Phía sau những tuyến đường và điểm đến an toàn

Thứ Năm, 07/03/2019, 15:28
Những ngày qua, Việt Nam đã trở thành nơi thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Dù Hội nghị thượng định Mỹ-Triều Tiên không đạt dược kết quả như kỳ vọng, nhưng điều khiến tất cả các nhà báo quốc tế ấn tượng và không ngớt lời khen ngợi như: “Việt Nam - điểm đến hoà bình và thân thiện”, “Việt Nam - nơi gặp gỡ tuyệt vời”, “Cảm giác an toàn khi tác nghiệp ở Việt Nam”, “Công an Việt Nam chuyên nghiệp”…


Để có được những lời khen ấy là sự cố gắng rất lớn của lực lượng Công an, Quân đội cùng các Bộ ngành và thành phố Hà Nội cũng như các địa phương trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối những ngày qua…

Hành trình dẫn đoàn 170km

Khác với Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng chuyên cơ Không Lực Một hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới Việt Nam bằng đường bộ, trên đoàn tàu bọc thép dài 13 toa. 

Các xe bọc thép RAM-2000 được triển khai trên đường phố Hà Nội để tăng cường an ninh cho hội nghị thượng đỉnh. 

Ông Kim Jong-un đã thực hiện hành trình kéo dài gần 60 tiếng đồng hồ trên xe lửa từ Bình Nhưỡng tới ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), rồi sau đó lại tiếp tục di chuyển thêm gần 3 tiếng trên chuyên xa từ ga Đồng Đăng về Hà Nội. Đây là hành trình đường bộ dài nhất của một nhà lãnh đạo nước ngoài khi tới thăm Việt Nam.

Thiếu tướng Trần Quốc Trung - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - người trực tiếp chỉ huy đoàn dẫn Chủ tịch Kim Jong-un cho biết: “Đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt trên tuyến đường kéo dài 170km không hề đơn giản. Trong đoạn dường dài đó, khó đi nhất là đường từ Lạng Sơn về Bắc Giang dài 94,4km với nhiều đèo dốc, khúc cua nguy hiểm. Đó là chưa kể đến những đoạn đường đang được nhà thầu thi công, gồ ghề, khó đi. Chúng tôi đã phải phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà thầu bàn bạc cụ thể và tìm hướng giải quyết ngay lập tức”. 

Thế là, chỉ trong đêm 25-2, lực lượng chức năng đã rải thảm đoạn các đường trên, đặc biệt là khu vực ngã ba Kế (Bắc Giang) để đảm bảo cho giao thông thông suốt, an toàn.

Chưa hết, Cục CSGT còn phải phối hợp với Tổng cục Đường bộ và Công an 4 địa phương trên tuyến gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn có phương án phân luồng giao thông từ xa, thông tin trên các phương tiện truyền thông để người dân chủ động trong việc tham gia giao thông, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân; khảo sát, đảm bảo an toàn toàn tuyến đường sắt chạy song song  với đường bộ, các rào chắn đường sắt và cầu vượt trên sông. 

Đặc biệt, trong ngày 26-2, từ 3h30, lực lượng CSGT đã phải thực hiện công tác dẫn đường cho đoàn xe Triều Tiên rời khách sạn Melia, đi về Lạng Sơn chuẩn bị đón Chủ tịch Kim Jong-un. Sau đó, đến 8h10 cùng ngày, đoàn đón Chủ tịch Triều Tiên và đưa dẫn về thẳng Hà Nội.

“Quãng đường đi đó, chúng tôi luôn tập trung ở mức cao nhất. Ngoài tổ công tác của Cục CSGT, Phòng CSGT Hà Nội cũng đã huy động 100% quân số ứng trực để thực thi nhiệm vụ dẫn đoàn Tổng thống Mỹ Donald Trump, hạn chế các phương tiện đi vào nội đô, phòng tránh tuyến đường mà hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên đi qua. Lực lượng 141 cũng tham gia đảm bảo ATGT, sử dụng tối đa các phương tiện để phục vụ công tác. Chưa hết, để tạo sự thân thiện, hơn 20 chốt nữ chỉ huy điều khiển giao thông cũng đã được thực hiện”, một lãnh đạo Cục CSGT cho biết thêm.

Lực lượng CSCĐ tuần tra tại khu vực xung quanh khách sạn Metropole.

Tuy nhiên, tham gia công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên, đặc biệt là trên tuyến đường từ Lạng Sơn về Hà Nội không chỉ có Công an Hà Nội, Công an Lạng Sơn, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an mà còn có sự phối hợp tích cực từ lực lượng Công an các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh - những nơi mà đoàn đi qua trong sáng 26-2. 

