30.000km bờ biển, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch mạo hiểm.


Đây cũng là dòng sản phẩm đang được khai thác ngày càng nhiều hơn với kỳ vọng sẽ mang lại giá trị cao cho ngành du lịch Việt. Tuy nhiên, những ngày này, khi hàng triệu người lo lắng, hồi hộp theo dõi từng diễn biến mới nhất của cuộc giải cứu huấn luyện viên và 12 cậu bé trong đội bóng thiếu nhi Thái Lan bị mắc kẹt trong hang động thuộc tỉnh Chiang Rai, Thái Lan, không ít ý kiến bày tỏ lo lắng khi nhìn lại du lịch mạo hiểm của Việt Nam.

Giàu tiềm năng

Nhiều năm trở lại đây, khu Cao nguyên đá Đồng Văn đã không chỉ là điểm đến lý tưởng cho các phượt thủ và các khách du lịch ưa thích khám phá mạo hiểm thỏa thích tự lái xe ôtô, xe máy chinh phục những cung đường khó mà còn trở thành điểm hẹn thường xuyên của các vận động viên, du khách khám phá cao nguyên từ trên cao thông qua các tour du lịch dù lượn.

Ngắm toàn cảnh thành phố Đà Nẵng khi tham gia dù lượn “Bay trên Tiên Sa 2018”.

Trong đó, đỉnh đèo nổi tiếng hiểm trở nhưng khiến lữ khách dễ choáng ngợp bởi thiên nhiên, núi non hùng vĩ – đỉnh Mã Pí Lèng, thuộc huyện Mèo Vạc là “đích đến” trong tầm ngắm của nhiều câu lạc bộ dù lượn lẫn đơn vị tổ chức du lịch mạo hiểm.

Nếu nói vui theo cách của người dân nơi đây thì năm nào cũng có “những người cầm cái ô to đẹp từ trên núi nhảy xuống vực”, nhìn vừa sợ vừa vui.

Đỉnh đèo Khau Phạ, xã Cao Phạ, huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái nổi tiếng hiểm trở và hiếm người lai vãng trong quá khứ trở thành nơi được chọn cho các sự kiện dù lượn.

Trong đó, chương trình “Bay trên mùa nước đổ” được tổ chức khá thường xuyên một cách bài bản. Đây không là chỉ là dịp để hàng trăm phi công dù lượn trong và ngoài nước hội tụ mà còn là dịp để du khách phá thiên nhiên, ngắm ruộng bậc thang từ trên mây.

Nhưng, có quy mô lớn nhất, được tổ chức gần đây nhất phải kể đến giải dù lượn Đà Nẵng mở rộng chủ đề “Bay trên Tiên Sa” với khoảng 60 vận động viên dù lượn trong và ngoài nước. Cất cánh từ đỉnh núi Bàn Cờ, đỉnh Sơn Trà, trong cuộc so tài này, du khách thích mạo hiểm còn có cơ hội ngắm toàn cảnh Đà Thành cùng các vận động viên lão luyện.

Khách ưa leo núi mạo hiểm có khá nhiều lựa chọn với các tour khám phá Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), Cát Bà, Hạ Long,…

Tại Đà Lạt có đu dây vượt thác. Nha Trang có nhảy Bungee. Sản phẩm du lịch đu dây mạo hiểm trải nghiệm cảm giác phấn khích bay trên không trung với sợi cáp phía trên cũng được rục rịch triển khai ở khá nhiều địa phương như Quảng Bình, Huế, Đà Lạt, Lâm Đồng…

Đoàn khách Tây đi phượt khám phá cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.

Nhận định về du lịch mạo hiểm, đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, hiện nay, ngoài việc tham gia những chuyến du lịch thưởng ngoạn, khám phá điều mới lạ từ tự nhiên và nền văn hoá bản địa, trải nghiệm, cảm nhận một cuộc sống khác thì đông đảo du khách, đặc biệt là khách đam mê cảm giác mạnh rất thích tham gia du lịch mạo hiểm.

Trong khi đó, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, nguyên sơ và bản sắc văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc, khu vực miền núi Đông Bắc, Tây Bắc, miền Trung Tây Nguyên là những địa chỉ tuyệt vời cho việc tổ chức các tour du lịch mạo hiểm ở Việt Nam.

Nếu các cung đường hiểm trở thích hợp cho việc tổ chức các chương trình du lịch mạo hiểm như môtô, ôtô, xe đạp thì vùng núi cao với các vách núi sừng sững sẽ là những nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động du lịch leo núi.

Các thác nước đẹp, hùng vĩ hấp dẫn hơn với du lịch vượt thác. Bờ biển dài với hàng trăm bãi biển, hòn đảo đẹp phù hợp cho nhiều loại hình du lịch mạo hiểm khác như lặn biển, đua thuyền kayak, đua thuyền buồm, lướt ván, dù bay trên biển,…

Sau một thời gian khá dài tổ chức nghiên cứu, khảo sát, vừa qua, khi tham mưu cho Chính phủ về Đề án tái cơ cấu ngành Du lịch và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam cho đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Việt Nam cần xác định du lịch mạo hiểm (du lịch chuyên biệt) là một trong những dòng sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, cần được tăng cường. Định hướng này sẽ được cung cấp thông tin cho các địa phương và doanh nghiệp để đầu tư, phát triển trong tương lai gần.

