Phía sau một cuộc hỏi cung

Chủ Nhật, 31/05/2020, 16:08
Tôi tốt nghiệp chuyên ngành Điều tra hình sự tại Học viện Cảnh sát nhân dân, nhưng lại có thời gian công tác trong lĩnh vực điều tra tội phạm không dài. Có lẽ, những đồng chí làm công tác tổ chức cán bộ thấy tôi phù hợp với nhiệm vụ khác hơn là làm ở vị trí này.


Tôi vẫn nhớ bố tôi, một cán bộ Công an có thâm niên lâu năm và kinh nghiệm dày dặn trong ngành thì bảo, ai cũng có những ưu, nhược điểm, quan trọng là "nhà tổ chức" phải có "con mắt xanh" để đặt người nào vào đúng vị trí ấy thì mới phát huy được năng lực, sở trường của họ. 

Có như vậy thì bộ máy công việc mới hoạt động trơn tru và mỗi cán bộ là một bộ phận tuy khác nhau về chức năng như bánh răng, lò xo, ốc vít… nhưng góp phần làm cho bộ máy được vận hành theo đúng kế hoạch và cho ra đời những sản phẩm chất lượng. 

Từ năm 2011 đến năm 2014, tôi là điều tra viên sơ cấp của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Mặc dù chỉ có ba năm ngắn ngủi trực tiếp làm nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh tội phạm, nhưng đã để lại trong tôi ấn tượng khá sâu sắc, như bánh xe đi trên mặt đường, dù đường khô hay đường ướt thì đều để lại dấu vết, hẳn rồi, quan trọng là có nhìn thấy dấu vết đó hay không mà thôi.
Thiếu tá, nhà văn Hoàng Anh Tuấn, hoanganhtuan.calc@gmail.com

Tôi thường được thủ trưởng giao thụ lý các vụ án về ma túy. Huyện Bảo Yên là một huyện vùng thấp của tỉnh, tình hình tội phạm về ma túy ít phức tạp, chủ yếu là các đối tượng bán lẻ ma túy, người bán đồng thời là con nghiện, bán ma túy số lượng không lớn cho người mua là bạn nghiện để kiếm lời sử dụng thỏa mãn nhu cầu. 

Án về ma túy là án phạm tội quả tang khó ở việc nắm tình hình và bắt đối tượng, còn sau đó thì theo tôi… là dễ làm, dễ đấu tranh và khai thác cho nên thủ trưởng "chọn mặt gửi vàng" cho điều tra viên mới ra trường, ít kinh nghiệm như tôi cũng là điều dễ hiểu. 

Trước khi điều tra án ma túy, tôi cũng đã đứng tên điều tra viên trong mấy vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đã nắm rõ trình tự, thủ tục tố tụng hình sự, nhưng nói thật cũng có chút ít lo lắng. Tôi nghĩ đây là tâm lý chung, rồi tôi sẽ vượt qua nhanh chóng, sẽ trở thành một điều tra viên sắc bén, nhanh nhạy như bố tôi từng mong ước. 

Vụ án ma túy đầu tiên mà tôi thụ lý có tên "Đỗ Văn Toàn, sinh năm 1960, nơi đăng kí hộ khẩu thường trú bản Cọn 1… - Tàng trữ trái phép chất ma túy". Sau khi đã tiến hành các trình tự, thủ tục cần thiết theo quy định, tôi cho trích xuất bị can Đỗ Văn Toàn từ nhà tạm giữ lên để hỏi cung. Tôi nói với bị can, tôi là điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án này. Toàn ngẩng lên nhìn tôi, mắt sáng lên một chút rồi lại cúi gằm mặt xuống. 

Sau này Toàn có nói với tôi, là anh ta đã "dây" với Công an mấy lần, nhưng anh ta chưa thấy điều tra viên nào trẻ thế. Trẻ là phải thôi, khi đó tôi mới hai bảy tuổi, trắng trẻo và thư sinh, mới ra trường bốn năm. 

Tôi học được kinh nghiệm của một điều tra viên kì cựu truyền cho là đừng bao giờ sẵn sàng cây bút và tờ giấy trong tay và cắm cúi ghi chép trong lúc hỏi cung. Hãy bắt đầu với bị can bằng một câu chuyện, như một nhà văn bắt đầu một câu chuyện với nhân vật của mình. 

Bị can là nhân vật và nhân vật sẽ kể câu chuyện về cuộc đời, về hành vi phạm tội của anh ta. Bằng biện pháp nghiệp vụ để khi anh ta kể xong, một cách chân thành và thật thà thì lúc đó điều tra viên là nhà văn, chắp bút cũng chưa muộn. 

Toàn kể cho tôi nghe rằng anh sinh ra ở xã Cam Cọn, một xã thuần nông nghèo nhất huyện ven bờ sông Hồng phù sa đỏ nặng. Trong khi các xã khác đã có điện lưới chiếu sáng, và đường ôtô bon bon đến tận trung tâm xã thì xã Cam Cọn vẫn sống trong tối tăm và lầy lội. 

Mười tám tuổi, Toàn lấy vợ là người khác thôn. Vợ anh khéo nói, ưa nhìn nhưng nghe nói trước đây chị này "làm gái" bên kia giới. Toàn nghĩ ai cũng có quá khứ, sai rồi thì biết đứng lên sửa lại. Bố mẹ ngăn cản không được nên đành lòng đồng ý. 

