Phố Wall trước thảm họa 11-9?

Thứ Ba, 17/10/2017, 10:28
Ngay sau sự kiện ngày 11-9-2001, chính phủ các nước như Bỉ, Cyprus, Pháp, Ðức, Italia, Nhật Bản, Luxembourg, Monte Carlo, Hà Lan, Thụy Sĩ… đến Mỹ bắt đầu điều tra các vụ giao dịch nội gián mà họ nghi ngờ có liên quan đến các vụ khủng bố ngày hôm đó. Cho đến nay, chưa ai bị truy tố trong các cuộc điều tra này, nhưng nhiều nhà phân tích đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục về sự liên quan giữa các giao dịch đáng ngờ và các vụ tấn công.

Kỳ 1: Những giao dịch đáng ngờ

Một vài ngày trước các vụ tấn công ngày 11-9, cổ phiếu của nhiều hãng hàng không, công ty tài chính và những công ty có trụ sở trên tòa tháp đôi WTC bị bán ra hàng loạt với số lượng cao gấp nhiều lần bình thường. Một lượng lớn các giao dịch thẻ tín dụng hoàn tất ngay trước khi các cuộc tấn công diễn ra cũng đặt ra khả nghi.

Những dấu hiệu đầu tiên

Tuần lễ sau các vụ tấn công Trung tâm thương mại thế giới WTC, các nhà quản lý thị trường chứng khoán ở Đức, BAWe bắt đầu để ý đến những giao dịch đáng ngờ. Bộ trưởng Ngoại giao Italia Antonio Martino công khai bày tỏ quan ngại của mình khi phát biểu: “Tôi nghĩ rằng có sự liên quan giữa các tổ chức khủng bố với những giao dịch đáng ngờ trên các thị trường quốc tế”.

Theo Hãng CNN, các nhà chức trách đang chứng kiến “những dấu hiệu rõ ràng” rằng một số ngừơi đã “thao túng các thị trường tài chính trước các vụ tấn công khủng bố nhằm trục lợi”. Bộ trưởng Tài chính Bỉ Didier Reynders cho biết có những dấu hiệu khả nghi rằng các thị trường ở Anh được dùng thực hiện các giao dịch. Được biết CIA từng yêu cầu các nhà chức trách ở Anh điều tra một số giao dịch. Tuy nhiên, Cơ quan quản lý Dịch vụ tài chính Anh (FSA) đã hủy các điều tra đó vì cho rằng “Bin Laden và người của hắn không liên quan đến giao dịch nội gián”.

Ngược lại, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Ernst Welteke nói ngân hàng của ông đang điều tra một vụ “giao dịch nội gián khủng bố” liên quan đến vụ tấn công ngày 11-9. Ông cho biết đã phát hiện “bằng chứng không thể chối cãi về giao dịch nội gián”. Ông Welteke cho rằng giao dịch nội gián không chỉ xuất hiện đối với cổ phiếu của các công ty bị ảnh hưởng bởi các vụ tấn công như hàng không và bảo hiểm, mà cả với vàng và dầu mỏ.

Phạm vi các vụ giao dịch nội gián liên quan đến ngày 11-9 ở một tầm mức rộng chưa từng có. Jonathan Winer - cố vấn của ABC News,  nói “thật không thể tưởng tượng được chúng ta có thể chứng kiến những vụ giao dịch nội gián xảy ra trên phạm vi toàn thế giới từ Nhật Bản đến Mỹ, Bắc Mỹ đến châu Âu”.

Tính đến tháng 10-2001, sàn Chicago Board Options Exchange (CBOE) và 4 sàn giao dịch quyền chọn khác ở Mỹ đã tham gia cùng lực lượng của FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) và Ủy ban Chứng khoán (SEC) để điều tra một loạt 38 mã cổ phiếu, cũng như nhiều quyền chọn và trái phiếu Bộ Ngân khố bị nghi ngờ có liên quan đến giao dịch nội gián. Chủ tịch SEC Harvey Pitt cam kết trước Ủy ban Tài chính Hạ viện lúc đó rằng “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng để lôi những người này ra ánh sáng và xét xử”.

