Phía sau tấm áo Blouse

Thứ Ba, 25/08/2015, 10:00
20h! Chỉ có tiếng dao kéo lách cách, ánh đèn sáng lạnh, một bác sỹ mổ chính, một bác sỹ phụ mổ và ba phụ mổ trong trang phục "blouse xanh". Gian phòng ngột ngạt, sộc mùi ete, thuốc sát trùng… Đó là khoảnh khắc chúng tôi được chứng kiến tại phòng mổ của Bệnh viện Thống Nhất.
1. Bước ra từ phòng mổ sau một giờ "mục sở thị", chúng tôi nhận ra một điều, không có bất cứ lời ngợi ca nào về những người khoác tấm áo trắng có giá trị bằng những gì chúng tôi được tận mắt "thẩm định" ở một nơi chỉ có bác sĩ và bệnh nhân, nơi hoàn toàn biệt lập với con mắt của dư luận. Khoa phẫu thuật Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) sáng trưng đèn.

Từng bước chân gấp gáp thật nhẹ ngoài hành lang, tuyệt nhiên không có tiếng động. Vừa trở về từ một cuộc họp, GS.TS.TTND Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất bước thật nhanh vào phòng thay đồ tại khu vực cách ly và trở ra trong trang phục "blouse xanh". Ông hỏi một y tá ngoài hành lang: "Hôm nay làm mấy ca"? Cô y tá vừa đi vừa trả lời: "9 ca rồi ạ". (9 ca chỉ là của một trong 7 phòng mổ của Bệnh viện Thống Nhất).

Trước khi vào phòng mổ, bác sĩ phải thực hiện việc vô trùng tay trong vòng 5 phút. Tất cả các công đoạn được thực hiện kỹ càng, tỉ mỉ làm sao đôi tay bác sĩ phải "tinh khiết" đến tuyệt đối. Giáo sư Nguyễn Đức Công giải thích thêm: "Phòng mổ là môi trường làm việc đặc biệt, ngay cả chiếc áo choàng của bác sĩ phải được vô trùng. Không ai được chạm tay bất cứ trang phục gì của bác sĩ mổ nhằm ngăn ngừa vi khuẩn lây lan vào vùng phẫu thuật".

Chúng tôi được tận mắt chứng kiến ca mổ áp - xe hậu môn cho một bệnh nhân ở Cà Mau do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Quang - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất làm trưởng ê kíp. Ánh đèn đồng loạt chiếu sáng, mọi tiếng động im bặt. Lúc này, chỉ nghe tiếng dao kéo va vào nhau rất nhỏ. Những đôi mắt "trong vắt" tập trung cao độ vào từng đường dao, mũi kim trên tay bác sĩ Quang. Mồ hôi lặng lẽ rơi từng giọt trên trán ông, các thao tác vẫn hết sức khéo léo và nhẹ nhàng.

Giáo sư, Tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Đức Công trong những lần đi tỉnh khám bệnh.

Lần đầu tiên chứng kiến trực tiếp ca mổ, chúng tôi có cảm giác choáng váng, buồn nôn bởi thứ mùi đặc trưng ở phòng mổ. Đó là mùi của các loại thuốc sát trùng, mùi tanh nồng của máu, mủ, mùi khét lẹt của thịt cháy. Chúng tôi phải cố gắng, phải gồng mình chịu đựng để theo dõi đến cuối cùng ca mổ. Ê kíp bác sĩ miệt mài đốt thịt lấy mủ ra rồi liên tục dùng bông gạc làm vệ sinh vùng mổ. Quần áo của bác sĩ Quang vương đầy vết máu từ bệnh nhân bắn ra, ông vẫn cần mẫn, tập trung cao độ. Hàng ngày họ đối mặt với máu mủ, với dao kéo, thuốc gây mê và đủ thứ nguồn lây nhiễm, có vào tận nơi mới hiểu được sự hy sinh thầm lặng của người bác sĩ lớn đến nhường nào.

