Phòng, chống tội phạm từ việc vận động, tuyên truyền đoàn kết toàn dân

Chủ Nhật, 21/01/2018, 15:12
Có đường biên giới dài, giáp ranh với nhiều tỉnh, huyện Thạch An (Cao Bằng) trở thành một điểm trung chuyển của những kẻ phạm tội liên tỉnh và xuyên quốc gia. Với tính chất là một huyện nghèo, dân trí của người dân còn chưa cao nên đối với lực lượng Công an, khó khăn chồng chất khó khăn.

Trong nhiều năm, những CBCS của huyện vẫn luôn cố gắng dùng hết khả năng để giữ cho tình hình an ninh trật tự nơi đây tốt nhất có thể, bất chấp những khó khăn tồn tại như thế...

Đại tá Nguyễn Sơn Tuấn, Trưởng Công an huyện Thạch An cho biết, huyện có 16 xã, chủ yếu là bà con người dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Mông... Do địa bàn rộng, nhiều đồng bào dân tộc không nói được tiếng phổ thông nên việc tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ an ninh trật tự gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, trong 16 xã, có những xã nằm rất xa trung tâm huyện, đường vào xa xôi, hiểm trở rất khó đi.

Đại tá Nguyễn Sơn Tuấn, Trưởng Công an huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng trong một lần chỉ đạo công tác.

Đại tá Tuấn cho biết: "Có một vài điểm xã ở xa, vào ngày mưa khi có việc cần vào, anh em phải chống gậy đi bộ 20km. Những lần đó thường phải đi trước một ngày hoặc đi từ khi trời còn tờ mờ sáng để trước khi trời tối còn cuốc bộ ra. Trên đường đi cũng không có hàng quán bán đồ ăn gì. Có những buổi đi tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân phải mang sẵn cơm nắm, đồ ăn đường rồi đi rã hết chân mới vào tới nơi...".

Như đã nói, Thạch An là một huyện nghèo miền núi với 5,5km đường biên, nhiều nơi còn chưa có điện. Xã xa nhất cách trung tâm huyện 100km, chủ yếu là các hộ nghèo và cận nghèo, trình độ dân trí không đồng đều và địa bàn các xã giáp nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Kạn và giáp với biên giới Trung Quốc, chỉ cách 30 phút đường bộ là có thể sang bên kia biên giới.

Cũng vì thế mà trên địa bàn huyện còn một số tồn tại như lượng người nghiện ma tuý vẫn còn, là nơi trung chuyển của một số loại tội phạm như vận chuyển xe máy ăn cắp, buôn bán ma tuý, còn một số điểm nóng về an ninh trật tự, tội phạm buôn lậu xuất hiện nhiều.

Một đối tượng mua bán ma tuý trái phép bị bắt giữ.

Để khắc phục những khó khăn nói trên, CBCS Công an huyện Thạch An đã liên tục có những đợt tập huấn, huấn luyện hàng năm để nâng cao kĩ năng, nghiệp vụ và khả năng giao tiếp cùng bà con dân tộc được tốt hơn. Nhờ đó mà sự gắn kết của những chiến sĩ Công an và người dân được khăng khít, tạo điều kiện phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Điều đó thể hiện bằng việc trong những năm gần đây, các buổi tuyên truyền được người dân rất ủng hộ, tiếp nhận bởi mang lại kiến thức, lợi ích cho họ rất nhiều. Các đội nghiệp vụ đều tham gia tuyên truyền các vấn đề quan trọng như chống nhập cảnh trái phép, truyền đạo trái phép, chống tảo hôn, khai thác rừng trái phép hay gần gũi nhất đó là cập nhật các thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện.

"Việc tuyên truyền của Công an huyện có thể nói là khá thành công. Trước đây do dân trí còn thấp nên bà con nhiều thứ liên quan đến lợi ích bản thân cũng không nắm được. Hay như cả việc Chứng minh nhân dân quá hạn cần đi đổi cũng không biết. Hiệu quả của việc tuyên truyền đó là nhân dân có thể tự bảo vệ mình trước những dụ dỗ phạm tội, đoàn kết để bảo vệ an ninh trật tự.

Gần đây có nhiều xã còn tự tổ chức bắt giữ những kẻ buôn bán ma tuý, đến gạ gẫm người dân mua nhỏ lẻ. Hay có một vụ việc người thân trong gia đình đi báo Công an để bắt ổ đánh bạc mà chồng, con mình đang tham gia. Những điều đó là tín hiệu đáng mừng cho một huyện nghèo như Thạch An".

Đại tá Nguyễn Sơn Tuấn còn cho biết thêm, trước đây do phương pháp tuyên truyền chưa đúng nên hiệu quả mang lại không được cao. Cùng với đó là việc tập quán tập tính của người dân nơi đây không sống tập trung. Họ làm nương làm rẫy nên thường ở cách xa nhau có khi cả một vài quả đồi mới có một hộ. Nhiều lúc mời họp, cán bộ Công an phải chạy từ quả đồi này sang quả đồi kia để thông báo.

