Qatar Quốc gia nhỏ, nguồn lực lớn

Thứ Ba, 27/06/2017, 09:53
Với diện tích 12.000km2, Qatar, tên chính thức là Nhà nước Qatar, là một quốc gia có chủ quyền tại Tây Á, nằm trên bán đảo nhỏ Qatar thuộc duyên hải đông bắc của Bán đảo Arab. Vào đầu năm 2017, tổng dân số Qatar là 2,6 triệu, trong đó 313.000 người là công dân Qatar (12%) và 2,3 triệu người là ngoại kiều. Thủ đô của Qatar là Doha có khoảng 400.000 cư dân.


Đầu tháng 6 vừa qua, một số quốc gia do Saudi Arabia dẫn đầu đã cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Qatar. Các quốc gia khác cắt đứt mối quan hệ bao gồm: Bahrain, Ai Cập, Yemen, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Libya và Maldives. 

Họ không chỉ đình chỉ quan hệ ngoại giao với Qatar mà còn dừng tất cả các tuyến giao thông bằng đường bộ, đường biển và hàng không. Các quốc gia này, ngoại trừ Ai Cập, quốc gia có 250.000 người làm việc ở đó, ra lệnh công dân mình rời khỏi Qatar. Jordan cũng giảm quan hệ với Qatar. 

Cuộc khủng hoảng này được đánh giá là sẽ ảnh hưởng dài hạn tới nền kinh tế Qatar. Tuy nhiên, quốc gia này khẳng định có đủ nguồn lực để tiếp tục trong thời gian tới.

Quốc gia nhỏ, nguồn lực lớn

Từ năm 1935, các mỏ dầu ở Qatar được bắt đầu đưa vào khai thác và các đường ống dẫn dầu đầu tiên được xây dựng vào năm 1955. Chỉ 6 năm sau, năm 1961, Qatar chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) vào năm 1961. 

Trữ lượng dầu mỏ của Qatar được ước tính vào khoảng 2.700 triệu tấn (chiếm 1,5% trữ lượng dầu mỏ của toàn thế giới). Vào cùng thời điểm, Qatar là nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất và là đứng thứ 3 trên thế giới về khí sau Iran và Nga. Các chuyên gia ước tính Qatar sở hữu khoảng 24,5m3 khí. 

Theo số liệu của Hiệp hội Khí thế giới (IGU), năm 2016, Qatar xuất khẩu gần 77,2 triệu tấn khí hóa lỏng, trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ ba về mặt hàng này cho thị trường quốc tế. 

Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Qatar là 264.600 triệu USD vào năm 2015. GDP bình quân đầu người là cáo nhất trong khu vực Trung Đông: 73.653 USD, theo số liệu của OPEC (cao hơn nhiều so với Riyadh). 

Tuy nhiên, Qatar lại chỉ xếp hạng 83 trong báo cáo Môi trường kinh doanh của WB, trong khi Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đứng thứ 26, Bahrain thứ 63 và Oman thứ 66. Xuất khẩu hydrocarbon đóng góp khoảng 37% tổng kim ngạch xuất khẩu (77.300 triệu USD) của Qatar. 

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngoại giao nêu trên, các nhà nhập khẩu hydrocarbon của Qatar ở châu Âu bày tỏ không muốn tình hình khu vực bị xấu đi và đã kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng này nhanh nhất có thể.

Không như những gì truyền thông đang đồn thổi, Quỹ Chủ quyền Qatar (Qatar Investment Authority - QIA) không tài trợ khủng bố, mà là đầu tư vốn vào một số dự án năng lượng và hậu cần quan trọng nhất trên thế giới. 

Vào cuối năm 2016, Tập đoàn khai thác mỏ Glencore (Anh - Thụy Sĩ), thông qua QIA đã đạt thỏa thuận mua lại 19,5% cổ phần của Tập đoàn dầu mỏ lớn nhất Nga Rosneft, trị giá 10,5 tỷ euro (11,3 tỷ USD). Cùng thời điểm, theo tính toán của Viện Trung Đông, giá trị số tài sản mà QIA sở hữu ở Nga rơi vào khoảng 2.500 triệu USD.

Dự kiến đến tháng 12-2022, Qatar sẽ trở thành nước chủ nhà của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh - World Cup 2022. Để chuẩn bị cho sự kiện này, Qatar đã chi tới 200 tỉ USD. 

Theo Hãng kiểm toán Deloitte, con số chi tiêu trên của nước chủ nhà Qatar là dùng để xây dựng nhiều hạng mục gồm các cơ sở hạ tầng, sân vận động phục vụ cho vòng chung kết World Cup 2022 và một kế hoạch đầy tham vọng cho phát triển du lịch trong tương lai. Đây là số tiền chi tiêu kỷ lục nhất trong lịch sử của các nước chủ nhà đăng cai World Cup lẫn các Thế vận hội từ trước đến nay. 

