Phục thiện từ những buồng chuối

Thứ Hai, 19/10/2015, 10:30
Chỉ vì một phút "cả giận mất khôn" để rồi phải trả giá bằng mức án 18 năm tù vì tội giết người nhưng bằng sự quyết tâm, nghị lực của mình, anh đã biết đứng dậy làm lại cuộc đời sau vấp ngã bằng nghề buôn chuối, có được một gia đình hạnh phúc. Người đàn ông ấy là Nguyễn Văn Thịnh, ở xóm 8, xã Bảo Thành (Yên Thành, Nghệ An).
Chúng tôi tìm đến nhà của Thịnh lúc vợ chồng anh đi vắng, một lúc sau thấy một bà cụ già lưng còng chậm chạp bước ra. "Các cháu tìm Thịnh à, cả vợ chồng nó bữa ni mang chuối ra bán để người ta thắp hương mồng 1 ngày mai rồi. Chắc tầm mười rưỡi nó mới về". Hỏi ra mới biết đó là bà Nguyễn Thị Mầu (80 tuổi), mẹ Thịnh. Ban đầu chưa biết chúng tôi là ai, bà Mầu còn dò xét: "Các cháu là ai rứa? Thịnh lại gây ra chuyện chi nữa à? Từ ngày ra trại tới giờ nó tu chí làm ăn lắm. Trong làng ni nhiều người nỏ được như nó mô".

Ngồi hỏi han một lúc chợt có tiếng xe máy tiến vào. Thịnh đã về. Trước mắt chúng tôi là người đàn ông có dáng người nhỏ thó, nước da sạm đen vì lam lũ vất vả cùng khuôn mặt hiền khô. Nhìn bề ngoài của Thịnh, khó ai tin anh từng là kẻ giết người. Bằng chất giọng trầm, chậm rãi, anh Thịnh bắt đầu chia sẻ câu chuyện của cuộc đời mình.

Nguyễn Văn Thịnh sinh năm 1968, là con thứ 2 trong gia đình công giáo gồm 5 anh em. Thịnh từ nhỏ được biết đến là một đứa bé ngoan ngoãn, chăm chỉ. Lớn lên cũng vậy. Lúc ấy, bố Thịnh là cán bộ xã thường đi sớm về khuya, ít có thời gian cho gia đình. Thấy mẹ lam lũ, vất vả nên học xong lớp 4, lứa tuổi của một đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi, Thịnh đã nghỉ học để ở nhà chăm lo việc nhà giúp việc nhà, trông em.

Nhờ những buồng chuối, cuộc đời của anh Thịnh đã được hồi sinh.

Năm 1992, lúc đang "chén chú chén anh" với bạn, thấy em trai đi chơi về nói bị đám thanh niên đánh bầm tím lưng và sẵn có hơi men trong người, Thịnh cầm ngay con dao chạy ra đường tìm kẻ đánh em mình. Và nhát dao chí mạng ấy đã khiến một người trong nhóm thanh niên tử vong. Rồi Thịnh bị bắt đi trong sự ngỡ ngàng của bà con lối xóm. Ngày đó, TAND Tỉnh Nghệ An tuyên án Thịnh 18 năm tù vì tội giết người.

Ngày vào tù, mọi thứ xung quanh Thịnh dường như sụp đổ. Bố mẹ Thịnh phải bán con trâu là thứ tài sản duy nhất cùng một mảnh đất ở để bồi thường cho gia đình nạn nhân. Kinh tế gia đình Thịnh từ đó cũng kiệt quệ. Trong trại giam, Thịnh phải mất một thời gian dài suốt mấy năm để suy nghĩ về tội lỗi mà mình đã gây ra. Với chàng trai trẻ có tiếng hiền lành, chịu khó thì đó là những tháng ngày cùng cực, khó khăn nhất. Thịnh luôn dằn vặt, hận bản thân mình.