Ở trong phòng mổ, không có chỗ cho "hỷ, nộ, ái, ố" mà chỉ có tinh thần thép, ý chí thép của những người mặc áo "blouse xanh". Giáo sư Nguyễn Đức Công chia sẻ: "Tinh thần đoàn kết, sự tương thân tương ái và thái độ nghiêm túc phục vụ bệnh nhân của bác sĩ là điểm nhấn tạo nên thành công trong các ca mổ. Nhiều người nghĩ rằng bác sĩ không có nụ cười. Chúng tôi cười khi bệnh nhân khỏe mạnh trở về nhà, chúng tôi đau với nỗi đau bệnh nhân". 

Bước ra từ phòng mổ, Giáo sư Nguyễn Đức Công đi thẳng vào phòng chăm sóc đặc biệt, ở đó có hơn chục bệnh nhân đang nằm hồi sức sau mổ. Một bệnh nhân từ Hà Nội vào thăm con cháu ở TP. Hồ Chí Minh không may bệnh tim tái phát. Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất quyết định mổ để giữ gìn sinh mạng.

Phòng hồi sức sau mổ là nơi chỉ có người bệnh và bác sĩ.

Thấy bệnh nhân còn ho nhiều, Giáo sư Công tới vuốt lưng cho bà một lúc rồi yêu cầu bác sĩ trực tăng cường thêm thuốc điều trị. "Liên tục nhắc bệnh nhân khạc đờm và thở đều. Vết mổ còn rất đau, có thể cho thêm thuốc giảm đau", Giáo sư Công dặn dò bác sĩ trong khoa. Quay sang một bệnh nhân khác, ông đặt tay vào lồng ngực thật lâu kiểm tra vết mổ. Bệnh nhân này bị hẹp động mạch vành, hậu quả của việc hút nhiều thuốc lá, liên tục trong thời gian dài. Bệnh viện Thống Nhất tiến hành phẫu thuật xẻ đôi xương ức để nối động mạch.

Đây là ca mổ phức tạp, ngoài thiết bị máy móc tân tiến còn đòi hỏi tay nghề bác sĩ thật giỏi. "Tôi rất chú trọng đến việc tạo điều kiện cho anh em bác sĩ học tập, nghiên cứu và nâng cao cao trình độ chuyên môn nên hầu hết đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Thống Nhất đều được đào tạo chuyên sâu, tất cả các ca bệnh nặng, phức tạp chúng tôi đều xử lý tốt, tỷ lệ thành công cao", Giáo sư Công cho biết. Trước khi đi, ông quay lại khuyên bệnh nhân: "Khỏi bệnh rồi thì bỏ thuốc lá đi nhé".

Cuộc sống thời hiện đại ngày càng cuốn con người vào guồng quay sống nhanh, sống gấp gáp. Để rồi mỗi người đang phải oằn mình trong sự hối hả, không có nhiều thời gian nghĩ về cuộc sống và những người xung quanh. Những lối mòn trong suy nghĩ như vết đinh hằn sâu vào tim, tất cả những điều tốt đẹp nhất đều bị lướt qua, nhanh đến chóng mặt. Không may là trong hoàn cảnh chung ấy, hình ảnh người bác sĩ đang đi xuống trong con mắt của nhiều người, y đức là một vấn đề nhức nhối, nan giải của ngành y.

Giá như chúng ta sống chậm lại, chịu khó nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, chân thành, biết suy xét, đánh giá thì xã hội này vẫn còn vô vàn tình yêu thương đang ẩn mình ở khắp nơi. Không có câu trả lời nào thỏa đáng bằng việc làm và hành động. Một giờ trong phòng mổ, dù chưa thể nói hết, chưa thể cảm nhận trọn vẹn tất cả nhưng chúng tôi được tận mắt quan sát, theo dõi công việc của người bác sĩ, hiểu được việc làm thầm lặng của họ. Ở đó, họ không cười, nhưng mồ hôi họ đổ, nước mắt họ rơi…

2. Ở bệnh viện, điều kỳ diệu đến từ bàn tay, trái tim của người thầy thuốc cùng ý chí, nghị lực phi thường của bệnh nhân. Đó là câu chuyện giành lại sự sống cho bệnh nhân Lê Văn B. (19 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo. Bệnh nhân B. được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao liên tục 6 ngày liền. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng máu nặng gây suy đa cơ quan. Ba ngày điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, tình trạng của bệnh nhân B có dấu hiệu trầm trọng, nguy kịch.