Brazil “chỉ” chi cho World Cup 2014 14 tỉ USD, nhưng đã bị người dân nước này phản đối dữ dội với các cuộc biểu tình xảy ra vừa rồi tại giải Confederations Cup. Nga, chủ nhà World Cup 2018, chi khoảng gần 19,2 tỉ USD, hoặc như nước Anh vừa tổ chức thành công Thế vận hội 2012 có tổng chi phí chừng 40 tỉ USD.

Căn cứ không quân Al Udeid

Thật là thiếu sót khi nhắc tới Qatar mà không đề cập gì tới căn cứ không quân này. Nằm cách thủ đô Doha 30km, Al Udeid là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông và có ý nghĩ đặc biệt quan trọng với các chiến dịch mà Lầu Năm Góc triển khai trong khu vực.

Theo số liệu do Không đoàn viễn chinh 379 - lực lượng lớn và đa dạng nhất của quân đội Mỹ - cung cấp, cứ mỗi 10 phút sẽ có một máy bay cất và hạ cánh ở Al Udeid, liên tục 24/7.

Căn cứ không quân Al Udeid.

Ngoài 120 máy bay, trong đó có cả máy bay ném bom B52 Stratofortress, hồi tháng 4-2016, Mỹ đã triển khai khoảng 10.000 binh sĩ tới căn cứ Al Udeid, với lý do phục vụ cho cuộc chiến chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). 

Cũng trong năm ngoái, Al Udeid được sử dụng để xuất kích các máy bay ném bom B52 tấn công những mục tiêu IS ở Iraq và Syria. Vào thời kỳ đầu chiến dịch quân sự của Mỹ ở Afghanistan, các tiêm kích F16 và máy bay do thám E8C Joint Stars cũng được đưa đến trú đóng ở đây cùng hàng loạt máy bay tiếp nhiên liệu.

Theo một báo cáo từ Quốc hội Mỹ năm 2014, Qatar đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng căn cứ không quân Al Udeid vào thập niên 1990 dù lực lượng không quân nước này thời điểm đó vẫn rất nhỏ bé. Song bước đi quyết định ấy đã giúp Qatar dễ dàng đào sâu mối quan hệ hợp tác với các lực lượng Mỹ.

Công ty đại chúng

Qatar sở hữu Tập đoàn truyền thông Al Jazeera (nghĩa là “Hòn đảo”, viết tắt của “Bán đảo Arab”) - được đánh giá là đế chế truyền thông có khả năng định hướng dư luận khu vực. Al Jazeera và Qatar gắn chặt với nhau kể từ khi tập đoàn này thành lập năm 1996, được Vua Hamad bin Khalifa Al Thani hậu thuẫn tài chính. Từ đó tới nay, phần lớn nguồn tài trợ cho tập đoàn đến từ Chính phủ Qatar. Chủ tịch tập đoàn là thành viên của Hoàng gia Al Thani. 

Kênh Al Jazeera là một trong những kênh Arab phủ sóng rộng nhất trên thế giới, với các ngôn ngữ chính là tiếng Arab, tiếng Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Từ khi thành lập, Al Jazeera chỉ tập trung vào mảng tin tức và sản xuất các chương trình TV vệ tinh bằng tiếng Arab. Nhưng Al Jazeera đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác như Internet và đặc biệt là các kênh TV vệ tinh bằng nhiều ngôn ngữ. 

Theo các số liệu được công bố, Al Jazeera thu hút khoảng 310 triệu người xem ở 100 quốc gia. Tổng cộng có 70 văn phòng tại tất cả các khu vực trên thế giới tính tới trước ngày 5-6 khi giới chức Saudi Arabia ra lệnh đóng cửa một trong những văn phòng lớn nhất của Al Jazeera tại Riyadh.

Bên cạnh đó, Qatar còn sở hữu 3 “công ty đại chúng” lớn gồm Ngân hàng Quốc gia Qatar – ngân hàng lớn nhất Trung Đông (sở hữu 11.700 triệu USD), Ooredoo telecom (sở hữu 8.930 triệu USD) và Ngân hàng Thương mại Qatar (sở hữu 1.700 triệu USD).

Hàng không

Hãng hàng không quốc gia Qatar Airways.

Là hãng hàng không quốc gia, Qatar Airways đặt trụ sở chính tại Sân bay quốc tế Doha (DOH), thủ đô Doha. Đây là một trong những hãng hàng không tăng trưởng nhanh nhất và là một trong 5 hãng hàng không được nhận danh hiệu Hãng hàng không 5 sao do Skytrax bầu chọn (cùng với các hãng Asiana Airlines, Cathay Pacific, Malaysia Airlines và Singapore Airlines). Qatar Airways sở hữu hơn 100 máy bay và liên kết hơn 125 điểm đến quốc tế.

Hoàng Hà
.
.
.