Phối hợp đấu tranh với nạn mua bán người qua biên giới

Thứ Bảy, 06/05/2017, 17:21
Theo Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, qua lại biên giới Việt - Trung; lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của một số người, đã hình thành nhiều đường dây tội phạm mua bán người sang nước ngoài dưới dạng cưỡng ép tình dục, cưỡng ép kết hôn, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em...

Dù các cơ quan chức năng và báo chí truyền thông đã liên tục lên tiếng, khuyến cáo, nhưng dạng tội phạm này vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Những con số "biết nói"

Theo phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát tại Hội nghị thường niên phối hợp thực hiện Hiệp định song phương Việt Nam - Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng chống tội phạm mua bán người (MBN) năm 2017 diễn ra mới đây tại TP Hồ Chí Minh thì trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, cơ quan Công an phát hiện hơn 430 vụ MBN với 600 đối tượng.

Hội nghị thường niên phối hợp thực hiện Hiệp định song phương Việt Nam - Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng chống mua bán người năm 2017.

Trong đó, bị lừa bán 1.500 nạn nhân, hơn 85% là mua bán ra nước ngoài (chủ yếu sang Trung Quốc) và gần 2.000 lượt người xuất cảnh trái phép sang Campuchia, Lào, Trung Quốc lao động thời vụ, tiềm ẩn nảy sinh nhiều nguy cơ bị mua bán.

Cũng trong khoảng thời gian này, lực lượng chức năng của Việt Nam đã điều tra, khám phá 195 vụ MBN sang Trung Quốc với 378 đối tượng, giải cứu 490 nạn nhân. Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành của Việt Nam phối hợp với cơ quan chức năng của Trung Quốc xác lập, đấu tranh 13 chuyên án, bắt, xử lý 39 vụ với 62 đối tượng, giải cứu 70 nạn nhân, tiếp nhận 30 vụ với 57 nạn nhân do Trung Quốc trao trả và 21 vụ với 25 nạn nhân tự trở về.

Trong ba tháng cao điểm vừa qua, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã điều tra, khám phá 70 vụ, bắt 133 đối tượng, giải cứu 138 nạn nhân; bắt và ra quyết định truy nã 20 đối tượng phạm tội MBN…

Những con số trên cho thấy thực trạng MBN qua biên giới vẫn còn nóng bỏng và đầy phức tạp. Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa cho biết, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, các đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục xuất nhập cảnh, qua lại biên giới, sự nhẹ dạ, cả tin, mất cảnh giác của một số người để lừa bán họ sang Trung Quốc dưới dạng cưỡng ép, mua bán, bắt cóc phụ nữ và trẻ em.

Ngoài ra, tình hình xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động thời vụ và di cư ngoài kế hoạch dọc biên giới của đồng bào cũng diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bị bọn tội phạm MBN lợi dụng. 

Bọn tội phạm MBN dùng những thủ đoạn hết sức tinh vi như dùng tiếng lóng, tên tuổi, địa chỉ giả, các mạng xã hội như Zalo hay Facebook để làm quen, tán tỉnh, dụ dỗ hoặc xin việc để lừa bán nạn nhân qua biên giới …

Sau một thời gian lập chuyên án điều tra, chiều 5-3-2017, cơ quan Công an đã bắt quả tang đối tượng Trần Thị Thanh (22 tuổi, trú tại phường Phú Trinh, TP Phan Thiết, Bình Thuận) đang tiếp cận, ngã giá với một cô gái tại địa điểm trước chùa Quảng Đức, phường Phước Hội, thị xã La Gi.

Công bố lệnh bắt đối tượng Phạm Thanh Sang ở Đồng Tháp trong một tháng lừa bán 7 phụ nữ qua biên giới.

Bước đầu Thanh khai nhận, sau khi lấy chồng người Trung Quốc, Thanh đã móc nối lập đường dây buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc. Thanh đã tổ chức mạng lưới kêu gọi nhiều người tham gia, nếu ai giới thiệu, tuyển được người giao cho Thanh sẽ được hưởng tiền hoa hồng vài chục triệu đồng mỗi người.

Ngoài ra, Thanh cũng tiếp cận, giao dịch với các cô gái ở vùng quê, dụ dỗ lấy chồng người nước ngoài sẽ được hưởng giàu sang rồi đưa họ sang Trung Quốc trục lợi.

Đầu năm 2017, Cục Cảnh sát hình sự (C45) đã phát hiện đường dây mua bán phụ nữ qua Trung Quốc với 16 nạn nhân, thuộc ba tỉnh Bình Định, Bình Thuận và Kiên Giang.

Trong đó, hai phụ nữ đã được trao trả cho Công an tỉnh Bình Định giải quyết theo thẩm quyền. Hai người này bị đối tượng bán sang các tỉnh thành Trung Quốc, chủ yếu để làm vợ và gái mại dâm bất hợp pháp với giá trên 300 triệu đồng/một người…

Cùng thời điểm này, Cục C45 cũng đã phối hợp, hỗ trợ Công an tỉnh Tây Ninh triệt phá thành công nhóm chuyên bán phụ nữ qua Trung Quốc. Ba đối tượng chủ chốt trong đường dây này gồm Nguyễn Thị Kiều Oanh (35 tuổi, ngụ quận Bình Tân), Nguyễn Thanh Tùng (25 tuổi, quê Đồng Nai) và Đinh Thị Thu (33 tuổi, quê Tây Ninh).