Sau khi hội chẩn, bác sĩ quyết định cho Bi thở máy, lọc máu liên tục, kháng sinh liều cao, nội soi dạ giày cầm máu. Bệnh nhân B không có bảo hiểm y tế nên chi phí điều trị lên tới 150 triệu đồng. Cha B vay mượn được ít tiền bắt xe vào Sài Gòn thăm con và có ý định đưa về nhà chờ chết vì có bán hết nhà cửa cũng không đủ từng ấy tiền đóng viện phí. Giáo sư Nguyễn Đức Công tổ chức cuộc họp với Ban Giám đốc và quyết định miễn toàn bộ viện phí điều trị cho B.

Đội ngũ bác sĩ bệnh viện dốc hết sức lực cứu chữa bệnh nhân, có thời điểm, tình trạng bệnh của B tưởng không qua khỏi. Đến ngày thứ 4 thì B có dấu hiệu dần hồi phục. 12 ngày sau thì em đã có thể nở nụ cười với mọi người. Niềm vui như vỡ òa trên từng khuôn mặt những "blouse trắng", đây chính là giây phút hạnh phúc tột cùng của người bác sĩ. Cha B xúc động không nói nên lời, vì ơn nghĩa quá lớn mà Bệnh viện Thống Nhất dành cho con trai ông.

Ê kíp bác sĩ đang thực hiện ca mổ áp - xe cho một bệnh nhân.

3. Là bác sĩ trưởng thành trong môi trường quân đội, từng tham gia phục vụ cứu thương, chăm sóc bộ đội trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc rồi biên giới Tây Nam, những đau thương mất mát của quá khứ vẫn luôn ám ảnh Giáo sư Nguyễn Đức Công. Trong những lần dẫn đoàn Bệnh viện Thống Nhất đi làm từ thiện, ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến bệnh nhân là cựu chiến binh, những người mang bệnh tật, mất mát từ cuộc chiến trở về.

Ông trực tiếp thăm khám, tư vấn điều trị và sẵn sàng "ký" tặng nhiều loại thuốc có giá trị. Quyết đoán trong lãnh đạo, nghiêm chỉnh trong tác phong làm việc nhưng khi tiếp xúc với bệnh nhân, ông luôn dành cho họ nụ cười đôn hậu và chân chất. Còn nhớ lần về khám bệnh từ thiện tại Trung tâm điều dưỡng Thương binh và Người có công Long Đất (Bà Rịa - Vũng Tàu), có dịp gặp lại những người lính từng chung mặt trận, bị thương tật nặng nề sau chiến tranh, Giáo sư Công không khỏi xót xa, trăn trở.

Thời gian phục vụ trong cuộc chiến biên giới Tây Nam không nhiều, nhưng ký ức về đồng đội của thời hiểm nguy gian khổ luôn ngự trị trong lòng người bác sĩ quân y. Mọi người đồng loạt kêu Giáo sư Công lên hát một bài. Ông hát say sưa những bài ca về người lính, hát bằng cả trái tim và dòng máu, hát để át đi nỗi đau đớn thương tật của bệnh binh.

Hơn 30 năm khoác trên mình tấm áo "blouse trắng", Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Đức Công không nhớ hết những lời cảm ơn, những giọt nước mắt của bệnh nhân dành cho ông nói riêng và bệnh viện nói chung. Trên thực tế, bác sĩ điều trị bệnh nhân không phải là sự ban ơn, cũng không phải để nhận lời cảm ơn, mà là trách nhiệm và bổn phận.

Trải qua tất cả các cung bậc xảm xúc trong đời làm thầy thuốc, Giáo sư Công đúc kết một điều: "Nghề y cho tôi biết thế nào là hạnh phúc tột cùng và nỗi đau tột cùng".

Ngọc Thiện
.
.
.