"Phường săn" đồ cổ và những chiêu lừa…

Thứ Hai, 28/10/2019, 13:59
Những tay buôn đồ giả cổ vô cùng ma mãnh, họ có thể làm cho lạc tinh (màu thời gian) bằng nhiều cách như phun cát, chà xát bằng giấy nhám hoặc ngâm đồ trong axít nhằm tạo ra một bề mặt mờ, đục. Sau đó chỉ cần thêm vài công đoạn xử lý như: Chà xát, bôi trét chất bẩn vào là nhìn giống như đã lạc tinh qua hàng thế kỷ.


1. Ông Lý Cẩn Minh (54 tuổi, Quốc tịch Singapore) là người rất yêu cổ vật. Ông thường xuyên sang Việt Nam du lịch vì có nhiều bạn cùng chơi đồ cổ. Tháng 5 - 2019, trong cuộc "trà dư tửu hậu", một người bạn trong nhóm đã mách với ông Minh ở Bến Tre có gia đình ông Bảy Đại vừa múc ao phát hiện ra 3 món đồ cổ vô cùng giá trị. 

Sau câu chuyện ấy, ông Minh đề nghị ngày hôm sau đi Bến Tre. Ông bà chủ xởi lởi, hào hứng lấy ra cho ông Minh chiêm ngưỡng 3 món đồ quý gồm: lư đồng, chén sứ và một con cóc bằng đồng. Các món đồ đều mang màu thời gian bàng bạc, cũ kỹ, sứt mẻ và hoen gỉ. 

Ông Bảy cho biết, đây là những món đồ đã nằm sâu dưới lòng đất hàng trăm năm, được ấp ủ qua hàng ngàn lớp phù sa của vùng châu thổ. Đặc biệt, mảnh đất này do chính ông cố của gia tộc để lại, trải qua 3 đời con cháu sinh sống. Ông Bảy Đại bảo rằng, 3 báu vật kia đã thấm máu và linh hồn của thổ công thần thánh vùng đất này. Chỉ có như thế thì mới tồn tại hàng trăm năm không hề hấn gì. 

Lời rao giải của chủ nhân khiến ông Minh đắm đuối, ông cứ ngơ ngẩn nghe rồi lại thẫn thờ ngắm cổ vật. Ông Minh bày tỏ mong muốn được "thỉnh" mấy món đồ này. Ban đầu, chủ nhà chối đây đẩy, nói không phải vì tiền mà bán đi linh vật của tổ tiên. Kỳ kèo, đưa đẩy mãi cuối cùng ông Minh cũng mua được ba món đồ cổ với giá "xuyên biên giới".

Một góc đồ cổ trong gian bếp của một thợ đào ao.

Ôm "báu vật" quý giá trở về, ông Minh vui mừng, phấn khởi gặp ai cũng khoe. Trước ngày trở về nước, ông Minh sửng sốt khi một người bạn làm trong ngành khảo cổ học ở TP HCM khẳng định "đồ cổ giả" sau khi đã tận mắt xem, tận tay sờ. 

Ông bạn phân tích: "Tại vị trí lằn tiếp giáp giữa đáy và thân của chiếc lư hương có sự thay đổi màu sắc, đáy và thân không cùng màu. Nếu là cổ vật thật, sẽ có nhiều vết trầy xước, có thể mất đi vài nét hoa văn trang trí trên thân nhưng chiếc cổ vật này khi lau chùi thật kỹ vẫn còn nguyên hình trang trí, màu sơn mới lộ ra". Ông Minh quá bất ngờ, tại sao có sự việc như vậy? Chẳng lẽ ông bị lừa? 

Ông Minh mang cổ vật quay trở lại Bến Tre để đòi tiền nhưng không được đồng ý. Khi nói đồ giả thì vợ chồng ông Bảy Đại cũng bất ngờ, không tin. Lúc này, ông Bảy mới tiết lộ sự thật. Vào ngày làm cuối cùng của nhóm thợ múc ao, họ thông báo cho ông Bảy Đại biết tìm thấy mấy món đồ cổ như vậy. Vì là đồ trong ao nhà ông nên họ chỉ dám xin một ít "lộc lá" để bàn giao lại. 