Hai vợ chồng có với nhau một đứa con trai khôn ngoan. Ai cũng nói thằng bé rất giống anh, như hai giọt nước đọng trên mái cọ. Toàn đi làm thợ xây quanh xã, còn vợ ở nhà ruộng vườn, lợn gà. Cuộc sống lam lũ tưởng chừng cứ thế êm đềm trôi đi. 

Một lần, giữa trưa tháng năm nóng như đổ lửa, Toàn bị say nắng, ngất trên giàn giáo, may mà giàn giáo thấp nên anh chỉ bị xây xước nhẹ, nằm nghỉ một lúc thì tỉnh. Thợ cả cho anh về nhà để chóng lại sức, mai khỏe hẳn thì làm tiếp. 

Toàn đẩy cửa vào nhà thì thấy chị vợ và một người đàn ông đang tằng tịu với nhau trên giường cưới - chiếc giường đôi duy nhất trong nhà, trong lúc anh đi làm và con trai đi học. Mà người đàn ông kia chẳng phải ai xa lạ, chính là… em chú của anh Toàn - một thằng trai chưa vợ lười làm, ham chơi. 

Toàn vừa xót xa, vừa nhục nhã không biết nói làm sao. Tôi nhớ một nhà thơ đã viết "Rượu nhà tôi… Có cay của bạn tình cắn nhầm hạt ớt… Có đắng của em chồng phải lòng chị dâu…". Toàn đã uống phải thứ rượu vừa cay nghiệt lại vừa đắng đót mà không thể chối từ. 

Cũng có điều ong, tiếng ve đến tai Toàn từ trước nhưng anh không tin, cho là người ta rỗi việc mà độc miệng. Lúc trước anh ngất lịm đi thì giờ như chết điếng nửa con người. Người khác có thể lao vào băm vằm, cắn xé kẻ phản bội nhưng với anh cũng chẳng để làm gì. Hai kẻ gian phu, dâm phụ buông nhau ra lúc anh đóng sầm cửa lại. 

Toàn ngậm đắng, nuốt cay khi nghe chị vợ trâng tráo nói, anh không làm nổi thì để em trai anh làm hộ. Rồi chị ta trốn đi cùng em chú, bỏ lại Toàn cùng đứa con trai trong cảnh gà trống nuôi con. Rồi con anh, nó thương bố vất vả mà bỏ học đi phụ hồ cùng anh.

Đàn ông khi bị vợ “cắm sừng”, thường hay tuyệt vọng dẫn đến những việc làm phạm pháp (ảnh minh họa).

Một lần, nó giẫm phải cái đinh gỉ trên cốt pha trong lúc đi làm, chảy máu một ít, băng bó qua loa vì nghĩ không việc gì. Vài ngày sau, thằng bé lên cơn sốt cao, co giật rồi qua đời trước khi anh đưa nó đến bệnh viện huyện cách nhà hơn bốn mươi cây số đèo dốc gập ghềnh. Thằng bé chết rồi mà người ta còn xì xào rằng nó không phải con anh. 

Nhưng nó giống anh thế mà, sao lại không phải con anh được chứ. Nó giống bố nó, em trai của anh thì giống anh là đúng rồi. Người ta ác khẩu bao biện thế. Nhưng anh thì tin, cậu bé là con anh, bởi công sinh không bằng công dưỡng, chỉ thế thôi là đủ.

Một buổi hỏi cung bị can (ảnh minh họa).

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua xã Cam Cọn khiến bộ mặt nông thôn thay đổi chóng mặt. Nhiều hộ được đền bù giải phóng mặt bằng, xây nhà to sơn xanh đỏ như cái xác không hồn, thanh niên chơi bời lao vào tệ nạn ma túy như con thiêu thân lúc hoàng hôn. Toàn đã qua tuổi thanh niên, nhưng anh nghĩ mình chẳng còn gì để mất, nên anh cũng thành con thiêu thân lao vào bóng đèn cao áp dọc đường cao tốc. 

Toàn bán lẻ ma túy cho các con nghiện trong xã trước khi anh bị bắt, bây giờ anh ngồi đây, đối diện tôi - một điều tra viên trẻ tuổi, trong căn phòng hỏi cung ở một huyện miền núi xa xôi này. Và nước mắt là điều có thật. Nước mắt tràn qua kẽ tay như mưa rơi xuống mặt bàn gỗ sáng lên lấp lánh khi anh kết thúc câu chuyện đời mình.

Và tôi cũng tin rằng cậu bé đó, cậu bé sinh năm 1984, cùng năm sinh với tôi, nhưng cậu ấy mãi mãi tuổi mười lăm, không bao giờ lớn nữa là con trai của anh Toàn như tin vào những điều tốt đẹp ở cõi người còn không ít khổ đau này. Chẳng thế sao mà giêng hai chim én vẫn rủ nhau bay về, và mùa xuân hoa đào lại môi son hé nở. 

Khi tôi viết những dòng "hỏi cung bị can" này, thì anh Toàn đã chấp hành xong án phạt tù, đã là người lương thiện, đã lấy vợ khác và đã có con trai, con gái cả rồi… có những bước ngoặt nhấn người ta xuống bùn đen, nhưng cũng có những bước ngặt kéo người ta lại với đời. 

Tôi nhớ mãi ánh mắt ấy, ánh mắt của anh Toàn khi nghe tôi nói về năm sinh của mình. Tôi bằng tuổi con anh và giờ đây đang ngồi hỏi cung anh, anh đã nói hết, nói hết những gì anh làm, anh nghĩ và những ai liên quan đẩy anh đến… trước bàn hỏi cung.

Hoàng Anh Tuấn
.
.
.