Phòng ngừa là trên hết

Thứ Hai, 29/08/2016, 09:57
Đã là tội phạm thì dù là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng đều đáng bị lên án và phải xử lý nghiêm minh bởi người phạm tội đã xâm hại tới những khách thể mà nhà nước bảo vệ.

Trong những khách thể đó, quyền sống của con người được đặt lên hàng đầu và nếu kẻ nào dùng mọi thủ đoạn để tước đoạt mạng sống của người khác thì sẽ phải nhận những hình phạt vô cùng nghiêm khắc.

Số liệu thống kê của ngành Công an cho thấy, chục năm trở lại đây, tình hình tội phạm giết người có dấu hiệu gia tăng.

Không chỉ là những vụ án giết người - cướp tài sản, giết người - hiếp dâm, giết người do ghen tuông hay sự thanh trừng của các ổ nhóm tội phạm…, loại tội phạm này giờ đây còn có những diễn biến bất thường khi nguyên nhân được xác định là do mâu thuẫn cá nhân trong sinh hoạt cộng đồng.

Minh họa của Lê Tâm.

Những vụ trọng án này luôn gây tâm lí bất an cho người dân, bức xúc trong dư luận xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giữ gìn an ninh trật tự.

Hai năm qua, có những vụ án rung động xã hội khiến bất cứ ai nghe thấy cũng phải rùng mình bởi nạn nhân không chỉ là một mà là nhiều người như một vụ thảm sát.

Đó là những vụ án xảy ra ở Bình Phước, Yên Bái, Nghệ An… khi nạn nhân là 3-4 người và thật đau xót, trong số đó có cả phụ nữ và trẻ em.

Có thể nói, kẻ giết người đã thực hiện hành vi phạm tội với động cơ đê hèn, thủ đoạn tàn ác, bất chấp pháp luật và mất hết nhân tính.

Nói đến tội phạm giết người trước đây, người ta thường nghĩ tới những đối tượng vào tù ra tội, những tay trùm giang hồ hay những ổ nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen.

Còn giờ đây, kẻ gây ra những vụ án khiến dư luận bàng hoàng có khi chỉ là những người lao động bình thường, không có trong hồ sơ quản lý của Công an địa phương. Chính vì thế, sau khi gây án và bỏ trốn, rõ ràng việc truy bắt các đối tượng này gặp nhiều khó khăn.

Một chi tiết nữa cũng khiến nhiều nhà nghiên cứu pháp luật đau đầu, đó là số người phạm tội là phụ nữ hay người chưa thành niên xảy ra cũng không phải là hiếm. Mặt khác, nhiều vụ án đau lòng khi thủ phạm và nạn nhân từng có quan hệ ruột thịt như ông bà, cha mẹ, con cái, chú bác, con rể, con dâu…

Họ từng sống chung dưới một mái nhà, cùng có trách nhiệm chăm sóc, vun vén tổ ấm của mình. Vậy mà khi xung đột xảy ra, họ đã không thể kiềm chế được hành vi để rồi hậu quả xảy ra và sự dằn vặt, đau khổ còn ám ảnh thủ phạm suốt đời.

Trong 5 năm qua, đã có 1.000 vụ án giết người xảy ra trên địa bàn cả nước. Như vậy, trung bình mỗi năm có 200 vụ và tập trung nhiều ở các thành phố lớn, nơi có mật độ dân cư đông đúc và đời sống kinh tế - xã hội có nhiều phức tạp.

Không chỉ tội phạm trong địa bàn mà cả các đối tượng từ tỉnh ngoài, các đối tượng trốn lệnh truy nã hay người nước ngoài đến thuê nhà gây án hay ẩn náu.

Ngoài ra, những đối tượng này còn câu kết với nhau khiến công tác đấu tranh, phòng ngừa với tội phạm nói chung, tội phạm giết người nói riêng càng phức tạp.

Vậy đâu là giải pháp cần thiết ngăn chặn những vụ án trên, để người dân thật sự an tâm và đặt niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật? Những nội dung này nằm trong Hội thảo khoa học "Giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm giết người hiện nay" do Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội cách đây không lâu. Hội thảo được đánh giá cao và dư luận rất đồng tình.

Rất nhiều giải pháp được đưa ra, song giải pháp toàn diện, cơ bản nhất chính là công tác phòng ngừa từ cấp cơ sở.

Trong đó, hội thảo chỉ rõ việc phòng ngừa là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, địa phương, tội phạm xảy ra ở địa phương nào cần làm rõ trách nhiệm của địa phương đó.

Những bất hòa trong cộng đồng dân cư cũng phải được địa phương giải quyết trong thời gian sớm nhất để kịp thời ngăn chặn những hành vi manh động.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường giữ một vai trò hết sức quan trọng. Không chỉ dạy văn hóa, nhà trường còn là nơi định hướng, rèn giũa nhân cách và nâng cánh ước mơ cho các thế hệ học trò.

Những chủ nhân tương lai này khi có một kiến thức nền tảng và ý thức pháp luật tốt sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng một xã hội công bằng và bình yên.

Tuấn Nguyễn
.
.
.