Trong số những người cuối cùng họ phát hiện được có một khách hàng không nêu tên của Deutsche Bank Alex. Brown (DBAB). Người này liên quan đến một giao dịch với cổ phiếu của United Airlines bao gồm lệnh bán 2.500 hợp đồng. Khi Ủy ban 11-9 báo cáo về một nhà đầu tư chuyên nghiệp ở Mỹ không có liên hệ với Al-Qaeda, họ nói về DBAB hoặc khách hàng của công ty này trong giao dịch đáng ngờ đó.

Michael Ruppert đã nghiên cứu về DBAB, lưu ý rằng công ty này trước từng cấp ngân sách cho The Carlyle Group và Brown Brothers Harriman, cả hai đều có quan hệ gần gũi với gia đình dòng họ Tổng thống Bush. Ruppert cũng lưu ý rằng Alex. Brown, công ty được Deutsche Bank mua lại để trở thành DBAB, từng do A.B. (Buzzy) Krongard điều hành, người này rời công ty năm 1998 để gia nhập CIA dưới vai trò cố vấn. Krongard từng là cố vấn của Giám đốc CIA James Woolsey, và khi xảy ra sự kiện 11-9, ông đang là Giám đốc điều hành của CIA, vị trí quyền lực thứ ba của cơ quan này.

Trục lợi 15 tỷ USD

Năm 2002, nhà điều tra Kyle Hence viết về những loại chứng khoán liên quan đến danh sách tình nghi của SEC. Trong số những mã chứng khoán có lượng giao dịch lớn nhất so với mức bình quân là United Airlines (gấp 285 lần bình thường), Marsh & McLennan (gấp 93 lần bình thường), American Airlines (gấp 60 lần) và Citigroup (gấp 45 lần). 

Danh sách các loại chứng khoán bị giao dịch đáng ngờ còn bao gồm các công ty tài chính, những công ty liên quan đến công nghệ quốc phòng và các công ty bảo hiểm Munich Re, Swiss Re và AXA Group. 

Lượng giao dịch theo hướng đặt cược cổ phiếu của những công ty bảo hiểm này sẽ rớt giá tăng gấp đôi mức bình thường trong một vài ngày trước khi xảy ra các vụ tấn công. Về sau, các công ty này đều bị thiệt hại hàng tỷ USD vì phải bồi thường những thiệt hại liên quan đến vụ 11-9.

Cổ phiếu của 4 công ty có lượng giao dịch đáng ngờ cao nhất gồm: United Airlines, Marsh & McLennan, American Airlines và Citigroup, có liên hệ mật thiết với các vụ tấn công ngày 11-9. Mỗi hãng trong 2 công ty hàng không trên đều có 2 chiếc máy bay bị không tặc và phá hủy. 

Marsh nằm chính xác ở tầng 8 trong số 110 tầng của tòa tháp WTC phía bắc, nơi chiếc máy bay Flight 11 đâm vào và gây ra hỏa hoạn. Citigroup là công ty mẹ của Travelers Insurance, công ty ước tính mất 500 triệu USD tiền bồi thường bảo hiểm sau vụ 11-9, và Salomon Smith Barney, công ty chiếm tới 10 tầng của tòa nhà số 7 ở World Trade Center (WTC). Hoạt động giao dịch trái phiếu Bộ Ngân khố trước ngày 11-9 cũng bị xếp vào diện đáng ngờ. 

Tờ Wall Street Journal viết: “Lực lượng mật vụ Mỹ đã liên hệ với nhiều nhà giao dịch trái phiếu đã bán ra lượng lớn trái phiếu trước vụ 11-9, trong đó một nhà giao dịch bán ra tới 5 tỷ USD trái phiếu 5 năm”.

Giới quan sát tin rằng những kẻ thực hiện giao dịch nội gián trước vụ 11-9 đã kiếm lời hàng triệu USD. Theo ước tính của cựu Bộ trưởng Kỹ thuật Đức Andreas von Buelow, tổng số lợi nhuận các giao dịch nội gián liên quan đến vụ khủng bố 11-9 mang về lên đến 15 tỷ USD.

Vĩnh Cẩm
.
.
.