Họ nói chẳng khác nào các chuyên gia khai quật cổ vật, rằng đây là lộc trời, đến hồi "phát" mới xuất hiện. Rằng, gia đình ông Bảy có phước khi sở hữu món đồ vô giá này, gặp quý nhân thì đổi đời, có thể bán với giá chục tỷ. Nghe sướng quá, ông Bảy Đại mơ màng đến một ngày không xa, chiếc áo "đại gia" sẽ được khoác trên mình. Như sợ mất của, ông Bảy đồng ý chung chi cho anh em múc ao 30 triệu đồng để đổi lấy sự thỏa thuận trao trả món đồ.

Ông chùi rửa thật kỹ, cất vào trong tủ và đánh tiếng xa gần với mọi người. Không ngờ một ngày đến tai ông Lý Cẩn Minh và sự việc trớ trêu xảy đến. Thật ra, ông Bảy Đại cũng không hề biết đó là đồ giả và hoàn toàn là vở kịch hoàn hảo của cánh thợ đào ao. Ông Bảy cho biết, tiền bán đồ cổ đã đâu vào đấy rồi, giờ không có để trả. Hơn nữa, thuận mua thì vừa bán, ông đâu có lừa ai. Ông Minh đuối lý đành ngậm ngùi ôm "đồ cổ" trở về.  

Anh Đinh Công Tường, người sở hữu trên 10 ngàn món đồ cổ đạt kỷ lục châu Á.

Anh Đinh Công Tường được mệnh danh là "ông vua" đồ cổ ở TP HCM khi sở hữu trên 10 ngàn cổ vật các loại. Trên hành trình gần 30 năm sưu tầm cổ vật, không ít lần anh Tường bị lừa "trắng mắt". 

Qua thời gian cùng kinh nghiệm xương máu với đồ cổ, đến nay thì chẳng ai có thể lừa gạt được "ông vua" này. Anh Tường phân tích, với đồ cổ, chất men càng lạc tinh càng làm tăng niềm tin cho người mua, là món đồ đó đã rất lâu đời, được người xưa sử dụng, chùi rửa nhiều lần đến men cũng bị mòn. Nhất là đồ biển và đồ đào cũng cần phải lạc tinh vì bị nước biển và đất cát ăn mòn ngoài men.

Những tay làm đồ giả cổ vô cùng ma mãnh, họ có thể làm cho lạc tinh bằng nhiều cách như phun cát, chà xát bằng giấy nhám hoặc ngâm đồ cổ trong axít nhằm tạo ra một bề mặt mờ, đục. Sau đó chỉ cần thêm vài công đoạn xử lý như: Chà xát, bôi trét chất bẩn vào là nhìn giống như đã lạc tinh qua hàng thế kỷ. 

Phải thật sự tinh anh, hiểu biết sâu rộng, tường tận, có kinh nghiệm thực tế thì mới nhận ra đồ cổ thật và giả. Anh Đinh Công Tường mách, nếu cổ vật tự nhiên sẽ không bị ăn mòn phía bầu lọ (mặt trong) và khu đáy. Chúng ta cũng có thể nhận biết đồ đã ngâm qua axít bằng cách ngửi bởi vì mùi axit rất nồng, dễ phát hiện. 

Khi mà tay nghề của người chơi ngày càng lên, thì tay nghề của phường làm đồ giả cổ càng phải đi trước một bước. Người chơi rỉ tai nhau: Đồ cổ là phải có bọt khí. Thế là đồ giả cổ cũng có bọt khí ngay. Tuy nhiên, bọt khí của đồ giả người chơi có thể phân biệt được qua kính lúp. 

Anh Đinh Công Tường cho biết, với phương pháp sản xuất thủ công xa xưa, cổ vật thường có bọt khí kích thước không đều nhau. Nếu bọt khí vắng mặt hoặc tất cả đều đồng nhất và nhỏ, điều này có thể là một dấu hiệu của phương pháp sản xuất hiện đại - đốt bằng lò gas, lò điện.