Công an các tỉnh này đã phải huy động một lực lượng lớn CBCS tham gia. 5h sáng 26-2, họ đã có mặt trên các tuyến đường. Như ở Bắc Ninh, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã huy động 100% quân số phối hợp cùng các lực lượng của Bộ Công an, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh cùng nhiều lực lượng khác tổ chức chốt chặn xuyên suốt tuyến QL1A, ở các điểm giao cắt, không cho phương tiện ra vào tuyến đường cũng như phân luồng hướng dẫn các phương tiện lưu thông trong thời gian cấm đường từ tối 25-2 đến chiều 26-2.

Từ chiều tối 25-2 cho đến sáng 26-2, Đại tá Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, liên tục kiểm tra công tác ứng trực tại các điểm chốt của lực lượng Công an tỉnh. Dọc tuyến QL1A, tại các ngã ba, ngã tư, điểm giao cắt, khu dân sinh, công trường xây dựng đều có lực lượng Công an, Kiểm soát quân sự cùng dân phòng đứng gác. Mỗi chốt gác có 5-6 người, vào vị trí từ lúc sáng sớm. 

Lực lượng Công binh cũng sử dụng thiết bị chuyên dụng dò mìn khắp mọi vị trí dọc tuyến đường, từng chi tiết nhỏ ở vệ cỏ, bụi cây ven đường đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Người dân sinh sống khu vực gần tuyến đường có đoàn xe ưu tiên đi qua được tuyên truyền, nhắc nhở những điểm cần lưu ý trong công tác đảm bảo an ninh...

Và công tác bảo vệ an ninh 4 lớp

Theo ghi nhận của phóng viên, có tới 4 vòng bảo vệ cho Chủ tịch Kim Jong-un.Trong đó có đội vệ sĩ "chạy bộ" tiếp cận nổi tiếng. Sáng 26-2, tại ga Đồng Đăng, trước sự chứng kiến của mọi người, dàn vệ sĩ thân cận gồm 12 thành viên của Chủ tịch Triều Tiên đã tái hiện màn chạy bộ ấn tượng. 

Hình ảnh quen thuộc này đã diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4-2018 và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất ở Singapore vào tháng 6 cùng năm. 

Trong quá trình hộ tống Chủ tịch Triều Tiên, các vệ sĩ hình thành một vòng bao quanh nhà lãnh đạo với chu vi bảo vệ có tầm nhìn 360 độ để đảm bảo bao trùm hết vị trí và những người gần nhất.

Đến nay, thân thế bí ẩn của dàn vệ sĩ chạy bộ bảo vệ Chủ tịch CHDCND Triều Tiên vẫn còn là một ẩn số với thế giới. Theo tờ DongA Ilbo, dàn vệ sĩ của nhà lãnh đạo Triều Tiên thuộc biên chế của một đơn vị quân đội. Tờ báo này cũng khẳng định đây lớp bảo vệ thứ nhất trong đội bảo vệ ông Kim Jong-un, được gọi tên là "vệ sĩ thân cận".

Trong một bài viết trên BBC, nhà phân tích Michael Madden đã hé lộ câu chuyện phía sau những vệ sĩ này. Theo đó, họ là những công dân Triều Tiên duy nhất được mang súng đã lên đạn khi đi bên cạnh ông Kim Jong-un. Tuy nhiên cách phòng thủ chính của đội vệ sĩ này dựa vào kỹ năng quan sát và vô hiệu hóa mọi mối đe dọa bằng tay và cơ thể. 

Các vệ sĩ thường mặc những bộ vest tối màu và cà vạt kiểu phương Tây, như từng thấy ở Singapore, hay bộ đồ Tôn Trung Sơn như các quan chức trong đảng. Lái xe của ông Kim Jong-un luôn đeo găng tay bằng vải lanh hoặc da để cầm vô lăng. Họ cũng sử dụng tai nghe và bộ đàm để liên lạc nội bộ.

Trong khi đó, Tổng thống Trump lại được bảo vệ trong 3 vòng an ninh. Vòng ngoài là cảnh sát, vòng giữa là các mật vụ thông thường, vòng trong cùng là các mật vụ thuộc đơn vị đặc biệt bảo vệ Tổng thống. 

Để lựa chọn nơi Tổng thống nghỉ ngơi, mật vụ sẽ phải tiền trạm các khách sạn để chọn ra một nơi mà họ có thể kiểm soát môi trường tốt nhất. Họ có hệ thống thang máy riêng, thậm chí bố trí sẵn người sửa chữa thang máy trong trường hợp gặp trục trặc, kiểm tra các thiết bị có sẵn và thay thế bằng cách thiết bị điện tử an toàn của riêng họ.

 Ngoài ra, quy trình kiểm tra đồ ăn cho Tổng thống cũng được thực hiện nghiêm ngặt.

Sông Thương
.
.
.