Phế liệu nhập lậu diễn biến phức tạp

Thứ Năm, 04/10/2018, 14:57
Trên tuyến biên giới phía Tây Nam, ở nhiều cửa khẩu, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép phế liệu qua biên giới đang diễn ra công khai và phổ biến.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì thực trạng này có phần bắt nguồn từ quyết định hạn chế nhập khẩu phế liệu qua đường cảng biển của Chính phủ, nên các đối tượng đã "tính đường khác" để đưa phế liệu từ biên giới vào nội địa…, gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng và có thể thấy trước được những hệ lụy xấu về môi trường…

Phế liệu tuồn vào vùng biên giới Tây Nam

Trong chuyến đi thực tế mới đây cùng Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả  (Ban Chỉ đạo 389) thị sát tình hình buôn lậu tại một số tuyến vành đai biên giới giáp Campuchia, chúng tôi được biết tại nhiều cửa khẩu có tình trạng vận chuyển phế liệu trái phép từ biên giới về Việt Nam khá phức tạp và nan giải. 

Ngày 27-9, Thiếu tá Lê Trung Hiếu, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, Bộ đội Biên phòng Long An cho biết đơn vị vừa bắt giữ ba xe ôtô tải đang vận chuyển phế liệu từ Campuchia về Việt Nam.

Cụ thể, ngày 19-9, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây phối hợp với tổ công tác của Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng tổ chức mật phục tại khu vực ấp 3, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, phát hiện ba xe ôtô đang vận chuyển hàng hóa trái phép từ Campuchia về Việt Nam. 

Qua kiểm tra, lực lượng phối hợp phát hiện trên ba xe ôtô có nhiều chủng loại hàng hóa. Trong đó, xe ôtô mang biển kiểm soát 51C-65092 do Nguyễn Văn Cường (25 tuổi, trú tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) điều khiển đang vận chuyển 5 tấn gỗ dăm bào; xe ô tô mang biển kiểm soát 51C-81413 do Dương Hoài Khanh (35 tuổi, cùng trú tại địa chỉ trên) điều khiển đang vận chuyển khoảng 12 tấn giấy carton phế liệu; xe ôtô mang biển kiểm soát 70C-04749 do Trần Thanh Hiếu (29 tuổi, trú tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) điều khiển đang vận chuyển khoảng 19,92 tấn phế liệu nhựa loại hạt đóng bao. 

Tại thời điểm kiểm tra, các tài xế không xuất trình được giấy tờ liên quan đến toàn bộ số hàng nói trên. Tổng giá trị hàng hóa trên 500 triệu đồng.

Phế liệu nhập lậu bị Cục Hải quan An Giang bắt giữ tháng 8-2018.

Theo Thiếu tá Lê Trung Hiếu, từ trước đến nay, trên địa bàn phụ trách, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây chưa phát hiện phế liệu nhập khẩu trái phép qua đường tiểu ngạch cũng như đường mòn lối mở. 

Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị siết chặt việc nhập khẩu phế liệu qua đường cảng biển; cùng thông báo tình hình của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Long An, và qua nắm tình hình, Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây phát hiện ba phương tiện vận chuyển trái phép hàng phế liệu qua địa bàn như kể trên. Đây là lần đầu tiên có hiện tượng này và các đối tượng đã bị phát hiện khi chỉ mới nhen nhóm hoạt động dù chúng lợi dụng đêm tối để vận chuyển hàng phế liệu qua biên giới.

"Theo quy luật đấu tranh trong phòng chống buôn lậu thì khi cấm ngã này, các đối tượng buôn lậu sẽ tìm cách đi ngã khác, nắm bắt điều đó nên thông qua các biện pháp nghiệp vụ, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện ngay những chuyến hàng đầu tiên của chúng. Đặc biệt, loại phế liệu nhựa loại hạt đóng bao được sơ chế trước từ bên Campuchia là lần đầu tiên chúng tôi thấy", Thiếu tá Lê Trung Hiếu cho biết thêm.

Không chỉ cửa khẩu Mỹ Quý Tây ở Long An có tình trạng vận chuyển phế liệu trái phép từ biên giới về Việt Nam mà dọc tuyến vành đai biên giới Tây Nam giáp với Campuchia hiện đều có tình trạng này.

Mới đây nhất, ngày 25-9, Cục Hải quan tỉnh An Giang đã ra quyết định khởi tố vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đối với vụ vận chuyển 54 tấn phế liệu tại ấp Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc. 

Trước đó, vào chiều 18-8, tại ấp Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan An Giang) phối hợp với Công an tỉnh An Giang đã phát hiện một ghe gỗ mang biển kiểm soát AG-122.95 vận chuyển 54 tấn giấy phế liệu, trị giá trên 200 triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 11-9, Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Hội Đông (Cục Hải quan An Giang) cũng đã khởi tố vụ án vận chuyển trái phép 103 tấn phế liệu giấy từ Campuchia về Việt Nam. Theo đó, vào lúc 16h15 ngày 18-8, Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Hội Đông phối hợp cùng Đội Kiểm soát Hải quan phát hiện, bắt giữ hai ghe vận chuyển phế liệu giấy từ Campuchia về Việt Nam.