Một thợ chuyên múc ao, đào giếng khoe đã phát hiện được nhiều cổ vật dưới lòng đất.

2. Trong vai người đi tìm mua cổ vật, chúng tôi được giới thiệu gặp L.Đ.T (35 tuổi, ngụ Q.3, TP HCM). Gặp ai, T. cũng oang oang nói về cổ vật, phân tích, đánh giá, biện hộ chuyên nghiệp như một diễn giả cổ vật. 

T. dẫn chúng tôi vào quán cà phê nhỏ của anh ta tọa lạc tại Q.1 (TP HCM) nơi trưng bày vài trăm mẫu cổ vật như bình gốm, tượng sứ, chum vại, lư đồng, đao, kiếm... T. giới thiệu từng loại một, nào là bình gốm thời Khang Hy, lư đồng nhà Đường, kiếm cổ đời Thanh... 

Nói chung mọi thứ đều là cổ, giá trị cao và tất cả đều có thể bán cho những ai yêu thích. Hỏi về bình gốm thời Khang Hy có họa tiết hai chú chim đậu trên cành mai, T. ca ngợi một tràng thật dài rồi mới hét giá... 50 triệu. Đây là giá trung bình, vì thấy khách "có tâm" lại rất cầu thị. 

Quay sang chiếc lư đồng, T. cho biết đây là cổ vật của triều đại Tuyên Đức niên chế, là hiện vật giá trị, bởi ở thời này nghề đúc đồng đạt trình độ tuyệt kỹ, hưng thịnh, với hai dòng tiêu biểu là lò hương ba chân, quai duyên, không nắp, dùng cắm nhang phục vụ thờ tự và loại có nắp là đỉnh trầm, dùng xông trầm.

Kiến thức của T. đúng là sâu rộng, am hiểu, thuộc làu như trong sách vở. Với cái lư đồng này, nếu gặp người thích, đúng gu thẩm mỹ thì T. sẽ "chém" tới 100 triệu, còn bán cho kẻ ngoại đạo hoặc phường buôn thì còn một nửa. Chưa hết, T. còn kể ngọn nguồn về sự xuất hiện của chiếc lư đồng này nhằm tăng phần huyền bí. Đó là một ngày đông giá rét, tại một vườn rẫy cà phê ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), một người đào giếng đã phát hiện ra nó ở độ sâu 70 mét. 

Khi phát hiện, người ta tưởng cục sắt bình thường nên lấy xà beng đập thử, không ngờ càng đập càng lộ sáng và cuối cùng là hình hài chiếc lư đồng có một không hai. Những lời kể nhuốm màu huyễn hoặc của T. thật sự lôi cuốn bất cứ nhà sưu tầm cổ vật nào. Và nghiễm nhiên, trong phường săn đồ cổ, T. đã "đánh bại" rất nhiều "con nai" đồ cổ, thu về món hời cực lớn.    

Chơi đồ cổ, yêu thôi chưa đủ. Cái quan trọng là phải hiểu hết được giá trị thực của nó. Cũng vì lợi nhuận quá lớn mà bạn bè lừa lọc nhau, sẵn sàng rũ bỏ tình bạn vì lợi ích vật chất. Theo nhà nghiên cứu khảo cổ học Lê Tuấn Khanh, thì cổ vật, bên cạnh giá trị thời gian của nó trước tiên phải là vẻ đẹp. Cái đẹp hiện trên họa tiết hoa văn, từng đường chạm trổ, điêu khắc tinh xảo của các nghệ nhân cổ xưa, nó thể hiện văn hóa lịch sử, mang hồn cốt của cả một cộng đồng.

 Sau nữa là giá trị lâu bền ở chất liệu, càng mài càng sáng, càng rửa càng trong. Ngày nay, 10 người chơi cổ vật thì chỉ có khoảng 3 người am tường về nó, số đông còn lại do lắm tiền, nhiều của, thừa thời gian muốn có một thú chơi nào đó thể hiện đẳng cấp. Và dĩ nhiên, họ bị lừa là điều không thể tránh khỏi.

Ngọc Thiện
.
.
.