"Phượt" biến tướng và nỗi ám ảnh từ "phượt thủ"

Thứ Hai, 10/12/2018, 08:19
Tự ý chặn đường để di chuyển qua ngã tư; thách đố nhau vượt qua những cung đường nguy hiểm trong thời gian ngắn nhất; xả rác, mạo hiểm hay phá nát cảnh quan thiên nhiên chỉ để có những bức hình "tự sướng" đẹp…, những "phượt thủ" biến tướng đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người.


Chỉ cần gõ Google như "phượt thủ xả rác", "phượt thủ phá hoại khu du lịch", "phượt thủ ăn nho trên giàn", hay "phượt thủ biến tướng"... cho hàng loạt những bức hình xấu xí về những bạn trẻ mang danh nghĩa "phượt thủ".

Nếu như trước đây, "phượt" mang ý nghĩa tốt đẹp là để khám phá những vùng đất mới, ghi lại những khung hình đẹp, thể hiện đam mê được đi đó đây, thể hiện bản lĩnh, cái tôi cá nhân của các bạn trẻ thì giờ đây, phong trào này bắt đầu có những biến tướng.

Những cụm từ mới như "tour điên", "phượt bạo lực" cũng xuất hiện thường xuyên trên các diễn đàn, hội nhóm phượt thủ. Mục đích để chụp ảnh khoe mẽ, phượt theo trào lưu… thậm chí phượt để kiếm người yêu, để "khám phá nhau".

Chặn xe xin đường của một đoàn “phượt thủ” ở Nam Định (ảnh clip).

Cộng đồng mạng không ít lần sôi sục với những hình ảnh xấu xí mà những phượt thủ mang lại. Gần đây nhất là sự việc đoàn phượt nối đuôi nhau chạy trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vào ngày 18-11 hay đoàn phượt ngang nhiên chặn xe xin đường hơn 10 phút tại TP Nam Định vào trưa ngày 11-11 gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Theo clip đăng tải, một số thanh niên đã dừng xe, bắt người dân đứng chờ ở ngã tư Lê Hồng Phong - Hùng Vương (Vị Xuyên, TP Nam Định) để đoàn phượt thủ điều khiển xe máy đi qua. Thậm chí trong lúc di chuyển qua ngã tư, các phượt thủ còn bấm còi đồng loạt, đi tốc độ cao và vượt qua đèn đỏ, bất chấp sự bức xúc của người tham gia giao thông trên tuyến đường này.

Dù một số thành viên trong nhóm phượt đã lên tiếng phân trần rằng: "Đoàn xe di chuyển tới TP Nam Định vào ngày 11-11-2018. Nhóm có buổi off lớn tại khu du lịch Núi Ngăm, huyện Vụ Bản, Nam Định. Số lượng xe hôm đó lên tới gần 400 xe. Do ngã tư đông người nên nhóm cử 5 người xuống chặn ngang xe ở ngã tư và để phân luồng cho đoàn xe đi qua tránh xảy ra tai nạn giao thông".

Thế nhưng dù lý do nào đi chăng nữa thì đoàn "phượt thủ" cũng không thể tự cho mình quyền được chặn đường cho đoàn xe của mình đi qua, nhất là ở thời điểm tan tầm, xung quanh có nhiều trường học, gây ách tắc giao thông và gây phản cảm với người đi đường.

Ngày 23-11, một đoàn môtô phân khối lớn từ hướng TP Hồ Chí Minh ngang nhiên đi vào đường cao tốc Liên Khương - đèo Prenn với tốc độ 160 km/h. Nhận tin báo, Cảnh sát giao thông Lâm Đồng và Công an huyện Đức Trọng chốt chặn tại trạm thu phí Định An ra hiệu dừng xe. Nhưng đoàn môtô bất chấp hiệu lệnh vượt qua điểm chốt chặn.

Anh Nguyễn Khánh Quỳnh trong một chuyến đi phượt để làm từ thiện.

Cảnh sát không tiếp tục truy đuổi mà đón ở điểm cuối đường cao tốc qua huyện Đức Trọng, ghi nhận hình ảnh, biển số xe để xử phạt. Theo tổ công tác, các xe vi phạm đều chạy vượt tốc độ quy định khoảng 50km/h, rất ít xe quá tốc độ dưới mức 20km/h.

Đầu tháng 11, cư dân mạng sục sôi vì một lời thách đố vượt cung đường phượt hiểm nguy TP Hồ Chí Minh - Đà Lạt trong thời gian ngắn, và người nhận cá cược là một phượt thủ nữ. Theo đó, phượt thủ nữ này phải phải hoàn thành chặng đường từ Đà Lạt về TP Hồ Chí Minh trong thời gian 4h 30 phút thì sẽ nhận được 10 triệu đồng tiền thắng cược.

Với thời gian 4 giờ 15 phút, nữ phượt thủ này đã thắng cược, "chiến tích" được khoe lên mạng xã hội nhưng nhận khá nhiều ý kiến trái chiều. Đa số ý kiến đều cho rằng hành vi cá cược và đua trên mạng sống của nữ phượt thủ gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng.

Vài ngày sau đó, một nhóm người sử dụng xe phân khối lớn cũng thực hiện thử thách tương tự nhưng với thời gian đáng kinh ngạc: 2 giờ 16 phút. Quãng đường hơn 310km, trung bình mỗi giờ chạy khoảng 150km, chưa kể điều kiện giao thông, thời gian nạp nhiên liệu và nghỉ ngơi.