"Khi ấy, tôi mới nhận thức được rõ sai lầm mà mình đã gây ra. Giá như mình đừng bốc đồng thì đâu có kết cục như thế này. Hơn ai hết, tôi hiểu được nỗi khổ tâm của bố mẹ và anh, em mình ở quê phải chịu đựng. Cũng vì vậy, tôi chợt nhận ra, mình không thể suốt ngày sống trong dằn vặt bản thân mình mà phải cải tạo tốt để mong sớm có ngày ra tù, trở về làm lại cuộc đời và bù đắp cho bố mẹ những thiệt thòi do mình đã gây ra".

Thịnh nhớ lại những tháng ngày u tối ấy. Nghĩ vậy, Thịnh luôn cố gắng chấp hành tốt, tuân thủ những quy tắc của trại giam và các giám thị. Anh chăm chỉ lao động, cày bừa, gieo sạ hàng mẫu lúa khiến giám thị trại giam rất hài lòng. Rồi Thịnh được các giám thị, quản giáo tin tưởng, giao cho Thịnh chăn đàn trâu đồng lẻ bên ngoài trại giam. Đây là công việc phải thật sự tin tưởng, giám thị trại giam mới giao cho phạm nhân làm.

Nguyễn Văn Thịnh trải lòng về đời mình.

Khi ấy, đàn trâu to béo, sinh sôi nên Thịnh được ban giám thị trại giam thưởng 2 lần. Ở trại giam, nhờ tích cực cải tạo tốt, Thịnh được giảm án nhiều lần và ngày 2/9/2002, Thịnh được Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá ra tù trước thời hạn gần 7 năm.

Thịnh cho biết, ngày về quê, gia đình anh nghèo xơ xác. Các em của Thịnh đều đã có gia đình và chỉ còn mỗi cô em gái thứ 3 ở vậy với mẹ già từ đó đến giờ. Điều Thịnh day dứt nhất là khi bố mất (năm 1999) vì đang tù tội mà Thịnh không thể về chịu tang. Hay tin Thịnh trở về, bà con họ hàng tới thăm hỏi, động viên. Nhờ sự quan tâm, khích lệ ấy, Thịnh càng có thêm quyết tâm vươn lên để làm lại cuộc đời sau vấp ngã.

Thấy gia cảnh khó khăn nên mới về nhà được 3 ngày, Thịnh liền khăn gói vào Tây Nguyên làm thuê bằng nghề hái cà phê. Mùa cà phê hết, anh quay sang làm phụ hồ, cửu vạn. Công việc tuy vất vả nhưng Thịnh không hề ngần ngại, chỉ mong kiếm được nhiều tiền về sửa sang lại gian nhà cấp 4 đã xập xệ, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. "Khi làm việc gì, tui cũng tâm sự thật về quá khứ của mình chứ không hề né tránh, chắc vì vậy mà họ thương tình, tin tưởng tui hơn. Cứ khi có việc họ lại kêu tui tới làm, nhờ đó mà cũng dành dụm được ít vốn", anh Thịnh nhớ lại.

Năm 2005, nhờ anh em họ mai mối, Thịnh kết hôn với chị Hoàng Thị Lương (SN 1973) cũng là người công giáo ở xã Trung Thành sau hơn một năm tìm hiểu. Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại những tháng ngày chồng mình tới nhà "cưa cẩm", chị Lương không khỏi bật cười: "Người ta đi cưa thì "mồm mép tép nhảy", đằng này anh ấy cứ ngồi im nhưng chắc do cái duyên, cái số nên tôi và anh Thịnh mới quen biết nhau và thành nghĩa vợ chồng. Hơn một năm quen biết, tìm hiểu, anh ấy là người chân thành, không hề tránh né quá khứ và sống rất tình cảm nên bố mẹ tôi đã đồng ý cho chúng tôi đến với nhau".

Mái ấm của anh Thịnh hiện tại (Ảnh Hồ Duy).

