Phía sau các dự án Trung Quốc

Thứ Ba, 14/11/2017, 11:21
Kể từ khi nhà cầm quyền hiện tại Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã đưa ra nhiều dự án uy tín, như Ngân hàng Ðầu tư và Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB).


Rõ ràng họ đang góp phần phát triển kinh tế trong khu vực, nhưng đó có phải là mục tiêu của Bắc Kinh khi đổ tiền đổ của đầu tư vào thương mại và cơ sở hạ tầng ở nước ngoài hay không?

Ông Evan Medeiros, Giám đốc Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Eurasia, phát biểu tại Diễn đàn Lãnh đạo thế giới về chính sách đối ngoại ngày 28-9 vừa qua ở New York: “Trung Quốc có chiến lược để chuyển đổi các khả năng kinh tế thành ảnh hưởng chính trị”.

Vì lý do này, Trung Quốc đã thành lập AIIB cùng với 56 quốc gia thành viên và mức vốn đầu tư ban đầu 100 tỷ USD. Năm 2016, ngân hàng này đã cam kết chi 1,7 tỷ USD cho 9 dự án, chủ yếu ở Trung Á.

Ông Medeiros cho biết, chiến lược của Bắc Kinh khi tung tiền đầu tư là sẽ khiến các nước chịu ảnh hưởng của mình mà không cần phải dùng các biện pháp mạnh.

Trước đó, Bắc Kinh đã nhiều lần sử dụng kinh tế để theo đuổi các mục tiêu chính trị. Chẳng hạn, năm 2010, họ ban hành lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, hoặc năm 2012 đã hạn chế nhập khẩu nông sản từ Philippines.

Mục tiêu của Trung Quốc là khiến Nhật Bản và Philippines phải nhượng bộ đối với các vấn đề tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông và mở rộng lực lượng hải quân tới Ấn Độ Dương. “Trung Quốc sử dụng nhiều công cụ khác nhau để ngăn các nước này tiếp cận thị trường Trung Quốc”, ông Medeiros nói.

Tuy nhiên, với các dự án đầu tư khổng lồ như Sáng kiến Vành đai - Con đường (BRI) và AIIB, điểm nhấn lớn nhất là loại trừ các nước khỏi đầu tư của Trung Quốc.

BRI là dự án lớn nhất và cam kết thúc đẩy nền kinh tế của các nước Trung Á, được ông Tập Cận Bình công bố vào năm 2013. Có nhiều ước tính khác nhau, nhưng Trung Quốc đã huy động được tới 5 nghìn tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong vòng 5 năm tới tại 65 quốc gia dọc theo các tuyến đường bộ và đường hàng hải. Các cảng ở Sri Lanka, đường sắt ở Thái Lan, rồi những con đường lớn và các nhà máy điện ở Pakistan chỉ là một vài ví dụ về các khoản đầu tư theo kế hoạch.

Ý tưởng ban đầu nghe có vẻ hay: Hàng nghìn tỷ USD đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng ở những khu vực kém phát triển nhất của khu vực Trung Á, giúp thương mại nở rộ, nền kinh tế sẽ thịnh vượng. Tuy nhiên, các chuyên gia tại Diễn đàn Lãnh đạo thế giới cho rằng nó đi kèm một nguy cơ đáng kể.

“Nhìn lại những gì BRI đã làm sau 4 năm, bạn sẽ thấy nó làm được ít hơn nhiều so với những gì mọi người tưởng tượng. Hãy xem những gì Trung Quốc từng cam kết. Chỉ khoảng 1/3 số đó được hiện thực hóa”, bà Elizabeth Economy, Giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, lưu ý.

Mặc dù không chính thức là một phần của BRI, dự án đập Myitsone ở Myanmar trị giá 3,6 tỷ đô la là một ví dụ về một dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở một nước rất nghèo không đạt được mục tiêu kế hoạch. Việc xây dựng đã bị đình chỉ trong 6 năm qua, vì 2 nước không đạt được đồng thuận về cách tiến hành.

Một ví dụ không thành công khác của Trung Quốc là ở Venezuela, theo ông Daniel Rosen, thành viên sáng lập của Tập đoàn Rhodium (RHG). Trung Quốc đã cho đất nước Nam Mỹ này vay 65 tỷ USD. 

“Nhưng phần lớn khoản vay sẽ không bao giờ được phục hồi. Nó thậm chí đã làm suy yếu quá trình phát triển của nó” - ông Rosen nói - “Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra một kế hoạch tuyệt vời nhưng lại không đạt được mục tiêu”.

Văn Nguyễn
.
.
.