Phía sau những đỉnh trời

Thứ Tư, 22/01/2020, 14:40
Vài năm trở lại đây, nhất là sau khi đỉnh Fansipan (Lào Cai) có hệ thống cáp treo, những đỉnh núi cao nhất Việt Nam ở Tây Bắc đã trở thành thỏi nam châm thu hút các bạn trẻ. Cộng đồng người đam mê leo núi truyền tay nhau danh sách 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam và cả quyết tâm chinh phục bằng được.


10 "thỏi nam châm" ở Tây Bắc

Tây Bắc, miền đất huyền bí và khác lạ chưa bao giờ hết hấp dẫn đối với người thích xê dịch. Song, gần đây những nẻo đường Tây Bắc dường như kéo dài không có điểm dừng và càng thu hút hơn khi phong trào chinh phục những đỉnh núi cao nhất khu vực này lan rộng. 

Những cái tên thuộc top 10 đỉnh núi cao nhất Tây Bắc, cũng là cao nhất Việt Nam, trước nay còn ít người nhắc tới như Bạch Mộc Lương Tử (Lào Cai), Pu Si Lung, Pu Ta Leng, Pờ Ma Lung, Khang Su Văn (Lai Châu), Tà Chì Nhù (Yên Bái)… dần trở thành đích đến đáng mơ ước của một bộ phận giới trẻ.

Không gian hùng vĩ vô cùng vô tận của núi rừng Tây Bắc; những bản làng heo hút chon von bên sườn núi với trùng điệp ruộng bậc thang vàng ruộm khi lúa chín; những đôi mắt trong veo của em bé người dân tộc nơi biên giới; những biển mây cuồn cuộn như sóng Biển Đông lấp lánh ánh bình minh hay đỏ rực lúc hoàng hôn; những cánh rừng nguyên sinh rêu phong cổ kính nơi nghìn hoa đỗ quyên đủ màu khoe sắc, điểm xuyết những cây phong lá đỏ khổng lồ bám theo những con suối quanh co, róc rách đêm ngày; những ngọn thác kỳ vĩ tung bọt trắng xóa; những con dốc cao ngất như lưỡi kiếm chém vào bầu trời; những câu chuyện rừng xanh, núi đỏ kỳ bí bên bếp lửa đượm than hồng và bát rượu men lá trong đêm dưới bầu trời đầy sao… Tất cả như chất men say không ngừng thôi thúc đam mê khám phá miền đất nơi phên dậu Tổ quốc của các bạn trẻ.

Bình minh trên đỉnh núi Muối ở Ky Quan San (Lào Cai)

Không dễ chinh phục

Với non cao Tây Bắc, bạn không thể chỉ "xách ba lô lên và đi". Không chỉ đòi hỏi thể lực bền bỉ, kỹ năng đi rừng, những cung leo núi ở Tây Bắc còn có không ít nguy hiểm rình rập người chinh phục. Mới đây, một anh chàng người TP Hồ Chí Minh đã suýt chết vì sốt mò (bị ấu trùng mò đốt trong chuyến đi và nhiều ngày sau mới phát bệnh) sau chuyến leo Pu Si Lung là một ví dụ. Vì thế, mỗi chuyến đi đều cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng mới có thể diễn ra trọn vẹn.

Tây Bắc có lẽ là khu vực thời tiết khắc nghiệt nhất Việt Nam. Mùa mưa lũ, quá nhiều nguy hiểm bởi lũ ống, lũ quét đe dọa nên mọi hành trình leo núi ở Tây Bắc đều phải dừng lại. Thời gian phù hợp để leo là từ đầu tháng 9 tới đầu tháng 5 năm sau. Dù vậy, trong giai đoạn này, những đợt mưa rét ở vùng cao Tây Bắc vẫn có thể làm chùn chân bất kỳ  phượt thủ nào. 

Khá nhiều thanh niên đến từ miền Nam đã bị sốc nhiệt khi đối mặt với cái lạnh khủng khiếp của mùa Đông Tây Bắc và hoạt động thể lực vượt quá giới hạn khi phải leo trèo liên tục trong nhiều giờ. Nhiều người thậm chí tối không ăn nổi cơm, chỉ quấn chăn nằm rên.

Sau khi chọn được cung thời gian phù hợp, người leo cần chuẩn bị thể lực cho chuyến đi. Có độ cao khác nhau nhưng không đỉnh núi nào thuộc top 10 Tây Bắc là dễ. Nếu không muốn phải lê lết trong suốt hành trình, người leo phải luyện tập các môn thể thao sức  bền (đạp xe, chạy bộ, bơi, leo cầu thang…) chậm nhất 1 tháng trước chuyến đi để có đủ sức lực vượt qua những con dốc, đôi khi cao tới gần 1.000 mét, kéo dài 3-4 km ở Tây Bắc.