Cần quản lý chặt chẽ, bài bản hơn

Mặc dù du lịch mạo hiểm tại Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh và đang được đưa vào khai thác ngày càng nhiều, nhưng đây cũng là “lãnh địa” tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cao. Khá nhiều tai nạn xảy ra trong thực tế đã bộc lộ nhiều vấn đề trong phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm.

Trên địa phận tỉnh Hà Giang, số lượng du khách tìm đến thuê xe, đặc biệt là xe môtô và tự khám phá cao nguyên đá ngày càng nhiều. Đáp ứng nhu cầu, hàng loạt cơ sở tổ chức cho thuê xe mọc lên trên địa phận thành phố.

Với chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến Hà Giang, đặc biệt là khách nước ngoài nên khách thuê xe chỉ cần đáp ứng một số thủ tục đơn giản là có thể tạm sở hữu một xe môtô để rong ruổi các cung đường từng nổi tiếng nguy hiểm của vùng núi nổi tiếng với đặc sản toàn đá với đá này.

Tuy nhiên,  một tai  nạn khiến một du khách nước ngoài “đi phượt” khám phá Hà Giang bằng xe môtô rơi xuống vực, tử vong, khá lâu mới được phát hiện và đội ngũ làm công tác cứu hộ cứu nạn của địa phương phải rất vất vả mới đưa được thi thể lên. Đây là lời cảnh báo đối với bất kỳ du khách nào.

Chính quyền địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo du khách cẩn thận hơn, tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn, khi tham gia đi phượt nên đi theo đoàn…

Nhưng, khi chúng tôi lên cao nguyên đá, ngoài những đoàn khách Tây nối đuôi nhau chạy xe môtô dọc các cung đường cheo leo trên vách núi, một số du khách vẫn chưa từ bỏ niềm vui một mình một xe rong ruổi khám phá, trải nghiệm, khám phá đời sống, văn hóa, tập tục của người dân bản địa.

Mới đây nhất, cái chết của một nam thanh niên khi tham gia nhóm phượt khám phá cung đường Tà Năng - Phan Dũng thuộc địa phận hai tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận thêm một lần cảnh báo cho bản thân du khách và cơ quan quản lý về những sản phẩm du lịch có nguy cơ cao ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.

Đó không chỉ là ý thức về khả năng, sự chuẩn bị cần thiết của bản thân người tham gia du lịch mạo hiểm mà còn là vai trò, trách nhiệm, những điều kiện cần thiết về nhân lực, vật lực của đơn vị tổ chức, đơn vị lữ hành, đơn vị quản lý khu vực tổ chức sản phẩm du lịch mạo hiểm và chính quyền địa phương.

Về vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, bà Nguyễn Thị Thanh Hương khẳng định, những người làm công tác quản lý du lịch Việt Nam đã lường trước nhiều vấn đề nảy sinh trong phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm.

Vì vậy, từ khi tham mưu cho Quốc hội xây dựng Luật Du lịch, Tổng cục Du lịch đã đề  nghị đưa nội dung rõ, chi tiết trong các điều khoản quy định. Nghị định 168/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định rất chi tiết.

Trong đó, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch mạo hiểm cần có biện pháp đảm bảo cũng như sự cảnh báo cần thiết với du khách, có lực lượng cứu hộ cứu nạn được đào tạo, người hướng dẫn, trang thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch các địa phương có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đơn vị quản lý khu vực du  lịch mạo hiểm. Các đơn vị lữ hành đưa khách đến tham gia du lịch mạo hiểm có những trách nhiệm gì…

Trong trường hợp có sự cố xảy ra, các đơn vị liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm, bị xử lý nếu hoạt động thực tế không đáp ứng được yêu cầu theo quy định pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thì cho rằng,  quy định pháp luật của Việt Nam về du lịch mạo hiểm đã rất đầy đủ, nhưng vấn đề là thực thi trách nhiệm.

Chính quyền địa phương các cấp, các công ty đưa khách đến tham gia hoạt động du lịch mạo hiểm cần đề cao trách nhiệm và phải gắn với công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm nghiêm túc, tăng cường học hỏi kinh nghiệm của các nước.

Khách bay tham gia chương trình dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” tại đèo Khau Phạ, Yên Bái.

“Ngay với sự cố của đội bóng thiếu niên Thái Lan gặp nạn, người làm du lịch và quản lý du lịch có thể đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý trong xử lý khủng hoảng, khắc phục sự cố xảy ra trong quá trình tổ chức các tour du lịch mạo hiểm, đi phượt.

Đó cũng không chỉ là học hỏi kinh nghiệm của người Thái trong cách đi du lịch có tổ chức rất chuyên nghiệp, chặt chẽ, mà còn là sự học hỏi cần thiết từ phản ứng của cơ quan chức năng, người dân địa phương trong xử lý sự cố, hay tinh thần kiên cường, đoàn kết của những người bị nạn. Cách xử lý cứu nạn cứu hộ, chúng ta cũng cần tham khảo kinh nghiệm của họ” - Ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngọc Nguyễn
.
.
.