Phổ cập du học

Thứ Năm, 05/07/2018, 10:57
Cả cuộc đời vất mưu sinh, tôi chỉ mong mỏi con mình có một tương lai tươi sáng. Tôi ước gì có đủ tiền để cho con đi du học hoặc ước sao tôi đủ trình độ để dạy con mình học thật giỏi mà kiếm một suất học bổng.


Tôi có 3 đứa bạn rất thân, chơi chung từ nhỏ đến lớn. Tên 4 đứa tôi khi ghép lại rất ấn tượng. Lần lượt từng tên là Hoàng, Đế, Việt, Nam. Chúng tôi chơi thân không phải vì cái tên Hoàng-Đế-Việt-Nam độc lạ này, mà bởi đơn giản là chúng tôi ở gần nhà với nhau, quấn quít với nhau khi còn thơ ấu.

Tuy là nhóm bạn thân, nhưng số phận lại run rủi mỗi thằng một cuộc đời khác nhau. Thằng Hoàng sau khi học xong 12, nó không học đại học mà nối nghiệp cha làm nghề nông. Nói là làm nông chứ thật ra nó chỉ trông coi người ta làm, chẳng phải động tay động chân bao nhiêu. Vì gia đình của bạn Hoàng rất nhiều đất, phải nói là “cò bay thẳng cánh”, vườn cây bạt ngàn. 

Ảnh minh họa.

Sau khi lập gia đình, cuộc sống của Hoàng rất thoải mái, nó không bao giờ phải lăn tăn suy nghĩ về tiền bạc. Điều kiện tài chính gia đình quá tốt, nên Hoàng đã gửi con đi du học bên Mỹ khi cháu mới học lớp 10.

Thằng bạn tên Đế của tôi, cuộc đời cũng giống như cái tên. Trong số 4 anh em, thằng Đế là đứa thông minh nhất. Bắt đầu năm lớp 6, nó có “khả năng xuất khẩu thành thơ”. Học xong 12, nó thi đậu thủ khoa chuyên ngành văn Trường đại học Xã hội Nhân văn. 

Ra trường, thằng Đế không xin việc ở đâu, về quê ở ẩn, rảnh rỗi làm thơ đăng báo kiếm nhuận bút. Có lần tôi hỏi nó: “Mày giỏi sao không xin vào công ty nào mà làm?”. Nó trả lời tỉnh queo: “Trên đời này, tao đếch cần làm thuê cho thằng nào”. Thế là, mỗi ngày thằng Đế lại làm vài chai rượu đế. Rượu càng vào, thơ nó lại ra... Vì mải rong chơi, nên ngoài 40 tuổi rồi mà nó vẫn chưa lấy vợ.

Thằng bạn tên Việt của tôi thì đúng như tên Việt. Nó là hiện thân cho những gì tinh túy nhất của người Việt Nam. Đó là “coi trọng tình nghĩa, cần cù, hiếu học, thông minh”. Sau khi học xong lớp 12, thằng Việt thi đậu á khoa Trường đại học Sư phạm chuyên ngành Toán. 

Ra trường, thằng Việt về dạy học một trường cấp 3 gần nhà. Mọi người càng nể thằng Việt hơn khi nó dạy con cực kỳ bài bản. Con của Việt giỏi đều các môn học, nhất là môn tiếng Anh. Mới lớp 9 mà cháu đã được một suất học bổng du học bên Anh.

Cuộc đời của tôi thì lại khác, tôi chưa bao giờ được biết cảm giác của một sinh viên như thế nào, được biết cuộc sống ở ký túc xá ra sao. Năm tôi học lớp 10, cha tôi chẳng may đột ngột qua đời. Thế là tôi đành nghỉ học, làm đủ việc để phụ mẹ nuôi 4 đứa em. 

Năm 16 tuổi, tôi đã phải theo các chú trong xóm đi phụ hồ, mẹ nhìn tôi ứa nước mắt, nhưng không biết làm sao. Khi không có việc xây dựng, tôi lại đi cạo mủ cao su, mang tiền về đưa mẹ đóng tiền học cho các em. Sau khi lập gia đình, cuộc sống của tôi cũng chẳng khá hơn. Tôi phải vất vả bươn chải đủ việc để kiếm tiền nuôi con. 

Cả cuộc đời vất mưu sinh, tôi chỉ mong mỏi con mình có một tương lai tươi sáng. Tôi ước gì có đủ tiền để cho con đi du học hoặc ước sao tôi đủ trình độ để dạy con mình học thật giỏi mà kiếm một suất học bổng.

Tôi nhận được tin vô cùng bất ngờ, thằng Đế chuẩn bị lấy vợ và mời cả nhóm đi nhậu một bữa giã từ đời độc thân. Thế là 4 anh em Hoàng-Đế-Việt-Nam lại có dịp họp mặt. Sau một hồi nhậu lai rai, không còn chuyện gì để tán. Thằng Đế tự tin tuyên bố:

- Sau này tao có con, cũng cho nó đi du học giống con bạn Hoàng và bạn Việt mà không cần tốn nhiều tiền, cũng chẳng cần học bổng.

Tôi nghe thế, như mở cờ trong bụng, ước muốn xưa nay sắp thành hiện thực. Mình không có tiền, con mình học trung bình, mà vẫn có đường cho đi du học là sao. Tôi hỏi thằng Đế ngay:

- Làm sao có chuyện đó được?

Nó nhìn tôi, hớp ly bia, cười kha khả ra vẻ thông thạo mọi chuyện trên đời:

- Nước ta sẽ nhập các giáo trình đào tạo tiên tiến về nước để không phải đi du học nữa.

Tôi hỏi nó thông tin này từ đâu, nó bảo một vị quan rất lớn của ngành giáo đã nói như vậy. Tôi tin thằng Đế nói thật, vì nó vừa là nhà thơ, vừa là “nhà báo”, nên nó biết nhiều chuyện hơn tôi.

Tôi bưng ly bia lên làm một cái ực, cảm giác lâng lâng khi nghĩ về các con tôi cũng được “du học” như con 2 thằng bạn thân. Cái cảm giác này nó đã làm sao!

Nghĩa Nam
.
.
.