Theo một thành viên trong đoàn, tốc độ di chuyển của đoàn có lúc lên đến hơn 200km/h. Tuy không biết mục đích bên trong của cuộc thách đố này là gì nhưng với tốc độ cực nhanh như vậy, nó thực sự là mối nguy hiểm không chỉ với phượt thủ mà còn nguy hiểm cho chính những người tham gia giao thông khác.

Đó chỉ là một trong số nhiều hoạt động ''chướng tai gai mắt'' của những thanh niên mang danh "phượt thủ". Còn nhớ vài năm trước, cộng đồng mạng sục sôi chuyện một phượt thủ Vĩnh Phúc được cho là dụ dỗ hàng loạt cô gái trẻ trên đường du lịch bụi.

Trên trang cá nhân, phượt thủ này đăng rất nhiều ảnh chụp chung với các cô gái, kèm theo đó là những lời chia sẻ mùi mẫn, thậm chí có cả ảnh giường chiếu. Câu chuyện những "phượt thủ" nữ dễ dãi trao thân trên những cung đường phượt đã không còn xa lạ.

Cách đây vài năm, những tai nạn đến mất mạng trong các chuyến đi của dân phượt có thể nói rất hiếm. Nhưng chỉ trong vài năm trở lại đây, những vụ tai nạn cứ liên tiếp xảy ra, để lại nhiều nuối tiếc, ân hận cho người thân, bè bạn. Nguyên nhân một phần có thể do sự kết nối trên mạng xã hội phát triển quá mạnh.

Các bạn trẻ có cùng đam mê tìm đến nhau bằng những hình thức quá dễ dàng và nhanh chóng tổ chức chuyến đi đầy ngẫu hứng. Tuổi trẻ nông nổi, thiếu kinh nghiệm lại đặt trong những mối quan hệ xa lạ sẽ dễ bị kích động, ảnh hưởng bởi hiệu ứng đám đông nên những điều không mong muốn ập đến là khó tránh khỏi.

Với mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, hàng trăm nhóm phượt đã được thành lập với rất nhiều leader (trưởng đoàn hay người dẫn đường) còn thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức các chuyến đi, hoặc tổ chức những chuyến đi để trục lợi cho bản thân.

Một số trưởng đoàn không có ý thức trang bị cơ sở vật chất đầy đủ cho các thành viên trong đoàn khi tham gia những chuyến đi nguy hiểm. Thậm chí nhiều trưởng đoàn lập lờ chuyện tiền bạc và không thể giải trình rõ ràng, thấu đáo mọi thắc mắc của các thành viên trong đoàn về những khoản thu chi của chuyến đi.

Theo anh Nguyễn Khánh Quỳnh, thành viên câu lạc bộ Minsk Thái Nguyên thì những sự việc không hay của một số đoàn phượt trong thời gian gần đây là điều đáng buồn và đáng lo ngại. Tham gia câu lạc bộ Minsk khá lâu, không bao giờ tự nhận mình là "dân phượt", nhưng anh và các thành viên trong nhóm vượt hầu hết các cung đường nguy hiểm của vùng cao miền Bắc.

Với các anh, phượt là để trải nghiệm, để đi đến tận cùng những vùng sâu vùng xa, khám phá cảnh quan con người Việt Nam và để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những vùng đất nghèo nàn của đất nước mình.

Mỗi chuyến đi của các anh đều được tổ chức quy củ, chấp hành nghiêm kỉ luật trong nhóm, luật lệ giao thông để đảm bảo an toàn cho chính bản thân các thành viên và người đi đường. Hành trang mang theo đơn giản nhưng lúc nào cũng ngập đồ viện trợ, tiếp tế cho bà con, trẻ em vùng cao, nơi mà các anh đi qua.

Vụ cá cược vượt cung đường Đà Lạt - Hồ Chí Minh của một nữ “phượt thủ” (ảnh FBNV).

"Văn hóa đi phượt không phải là điều xấu, thậm chí nó là một nét chơi lành mạnh và đáng được phổ biến. Những hành vi thiếu ý thức của một số cá nhân, hội nhóm phần nào làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng chơi xe nói chung và cộng đồng đam mê phượt hai bánh tại Việt Nam, dần biến khái niệm "văn hóa" thành "thú chơi", khiến những người tham gia giao thông ngao ngán.

Không ai phản đối sở thích đam mê phượt, sử dụng xe phân khối lớn để di chuyển của các bạn trẻ. Thậm chí nhiều người cho rằng đó là cá tính riêng của từng người.

Nhưng nhiều bạn trẻ chơi xe thiếu kiềm chế khi điều khiển môtô phân khối lớn. Những hành vi gây náo loạn, mất trật tự khi tham gia giao thông của một số anh em biker càng khiến người dân ác cảm hơn với xe phân khối lớn, với những phượt thủ", anh Quỳnh chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều bạn trẻ luôn nêu cao quan điểm "xách balo lên và đi" mà không hề chuẩn bị cho mình bất cứ một kỹ năng sinh tồn nào. Họ đi chỉ để thể hiện, và mục đích lớn nhất là chụp vài tấm ảnh, đăng trên Facebook cho bằng bạn bằng bè. Cứ như thế, phượt bị biến tướng, trở nên xấu xí, nỗi ám ảnh với nhiều người.

Mai Ngọc
.
.
.