Không phải điểm nghỉ dưỡng, hạ tầng du lịch ở vùng núi Tây Bắc còn rất sơ khai. Đầy đủ nhất hiện nay có lẽ là đỉnh Fansipan, nơi có hẳn một nhà hàng lớn mang tên Hải Cảng và tiếp đến là Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San), ngọn núi cao thứ ba Việt Nam. Nằm ở núi Muối, độ cao 2.100, điểm lý tưởng để "săn" mây, "hệ thống" lán nghỉ ở Bạch Mộc Lương Tử khá rộng rãi, chia làm 2 khu lớn, có khu vệ sinh, nhà tắm và cả một cửa hàng nhỏ bán hoa quả, nước, bia… 

Dịch vụ ở đây tương đối đầy đủ, khách có thể mua nước nóng để tắm gội trong những ngày lạnh giá. Ngoài 2 đỉnh này, đa số các núi khác chỉ có lán nghỉ qua đêm đơn sơ ở lưng chừng núi. 

Ông chủ lán đôi khi chính là những người dẫn đường (Porter) đưa khách từ chân núi lên. Một số khu vực quá xa xôi, hoang vắng lại gần đường biên giới như Khang Su Văn hay Pu Si Lung còn chưa có lán nghỉ đêm. Người leo phải mang theo lều hoặc lựa chọn hang đá để tá túc.

Một điểm khó nữa khi leo các đỉnh núi Tây Bắc là có quá ít thông tin để tham khảo. Nhiều người chưa có chút kinh nghiệm nào đã "đâm bổ" vào leo những đỉnh khó nhằn nhất như Pu Si Lung nên tỷ lệ thất bại rất cao, phải bỏ dở giữa chừng. 

Không ít người mơ hồ rằng chỉ đi bộ vài tiếng là tới được đỉnh núi trong khi thực tế phải leo bộ có khi mất hai ngày hoặc hơn mới tới được đích, chưa tính quãng đường quay lại. Ở những cung đường dài và khó leo như Pu Si Lung, đường leo kéo dài gần 50km, đi trong rừng 3 ngày, đỉnh núi cách bản làng cuối cùng gần 2 ngày đường…

Thêm nữa, đường mòn trong rừng vốn heo hút, chỉ vừa bước chân đi, lại rất ít người qua lại nên lau lách, cây cối đôi khi che lấp hết nên số trường hợp đi lạc là không ít. Trên địa bàn Lai Châu, nhiều đỉnh nằm ngay trên đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc nên ngoài một số ít dân bản, thợ rừng và các chiến sỹ biên phòng đi tuần tra, chỉ có những thanh niên trẻ ưa khám phá mới cất công, bỏ sức tìm đến. Ở Pu Si Lung, có người đi lạc sang đất Trung Quốc cả kilômét, chỉ đến khi Porter phát hiện, đuổi theo gọi mới biết đã bị lạc.

Nỗi tiếc nuối khi rừng nguyên sinh dần biến mất

Tôi đã đi Tây Bắc nhiều lần, và nỗi ám ảnh sau mỗi lần leo núi Tây Bắc là rừng nguyên sinh ở đây không còn nhiều. Cách xa các bản làng cuối cùng của đồng bào và những con đường nhựa hơn chục cây số đường núi mới có thể bắt gặp những cánh rừng nguyên sinh đẹp mê mẩn cuối cùng còn sót lại. 

Ở một vài đỉnh nằm trong top 10 như Tà Chì Nhù (Trạm Tấu, Yên Bái), cho tới khi lên tới tận đỉnh núi cao 2.979 mét chỉ có thể ngắm vài vạt rừng nghèo và những đỉnh núi trọc lốc. Những gì còn sót lại của rừng già chỉ là vài gốc cây khổng lồ mấy người ôm mục ruỗng đã bị đốn hạ từ hàng chục năm trước…

Do rừng bị thu hẹp nên số lượng muông thú cũng theo đó ngày càng hiếm đi. Phải ở khu vực có rừng nguyên sinh mới xuất hiện dấu vết của những loài thú lớn như lợn rừng, đặc biệt, các loài thú dữ rất hiếm khi lộ diện. Rừng ở Pu Si Lung mấy năm trước từng xuất hiện hổ nhưng dân bản cho rằng đó chỉ là hổ… nuôi ở Trung Quốc bị sổng chuồng thoát sang mà thôi(?). 

Trước thực tế này, cộng đồng leo núi thường bảo nhau phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường rừng, không để lại trên núi bất cứ thứ rác gì, nhất là các loại chai nhựa, áo mưa… Mỗi người luôn tự nhủ, đi không phải để chứng tỏ mình mà để hiểu biết thêm về đất nước, con người Tây Bắc, thêm tự hào và yêu Tổ quốc, quê hương mình…

Yên Khê
.
.
.