"Câm" sau khi bị hành hung

Thứ Ba, 14/04/2015, 13:00
Mới đây trên một vài phương tiện truyền thông đưa tin một học sinh lớp 11, Trường PTTH Tử Đà, Phù Ninh, Phú Thọ, do bị 4 bạn cùng lớp đánh từ 6 tháng trước, đến nay cháu không nói được, phải giao tiếp qua ám hiệu hoặc viết. Đây có phải là trường hợp cá biệt không? Việc xác định thương tật cũng như điều trị cho bệnh nhân có khó khăn gì? Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết của tác giả Cao Sĩ, một người có nhiều thực tế trong công tác pháp y.
Cách đây không lâu, một thầy giáo Trường THPT Tử Đà cho biết, em Quyền Thị Phương Hà bị một số bạn đánh từ tháng 9/2014 do hiểu nhầm dòng chữ chia sẻ trên trang mạng cá nhân facebook. Một tuần sau, Ban giám hiệu nhà trường mới biết tin. Bốn nữ sinh đánh bạn đã nhận kỷ luật là mức hạnh kiểm yếu học kỳ 1 và cảnh cáo toàn trường.

Tuy nhiên, do hậu quả của việc hành hung làm em Hà không nói được là rất nghiêm trọng nên phải đợi kết quả điều tra của cơ quan Công an mới có xử lý cuối cùng. Ông Bùi Văn Dũng, Phó trưởng Công an huyện Phù Ninh cho biết: Phải đợi kết luận của Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương (GĐPYTTTW), vì những học sinh này đánh bạn chỉ bằng tay chân, không dùng hung khí nên theo luật, tỉ lệ thương tật phải từ 11% trở nên mới có căn cứ khởi tố vụ án hình sự...

Chị Cao Thị Hằng, mẹ cháu Hà cho biết: Sau khi bị đánh, Hà về nhà đầu tóc bù xù, mặt có nhiều vết sưng tím, môi chảy máu. Mấy ngày sau, cháu không ăn được cơm, chỉ ăn cháo, mất ngủ triền miên, nhưng vẫn cố đi học. Những ngày  đầu, chị tưởng cháu còn đau miệng hoặc sợ sệt điều gì nên không nói, nhưng nhiều ngày sau, thấy cháu vẫn không nói được. Chị rất lo sợ, nên vay mượn tiền đưa cháu đi chạy chữa ở nhiều nơi nhưng không có kết quả.

Cháu Hà lầm lũi và giao tiếp với mẹ bằng viết giấy.

Khi đến Viện Sức khỏe tâm thần ở Bệnh viện Bạch Mai thì được biết cháu không nói được là do chấn thương tâm lý, khả năng khỏi bệnh, nói được rất khó tiên lượng.Từ đó đến nay cháu phải nghỉ học, hàng ngày giao tiếp với mẹ bằng ám hiệu hoặc viết ra giấy. Thỉnh thoảng cháu lại đem sách vở ra xem, nhìn ánh mắt và những biểu hiện thấy cháu rất khao khát đến trường… Ngay sau khi xảy ra sự việc, gia đình đã gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm, gửi đơn đến nhà trường và Công an huyện Phù Ninh…

Qua kiểm tra, bác sỹ thấy cháu Hà chỉ bị thương tích ở da, cơ vùng đầu mặt, cơ quan phát âm và não không bị tổn thương. Đến nay các vết thương phần mềm không còn dấu vết, mọi hoạt động,  trong đó có việc nghe, hiểu và viết của cháu Hà hoàn toàn bình thường, duy nhất cháu không nói được. 

Đây là chuyện không dễ lý giải và xử lý vì với cách nhìn trước kia thì những vụ hành hung phải xác định di chứng thương tích chẳng hạn sẹo, gãy xương, vỡ tạng… mà trường hợp cháu Hà không phải như vậy.

Trao đổi với các Giám định (GĐ) viên Pháp Y Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, chúng tôi được biết tại Viện đã GĐ một vụ việc mà bản chất "chấn thương" không khác gì vụ việc cháu Phương Hà. Do mâu thuẫn từ việc đổ rác nên Nguyễn Xuân ở cụm 2, xã H, Phúc Thọ, Hà Nội đã bóp cổ, đấm đá ông Nguyễn Phú ở cụm 4 cùng xã đến ngất.