Sau khi nhận góp ý và có nhiều cải tiến, giờ đây cán bộ chiến sĩ Công an huyện thực hiện tuyên truyền không theo kiểu lên lớp mà trực tiếp cung cấp thông tin, nói rõ những cái lợi, hại cho bà con tại các buổi họp của dân, của xóm, kết hợp lồng ghép nhiều dẫn chứng vụ việc và phát huy vai trò của người uy tín tại địa phương.

Cùng với đó, thông qua các hội nhóm như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên. Với các hộ dân đặc biệt, cán bộ chiến sĩ sẽ đến tận nhà để giải thích, hướng dẫn. Trong một số trường hợp người dân không biết tiếng phổ thông thì sẽ có một người phụ trách "phiên dịch" đi cùng. Nhờ sự tận tâm ấy mà mối quan hệ của lực lượng Công an và người dân vô cùng khăng khít.

Đại tá Tuấn vẫn còn nhớ, trong một lần đi xuống xã, con đường đất vào trung tâm xã dài hàng chục km, mưa chỉ đi bộ, đi ủng còn thụt cả ủng xuống bùn. Khi đó CBCS chở quà Tết cho bà con, phải thuê chiếc máy cày bánh to chạy vào. Xóm chưa có điện nên mọi người phải đi từ khi rất sớm đề phòng trời tối nhanh.

Mấy ngày sau, người dân trong xã cử hai người đại diện, chở hai bao gạo chạy gần trăm cây số đến biếu CBCS của Công an huyện khiến ai cũng cảm động trước tấm chân tình đó. Nhờ đó, những chiến sĩ càng cố gắng, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình hơn nữa.

Với những sự nỗ lực, thích nghi và cải tiến không ngừng ấy, phong trào toàn dân bảo vệ ANTT tại huyện Thạch An đã phát triển đáng kể. Nhờ đó mà hàng loạt vụ việc đã được xử lý, đem lại bình yên cho nơi đây. Trong năm 2017, với sự hỗ trợ của nhân dân, Công an huyện đã xử lý 19 vụ việc liên quan đến tội phạm ma tuý, 4 vụ triệt phá cây thuốc phiện, điều tra truy tố 12 đối tượng.

Phá một chuyên án, triệt phá đường dây buôn bán xe ăn cắp xuyên quốc gia, truy tố 5 đối tượng liên quan. Ngoài ra, Công an huyện còn truy bắt được nhiều đối tượng phạm tội ở các tỉnh, huyện giáp ranh lẩn trốn đến địa bàn Thạch An. Như bắt hộ Công an Bắc Ninh hai đối tượng giết người, bắt hộ Tuyên Quang một đối tượng truy nã.

Tang vật một vụ án.

Những thành tích nói trên là kết quả của cả một quá trình cố gắng trong công tác của CBCS Công an huyện Thạch An. Thế nhưng, có đến tận nơi mới thấy được, ngoài khó khăn trong công việc, họ còn gặp những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.

Do điều kiện không có nên trong nhiều năm, những người chiến sĩ ấy phải làm việc trong không gian chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn. Gần đây, Công an huyện mới được phân đất để xây dựng trụ sở mới, do không đủ kinh phí nên anh em trong đơn vị tự đóng quỹ để mua đất san lấp vào những chỗ cần thiết.

Nói về những khó khăn này, Đại tá Nguyễn Sơn Tuấn chia sẻ: "Hiện tại Công an huyện còn khoảng 30 chiến sĩ chưa có chỗ ở. Anh em khắc phục bằng cách ở tại phòng làm việc, còn một số phải thuê nhà ở bên ngoài do đơn vị cách xa nhà hoặc nhà ở huyện, tỉnh khác.

Việc ăn ở chúng tôi vẫn cố gắng khắc phục nhưng hiện tại còn một số vấn đề đó là nhà tạm giữ của Công an huyện dù được xây mới nhưng vẫn chưa sử dụng được vì gặp một số vấn đề khó khăn. Trước đây là do chưa có đủ điện nước và bây giờ là do một số bất cập trong thiết kế".

Ngoài ra những vấn đề mà Đại tá Tuấn đã chia sẻ, theo một số chiến sĩ cho biết, do kinh phí hạn hẹp nên anh em đôi khi vẫn phải bỏ tiền để đánh án, cho đến khi phá xong án mới giải quyết vấn đề kinh phí sau.

Hơn nữa, trong một số vụ việc, do không có đầy đủ công cụ hỗ trợ nên cũng gây khó khăn cho công tác trấn áp tội phạm. Công an huyện đã phải tự đặt mua áo chống đâm, áo giáp, găng tay chống dao để tự trang bị, giúp anh em chiến sĩ yên tâm hơn khi đối mặt với tội phạm.

Bằng sự nỗ lực phấn đấu, chỉ riêng trong năm 2017, Công an huyện Thạch An đã nhận được nhiều khen thưởng, ghi nhận của các cấp. Cụ thể là 5 lượt khen thưởng cho tập thể do UBND, Giám đốc Công an tỉnh trao tặng; trên 30 lượt khen thưởng cho cá nhân, trong đó có 9 lượt được nhận khen thưởng từ Bộ Công an.

Với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an huyện Thạch An nhận được 1 lượt khen thưởng cho tập thể đội và 2 lượt cho cá nhân. Ngoài ra còn có 6 lượt khen thưởng cho cá nhân do cụm giáp ranh liên hoàn trao tặng.

Việt An
.
.
.