Cuối tháng 12-2016, Oanh và Tùng bị các trinh sát bắt giữ khi đang làm thủ tục tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để đưa ba cô gái trẻ lên máy bay đi Hà Nội. Cùng thời điểm, một tổ công tác khác đã bắt giữ đối tượng Thu - người có vai trò dụ dỗ các cô gái tại huyện Củ Chi để bán ra nước ngoài.

Kết quả điều tra của cơ quan Công an xác định, Oanh có chồng là người Trung Quốc. Để tìm cách kiếm tiền, Oanh liên lạc với cháu mình là Tùng bàn tính chuyện mua bán phụ nữ ra nước ngoài.

Từ đó, Tùng lôi kéo thêm Thu cùng tham gia. Thu có nhiệm vụ tìm kiếm và dụ dỗ các cô gái người Việt, liên hệ với Tùng và Oanh để cho những người đàn ông Trung Quốc xem mặt.

Nếu đồng ý, những người Trung Quốc sẽ trả cho 3 đối tượng trên từ 100 đến 200 triệu đồng cho mỗi “vợ”. Tính đến khi bị bắt giữ, ba đối tượng khai nhận đã bán được tổng cộng 3 phụ nữ Việt (chưa kể ba người lúc bị bắt).

Cũng vào thời gian nói trên, Công an hai tỉnh Bình Thuận và Bình Định đã phối hợp điều tra đường dây đưa phụ nữ bán sang Trung Quốc, qua đó phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Mai (36 tuổi, có hộ khẩu tại khu phố 2, phường Phước Lộc, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) là kẻ cầm đầu.

Điều đáng nói, Mai từng là nạn nhân của một vụ MBN trước đó. Được biết, ở trong nước Mai đã có ba người con với ba đời chồng khác nhau. Sau khi bị bán sang Trung Quốc, năm 2013, Mai tiếp tục lấy chồng và sinh con. Bị gia đình chồng đối xử tàn tệ, Mai tìm cách trốn thoát.

Nhưng sau đó, do biết rõ đường đi nước bước nên Mai đã tham gia đường dây MBN bằng cách dụ dỗ những phụ nữ nhẹ dạ khác và đối tượng này nhanh chóng trở thành kẻ cầm đầu trong đường dây đưa phụ nữ từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối tháng 12-2016, cơ quan Công an đã bắt Mai khi đang lẩn trốn tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua đấu tranh, Mai khai nhận đã đưa trót lọt 17 phụ nữ (trong đó 9 người ở Bình Thuận, 7 ở Bình Định và 1 phụ nữ ở Kiên Giang) bán ra nước ngoài…

Phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh, phòng ngừa

Riêng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, thời gian gần đây, tội phạm MBN qua biên giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng 7 tỉnh trên tuyến biên giới phía Bắc là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã phát hiện, phối hợp xử lý 1.543 vụ án liên quan đến hành vi MBN qua biên giới, giải cứu được hơn 3.100 nạn nhân. Các tỉnh phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến MBN qua biên giới là: Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh và Lạng Sơn…

Trong đó, chỉ tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2017, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã phát hiện, xử lý 13 vụ, bắt giữ 10 đối tượng, giải cứu, tiếp nhận, phối hợp hỗ trợ, chuyển tuyến an toàn cho 26 nạn nhân. Hầu hết các nạn nhân trong các vụ việc đều còn rất ít tuổi, nhiều đối tượng đang là học sinh cấp 2…

Các đối tượng phạm tội với những thủ đoạn: lợi dụng lòng tin, tình cảm yêu đương, hoàn cảnh khó khăn, tâm lý ham làm giàu, sự kém hiểu biết về pháp luật để làm quen, dụ dỗ, lừa gạt và hứa giới thiệu công việc có thu nhập cao, giả vờ yêu đương, đưa đi thăm gia đình, đi chơi, đi sinh nhật… sau đó cùng đồng bọn đưa nạn nhân đến khu vực biên giới hẻo lánh, ép buộc đưa sang Trung Quốc bán.

Để đấu tranh và ngăn ngừa hiệu quả loại hình tội phạm này thì các đơn vị như Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan… cần làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn nội, ngoại biên, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng, kịp thời phát hiện đấu tranh, xử lý tội phạm MBN qua biên giới; xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm MBN và tập trung phát hiện sớm, giải cứu nạn nhân trước khi bị đưa sang bên kia biên giới.

Cơ quan chức năng Việt Nam - Trung Quốc phối hợp điều tra, giải cứu và trao trả nạn nhân mua bán người. (Hình minh họa).

Đặc biệt, lực lượng Công an luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng để triển khai các biện pháp tuần tra, kiểm soát, nhất là ở những đường mòn, đường tiểu ngạch; thường xuyên cập nhật, thống kê các đối tượng nghi vấn cũng như trao đổi thông tin về nạn nhân cần giải cứu; quản lý chặt chẽ các đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng có biểu hiện nghi vấn về hành vi MBN, không để hình thành băng nhóm, đường dây.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm MBN, cơ quan chức năng hai nước Việt Nam - Trung Quốc cần thực hiện tốt Hiệp định song phương về hợp tác phòng, chống tội phạm MBN đã được ký kết giữa hai nước.

Ngoài ra, trong năm 2017, hai nước tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin ở cấp Trung ương và địa phương, thông báo tình hình, hỗ trợ điều tra, gửi thống kê tội phạm, phương thức thủ đoạn hoạt động để có biện pháp đấu tranh, phòng ngừa hiệu quả loại tội phạm này.

Ánh Xuân - Đức Mừng
.
.
.