Chứng thương số 314 của cơ quan y tế ghi: Sưng nề vùng mặt; vẻ mặt đau đớn, da tái, vã mồ hôi; cổ sưng nề, đau, có hai vết hằn,; sưng phù nề 2/3 ngực trái, khó thở, đau; gãy xương sườn III, IV trái; bí tiểu; thông bàng quang nước tiểu màu hồng (có máu); đặc biệt, ông Phú không nói được dù trước nay vẫn nói bình thường. Chẩn đoán: Chấn thương đầu, cổ, ngực, bụng; mất tiếng… Phiếu nội soi của Quân y viện 103, Hà Nội ghi: "Vòm họng niêm mạc nhẵn, không thấy u, không sùi loét hoặc thâm nhiễm. Hạ họng có nhiều dịch. Thanh quản không thấy u, hai dây thanh âm nhẵn, di động tốt.

Kết luận: Chưa thấy bệnh lý Tai - Mũi - Họng". Sau 14 ngày điều trị, ông Phú xuất viện vẫn không nói được. Thêm 9 ngày câm tại gia, ông Phú vào Viện  Tai - Mũi - Họng TW. Bệnh án số ghi: "Không nói được, không nuốt sặc. Xquang: tràn khí dưới da vùng cổ và vai hai bên. Soi thanh - khí - phế quản trực tiếp: hai dây thanh âm bình thường, di động tốt, thanh môn rộng, khí quản rộng, niêm mạc bình thường. Kết luận: Không có gì bất thường ở thanh khí phế quản".

Tuy nhiên, theo đơn trình báo của ông Phú thì Viện Tai - Mũi - Họng đã làm thủ thuật nội soi để kéo màn hầu lên vì cho rằng nguyên nhân mất nói là do bị bóp cổ dẫn đến tụt màn hầu. Sau 7 ngày ông Phú về nhà vẫn "câm". Sau 50 ngày cấm khẩu ông Phú viết đơn trình báo Công an huyện Phúc Thọ, đề nghị đưa ông đi GĐ...

Ngày thứ 58, theo Quyết định trưng cầu của Cơ quan CSĐT Công an huyện, ông được đưa đến Viện Khoa học hình sự. Khi đó, các thương tích phần mềm không còn. Khám thần kinh không liệt; cảm giác bình thường; các phản xạ bình thường kể cả phản xạ nuốt và màn hầu không liệt; 12 đôi dây thần kinh sọ não bình thường. Khám tâm thần không có ảo giác, hoang tưởng hay ý tưởng nghi bệnh.

Hành vi tác phong bình thường. Định hướng bản thân và các định hướng khác tốt. Trí nhớ tốt. Trí tuệ không có biểu hiện sa sút. Khí sắc trầm, lo sợ bị đánh. Duy nhất có mất nói là triệu chứng bệnh lý. Tuy không nói được nhưng ông Phú vẫn nghe tốt, hiểu rõ và "trả lời" đúng nội dung câu hỏi bằng cách viết.

Cũng theo các GĐ viên Pháp Y, Bộ Công an thì các dây thần kinh trung ương số IX, X, XI, XII và những nhánh của dây X, XI chi phối việc phát âm ở thanh quản và co cơ vùng hầu họng, vận động lưỡi. Nếu tổn thương các dây hoặc các nhánh thần kinh này sẽ không nói được, hoặc liệt màn hầu gây nuốt sặc hay mất phản xạ nuốt…

Tuy nhiên, các bộ phận phát âm này của ông Phú bình thường như đã nói ở trên. Xét nghiệm Xquang ở BV huyện, Viện Tai - Mũi - Họng Trung ương và Trung tâm GĐPY Viện Khoa học hình sự đều không thấy tổn thương xương sọ và mô não. Ông Phú không có bệnh lý thần kinh, không loạn tâm thần, hoạt động nhận thức hoàn toàn bình thường, vẫn nghe tốt, hiểu rõ lời nói và trả lời đúng bằng cách viết chứng tỏ dây thần kinh trung ương số VIII (phụ trách nghe), các trung tâm (TT) tiếp nhận ngôn ngữ (NN) nghe, đọc và TTNN viết của não đều bình thường.

