Phục dựng nghề múa rối từ những phế liệu

Chủ Nhật, 14/05/2017, 05:59
Ông từng tham gia đoàn múa rối nước của địa phương đi biểu diễn khắp nơi, nhưng rồi khi nghề múa rối không còn thịnh hành, nhiều người không trụ được phải bỏ đi làm việc khác, đoàn rối tan rã, ông không đành lòng từ bỏ nghề truyền thống.


Một mình không thể điều khiển cả dàn rối, ông nghĩ ra cách điều khiển bằng điện. Vậy là ngày ngày lão nông ấy tự đạp xe đi khắp hang cùng ngõ hẻm, thu mua phế liệu về tự mày mò sáng chế ra những con rối đặc biệt để phục vụ bà con dân làng và cũng là để thỏa mãn niềm đam mê với nghề múa rối truyền thống.

Lão nông Hồ Văn Thân giờ đây đã nổi tiếng khắp vùng nông thôn của thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Nhiều người tìm đến nhà ông không chỉ được thưởng thức những buổi biểu diễn múa rối độc đáo mà còn để tận mắt chứng kiến tài năng có một không hai của lão nông đam mê nghề múa rối này.

Một trong những dàn rối điện độc đáo ông Thân vừa chế tác.

Nhà ông Thân nằm ẩn sâu giữa làng dưới những tán cây xanh mướt, hòn non bộ được bố trí đẹp mắt và cũng là một trong những không gian biểu diễn rối điện sống động của ông.

Chỉ cần bật công tắc điện là có hoạt cảnh người chèo thuyền qua sông ngay chính tại sân khấu hòn non bộ. Bước vào nhà ông, chúng tôi cảm nhận được cả một không gian nghệ thuật của làng quê trong lành, yên bình đến lạ thường. 

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó của mảnh đất làng Quỳnh (Nghệ An), từ nhỏ khi có dịp được xem những màn múa rối nước điêu luyện vui nhộn của các đoàn múa rối nước trong các dịp hội làng, cậu bé Hồ Văn Thân đã mê mẩn với những câu hò, vở tuồng, điệu lý và những con rối nước tự lúc nào không biết.

Cứ rảnh là ông Thân lại theo chân các nghệ nhân làng đi xem luyện tập múa rối. Bất cứ buổi biểu diễn nào của các nghệ nhân làng, ông đều không từ bỏ. Niềm đam mê ấy cứ lớn dần và thôi thúc cậu bé Thân xin theo học biểu diễn múa rối.

Thế rồi khi nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng, ông Thân đành tạm gác lại ước mơ trở thành nghệ nhân múa rối để tập trung lo cho vợ con, gia đình. Cách đây hơn chục năm, ông mới chính thức được gia nhập vào đoàn múa rối Đồng Quê khi đã ở cái tuổi xế chiều.

Dù chỉ phụ trách những vai diễn nhỏ, nhưng đó là ước mơ, là niềm đam mê cả đời nên khi ấy, ông Thân hạnh phúc, vui sướng và cũng kì vọng nhiều lắm. Càng về sau, tay nghề càng nâng cao, ông Thân bắt đầu được đảm nhận những vai diễn chính.

Ông cùng đoàn múa rối Đồng Quê đi khắp các vùng đất xứ Nghệ để phục vụ bà con dân làng trong những tiếng hò reo, cổ vũ vang dội. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ một thời gian, múa rối không còn được nhiều người ưa chuộng, phần vì tuổi tác của các nghệ nhân trong đoàn cũng khá cao nên đoàn múa rối Đồng Quê cuối cùng cũng tan rã.

Hòn non bộ trước nhà cũng được ông Thân tận dụng những phế liệu cũ và là sân khấu biểu diễn đặc biệt

Ông Thân lại trở về với ruộng vườn, một lão nông chính hiệu. Không còn được đi diễn nữa ông thấy nhớ con rối đến da diết. Nhưng không có người phụ giúp, không có người diễn cùng một mình ông không thể điều khiển cả một dàn nhân vật theo đúng các hoạt cảnh mà mình dàn dựng được.

Trăn trở bao nhiêu đêm, cuối cùng ông quyết tự mày mò tìm hiểu, tự mình chế ra một dàn rối tự động chạy bằng điện để cùng một lúc tất cả các nhân vật đều có thể biểu diễn theo một hoạt cảnh dựng sẵn. Để làm được điều ấy, ông Thân phải mất hàng tháng dày công nghiên cứu kỹ từng nhân vật cho phù hợp.

Và rồi ngày ngày, người dân xã Quỳnh Xuân lại thấy ông lụi cụi đạp xe đi khắp các hang cùng ngõ hẻm thu mua các nguyên vật liệu bằng vải, sơn, gỗ, nhôm... rồi các chi tiết cơ khí như trục chuyển động, bánh răng... về chế tác thành các con rối tự động. Khó khăn nhất là công đoạn từ những con rối đơn lẻ, ghép lại thành từng hoạt cảnh và phải làm sao cho động tác của các con rối ăn khớp với nhau một cách sống động.

Ông Thân chia sẻ, tất cả các nhân vật trên dàn rối đều sử dụng một mô tơ chính, nhưng mỗi nhân vật lại phải có một mô tơ phụ để sử dụng riêng. Làm được một dàn rối với khoảng 8-13 nhân vật rất công phu, mất thời gian nhiều và đòi hỏi người làm rối điện phải kiên trì, tỉ mẩn.