Qua kiểm tra, ghe mang biển kiểm soát SG-8221 chở mặt hàng phế liệu tổng trọng lượng 103 tấn, trị giá hơn 514 triệu đồng. Người điều khiển phương tiện là Huỳnh Văn Dân và Nguyễn Tấn Hận không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hàng hóa.

Trong chuyên án phế liệu này, còn một ghe khác vận chuyển 54 tấn giấy phế liệu chạy trốn khỏi địa bàn, nhưng đã bị Đội Kiểm soát Hải quan phối hợp cùng Cảnh sát Kinh tế bắt giữ tại khu vực phường Vĩnh Ngươn, TP Châu Đốc. Đây chính là chiếc ghe mang biển kiểm soát AG-122.95. 

Trong khi đó, tại địa bàn huyện An Phú, An Giang, chiều ngày 5-9, Công an huyện An Phú cũng đã phối hợp với Công an xã Khánh An tiến hành kiểm tra tại khu vực kho vật liệu xây dựng Phúc Thảo thuộc ấp Thạnh Phú, xã Khánh An, phát hiện một xe ô tô tải do Huỳnh Xuân Bá (42 tuổi, cư ngụ ấp An Hòa, xã Khánh An) điều khiển, vận chuyển hơn 12 tấn phế liệu là bọc nylon nhập lậu.

Khoảng 12 tấn giấy phế liệu bị phát hiện tại cửa khẩu Mỹ Quý Tây.

Cần có biện pháp mạnh…

Theo lãnh đạo Cục Hải quan An Giang, từ tháng 8-2018, tình hình buôn lậu mặt hàng phế liệu có dấu hiệu diễn biến phức tạp trong mùa nước nổi năm nay, nhất là sau khi các lực lượng chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra mặt hàng phế liệu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cục Hải quan An Giang đã ra văn bản chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội Kiểm soát Hải quan, Đội Kiểm soát phòng chống ma túy triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm ngăn chặn, bắt giữ, xử lý kịp thời các vụ vi phạm về phế liệu. 

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, theo lãnh đạo Cục Hải quan Tây Ninh, tuy tình hình nhập lậu phế liệu trên tuyến biên giới của tỉnh trong thời gian qua đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn xảy ra chủ yếu tại khu vực cửa khẩu phụ Cây Me thuộc ấp Long Hưng, xã Long Thuận, huyện Bến Cầu và khu vực cửa khẩu phụ khác.

Mặt hàng phế liệu nhập vào Việt Nam chủ yếu là các loại phế liệu nhựa, sắt, giấy, lon nhôm ép thành khối... với trên 100 tấn/ngày. Các đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng bên kia cửa khẩu phía Campuchia rồi sử dụng xe tải, xe máy cày và xe ba bánh vận chuyển qua cổng cửa khẩu phụ Cây Me để đưa vào Việt Nam tiêu thụ.

Phần lớn phế liệu nhập vào Việt Nam được tập kết tại các kho của 9 cơ sở kinh doanh phế liệu khu vực Cây Me trước khi chuyển về các cơ sở sản xuất, tái chế. Và sau khi đưa phế liệu trót lọt vào trong nội địa, các cơ sở này nhanh chóng hợp thức hóa chứng từ, thể hiện hàng hóa có nguồn gốc và xuất hóa đơn theo quy định nên công tác kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.

Số phế liệu nhựa loại hạt đóng bao bị phát hiện tại cửa khẩu Mỹ Quý Tây.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Tây Ninh đã có Công văn yêu cầu các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) tỉnh và các huyện biên giới Trảng Bàng, Bến Cầu, Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để các vụ nhập lậu phế liệu trên tuyến biên giới.

Theo đó, Công an tỉnh Tây Ninh và Ban chỉ đạo 389 các huyện kiểm tra chủ địa điểm tập kết, thu gom; các cơ sở kinh doanh phế liệu không đảm bảo điều kiện kinh doanh để xử lý theo quy định của pháp luật. 

Còn Cục Hải quan cần rà soát, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng các quy định về quản lý nhập khẩu phế liệu; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các lô hàng, đảm bảo đúng điều kiện, tiêu chuẩn; phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trên tuyến biên giới về chính sách trao đổi hàng hóa, không để lợi dụng mua bán, vận chuyển trái phép phế liệu qua biên giới.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng bố trí lực lượng thường xuyên, liên tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất, nhập cảnh tại các cửa khẩu, nhất là hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới giữa hai nước Việt Nam - Campuchia tại cửa khẩu phụ Cây Me và các đường mòn, lối mở khác, nhằm ngăn chặn triệt để các hoạt động vận chuyển, tàng trữ phế liệu nhập lậu…

Có thể thấy, trên các tuyến biên giới Tây Nam giáp với Campuchia hiện đều có tình trạng vận chuyển phế liệu trái phép từ biên giới về Việt Nam. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn tình trạng này, tránh tình trạng để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới.

Phú Lữ
.
.
.