Phố Wall và Nhà Trắng: Đổ vỡ quan hệ?

Chủ Nhật, 13/11/2011, 15:21

Cuộc biểu tình "Chiếm phố Wall" giờ đã lan rộng sang gần 40 nước. Đó là câu chuyện thời sự khổng lồ về kinh tế, chính trị, xã hội, xuyên biên giới và không phân biệt màu da, sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo. Như vậy, mặc dù đã sang thế kỷ XXI, thời đại được cho là "hậu công nghiệp", "hậu hiện đại", nhưng phần lớn nhân loại vẫn phải đối mặt với vấn đề hết sức sơ đẳng, đó là cơm áo, gạo tiền và mưu sinh.

Điều gì đã khiến phố Wall trở thành biểu tượng về nghịch lý của nhân loại? Thành phố New York nơi có toàn những nhà chọc trời, đầy ắp những ví dụ sinh động về biến điều không thể thành có thể và ngược lại. Nhưng thành phố New York trong đó có địa chỉ trứ danh, phố Wall, không biến được nghèo thành giàu cho số đông, trái lại, dường như nó được sinh ra để việc biến giàu thành giàu hơn và nghèo ngày càng nghèo đi.

Kể từ năm 1970 đến nay, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Mỹ liên tục rộng ra, và do bị tác động nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, người dân Mỹ không còn lựa chọn nào khác là xuống đường để ngăn chặn đà đó.

Nhiều nhà quan sát cho rằng quyền lực của nước Mỹ xuất phát từ những salon phố Wall, chứ không phải từ phòng Bầu dục ở Nhà Trắng. Các nhà lãnh đạo thế giới nếu chưa đến rung chuông thị trường chứng khoán phố Wall thì coi như chưa đến "thăm" và "hiểu" về cơ chế vận hành của chính trị Mỹ.

Biểu tình từ Mỹ đã lan sang nước láng giềng Canada.

Cũng chính vì vậy, nền dân chủ Mỹ được xem như nền dân chủ dành cho nhà giàu. 1% dân số Mỹ không chỉ nắm giữ 99% của cải của nước Mỹ mà còn chi phối nền chính trị tại đây, thậm chí trong nhiều công việc đối ngoại. Những chính trị gia "tay trắng làm nên" như Bill Clinton chỉ là thiểu số, hầu hết đều có nguồn gốc gia đình thế lực như John F. Kennedy (bố là Đại sứ Mỹ tại Anh), George W. Bush (bố là Tổng thống) hay giàu có như Thượng Nghị sỹ John Kerry (vợ là triệu phú)…

Nếu ví nền kinh tế như một cỗ máy thì thị trường tài chính-tiền tệ luôn được xem như phần mềm điều hành và phần bôi trơn cho cỗ máy đó. Tư bản tài chính là tư bản thế lực và tinh vi nhất. Một cái kích chuột trên phố Wall, hàng nghìn tỷ đôla lập tức được lưu chuyển đến và đi, một hiện tượng không thể có trong các ngành công nghiệp hay các dạng thị trường khác. Như vậy, phong trào "chiếm phố Wall" là cuộc tấn công vào "đầu não" của nền kinh tế Mỹ. Và vì đụng chạm vào "cối lõi" của vấn đề nên nó mới khơi gợi cảm hứng phong trào cho những người dân của nhiều quốc gia khác. Sự thật là 3 người giàu nhất thế giới có tài khoản tương đương với tài khoản của 48 nước trên thế giới cộng lại.

Khác với mô hình tư bản, chủ nghĩa Mác luôn kêu gọi sự bình đẳng xã hội. Bởi vậy, sau cuộc khủng hoảng năm 2008, chính các nhà kinh tế Mỹ cũng kêu gọi chính quyền Obama áp dụng các nguyên tắc của chủ nghĩa Marx mới. Sự sụp đổ hoặc nguy cơ sụp đổ của những tập đoàn lớn nhất Mỹ như Lehman Brothers, General Electrics, Bank of America khiến các nhà hoạch định chính sách ở Nhà Trắng phải kêu lên nếu những tập đoàn đó "chết" thì "Chúa sẽ phải băng hà".

Phố Wall đã gây sức ép để Nhà Trắng, nhất là Cục Dự trữ liên bang Mỹ, phải bỏ hàng nghìn tỷ đô la để giải cứu. Và đó là nguyên nhân khiến nhiều người dân Mỹ giận dữ bởi trong cơn khốn khó chung đó, họ chẳng được đồng cứu trợ nào cả.

Câu chuyện trên thực tế phức tạp hơn thế. Các tập đoàn lớn ở Mỹ tuy thâu tóm của cải nhưng lại bán cổ phiếu rộng rãi trong dân chúng. Họ cũng là những nhà tài trợ cho các dự án về cộng đồng, văn hóa, giáo dục. Bởi vậy, theo nghĩa đó phố Wall đã bén rễ sâu vào lòng xã hội Mỹ. Làm sao người dân Mỹ có thể chống chính mình? Một nhà đầu tư ở phố Wall còn tuyên bố với báo giới rằng "dịch vụ tài chính là điều cuối cùng chúng ta (Mỹ) làm trên đất nước này và là điều cuối cùng chúng ta làm một cách có hiệu quả", hàm ý, trên nhiều lĩnh vực khác nước Mỹ có thể bị các nước khác vượt qua, nhưng về tài chính thì vẫn phải giữ vai trò đầu tàu thế giới.

Nhưng theo quan điểm của Paul Krugman, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, cách tiếp cận đó không "công bằng" cho tầng lớp công nhân và người lao động Mỹ. Điều được biện minh là tốt cho ngành tài chính Mỹ chưa hẳn đã tốt cho những người công nhân bởi họ không trực tiếp tham gia vào lĩnh vực đó. Ở New York, cứ 17 công nhân thì có đến 16 người làm việc trong lĩnh vực phi tài chính.

Đối với họ, làm công ăn lương ổn định mới là điều sống còn, bởi vậy việc sa thải hay cắt giảm lương bổng là điều không thể chấp nhận được trong điều kiện hiện nay. Hơn nữa, phố Wall không thể bỏ qua một thực tế là nhiều lĩnh vực khác cũng đòi hỏi sự quan tâm thích đáng của chính phủ, nhất là giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Như vậy, câu chuyện tấn công phố Wall không chỉ là cuộc tấn công vào lòng tham, sự ích kỷ mà còn là mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế. Bởi "bàn tay vô hình" của thị trường không thể phát huy tác dụng thần kỳ của nó, Chính phủ Mỹ đang đứng trước sức ép to lớn hơn bao giờ hết để phải đưa ra những lựa chọn chính sách cấp thiết và hợp lý.

Tổng thống Obama sẽ xử lý vấn đề này như thế nào để phố Wall đầy quyền lực không quay lưng với chính quyền của ông ủng hộ cho Mitt Rommey, đồng minh thân cận của phố Wall, làm ứng cử viên tổng thống cho nhiệm kỳ tiếp theo. Không còn nghi ngờ gì nữa, tình trạng quan hệ giữa phố Wall và Nhà Trắng sẽ chi phối tính chất nền chính trị-xã hội Mỹ trong thời gian tới

Lê Đình Tỉnh
.
.
.