Muốn tạo được những chiếc mô tơ ấy, ông Thân thường tận dụng các mô tơ quạt điện bị hỏng, các loại bánh răng tự chế để tạo nên “động cơ” hoạt động cho cả dàn rối và từng con rối điện. Mới đầu nhiều người thấy ông hay lang thang đạp xe đi tìm mua đồ điện hỏng lại tưởng gia đình khó khăn, phải đi buôn bán phế liệu mưu sinh.

Nhiều người còn bảo ông gàn dở, tự dưng đi tha lôi một đống đồng nát về cất trong nhà. Nhưng ông kệ, cứ tranh thủ những lúc nông nhàn rảnh rỗi, hay những hôm trời mưa gió không đi làm đồng, ông lại lôi các thứ đồ nghề ra làm.

Mỗi ngày dành một ít thời gian, cuối cùng qua bàn tay tài hoa, khéo léo và trí tưởng tượng phong phú của mình, những thứ tưởng như là đồ bỏ đi ấy đã được ông Thân hóa thành những nhân vật có hồn, khiến người xem thích thú. Đó là cô gái Thái, chàng trai người Mông, liền anh, liền chị quan họ đến những nét bình dị, gần gũi chốn quê nhà như ông lái đò, người nông dân đi cày, con trâu...

Sau hơn 1 tháng mày mò chế tạo, 1 dàn rối điện gồm 10 nhân vật tự động nhảy múa theo điệu nhạc mà không cần người điều khiển đầu tiên của ông Thân được xuất xưởng trước sự thán phục của bà con làng trên xóm dưới.

Thấy bà con yêu thích, ông Thân càng hăng say chế tác thêm nhiều dàn rối mới. “Làm rối điện mất thời gian và phức tạp hơn nhiều, nên chỉ những lúc nông nhàn tôi mới có thể làm được. Nhiều khi mải làm còn quên cả việc đồng áng cho vợ con, nhưng được cái gia đình đều hiểu và thông cảm.

Khó nhất là việc làm các nhân vật sao cho giống từng cử chỉ, điệu bộ. Người kéo đàn ánh mắt phải nhìn chăm chú vào cây đàn, đôi tay phải uyển chuyển kéo theo nhịp. Rồi trang phục cho các nhân vật nữa. Mỗi vở, mỗi lớp nhân vật là một loại trang phục khác nhau sao cho đúng với bản sắc văn hóa”, ông Thân vui vẻ tâm sự.

Nói rồi ông đưa chúng tôi xuống kho sản xuất rối điện của mình. Sau hơn chục năm miệt mài, tâm huyết với nghề, ông Thân đã cho ra đời 15 dàn rối điện độc đáo, từ điệu nhạc đặc trưng cho các vùng miền như độc tấu đàn bầu, nhảy sạp, nhạc Tây Nguyên, nhạc then, múa nụ xòe… cho đến những dàn nhạc trẻ, nhạc đám cưới để phục vụ cho khán giả ở các lứa tuổi khác nhau.

Giờ đây dàn rối điện của ông Thân đã nổi tiếng khắp làng trên xóm dưới. Nhà ông không khi nào ngớt tiếng nhạc bởi lúc nào cũng có khách đến chơi để được tận mắt chứng kiến dàn rối có một không hai này. Thế nhưng ông bảo, ông vẫn chưa bằng lòng với việc chế tác khuôn mặt nhân vật, bởi ánh mắt, vẻ mặt vẫn chưa thực sự biểu cảm, toát lên thần thái riêng của nhân vật.

Ông Hồ Văn Thân, nghệ nhân múa rối làng.

Từ khi gắn bó với nghề làm rối điện, ông Thân càng say mê với những điệu chèo, tuồng cổ, dân ca nhiều hơn. Ông thuộc khá nhiều làn điệu và có thể hát bất cứ lúc nào. Với mỗi dàn rối, ông lại thu âm bản nhạc, bài hát… cho phù hợp, lưu vào CD để mỗi lần biểu diễn thì lại bật đài, phát loa phục vụ bà con, du khách.

Không chỉ dành nhiều thời gian và công sức cho những con rối điện, ông Thân còn tự bỏ tiền túi để mua những thiết bị cần thiết cho các chương trình biểu diễn như loa, âm ly, thiết bị ánh sáng. Khi bà con, du khách có nhu cầu xem biểu diễn rối, ông đều nhiệt tình phục vụ hết mình.

Kho chứa đồ và sân biểu diễn tại nhà giờ đây đã dần thu hẹp lại bởi số lượng rối làm ra ngày một nhiều, ông Thân dự định sẽ cải tạo, sửa sang lại khuôn viên của nhà làm nơi sản xuất và biểu diễn rối lớn hơn nữa để phục vụ bà con.

Nhiều người khuyên ông từ bỏ nghề múa rối bởi vất vả, cực nhọc, mà lại chẳng thu lại điều gì; nhưng ông chỉ cười, bởi với ông làm rối chỉ là thỏa mãn niềm đam mê, giống như một thú vui lúc tuổi già chứ không phải để kiếm tiền. Điều ông trăn trở nhất là muốn tìm người để truyền nghề làm rối điện, để phục dựng một nét đẹp văn hóa đang dần dần bị mai một, lãng quên.

Ngọc Mai
.
.
.