Vậy thì nguyên nhân sâu xa của triệu chứng "câm" ở đâu? Trong bệnh lý tâm thần triệu chứng mất nói có ở bệnh tâm thần phân liệt với trạng thái phủ định (phủ định bản thân, xung quanh hay tất cả) mà không nói (mutisme). Không nói là biểu hiện ức chế tâm thần trong trạng thái hay bệnh trầm cảm; không nói có thể do hoang tưởng, ảo giác chi phối (ra lệnh) hoặc bị lú lẫn, mất trí… Triệu chứng này cũng rất thường thấy ở "Rối loạn phân ly" (rối loạn tâm thần do căn nguyên tâm lý) do liệt cơ năng cơ quan phát âm (không nói được nhưng cơ quan phát âm không hề tổn thương).

Ở ông Phú, các bệnh tâm thần nặng như phân liệt, mất trí, trầm cảm, lú lẫn được các GĐ viên pháp y loại trừ. Nạn nhân không có thương tích trầm trọng như vỡ xương sọ, tổn thương mô não. Vậy thì vong ngôn ở đây liệu có phải là bệnh tâm căn, hậu quả của sang chấn tâm lý (bị hành hung) ở một người có loại hình thần kinh "nghệ sĩ" yếu với hoạt động cảm xúc tăng mạnh lấn át hoạt động lý trí?

Biên bản GĐPY tâm thần số 50/GĐPYTT của Viện GĐPYTTTW đã chứng minh định hướng đúng của các GĐ viên pháp y Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Biên bản ghi nhận hình thái sọ, não, hoạt động thần kinh và tâm thần của ông Phú hoàn toàn bình thường, ngoại trừ vong ngôn. Triệu chứng này hiện hữu qua hai tháng theo dõi GĐ tại Viện. Chẩn đoán xác định của Viện GĐPYTT là "Rối loạn phân ly thực tổn", mã số F06.5 theo phân loại bệnh tâm thần Quốc tế lần thứ 10 (ICD10) hiện hành.

"Rối loạn phân ly" là tên gọi theo ICD10 của bệnh Hysteria (tên cũ, ICD9), với triệu chứng đa dạng: co giật, co cứng; nói khó, nói lắp hoặc không nói (câm); mù; điếc; liệt; mất vị giác và rất nhiều triệu chứng đa dạng khác… "Rối loạn phân ly thực tổn" được chẩn đoán khi có các triệu chứng của rối loạn phân ly và đủ tiêu chuẩn của một bệnh căn thực tổn não.

Hiện tại, xét nghiệm không thể phát hiện những tổn thương não quá nhỏ, nhưng Tâm thần học thế giới đã thống nhất có "Rối loạn phân ly thực tổn". Tương tự như, có vô số bệnh nhân động kinh không rõ căn nguyên mà các xét nghiệm hiện tại không phát hiện được bất thường ở não, nhưng bệnh nhân vẫn lên cơn động kinh.

Ông Phú được xác định mất 23% sức khỏe và kẻ hành hung đã chịu sự xử lý của pháp luật. Với trường hợp cháu Hà, hiện Viện GĐPYTTTW chưa có kết luận GĐ, và những ngày gần đây cháu đã có thể nói ú ớ. Tuy nhiên, việc cháu mất nói trong khi mọi hoạt động khác vẫn bình thường thì khó có chẩn đoán khác ngoài "Rối loạn phân ly thực tổn". Nếu hiệu quả điều trị kém hiệu quả, hoặc không khỏi thì theo Barem thương tật hiện hành, tỉ lệ thương tật dao động từ 11 -35%.

Qua 2 vụ việc trên chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc có cái nhìn đúng về những nạn nhân bị bạo hành và để lại di chứng mất nói cũng như những khó khăn gặp phải trong công tác điều tra xử ký của cơ quan điều tra.

Nguyễn Văn
.
.
.