Lấy nhau về, gia đình nội ngoại cũng chẳng hề dư dả nên vợ chồng anh Thịnh phải tự vươn lên từ hai bàn tay trắng. Từ khi có vợ, Thịnh thôi chuyện vào Nam làm thuê làm mướn. Sẵn có ít vốn dành dụm được, anh bàn với vợ đi buôn chuối.

Cứ vậy, ngày này qua ngày khác cùng với chiếc Honda cũ kỹ, Thịnh lại lên đường "săn" chuối. Anh cho biết không chỉ riêng đất Yên Thành, Đô Lương mà còn Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông vòng xe máy của anh đã lăn đến. Đi nhiều thành quen, mỗi lúc có chuối người ta lại gọi anh đến tận vườn lấy hàng. Anh thường mua những buồng chuối xanh về ủ chín để vợ ra chợ bán dần. Có ngày, 3 gian nhà cấp 4 cũ của anh chất đầy chuối xanh.

Trung bình mỗi tháng, trừ chi phí, vợ chồng anh cũng thu về 5-6 triệu đồng. Thu nhập tuy không cao nhưng với vợ chồng anh đây là công việc ổn định, kinh doanh chẳng lo bể nợ. "Mua được một xe chuối xanh về ủ chín rồi đem bán có lời được vài trăm nghìn, còn lỗ thì cũng chỉ lỗ công đi lại mà thôi", chỉ tay vào những buồng chuối xanh trong kho, anh Thịnh chia sẻ.

Để cải thiện đời sống gia đình, vợ chồng anh Thịnh còn nuôi hai con bò thịt, gà và làm 6 sào ruộng lúa.  Nhờ chăm chỉ làm ăn, năm 2014, vợ chồng anh Thịnh đã dựng được hai gian nhà cấp 4 khá kiên cố để ở. May sao, hai cậu con trai đứa đầu học lớp 3 và đứa út đang học mẫu giáo đều chăm ngoan, biết nghe lời bố mẹ.

Với sự cần cù, chịu khó, đến nay gia đình Thịnh đã trở thành hộ gia đình làm kinh tế giỏi của xóm. Tháng 7/2014, Nguyễn Văn Thịnh vinh dự được đại diện cho xã Bảo Thành đi dự Hội nghị những tấm gương điển hình tái hòa nhập cộng đồng huyện Yên Thành. Nói về Nguyễn Văn Thịnh, ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Bảo Thành cho biết: "Từ ngày trở về quê hương, dù gia đình khó khăn nhưng anh Nguyễn Văn Thịnh đã biết vượt lên mặc cảm, chăm chỉ làm ăn để làm lại cuộc đời. Anh Nguyễn Văn Thịnh luôn là một công dân gương mẫu, tích cực tham gia mọi hoạt động của làng xã và là một cá nhân tiêu biểu thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng, xứng đáng là tấm gương sáng cho những người có quá khứ lầm lỗi noi theo".

Từ giã gia đình anh Thịnh lúc trời đã xế trưa, chúng tôi vẫn còn nhớ rất rõ  lời anh Thịnh chia sẻ: "Tôi đã phạm phải một sai lầm và phải trả giá bằng cả tuổi thanh xuân của mình ở trong trại giam. Từ ngày về quê, bản thân tôi đi lên từ hai bàn tay trắng. Nhiều lúc tôi nghĩ hoàn cảnh của mình đã từng lầm lỗi vậy mà không chịu khó nỗ lực, cố gắng thì không bao giờ có thể ngóc đầu lên được. Cũng may nhờ những buồng chuối, tôi mới có được ngày hôm nay".

Từ câu chuyện cuộc đời của cá nhân Nguyễn Văn Thịnh, người viết bài thiết nghĩ: Bất cứ ai trong đời cũng có lúc phạm phải sai lầm nhưng điều quan trọng là biết ăn năn, hối cải, biết vượt qua và đứng dậy sau vấp ngã thì con đường phía trước sẽ luôn rộng mở chào đón.

Thạch Văn
.
.
.